logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 22/07/2018 lúc 10:00:53(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 23,720

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Văn biết chàng sẽ gặp lại Loan. Đã từ hàng mấy chục năm nay. Chàng chắc chắn sẽ có ngày gặp Loan ở đâu đó. Không gian nào, thời điểm nào, chàng không quan tâm đến. Văn biết rõ ràng là chàng sẽ thấy lại Loan, nghe tiếng nàng cười, ngửi thấy mùi hương thoang thoảng bay, để thấy nhịp tim chàng rộn ràng trở lại. Như những ngày xa xưa cũ. Không phải là Văn tin tưởng chàng sẽ gặp lại Loan. Vì từ lâu lắm rồi, chàng không còn tin vào bất cứ điều gì. Tôn giáo, tín ngưỡng, ý thức hệ, tương quan giữa người với người, cuộc sống hiện tại, cuộc đời về sau, nếu có. Và ngay cả tình yêu. Chàng không còn tin tưởng gì. Và cũng chẳng đoái hoài đến. Sự gì đến, sẽ đến. Thế thôi! Nhưng chỉ một điều duy nhất làm chàng bận tâm. Là chàng biêt sẽ gặp lại Loan một lần cuối cùng, lúc nào đó, ở đâu đó. Trước khi chàng không còn trên cõi đời này nữa. Văn không đi tìm, không dò hỏi gì về Loan. Từ khi còn ở Việt Nam. Và sau khi sang đến bên này, phải đến hơn ba mươi năm rồi. Có thể Loan ở ngay góc phố bên cạnh khu chàng ở. Hay ở một quốc gia nào xa tít mù. Văn không cần biết. Vì một ngày nào đó, có thể chàng sẽ thấy Loan trong một thương xá, trong tiệm ăn. Hay đứng cạnh nhau trong siêu thị đông người. Hay ngồi cạnh nhau trong một
chuyến bay băng ngang Đại Tây Dương. Hoàn cảnh nào cũng được. Thời gian nào cũng thế thôi. Chàng biết sẽ gặp Loan trước khi chàng thở làn hơi cuối cùng của cuộc đời chàng!
* * *
Văn nhảy từng ba bậc một của cầu thang vòng lên lầu hai của nhà hàng Kim Sơn. Đã hơn 7.30 tối. Chàng hy vọng đám cưới này cũng bắt đầu trễ như thói quen thông thường của người Việt. Giấy mời để 6 giờ, nhưng phải trễ ít nhất một hay hai tiếng mới là phải phép! Chuyến bay từ Orange County sang Houston của chàng để dự đám cưới con trai một người bạn thân, đã chậm lại gần 2 tiếng đồng hồ. Rồi thuê xe của hãng Hertz để lái từ phi trường đến tiệm ăn, Văn cũng phải xếp hàng đợi hơn nửa tiếng!
Văn phải thu vếp công việc để bay sang vào giờ cuối, theo lời khẩn nài của người bạn chàng, mong có mặt chàng cho đám cưới người con trai duy nhất. Văn kéo ghế ngồi vào chỗ chàng trong bàn ăn. Đám cưới này bắt đầu hơi sớm đối với người Việt. Bồi đã mang ra món ăn đầu tiên và Văn thoáng thấy từ đàng xa, cô dâu, chú rể và hai họ đã bắt đầu đi chào bàn. Chàng đã thiếu phần đầu tiên của giới thiệu hai bên của đám cưới. Các cặp trong bàn bắt đầu mang ra phong bì tiền mừng và mọi người ép Văn để đại diện bàn đứng lên chúc tụng và trao tiền mừng. Lý do là chàng nhiều tuổi nhất! Văn mỉm cười. Chàng không ngờ bây giờ mình đã già đến mức đó. Để bàn đám cưới đồng lòng kính lão đắc thọ, bầu cho chàng đại diện! Phái đoàn của đám cưới đã đến bàn chàng. Cô dâu và chú rể đến trước, cha mẹ hai bên còn lẩn quẩn ở bàn bên cạnh chụp hình và cười nói huyên thuyên với bạn bè chúc tụng. Văn ngẩng đầu nhìn lên. Chàng sững sờ. Loan! Loan đây rồi! Nhưng không thể được! Cô dâu không thể là Loan, trẻ đến mức đó. Văn dụi mắt. Loan đang đứng trước mặt chàng, đẹp tuyệt vời như ngày chàng gặp nàng lần đầu tiên. Nhưng chàng hiểu ngay. Mẹ của cô dâu vừa đến bàn chàng. Và hai mẹ con giống nhau như hệt! Văn đứng lên. Giọng chàng lạc hẳn: “Em! Loan!”. Người đàn bà chợt khuỵu xuống. Cặp mắt thất thần, nhìn Văn như hồn ma từ cõi chết trở về. Loan nói nhỏ, lắp bắp như người hụt hơi: “Anh
Văn! Anh Văn!”. Và nàng nhắm nghiền đôi mắt, bấu lấy vai người bên cạnh như sắp ngã quỵ.
* * *
Văn biết đến Loan ngày chàng ghé tỉnh lỵ Tây Ninh để thăm Kính, người bạn cũ từ thời thơ ấu. Kính là dược sĩ tại Quân Y Viện Tây Ninh. Đơn vị của Văn mới được điều động về yểm trợ cho Trung Đoàn 42 đóng căn cứ tại Trảng Lớn. Văn đi hành quân liên miên suốt mấy tháng trời và khi có mấy ngày phép, chàng mới có dịp để ghé thăm người bạn thân đã mấy năm không gặp. Trong bữa ăn tối, Kính nói huyên thuyên. Chàng kể cho Văn nghe chuyện sau khi ra trường, làm việc như thế nào, tình hình chiến trường chung quanh Tây Ninh, chuyện Quân Y Viện bị pháo kích từ đỉnh núi Bà Đen làm ông bác sĩ trưởng khu giải phẫu bị miềng ghim trúng tim chết ngay khi đang khám bệnh. Văn nghe lơ đãng, phụ họa qua loa. Chàng cũng kể cho Kính nghe những cuộc hành quân chàng đã trải qua ở Quân Khu 2 trước khi về đây. Nhưng điều chính là chàng thấy cảm thấy lòng thanh thản khi ngồi gần người bạn thân, nghe những câu bông đùa và nhắc lại những kỷ niệm cũ. Chỉ cần thế thôi. Để quên đi những ám ảnh và những hình ảnh của chết chóc, thê thảm hằng vây quanh chàng. Văn gần như không nghe câu Kính hỏi:
– Mày về đây đã tới quán cà phê Loan chưa?
Văn lắc đầu. Kính nói tiếp:
– Quán này mới mở mà đông vô chừng. Tao và cả bọn Quân Y Viện đêm nào cũng kéo ra ngồi ngắm cô chủ quán. Ăn xong tao dẫn mày ra xem mặt em. Đẹp lạ lùng. Chắc mày cũng phải mê. Thấy Văn chỉ mỉm cười. Kính kể tiếp:
– Nhà em không phải thường đâu. Cũng là gia thế tại Tây Ninh này đây. Có điều lụn bại nên em mới mở quán cà phê. Chị của cô nàng cũng đẹp lắm, nghe đồn là vợ bé của Trung Đoàn Trưởng 42 ở đây. Nên quán của em nổi tiếng, lại yên nữa. Ăn nhanh lên, mình đi sớm, không hết chỗ ngồi!
Khi Văn và Kính đến quán cà phê trời đã bắt đầu tối. Quán trông đặc biệt vì là một gian trong ngôi nhà bề thế ngay trong tỉnh lỵ, được sửa lại làm quán cà phê. Sân ngoài lát gạch với những chậu cây lớn trông có vẻ cổ kính. Ngôi nhà trên tối om, hoang vắng, tương phản kỳ lạ với gian nhà ngang mang bảng hiệu “Cà Phê Loan”, đầy người và khói thuốc lá mù mịt. Khách hàng phần lớn là sĩ quan của tiểu khu, quân y viện, một số binh chủng của các đơn vị đóng vòng ngoài tỉnh lỵ Tây Ninh và sĩ quan của Trung Đoàn 42 Văn thường gặp. Văn và Kính kiếm mãi mới được một bàn trống. Kính đảo mắt nhìn khắp nơi rồi mới chiu ngồi xuống, giọng đầy thất vọng:
– Mày xui! Chắc em về Sài Gòn nên không thấy đâu cả!
Văn lắc đầu cười. Chàng gọi cà phê và để ý đến tiếng nhạc. Tây Ninh cũng bắt đầu giống như Sài Gòn. Quán cà phê mọc lên như nấm để cho những quân nhân như chàng hay những thanh niên chờ ngày nhập ngũ đến để thả hồn theo tiếng nhạc và khói thuốc. Nhạc ở đây tương đối chọn lọc, có nhiều bài hát chàng ưa thích và ít nghe. Văn chắc cô chủ quán biết thưởng thức âm nhạc và chàng nảy ra ý tò mò muốn biết mặt người con gái bạn chàng ca tụng không tiếc lời. Văn châm điếu thuốc và lắng nghe tiếng nhạc êm dịu từ cuối phòng. “Tình duyên lãng đãng nhớ thương dần pha phôi”. Bản Cung Đàn Xưa của Văn Cao, bản nhạc hay chàng ít khi có dịp được nghe.
Kính nói nhỏ với Văn:
– Loan kìa!
Văn quay đầu nhìn. Chàng sững sờ. Đứng gần quầy phía trong là một thiếu nữ đẹp lạ thường. Nàng mặc chiếc áo dài xanh ôm sát, dáng cao, vẻ quí phái tự nhiên. Khuôn mặt trái soan trắng hồng, mũi cao thanh tú và đôi mắt to đen mê hoặc. Nàng toát ra một sức hấp dẫn mạnh mẽ, lôi cuốn kỳ lạ. Những người trong quán đều chăm chú nhìn nàng, như những kẻ lên đồng, mất hết tự chủ, sẵn sàng trở thành những tên nô lệ trung thành cho nàng sai khiến.
Quán bỗng trở nên im lặng. Những tiếng nói chuyện rào rào lúc trước biến mất nhường chỗ cho tiếng nhạc êm dịu vang lên rõ ràng, thánh thót. Văn mỉm cười khi nghe tiếng thở nặng nhọc của Kính. Chàng lắc đầu:
– Mày mê em đến thế cơ à!
Kính cười gượng gạo không nói. Chàng lại quầy nói nhỏ với Loan và trở lại bàn. Một lúc sau Loan đến gần chỗ hai người ngồi. Kính đứng lên giới thiệu. Văn có dịp nhìn kỹ hơn sau khi nói mấy câu khách sáo. Càng nhìn gần, Văn càng thấy Loan đẹp và hấp dẫn. Nàng nói chuyện với Kính nhưng chốc chốc nàng liếc mắt nhìn Văn, đôi mắt dò hỏi như chứa đựng ngạc nhiên và kích thích. Văn trả lời sơ sài vài câu hỏi của Loan về chàng và càng lúc càng thấy ngột ngạt với ánh mắt của Loan. Văn cảm nhận ngay sự hấp dẫn giữa chàng và Loan. Không khí chung quanh như chợt thành nặng nề, đè nén, dày dặc như có thể dùng dao cắt ra từng phần nhỏ! Kính càng nói càng mất tự nhiên và sau cùng cả ba người cùng im lặng. Văn lặng lẽ nhìn Loan không chớp mắt. Chàng ngạc nhiên thấy Loan càng lúc càng đẹp hơn như một người con gái đẹp nhấp chút rượu mạnh. Mắt nàng long lanh. Gò má ửng hồng. Người nàng tỏa ra mùi hương đầy nồng nàn. Loan như thay đổi hẳn trong vòng thời gian nàng ngồi xuống nói chuyện với Kính và Văn. Đẹp hơn, yêu kiều hơn và càng lúc càng quyến rũ. Văn lên tiếng để đánh tan bầu không khí nặng nề:
– Loan có bài nhạc Les feuilles mortes không?
Nàng gật đầu và đứng lên để kiếm băng nhạc. Văn đứng dậy kéo ghế cho nàng và tay chàng chạm phải mái tóc dài của Loan. Nỗi êm dịu nhẹ nhàng chợt ùa đến xâm chiếm lấy hồn Văn. Tóc Loan sao mềm mại quá. Mùi hương từ mái tóc nàng làm chàng ngây ngất. Văn chợt thấy mình thay đổi. Niềm êm dịu như dần dần lớn dậy, bó chặt lấy trái tim làm chàng nghẹt thở. Và chàng bàng hoàng, rùng mình khi chợt nghe tiếng hát từ cuối phòng vọng đến:
Mais la vie sépare
Ceux qui s’aiment
Tout doucement
Sans faire de bruit.
* * *
Văn trở lại quán của Loan ngày hôm sau. Sáng sớm chưa có một ai. Loan mời chàng lên căn nhà trên, nơi có sàn sân gạch cổ xưa phủ rêu xanh và những chậu cây lớn xếp hàng lối đi. Nàng không ngạc nhiên như biết Văn sẽ trở lại gặp nàng sau buổi tối hôm trước. Nàng nắm lấy tay chàng dắt vào trong nhà và nói nhẹ nhàng:
– Anh ngồi đợi em pha cà phê và làm trứng để anh dùng ăn sáng.
Văn nhìn Loan. Tim chàng đập nhanh. Lòng rộn ràng. Mùi hương từ nàng tỏa ra bao phủ, tràn ngập lấy chàng, quấn quít không rời. Chàng không muốn nàng rời xa, dù chỉ để sửa soạn bữa điểm tâm cho chàng. Như một cặp tình nhân đã lâu ngày, biết ý nhau từng điểm nhỏ, biết sở thích của nhau từng tí chút. Như đôi vợ chồng thắm thiết, lo lắng cho nhau. Loan pha ly cà phê cho chàng, một chút sữa để thơm ngát và chút bơ để óng ánh vàng ngậy. Làm trứng và bánh mì cho chàng như sở thích của Văn nàng đã biết hết. Tự nhiên và trực giác như hai người đã là đôi tình nhân của bao kiếp trước, trải qua biết bao thế kỷ và những thăng trầm của ngàn năm qua. Họ không cần phải nói điều gì thừa thãi. Chỉ cần ánh mắt nhìn nhau và nụ cười trên môi cho nhau. Đã đủ để thấy lòng trầm lắng và nỗi êm dịu thấm tràn. Chàng nói với Loan khi ăn sáng xong:
– Em sửa soạn để mình về Sài Gòn!
Nàng mỉm cười, dặn lại người giúp việc trông coi quán và theo Văn ra xe, giản dị và không cần hỏi lại như đã hẹn để cùng nhau về Sài Gòn chơi đã từ lâu lắm.
***
Văn dắt Loan đi khắp phố phường của Sài Gòn, thành phố bình yên như không hề biết đến cuộc chiến khốc liệt đang bao trùm đất nước. Chàng mặc đồ chiến của binh chủng chàng, Loan mặc chiếc áo dài màu xanh như đêm chàng gặp nàng trong quán cà phê. Họ đi suốt con đường Lê Lợi, ra đường Nguyễn Huệ, bọc lên đường Tự Do, rồi trở lại chợ Bến Thành. Buổi trưa Văn đưa Loan đến quán bà Ba Bủng để ăn món bún ốc, món ăn Loan chưa bao giờ thử. Rồi ghé tiệm Prince để ăn kem ba màu với Chantilly. Văn muốn thấy mình là người bình thường như những ngày chàng chưa nhập ngũ, chưa tham dự những cuộc hành quân đẫm máu và tàn khốc. Chàng muốn cả cuộc đời chàng thu gọn lại trong một ngày chàng dạo phố mùa xuân với người yêu. Trên những con đường thân ái, an bình. Nơi chốn có những cửa hàng sang trọng trong thương xá, có những chỗ ăn vặt với bò khô, bò bía, nước mía Viễn Đông. Và có rạp xi nê Rex sau khi chàng và Loan đã mỏi chân đi lên đi xuống suốt các con đường của trung tâm thành phố. Nếu cuộc đời chỉ ngắn như một ngày Văn và Loan dạo phố. Không! Chàng còn hai ngày phép trước khi trở lại chiến trường. Và sự gì sẽ xảy ra sau hai ngày này, làm sao chàng biết được!
Văn nói với Loan, giản dị:
– Mình đi mua ít đồ tắm rồi ra Cấp tắm biển!
* * *
Loan từ dưới nước bước lên bờ và Văn chợt rùng mình. Sao thân hình nàng có thể tuyệt mỹ đến thế. Chàng nhớ đến bức tượng Venus de Milo, biểu tượng cho nét đẹp của Tây Phương. Và chàng tưởng tượng một tiền kiếp nào xa xưa lắm, có phải Loan đã là mỹ nhân của hòn đảo Milo của Hy Lạp, cho điêu khắc gia của tiền sử, tạc tượng lưu truyền đến bây giờ. Văn đã sống với nàng hai đêm tại thành phố bờ biển này. Tình yêu tuyệt vời của chàng với Loan đã trở thành trọn vẹn. Khi thời gian đã được cô đọng lại để biến thành đam mê đến cùng cực. Để chất ngất của tuyệt vọng hóa thân thành nỗi chết gần kề. Và níu kéo của tình yêu trong môi hôn đớn đau đã đưa nhau trở lại sự sống. Văn không biết nữa. Ý thức của không gian và thời gian đã tan biến. Khi chàng và Loan ngụp lặn trong sóng biển của Bãi Sau. Và khi đêm khuya, trăng sao vằng vặc trên nền trời, chàng và Loan đã cùng nhau sánh bước trên những sóng con tắp vào bờ của Bãi Dứa. Văn không biết rõ chàng có ngủ giấc nào không. Vì chàng hoàn toàn bị Loan chiếm ngự. Văn không muốn lúc nào chàng rời mắt khỏi Loan, nụ cười của nàng tràn ngập hồn chàng, Văn không muốn mất đi một khoảnh khắc nào dù ngắn ngủi đến đâu đi nữa. Và mùi hương của nàng lúc nào cũng bao phủ chàng, chỉ cần rời xa nàng một nửa bước, Văn đã thấy tất cả là vô tri vô giác, mọi sự đều thành bất động. Và trống rỗng, không một chút mùi vị nào cho sự sống đã trở thành vô hồn. Văn dắt nàng vào những quán ăn của thành phố. Để nhìn nàng thích thú thưởng thức những món ăn đặc biệt của vùng biển. Nhưng chàng nào thiết gì đến chuyện ăn uống. Vì chàng đã thấy đầy đủ, no say. Chỉ với Loan bên cạnh chàng. Cuộc đời chàng bỗng trở thành thần tiên, hư ảo. Như tất cả những thực tại của đời sống bỗng biến mất. Chiến tranh cũng đã lùi xa trong trí tưởng. Những tiếng bom đạn, những tiếng gào thét, những rên rỉ và những cặp mắt vô hồn của những xác chết. Tất cả đều tan biến. Như không còn nữa. Như chỉ là những giấc mơ xấu xa, quái ác, không thực. Và bây giờ mới là thực tại. Mới là cuộc đời. Mới là sự sống, triền miên và mãnh liệt. Của Loan và chàng, không bao giờ chấm dứt. Và không bao giờ ngơi nghỉ. Nhưng buổi sáng của ngày về và ra tắm biển lần cuối, Văn chợt bàng hoàng ý thức. Hai ngày đã qua là cả cuộc đời chàng, được thu gọn lại. Và chàng đã sống cả cuộc đời mình với Loan trong hai ngày đó. Vì sau đó, chỉ là trống rỗng và vô nghĩa. Hoàn toàn không còn gì nữa cả. Cho chàng. Văn dắt Loan đi dọc bờ biển. Và ngồi trên bờ để nhìn thủy triều dần lên. Xóa những vết chân. Của chàng và Loan. Đến khi không còn chút vết tích.
* * *
Văn không gặp lại Loan sau khi ở Cấp về. Đơn vị chàng được gửi đi ngay đến Phước Long để đối đầu với Việt Cộng đang dồn quân đến thành phố này. Chiến thuật “diện và điểm” đã được thực hiện đến giai đoạn chót. Bộ Tổng Tham Mưu của Việt Nam Cộng Hòa đã tưởng mặt trận chính là Tây Ninh và tăng cường lực lượng chung quanh thành phố để giữ Tây Ninh. Nhưng Phước Long mới chính là mục tiêu. Và khi đơn vị của Văn được gửi đến giải cứu cho Phước Long, tình hình đã quá muộn. Phước Long thất thủ vào tháng 1 năm 1975. Gần như toàn bộ đơn vị của Văn đã bị tiêu tan. Chàng bị thương không chết nhưng bị bắt làm tù binh cùng tất cả các sĩ quan của tiểu khu và bị giải ra Bắc, giam giữ ở Yên Báy. Văn bị giam cầm suốt 7 năm dài tại đây. Nhưng chàng vẫn bình thản chịu đựng. Cuộc đời chàng đã thu gọn trong hai ngày với Loan. Chàng cần gì hơn nữa. Sống hay chết, bị giam giữ hay tự do, cũng thế thôi! Văn được thả về và chỉ khi đó chàng mới biết tin tức về Loan. Một người quen ở Tây Ninh đã tình cờ gặp Văn tại Sài Gòn và cho chàng biết. Loan tưởng chàng đã chết khi Phước Long thất thủ nên sau mấy tháng đã nhận lời lấy Kính. Hai người rời khỏi Tây Ninh và đi thoát ngay trong ngày 30 tháng 4.
Văn tìm cách vượt biên ngay sau khi được thả về. Chàng đi tất cả 5 lần nhưng đều bị bắt lại. Mỗi lần đều bị giam tại Chí Hòa. Nhưng được thả, Văn lại tổ chức để vượt biên tiếp. Lần thứ sáu chàng mới thành công. Ở bên đảo hơn ba năm, sau cùng chàng cũng vào được đến Hoa Kỳ. Nhưng Văn không đi tìm Loan. Chuyện gì đến, sẽ đến.
***
Văn ngồi xuống bàn khi đoàn cô dâu chú rể đi sang bàn khác. Chàng đã cầm lấy tay Loan để trao những phong bì mừng đám cưới. Chàng đã nhìn vào đáy mắt nàng để biết rằng tình yêu vẫn còn đó. Và chàng đã được thở hít mùi hương từ mái tóc nàng, da thịt nàng. Sau 42 năm dài xa cách. Người bạn cha của chú rể chưa chịu đi ngay. Nói huyên thuyên đủ chuyện, vui mừng khi thấy Văn bay sang tham dự đám cưới. Nhưng Văn nào có nghe gì. Chàng chỉ để ý khi bạn chàng nói về Loan, có một đời chồng trước nhưng đã mất mấy năm rồi. Văn gật đầu. Chàng còn mải để tâm hồn trở về dĩ vãng. Nơi chàng đã sống hai ngày, của cả một đời chàng. Văn giật mình khi nghe người giới thiệu chương trình tuyên bố mẹ của cô dâu sẽ lên micro mở đầu cho chương trình văn nghệ. Và chàng nghe tiếng hát của Loan. Les feuilles mortes. Bài hát của chàng và Loan, 42 năm trước.
Mais la vie sépare
Ceux qui s’aiment
Tout doucement
Sans faire de bruit
Et la mer efface
Sur le sable
Les pas des amants Désunis.
* * *
Văn ngồi trên chuyến bay từ Houston trở về Orange County ngay trong đêm đó. Chàng rời khỏi bàn tiệc ăn lúc Loan vừa chấm dứt bài hát, không để Loan có thời giờ đến gặp chàng. Văn thấy đã quá đủ. Hai ngày. Mấy chục năm. Cũng thế thôi. Chàng đã gặp lại Loan. Và nàng đã nói lời cuối với chàng. Bằng bài hát của hai người. Trong đêm gặp nhau lần đầu. Của cả một thời xa xưa cũ. Và chàng nghe lại lời của bác sĩ Olsen, của đại học y khoa Irvine, đã nói với chàng trước ngày chàng sang Houston: “Ung thư của ông đã chạy khắp cơ thể. Ông không muốn chữa chạy gì nên thời gian không còn bao lâu. Có thể một tháng, hay chỉ một hai tuần. Ông đi xa lần này sẽ là lần cuối. Và cần trở lại ngay để vào hospice. Những vết đen trong não bộ sẽ lớn lên rất nhanh và gây ra hôn mê rất sớm.” Văn mỉm cười. Chàng đã sống đủ rồi. Trong hai ngày với Loan. Và nàng đã từ giã chàng bằng lời cuối của bài hát đó. Không còn gì để tiếc nuối nữa. Và Văn cảm nhận sự an bình, từ mấy chục năm qua, như một giải thoát, sau cùng đã đến với chàng.
Nguyễn Đình Phùng
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.198 giây.