Chiến dịch gửi thư cho tù nhân lương tâm
Một nhóm các nhà hoạt động ở Việt Nam vừa phát động chiến dịch viết thư cho các tù nhân lương tâm tại Việt Nam, dựa theo mô hình chiến dịch viết thư tay của tổ chức Ân xá Quốc tế, với mục tiêu cải thiện điều kiện giam giữ và hỗ trợ tinh thần cho các tù nhân.
Ý tưởng do một nhóm trẻ hoạt động cho dân chủ nhân quyền tại Sài Gòn đưa ra sau khi được một cựu tù nhân chia sẻ về tác động của những lá thư viết tay mà Ân xá Quốc tế gửi vào nhà tù.
“Từ một tù nhân lương tâm từng ở tù là anh Trương Quốc Huy. Anh ấy thuật lại rằng khi còn ở trong tù, mỗi lúc có chiến dịch vận động viết thư như vậy, anh nhận được nhiều thư từ bên ngoài gửi vào thì đời sống của anh bên trong nhà tù được cải thiện rất nhiều”, Trịnh Kim Tiến, một trong những thành viên vận động cho chiến dịch, nói với VOA.
Chiến dịch viết thư tay cho các tù nhân đấu tranh cho nhân quyền có tên “Write for Rights” là sáng kiến của tổ chức Ân xá Quốc tế. Hoạt động diễn ra hàng năm này đã mang hàng triệu lá thư tay đến cho các tù nhân lương tâm trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Theo một thành viên khác của chiến dịch, nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang, chiến dịch viết thư tay của Ân xá Quốc tế có hiệu quả chuyển tải thông điệp cảnh báo đến các nhà nước độc tài, cho các tù nhân biết họ không cô đơn, và “tạo ra sự thay đổi, ít nhất là cải thiệu đáng kể đời sống của tù nhân lương tâm trong trại giam”, bà Trang viết trên trang Facebook.
Một số tù nhân lương tâm bị giam giữ ở Việt Nam.
Trên thực tế, thân nhân của nhiều tù nhân lương tâm cho biết tất cả thư từ gửi cho người thân của họ đều phải được “kiểm duyệt” kỹ lưỡng và phần lớn bị trả lại với lý do có nội dung “nhạy cảm”.
Anh Trần Huỳnh Duy Tân, em trai của tù nhân Trần Huỳnh Duy Thức, cho biết thêm:
“Thứ nhất là thông tin bên ngoài từ ‘lề trái’ hay trên mạng xã hội, không chính thống, thì họ không cho nhận. Những tài liệu bằng tiếng Anh thì chắc chắn họ trả lại luôn. Họ nói rằng họ không có trách nhiệm để kiểm duyệt những tài liệu như vậy. Sách, báo chí, thư từ… nếu bằng tiếng Anh thì chắc chắn họ trả lại hết, cho dù sách đó do Nhà xuất bản trong nước phát hành”.
Nhóm vận động viết thư cho biết tính đến ngày 2/8, đã có 24 lá thư tay gửi đến cho các tù nhân lương tâm như Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga, Trần Huỳnh Duy Thức, Hoàng Bình…
“Càng nhiều người gửi thư thì mình càng tạo áp lực lên các cán bộ trại giam ở những trại giam các tù nhân lương tâm. Khi mình làm, có thể họ [tù nhân] không nhận được nhưng họ biết được rằng đã và đang có nhiều người gửi thư cho mình, thì họ sẽ cảm thấy được động viên rất nhiều”, Trịnh Kim Tiến nói.
Theo tổ chức Ân xá Quốc tế, Việt Nam hiện đang giam giữ hơn 100 tù nhân lương tâm trong điều kiện “tội tệ” và “bị ngược đãi”.
Một trong số các tù nhân đang chịu án tù nặng là blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, gần đây đã phải tuyệt thực đến lần thứ 3 để phản đối việc liên tục bị bạn tù lăng nhục và đe dọa đến tính mạng. Blogger này chỉ thôi tuyệt thực sau chuyến thăm của đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tới nơi giam giữ cô ở Thanh Hóa hôm 23/7.
Hà Nội luôn khẳng định “không có cái gọi là tù nhân lương tâm” tại Việt Nam và chỉ bỏ tù những người vi phạm pháp luật.
Theo VOA