Khi những dòng chữ này được viết ra, tờ lịch trước mặt người viết là những ngày cuối Tháng Bảy, 2018.
1.
Mặc dù chuyện cũ đã qua bao lâu đi nữa, đối với một người sinh ra ở miền Bắc Việt Nam, Tháng Bảy vẫn là một vết thương. Vết thương ấy xảy ra vào năm 1954, lúc tôi 16 tuổi, vừa qua tuổi thiếu niên, chưa thực sự trưởng thành như một thanh niên có nhận thức với các sinh hoạt xã hội liên đới.
Tuổi ấy với các thiếu nữ là tuổi trăng tròn, song đối với các “thanh nam,” vẫn còn đang ở tuổi chập chững, ngỡ ngàng, nhiều chuyện dù đã biết, nhưng hành động thì chưa thực sự đã dám hành động cho ra ngô ra khoai.
Những dòng chữ trên không viết về tuổi 16, chắc chắn chưa viết về tuổi trưởng thành, chỉ mơ hồ ở ngã ba hai nẻo rẽ, có thể là rẽ trái, mà cũng có thể là rẽ phải, tùy thuộc người ta đang nhìn lên hướng Bắc, hay đang ngó xuống phương Nam.
Tôi chợt nghĩ, có lẽ chính là hướng Nam là hướng thời niên thiếu người ta vọng tưởng, có phải như thế không nhỉ, hỡi chàng trai trẻ thời mới lớn những năm xưa?
Bởi vì miền Bắc đất nước không nhiều, từ biên giới ngoại bang tới thủ đô đất nước, xe chỉ chạy một tiếng đồng hồ là tới. Cho nên chính phương Nam là không gian bao la mộng tưởng của tuổi trẻ, nhất là tuổi trẻ của tôi.
2.
Khối trụ nặng nề ấy chỉ cần gọi một cách giản dị: cột cây số số 47. Đó như một tấm bia dày, chân bia chôn bên vệ đường, khá to, không hẳn vuông vắn song có bốn cạnh, từ mặt đất tới một sải tay thì phần trên không còn vuông vắn mà trở thành một đường tròn vòng cung nhẵn nhụi.
Còn nhớ cột cây số sơn trắng cả bốn mặt, nếu bề rộng cỡ 45 cm thì bề ngang cũng phải 30 cm, bên trên sơn đỏ, khoảng dưới trắng, trên nền trắng kẻ con số 47 màu đen. Cột cây số này trồng gần dốc chùa làng, phía bên kia hai thanh đường sắt của đường rầy xe lửa, song song với đường rầy là con đường cái quan, tức là quốc lộ 1. Bọn trẻ con chúng tôi đều tự nhiên chọn cây số 47 làm điểm mốc cho mọi chuyện.
Cứ đến đấy đã rồi mọi chuyện tính sau.
Phía trước cột cây số 47 là dốc chùa làng Đồng Văn, phía sau cột mốc là con sông đào, ít thấy thuyền qua lại; bên trái cột là hướng xuôi Phủ Lý Nam Định, bên phải cột là lối thẳng lên Hà Nội.
Nếu men dốc chùa đi xuống sẽ là đường vào chùa Đổng Kính, chỉ những ai tinh ý sẽ thấy nếu men theo rặng tre ven hồ sen sau chùa, đi một ngày đường sẽ tới Cống Thần Chợ Đại, một vùng thương mại và hàng lậu và những dáng người tứ xứ giang hồ hay thanh lịch, đi xe đạp Sterling, Peugeot, vai khoác ba lô, xà-cạp bó hai ống quần, miệng phì phèo điếu thuốc lá Cotab. Và phụ nữ thì không chỉ mặc áo cánh mà mặc áo dài, nếu không thì còn mặc áo sơ mi và mặc váy.
Từ mặt sau của cột cây số 47 thụt lùi xuống mé con sông đào, nhìn xa xa thấy dáng núi xanh mờ, đó là làng Ngô Xá quê mẹ tôi, nơi tôi đã nhiều lần theo mẹ về quê ngoại tới chân núi chùa Hương. Những dáng núi xanh mờ đó nhìn thấy mỗi ngày khi còn ở quê nội.
3.
Ngôi nhà gạch của cha mẹ tôi nằm ngay ven quốc lộ số 1, đối diện một ngã ba, từ trong nhà nhìn ra, phía trước mặt là con dốc đi vào trong làng mình, một số người xa lạ cũng tự tiện dùng lối đi ấy chỉ để ngang qua làng Đồng Văn để tới những nơi khác xa hơn, nghĩa là họ “mượn đường đi tắt” chứ không có liên hệ gì với làng chúng tôi hết.
Khởi đầu chúng tôi e dè với những người xa lạ từ đâu đến, sau quen dần vì họ càng về sau càng đến nhiều hơn, hóa ra chiến trận từ 1945 càng về sau càng lan tràn, người tản cư càng ngày càng nhiều, lạ lùng là đột nhiên nhà chùa cho một gia đình xa lạ từ đâu tới cư ngụ ngay trong chùa, có cô con gái tên là Ngọc.
Hóa ra người cha trong gia đình là một nhân viên quan thuế của chính phủ, họ đặt ngay một trạm xét thuế quan, kiểm soát buôn lậu ngay tại đó. Một số nhỏ nhoi hàng lậu bị tịch thu lọt vào tay tôi: cô con gái của ông kiểm soát hàng lậu học cùng lớp tôi trong ngôi trường trên đình làng, Ngọc bỏ mấy bánh xà phòng thơm trong cặp đến trường, đôi khi còn có kem đánh răng nữa; do đó tôi biết thế nào là xà phòng Dove và kem đánh răng Colgate từ hồi kháng chiến 1949, 1950.
Thời niên thiếu của tôi nhộn nhịp từ 1945 và chấm dứt năm 1954, nhộn nhịp vì ngôi nhà của cha mẹ tôi bị Nhật chiếm ngay năm 1945, dùng làm trụ sở cho một nhóm nhỏ quân sĩ, do đó cả nhà phải dời vào trong làng cư ngụ tạm tại nhà ông bà nội. Và rồi chiến trận lan tràn cho tới 1954, chấm dứt một thời niên thiếu.
Viên Linh/Người Việt