Trưởng ban Đối ngoại Trung ương ĐCSVN Hoàng Bình Quân tiếp đại diện Đoàn TNCS Trung Quốc, 14/8/2018
Một quan chức Đảng Cộng sản Việt Nam hôm 14/8 kêu gọi đoàn viên thanh niên cộng sản của Việt Nam và Trung Quốc hợp tác với nhau về chiếm lĩnh không gian mạng, theo tường thuật của báo chí Việt Nam.
Các báo cho hay ông Hoàng Bình Quân, Uỷ viên Trung Ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, đã tiếp đoàn đại biểu cấp cao thanh niên Trung Quốc do Bí thư Ban Bí thư Trung Ương Thanh niên Cộng sản Trung Quốc Phó Chấn Bang làm trưởng đoàn.
Đoàn đại biểu Trung Quốc đang có mặt ở Việt Nam để tham dự Gặp gỡ hữu nghị Thanh niên Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 18.
Một bản tin của báo Thanh Niên viết rằng trong buổi tiếp ở Hà Nội, ông Hoàng Bình Quân “bày tỏ mong muốn quan hệ của Đoàn Thanh niên hai nước tăng cường theo chiều sâu, đặc biệt là trong thời kỳ mới, thanh niên hai nước cần học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau về những vấn đề mới như: thanh niên chiếm lĩnh không gian mạng như thế nào, ứng xử như thế nào với Cách mạng công nghiệp 4.0...”
Các báo Thanh Niên và Tiền Phong trích lời ông Quân phát biểu rằng việc học hỏi kinh nghiệm giữa hai nước là “rất quan trọng”. Người đứng đầu bộ phận đối ngoại của ĐCSVN khẳng định Việt Nam và Trung Quốc “rất giống nhau nhiều thứ, như hệ thống chính trị, kết cấu xã hội” nên hai nước, đặc biệt là thanh niên, “cần học hỏi tham khảo lẫn nhau”.
Theo các nhà quan sát và nhà nghiên cứu nước ngoài, ở Trung Quốc có một đội quân tuyên truyền viên trên mạng được nhà nước hậu thuẫn với số lượng thành viên được ước tính từ 500.000 đến 2 triệu người.
Đội quân này, xuất hiện hồi đầu những năm 2000, chủ yếu tung ra các bài viết tích cực, ủng hộ chính phủ trên internet.
Cách đây 2 năm, chính phủ Trung Quốc đã công bố một kế hoạch có sự tham gia của Đoàn Thanh niên nước này để “làmtrong sạch” internet.
Với hơn 89 triệu đoàn viên trong độ tuổi từ 14 đến 28, Đoàn Thanh niên Trung Quốc được xem là hùng mạnh hơn đội quân tuyên truyền viên kể trên, cũng như có tính hấp dẫn hơn đối với những người sử dụng internet trẻ tuổi ở đất nước có hơn 1,4 tỉ dân.
Ở Việt Nam, hồi cuối tháng 12/2017, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị thuộc quân đội, được báo chí dẫn lời nói rằng 10.000 người trong đội quân mang tên Lực lượng 47 là “hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng”.
Ông Nghĩa cho hay họ là những người “vừa hồng vừa chuyên, kiên định lập trường, có trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ cao”.
Phát biểu mới đây của quan chức ĐCS Hoàng Bình Quân cho thấy Việt Nam dường như muốn đẩy mạnh việc tham khảo kinh nghiệm của Trung Quốc, để huy động 6,4 triệu đoàn viên phối hợp với Lực lượng 47 “làm trong sạch” các thảo luận của người Việt trên internet.
Một nhà báo độc lập ở Việt Nam, ông Lê Văn Dũng, đưa ra quan sát cá nhân của ông với VOA rằng lực lượng tuyên truyền viên của chính quyền độc tài Trung Quốc có chức năng đưa ra các thông tin một chiều, đánh phá các thông tin đa chiều, và bôi nhọ những người đăng các bài phản biện.
So sánh Việt Nam với Trung Quốc, ông Dũng, thành viên Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, nói đất nước có hơn 90 triệu dân đang học hỏi “chả khác gì cả” từ nước láng giềng phương bắc.
Ông Dũng chia sẻ nhận định của ông với VOA về tác động của lực lượng dư luận viên do nhà nước điều khiển:
“Giới trẻ chưa có kỹ năng, chưa biết cách xác lập đâu là thông tin thật và giả. Hai là không có tư duy độc lập để phân tích. Đâm ra là lực lượng tuyên truyền viên đó ở trên mạng xã hội đó, kiểu Trung Quốc và Việt Nam học theo, nó sẽ gây nguy hại cho giới trẻ ở Việt Nam và nguy hại cho cộng đồng”.
Người còn được biết đến rộng rãi trên mạng với biệt danh Dũng Vova nói thêm ông thấy lo ngại khi chỉ ít người trẻ dưới 25 tuổi ở Việt Nam có tư duy độc lập, dù họ có thể tiếp cận internet dễ dàng với những phương tiện hiện đại.
Theo ông Dũng, đó là hậu quả của “giáo dục nhồi sọ” và “tuyên truyền một chiều” suốt từ cấp tiểu học cho đến thậm chí sau đại học.
Cách khắc phục tình trạng này ở thời điểm hiện nay, theo nhà báo độc lập này, là tận dụng công cụ internet, với những con người có kiến thức, dám nói, dám chia sẻ, phân tích, phản biện độc lập trên mạng để giúp thanh niên có thể hiểu được các diễn biến, các chính sách ở Việt Nam.
Trong cuộc đối đầu giữa những tiếng nói như vậy với lực lượng dư luận viên của nhà nước, ông Dũng có đánh giá cá nhân rằng phía dư luận viên đang ở thế thua:
“Dư luận viên chính là những công cụ bị nhồi sọ. Chính vì không có tư duy độc lập, không có trình độ, cho nên họ không có khả năng phản biện, tranh luận ở trên các diễn đàn mạng. Dư luận viên chỉ biết sử dụng các trò đánh phá, và lên mạng để chửi bới và ẩn mặt. Tại vì họ cũng nhận ra rằng họ bị thua về kiến thức, họ đuối về lý lẽ, họ kém hiểu biết pháp luật”.
Trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam, chưa có khảo sát xã hội học nào được tiến hành để đo đếm tầm ảnh hưởng của những tiếng nói phản biện hay của phía dư luận viên.
Tính đến cuối năm 2017, Việt Nam có 64 triệu người dùng internet, đạt số lượng người dùng internet đứng thứ 6 châu Á và thứ 12 trên thế giới.
Song song với việc triển khai lực lượng dư luận viên, nhà nước Việt Nam cũng xây dựng các luật để tăng cường kiểm soát thông tin trên internet.
Gần đây nhất, hồi tháng 7 năm nay, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật An ninh mạng cho phép Bộ Công An quyền kiểm soát trực tiếp hơn đối với việc kiểm duyệt trên mạng.
Theo VOA