Mẹ gọi điện cho dì, hắt vào máy điện thoại những tiếng gắt gỏng: “Để bà ở bên ấy thêm một tuần nữa thì đã sao? Rồi thì tôi trông bà bù hai tuần. Liền hai tuần được chưa? Tôi có việc chứ nếu không thì tôi chẳng phải tốn hơi nhờ dì…”
Dì chắc chắn cũng cáu gắt lại. Tính dì nóng nảy hơn mẹ nhiều. Từ trước đến nay dì chưa thua mẹ miếng nào. Kể từ khi bà ngọai tôi bước sang tuổi 90, không tự chăm sóc bản thân được nữa, dì và mẹ thỏa thuận với nhau rằng mỗi người trông nom bà một tuần. Cũng kể từ đó bà như quả bóng bị đá từ đầu sân này sang đầu sân kia và ngược lại. Mẹ và dì nói với nhau trong điện thoại suốt nửa tiếng đồng hồ. Mặt mẹ đỏ phừng phừng, hai hàng lông mày của mẹ rướn lên hết cỡ. Mẹ nhắc lại một số lỗi lầm điển hình của dì. Rồi mẹ kết luận: “Mày chỉ được cái bộ mồm!”
Theo dõi cuộc trò chuyện của hai chị em mẹ, bốlẩm bẩm “chị em gì mà như chó với mèo!” Mẹ chưa rảnh tay để hục hặc với bố ngay lúc ấy. Kết thúc cuộc điện đàm, mẹ quay sang bố dằn từng tiếng: “Việc của chị em tôi không bận gì đến ông!” Bố im lặng. Bố im lặng nghĩa là bố thây kệ, mọi chuyện muốn ra sao thì ra. Dù biết điều gì đó nên nói nhưng bố cũng chẳng thèm hé răng.
Một tuần trôi qua.Việc bận của mẹ là việc đi chùa theo kiểu đi “tua”: Đi mười bảy chùa trong một tuần. Ăn chay toàn diện. Thành tâm cúng lễ. Tối Chủ Nhật mẹ mới về nhà. Không ăn uống, chỉ tắm rửa qua quýt là mẹ lăn ra ngủ. Bố thây kệ.
Bố không nói với mẹ rằng sáng Thứ Hai, sau khi mẹ đã lên xe cùng với đoàn hành hương, dì gọi điện tới, cáu gắt, nói rằng mẹ nhất định phải sang đón bà, vì dì cũng bận. Và vì tuần đó là phiên mẹ trông bà. Dì không đời nào chịu bị buộc chân ở nhà, trong khi mẹ cố tình trốn tránh trách nhiệm. Mẹ ích kỷ, còn dì cũng không phải là người dễ nhân nhượng. Đấy là tất cả những gì bố biết được qua cú điện thoại bố buộc phải nghe trong lúc mẹ vắng nhà. Bố vẫn nhớ những lời dì nói trong điện thoại. Nhưng bố kệ, không nói lại cho mẹ biết.
Ngày thứ hai của tuần tiếp theo bắt đầu. Ngày thứ hai bắt đầu phiên mẹ trông bà, và mẹ sẽ trông bà hai tuần liền để bù cho cả tuần trước mẹ đi chùa. Đến tận tối vẫn chưa thấy dì đưa bà sang nhà mẹ. Vẫn tức dì nên mẹ không gọi điện sang nhà dì hỏi tại sao lại như vậy. Cũng có khi mẹ nghĩ cứ để dì trông bà được bao lâu thì trông, khi nào dì đưa bà sang thì lúc ấy mới đến lượt mẹ, việc gì phải lăn tăn.
Một tháng rưỡi trôi qua… Bà chưa được đưa sang nhà mẹ. Mẹ và dì vẫn giận nhau, không ai gọi điện cho ai. Thế rồi một hôm trước cổng nhà mẹ xuất hiện cậu con cả của dì. Cậu ta sinh sống ở nước ngoài, lần này đưa vợ chưa cưới về ra mắt gia đình: “Chào bác, cháu đưa một nửa của cháu sang chào bà và hai bác đây ạ.” Cậu ta vừa cười vừa nói trong lúc mẹ ra mở cổng. Mẹ gật đầu chào, hơi hé miệng cười lấy lệ. “Bà đâu hả bác?” Mẹ cười thành tiếng: “Thằng này, đi Tây về biết hỏi nỡm nhỉ!”
“Bà ở trên gác, phải không ạ? Không phải gọi bà xuống đâu. Chúng cháu lên chào bà.” Cậu ta vừa nói, vừa cầm tay vợ chưa cưới kéo lên cầu thang.
Mẹ đứng khựng lại như người bị sét đánh: “Bà vẫn ở bên ấy mà. Bên nhà cháu chứ đâu.”
“Hì hì, bác cứ đùa!”
“Không, bà vẫn ở bên ấy mà.”
Mẹ đứng ở chân cầu thang, nhìn quanh ngơ ngác như người mất trí. Thế rồi bốn cái máy di động cùng hoạt động một lúc. Tiếng bấm máy tít tít. Mẹ kêu trời bằng giọng thất thanh. Cậu con cả nhà dì dắt bạn gái lao ra cổng. Chuông điện thoại reo. Tiếng dì kêu khóc ở đầu dây bên kia nghe váng cả óc.
Dì kêu: “Ôi giời ơi là giời. Mẹ tôi đi đâu hả giời. Sáng Thứ Hai đó, mẹ xách túi quần áo đi ra ngõ, bảo: ‘Mẹ về bên kia đây. Chị cả mày đón mẹ ở ngoài ngõ kia rồi.’ Tôi đang bận trông chảo cá rán, chẳng ngó ra được. Cứ ngỡ mẹ được đón sang bên ấy rồi. Ai ngờ! Ối mẹ ơi, giờ này mẹ ở đâu, mẹ ơi!”
Suốt nửa năm trời người của hai nhà chúng tôi đi tìm bà khắp nơi. Chúng tôi đăng tin tìm bà trên nhiều tờ báo giấy, báo điện tử, đăng tin cả trên truyền hình. Chẳng ai biết bà đang ở đâu. Cách đây hai tuần, bỗng nhiên có một người đàn ông tìm đến nhà tôi gặp mẹ. Ông ấy đưa cho mẹ xem một tờ báo có đăng tin bà ngoại tôi mất tích… Rồi ông ấy lấy từ trong chiếc ba lô đã cũ ra một chiếc túi vải. Mẹ tôi trông thấy chiếc túi vải, bật khóc nức nở. Chiếc túi vải đó là túi đựng quần áo của bà. Chính tay người đàn ông đó đã đặt bà vào chiếc quan tài mà ông tự bỏ tiền ra mua sau khi phát giác ra thấy bà ngoại tôi nằm còng queo trước cổng nhà ông, không động cựa và không còn thở…
Chiều muộn hôm đó, tại một nghĩa trang cách nhà chúng tôi gần 60km, mẹ tôi và dì, hai đứa con gái của bà ngoại tôi, khóc ngất trước nấm mộ phủ đầy cỏ xanh rì. Một người đi xe máy trên đường, dừng lại bên rìa nghĩa trang nhìn cảnh dì và mẹ tôi khóc vật vã, bùi ngùi nói: “Thương quá! Mồ mẹ cỏ đã xanh nhường kia mà các con vẫn khóc ngất. Thương quá!”
Nguyễn Bích Lan