Nhà hoạt động Lê Đình Lượng tại phiên tòa ở Nghệ An ngày 16/8/2018. Photo: Báo Nghệ An
Hôm 16/8, tòa án tỉnh Nghệ An xử nhà hoạt động vì môi trường Lê Đình Lượng 20 năm tù giam và 5 năm quản chế với cáo buộc ‘lật đổ chính quyền nhân dân.’
Sau khi kết thúc phiên xử, Luật sư Đặng Đình Mạnh nói với VOA rằng bản án này là rất nặng so với các vụ án cùng tội danh hồi gần đây. Luật sư Mạnh cho rằng đây là một bản án bất công:
“Đây là một bản án bất công đối với ông Lượng. Với những chứng cứ trong hồ sơ vụ án, tôi nghĩ tòa không đủ chứng cứ để xử ông Lượng với tội danh như vậy.”
Theo Luật sư Mạnh thì Viện kiểm sát đã đưa các chứng cứ rất mơ hồ để buộc tội ông Lượng:
“Trong vụ án của ông Lượng, hầu như các chứng cứ rất mơ hồ, không rõ ràng và rất là yếu.”
Trả lời phỏng vấn Reuters, Luật sư Hà Huy Sơn, người cùng bào chữa cho ông Lượng, nói rằng Hội đồng xét xử “không có đủ chứng cứ” để buộc tội ông Lượng.
Reuters dẫn lời Luật sư Sơn nói rằng thân chủ của ông sẽ không nhận tội và sẽ kháng cáo.
Báo Nghệ An hôm 16/8 nói ông Lê Đình Lượng là “đối tượng phản động đặc biệt nguy hiểm” thuộc “tổ chức khủng bố Việt Tân” có trụ sở tại Hoa Kỳ, đồng thời tố cáo ông Lượng là “đã lôi kéo, dụ dỗ” người khác tham gia vào tổ chức này, “nhằm mục đích chống lại chính quyền nhân dân, xóa bỏ chính thể Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.”
Tờ báo tường thuật rằng Hội đồng xét xử xem xét, đánh giá tại phiên tòa cho thấy “các tài liệu, chứng cứ được thu thập một cách khách quan, toàn diện, đúng trình tự quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.” Nhưng báo chí Việt Nam không nêu rõ những chứng cứ cụ thể để buộc tội ông Lượng là gì.
Ông Lê Đình Lượng. Ảnh Facebook Nguyễn Thiện Nhân.
Truyền thông trong nước còn nói rằng ông Lê Đình Lượng đã “lợi dụng cái gọi là bảo vệ môi trường,” để cùng một số đối tượng “phản động, chống đối” khác kích động tuần hành, biểu tình phản đối Formosa, gây mất an ninh, trật tự, ách tắc giao thông.
Công an tỉnh Nghệ An đã bắt giam ông Lê Đình Lượng vào ngày 26/7/2017, về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân,” quy định tại điều 79 Bộ Luật hình sự.
Bà Nguyễn Thị Qúy, vợ của ông Lượng, được phép dự phiên tòa hôm 16/8, bà khẳng định với VOA rằng chồng bà vô tội:
“Ông ấy không nhận tội gì cả. Những việc làm của ông ấy là đúng đắn. Ông ấy chỉ giúp dân đòi quyền lợi, đòi môi trường sạch, tranh đấu để con em được đến trường… Những người hiểu biết pháp luật và lên tiếng đấu tranh như ông Lượng thì bị quy là ‘lật đổ chính quyền.’”
Theo bà Qúy, ông Lượng từng biểu tình và ký tên vào thỉnh nguyện thư đòi ngưng khai thác Bôxit ở Tây Nguyên vào những năm 2008, và tham gia cùng người dân phản đối Trung Quốc xâm chiếm lãnh hải của Việt Nam.
Năm 2016, ông Lượng đã đồng hành với bà con nhiều nơi, đấu tranh đòi Công ty Formosa phải bồi thường cho các nạn nhân vì đã gây ô nhiễm môi trường biển miền trung Việt Nam.
Bà Qúy cho biết thêm rằng từ nhiều năm nay ông Lượng cũng tranh đấu ôn hòa chống vấn đề lạm thu phí học đường.
Cũng tại Nghệ An, tại một phiên xử phúc thẩm hôm 15/8, nhà hoạt động Nguyễn Viết Dũng bị tuyên án 6 năm tù giam và 5 năm quản chế với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước,” theo Điều 88 Bộ Luật hình sự, do đăng tải 7 bài viết có nội dung “tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân, bôi nhọ lãnh tụ.”
Báo Nghệ An cho rằng Nguyễn Viết Dũng là một trong các thành viên đã bị ông Lê Đình Lượng “dụ dỗ” để tham gia Tổ chức Việt Tân.
Trước và sau phiên xử ông Lê Đình Lượng, một nhà hoạt động bảo vệ môi trường và cũng là một cựu chiến binh, các tổ chức nhân quyền quốc tế như Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Ân xá Quốc tế, kêu gọi chính quyền Việt Nam hủy các cáo buộc mang động cơ chính trị đối với ông Lượng, và trả tự do cho ông ngay lập tức.
Theo VOA