Nhà hoạt động Lê Đình Lượng tại phiên tòa ở Nghệ An, 16/08/2018. VNA/Bich Hue via REUTERS
Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) có trụ sở tại Paris hôm qua 16/08/2018 ra thông cáo lên án bản án kỷ lục 20 năm tù dành cho ông Lê Đình Lượng với cáo buộc « âm mưu lật đổ chính quyền », và kêu gọi các dân biểu châu Âu có phản ứng.
Thông cáo cho rằng đó là bản án tù dài nhất từ trước đến nay đối với một công dân chỉ muốn thông tin cho công chúng, được tuyên trong một phiên tòa nhanh gọn, các nhân chứng có lợi cho bị cáo không được mời ra. Một trong những « tội » của ông Lê Đình Lượng là tố cáo trên Facebook việc tập đoàn Formosa gây ô nhiễm biển Hà Tĩnh và những thiếu sót của chính quyền trong thảm họa này.
Ông Daniel Bastard, phụ trách châu Á-Thái Bình Dương của RSF, tuyên bố : « Bản án nặng nề dành cho ông Lê Đình Lượng là một dấu hiệu mới đáng lo ngại về việc đảng Cộng sản Việt Nam tăng cường trấn áp ». RSF kêu gọi các dân biểu châu Âu « đình chỉ tất cả các dự án hợp tác thương mại », trong bối cảnh Liên Hiệp Châu Âu chuẩn bị thông qua một hiệp định tự do mậu dịch với Việt Nam trong năm 2018.
Thông cáo cũng nhận xét, khác với trường hợp các blogger khác, cáo trạng dựa vào những dữ liệu trên Facebook mang tên « Lỗ Ngọc » của ông Lê Đình Lượng, thay vì nội dung các bài viết. Như vậy bản án dành cho ông mang hơi hướng của Luật An ninh mạng được thông qua cách đây hai tháng. Phóng viên Không biên giới nhắc lại, Việt Nam hiện đứng thứ 175/180 trong bảng xếp hạng tự do báo chí của tổ chức này năm 2017.
Ân Xá Quốc Tế yêu cầu điều tra vụ hành hung trong đêm ca nhạc của Nguyễn TínTổ chức Amnesty International (Ấn Xá Quốc Tế) hôm qua 16/08/2018 ra thông cáo đòi hỏi chính quyền Việt Nam phải lập tức mở điều tra về việc một nhóm các nhà hoạt động bị công an đánh đập khi tham dự một buổi trình diễn những bài hát trước năm 1975 trong một quán cà phê nhỏ.
Theo thông cáo, ca sĩ Nguyễn Tín, chuyên hát nhạc tình và nhạc lính Cộng Hòa, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang và người tổ chức Nguyễn Đại cho biết đã bị công an đánh đập nhiều nhất. Bà Trang sau đó phải nhập viện, còn các ông Nguyễn Tín và Nguyễn Đại bị bịt mắt, bị đánh, rồi thả xuống một địa điểm hoang vắng dọc đường.
Bà Clare Algar, giám đốc các hoạt động toàn cầu của Amnesty International, tuyên bố : « Chính quyền Việt Nam phải mở điều tra độc lập ngay lập tức về các cáo buộc trên, phù hợp với các nghĩa vụ theo Công ước Liên Hiệp Quốc chống tra tấn ».
Theo RFI