Những người làm truyền thông tiếng Việt ở Hoa Kỳ, thường gặp phải những tình huống lấn cấn và nhức đầu để tìm cách dịch thuật cho rõ nghĩa và chính xác một số từ ngữ thường nổ ra và trở thành biến cố thời sự nổi bật khiến nhiều người chú ý đến.
Lý do là vì những thuật ngữ tiếng Anh dùng ở Hoa Kỳ, nhiều khi rất ngắn gọn và cụ thể để mô tả một vấn đề nào khá rắc rối và chi tiết khi diễn dịch sang một ngôn ngữ khác như tiếng Việt mình. Nếu dịch sát nghĩa từng chữ một theo kiểu “mot-a-mot” thì đôi khi rất ngô nghê, lại có phần không hoàn toàn chính xác.
Có lẽ ngay cả những nhà nghiên cứu về ngữ học cũng phải vò đầu suy nghĩ nát óc để đi đến một số những đồng thuận nào đó để có thể chấp nhận một vài cách thức dịch thuật một số những từ ngữ mới xuất hiện mà từ trước tới nay chưa thấy xảy ra.
Và những từ ngữ “nhức đầu” khó dịch như vậy xuất hiện trong bất cứ lãnh vực nào chứ không chỉ riêng ở địa hạt chính trị. Kẻ viết bài này đã khiến cho nhiều thân hữu chuyên nghiên cứu phải bó tay chịu chết khi tham khảo ý kiến hoặc đề nghị của họ để làm cách nào dịch cho hay và chính xác một vài từ ngữ gần như ai cũng hiểu rõ nghĩa nhưng không dễ tìm ra từ ngữ tương xứng trong tiếng Việt.
Một vài thí dụ điển hình như từ ngữ “hedge funds” để nói về những quỹ đầu tư chứng khoán có tính cách mạo hiểm, thay đổi nhanh để có lời nhiều; bởi vì chữ “funds” là để nói về một quỹ đầu tư những chứng khoán đa dạng, còn “hedge” có nghĩa là bờ rào, bờ dậu, ám chỉ những kẻ đứng sẵn ở hàng rào nên sẵn sàng nhảy rào qua lại tuỳ theo tình hình thay đổi, giá cả lên xuống của cổ phiếu.
Hoặc như chữ “road rage” để nói về tình trạng các tài xế có thể nổi điên khi bị ai đó qua mặt một cách ẩu tả nên liền tìm cách rượt đuổi theo để “ăn miếng trả miếng” bằng cách nổ súng vào đối phương.
Gần đây, một câu khác cũng nhức nhối khó thông dịch được là “We are America, bitch!” là câu nói của một viên chức cao cấp ở Toà Bạch Ốc đã nói huỵch toẹt với Chủ bút của tạp chí The Atlantic là Jeffrey Goldberg khi được hỏi về chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ hiện nay ra sao dưới thời của TT Trump. “Bitch” là một con chó cái, thường được dùng một cách miệt thị để chê bai ai đó như khi TT Trump chỉ trích những cầu thủ football chuyên nghiệp quỳ gối trong lúc chào cờ trước các trận đấu để bầy tỏ sự phản đối chính sách đàn áp mạnh tay của cảnh sát đối với khối dân da đen tại nhiều nơi, và ông Trump đã gọi những cầu thủ phản đối đó là “son of the bitch!”, có thể tạm dịch là “đồ chó ghẻ!”.
Trong câu nói “We are America, bitch!”, nó để lộ cái bản chất vừa ngạo mạn, vừa khinh miệt mọi người khác từ phía những người điều hành chính sách ngoại giao do TT Trump chỉ huy. Trong một chừng mực nào đó, nó có thể được tạm dịch là “Người Mỹ chúng tớ là như dzậy đó, bọn chó ghẻ chúng mày làm gì được!”
Từ ngữ ở đầu bài này “chain migration” có lẽ cũng nằm trong tình trạng tương tự, vì thế nên nó được giữ nguyên trong cái tựa thay vì phải tìm cách dịch cho thật chỉnh. Nhưng có lẽ mọi người đã biết rõ, hoặc nếu không thì sau khi khi đọc bài viết cũng sẽ hiểu rõ một cách đầy đủ. “Chain” là một sợi dây xích, hay dây chuyền, còn “Migration” là một sự di chuyển từ một nơi này để sang sinh sống tại một nơi khác, với lý do đơn giản hơn là cái địa điểm mới này có lẽ sẽ an toàn và dễ thở hơn nơi chốn quê cũ của họ nên mới buộc lòng phải họ “thiên di” như một số những chim, cá cũng phải thiên di khi mùa màng thay đổi.
Vào đầu năm nay, vấn đề tranh luận về hồ sơ cải tổ di trú trở thành một đề tài nóng bỏng, từ ngữ “chain migration” bắt đầu được luân lưu thường xuyên hơn để trở thành một phần trong những câu nói và luận điệu tranh cãi tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn. TT Trump thì chỉ trích nó như là một khe hở của luật lệ về di trú khiến cho những kẻ khủng bố và những “bọn thật sự quỷ quái” đã tìm cách khai thác để có thể xâm nhập vào nước Mỹ. Nhưng nhiều chuyên gia và các chính trị gia đảng Dân Chủ thì bảo vệ nó như là một trong những nền tảng của lịch sử di dân tại Mỹ quốc.
Vậy thì từ ngữ đó có nghĩa là gì? Nói một cách đơn giản, nó là một cách nói khinh thị hay dè bĩu để mô tả việc những người có quốc tịch Mỹ hoặc có quy chế thường trú nhân hợp pháp (thường gọi là có “thẻ xanh”) có thể nộp đơn xin cho những thân nhân ruột thịt của họ có thể được nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
Nguy cơ của nạn “chain migration”?
Trong một bài phân tích trên tờ nhật báo USA TODAY vào tháng 1 năm 2018, nhà báo Alan Gomez cho biết là hiện nay, mỗi năm có khoảng hơn 1 triệu người ngoại quốc được phép nhập cảnh vào Hoa Kỳ theo quy chế thường trú nhân (permanent resident) là nhờ vào các thân nhân ruột thịt của họ đã nộp đơn xin bảo lãnh. Từ đó, những người này có thể sinh sống tại Hoa Kỳ trong ít nhất là 5 năm liên tiếp để có thể nộp đơn xin nhập quốc tịch, và sau đó tự mình sẽ làm đơn để bảo lãnh cho những thân nhân khác của mình.
Vì thế nên tình trạng nhập cư hợp pháp này, trên lý thuyết, có thể gia tăng mạnh mẽ và nhanh chóng chỉ từ một người có quốc tịch Mỹ những có thể kéo theo cả chục hay cả trăm người trong gia đình mình sang định cư tại nước Mỹ. Những người Mỹ trắng bảo thủ cực hữu luôn chống đối sự nhập cư của những thành phần di dân từ các nước khác (không thuộc da trắng như họ) thường viện dẫn lý do này để lên tiếng báo động về cái mối nguy này khi mà dân da trắng có thể không còn ở vị thế đa số áp đảo nữa trong một tương lai sắp tới.
Họ thường đưa ra hình ảnh một biểu đồ tiêu biểu được thực hiện bởi một tổ chức có tên là NumbersUSA để cho thấy cái hậu quả có thể xảy ra dưới chính sách “Chain Migration” có thể khiến một di dân trở thành công dân Mỹ, từ đó có thể dẫn đến việc hàng trăm thân nhân khác cũng sẽ được nhập cảnh theo lối bảo trợ đoàn tụ gia đình này. Bởi vì sau đó, các bố mẹ, anh em, con cháu của người di dân này sẽ được nhập cảnh theo, và một thời gian sau đó, những người này cũng tự mình làm đơn bảo lãnh cho những đợt hay thế hệ kế tiếp.
Trong thực tế, vấn đề không đơn giản như vậy. Những ai đã từng qua cầu đều biết rõ, việc bảo lãnh thân nhân trong gia đình được sang Mỹ theo diện đoàn tụ khá nhiều khê và tốn rất nhiều thời gian. Nhà báo Dara Lind trong một bài phân tích trên diễn đàn Vox, đã liệt kê ra nhiều bằng chứng để cho thấy là tiến trình xin nhập cảnh theo chiếu khán F-4, có thể kéo dài từ 13 đến 23 năm là chuyện thường, đòi hỏi người nôp đơn và người được bảo lãnh phải trải qua một tiến trình kiểm tra kỹ lưỡng về hồ sơ lý lịch cũng như sức khoẻ và khả năng tài chính v.v… Và không phải bất cứ một di dân nào được bảo lãnh sang Mỹ rồi từ đó sẽ tiếp tục làm hồ sơ để bảo lãnh thêm hàng chục người khác trong gia đình như những người vẽ lên mô hình này cố tình suy diễn nhằm vẽ lên mối hiểm hoạ về nguy cơ có số đông di dân đến từ những nước xa lạ như vậy.
TT Trump đã chỉ trích mạnh mẽ chính sách này, và cho rằng nó mở cánh cửa cho nhiều thành phần di dân không có học vấn, thiếu nghề nghiệp chuyên môn, và có thể là nguy hiểm, có thể được nhập cư vào Hoa Kỳ một cách hợp pháp. Ông thường xuyên đưa ra những lời báo động nguy cấp như vậy, nhất là sau những vụ khủng bố do một vài phần tử di dân gốc Hồi-giáo quá khích gây ra.
Đó là trường hợp như khi cảnh sát bắt giữ một thanh niên 27 tuổi bị cáo buộc tội cho nổ một quả bom tự chế bên trong một đường hầm xe điện ở gần khu thương mại nổi tiếng đông đúc người là Times Square hồi tháng 12 năm ngoái. Nghi can này có tên là Akayed Ullah, gốc Bangladesh, đã sinh sống tại khu Brooklyn ở New York từ năm 2011 sau khi anh ta được nhập cảnh vào Hoa Kỳ dưới chiếu khán F-4, là quy chế được dành cho những anh chị em và cháu của những người có quốc tịch Mỹ làm đơn xin bảo lãnh.
TT Trump cũng thường hay kể chuyện Sayfullo Saipov để chỉ trích chính sách di dân có nhiều lỗ hổng khiến cho bọn quá khích có thể xâm nhập và tấn công nước Mỹ. Anh này là một di dân gốc Uzbekistan sau đó được nhập tịch Hoa Kỳ, can tội thuê một chiếc xe tải để lao vào một con đường dành cho những người lái xe đạp ở New York hồi tháng 10 năm ngoái, cán chết 8 người và làm thương tích cho 12 người khác. Nhưng thật ra, ông Trump cũng nói không chính xác trong chuyện này, bởi vì anh Saipov này được cho nhập cảnh theo một chương trình đặc biệt của Hoa Kỳ mỗi năm cấp phát theo kiểu bốc thăm may mắn cho 50,000 người thuộc những nước khác (vốn có ít di dân sinh sống tại Mỹ) được nhập cảnh vào nước Mỹ theo quy chế thường-trú-nhân.
Những chính trị gia phe Dân Chủ và nhiều chuyên viên khác lên tiếng bênh vực chính sách di dân qua việc đoàn tụ gia đình, với lý do rằng những thế hệ di dân từ lâu đã đến đây như là những đơn vị gia đình kể từ thời lập quốc của nước Mỹ. Chính những thành viên đông đúc trong gia đình đó đã trở thành những mạng lưới nâng đỡ và hỗ trợ cho nhau trong những bước đầu để những người mới tới bắt đầu học tiếng Anh và hội nhập vào xã hội Hoa Kỳ, để rồi sau đó đóng góp vào việc phát triển xứ sở này.
Và họ nêu lên tính chất bất công và không sáng suốt khi muốn trừng phạt những thế hệ di dân cả trăm ngàn người như vậy, vốn là những người sống và làm ăn lương thiện này, chỉ vì một vài hành động của một hoặc hai người khủng bố quá khích.
Tường thuật của Đài Fox News
Fox News được xem như là cơ quan truyền thông duy nhất chuyên bênh vực cho chủ trương của TT Trump và đảng Cộng Hoà trong cả chục năm qua, và do đó đã được coi như là đài truyền hình được ông Trump ưa chuộng nhất. Vì thế nên việc trích dẫn những lời nói hay bài viết của Fox News khó lòng bị chụp mũ là “tin giả” (fake news) như lập luận của TT Trump thường nói với khối dân ủng hộ ông cuồng nhiệt.
Vào đầu tháng 2 vừa qua, nhà báo Kaitlyn Schallorn của Fox News cũng có một bài viết tương tự để giải thích vì sao TT Trump lại chống chính sách “Chain migration”. Bài báo thuật lại chuyện ông Trump luôn đả kích chương trình này và lên tiếng đòi chấm dứt nó, kể cả khi ông đọc bài diễn văn quan trọng là Thông Điệp Liên Bang tại lưỡng viện Quốc Hội. Và trong một cuộc họp với các vị dân biểu, nghị sĩ thuộc cả hai đảng hồi tháng 1, ông Trump cũng nói với họ rằng bất cứ một dự luật cải tổ nào về hồ sơ di trú đều phải có kèm theo điều khoản giải quyết vấn nạn “chain migration” cho ổn thoả thì ông mới chịu đồng ý nhập cuộc và ủng hộ.
Trong bài diễn văn quan trọng đọc mỗi đầu năm đó, TT Trump đã liệt kê đến 4 cột trụ nền tảng cho một kế hoạch cải tổ về di trú, và một trong những cột trụ đó là việc chặn đứng lại chính sách “chain migration”. Chúng ta hãy đọc lại lời phát biểu của ông: “Dưới cái hệ thống hiện nay đang bị đổ vỡ, chỉ một người di dân duy nhất có thể kéo theo một số lượng lớn không giới hạn những bà con xa của mình. Nhưng dưới kế hoạch của chúng tôi, chúng tôi sẽ chú trọng vào những thân nhân cận kề ruột thịt bằng cách giới hạn chỉ cho vợ chồng và những đứa con vị-thành-niên mà thôi.”
Để kết luận, nhà báo Kaitlyn Schallorn của Fox News cũng thuật lại chuyện ông Trump thường xuyên bắn ra những mẩu tin nhắn trên mạng Twitter để chê bai chính sách “chain migration” và yêu cầu chấm dứt nó. Điển hình là một mẩu tin nhắn gửi ra vào lúc 6 giờ rưởi sáng ngày 2 tháng 11/2017, nguyên văn như sau: “Chính sách CHAIN MIGRATION cần phải chấm dứt ngay! Một số người lọt vào nước Mỹ, rồi họ kéo theo cả gia đình họ đi theo, điều này có thể trở thành thực sự quỷ quái. KHÔNG THỂ CHẤP NHẬN ĐƯỢC!”
Trước đó vài tháng, ông Trump cũng bắn ra một mẩu tin nhắn trên mạng Twitter có nội dung cũng gần giống như vậy, vào lúc 8 giờ tối ngày 15 tháng 9/2017: “Chính sách CHAIN MIGRATION không thể được chấp nhận như là một phần của bất cứ dự luật nào về Di Trú!”
Nhưng điều trái khoáy là những lời nói hùng hồn và mạnh miệng như vậy nhiều khi lại không đi đôi với những sự thật phũ phàng diễn ra sau đó. Đúng như lời xưa của ai đó, mà nhiều người thường nhắc là thấy ông cựu TT Thiệu của Việt Nam Cộng Hoà cũng thường hay nói để nhắc nhở mọi người: “Đừng nghe những gì Cộng Sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm!”
Câu nói này có thể được lặp lại tại nhiều nơi nhiều lúc khác nhau nhưng rất xác đáng, và chỉ cần thay thế từ ngữ “Cộng Sản” bằng một cái tên hay nhân vật nào đó cũng rất thích hợp. Nhà báo James Hohmann trên diễn đàn Politico đã có một bài phân tích ngắn để có thể kết luận rằng ông Donald Trump là “một vị tổng thống nói quý vị hãy làm theo lời tôi nói, chứ đừng làm theo những gì tôi làm.”
Lời nói không đi đôi với hành động?
Từ nhiều năm trước đó, ông luôn chỉ trích TT Obama là người luôn thích đi nghỉ hè ở khu Martha’s Vineyard gây tốn kém cho công quỹ, và hứa với cử tri rằng nếu đắc cử, ông sẽ rất bận rộng trong việc điều hành chính phủ nên cũng sẽ không có thì giờ để đi đánh golf, vốn là thú tiêu khiển ưa thích nhất của giới đại tài phiệt. Thế nhưng lần này, TT Trump sẽ có một chuyến đi nghỉ hè dài đến 11 ngày tại New Jersey bắt đầu bằng chuyến đi chơi golf. Đó là chưa kể biết bao lần ông khoe khoang hình ảnh đánh golf tại Mar-a-lago ở Florida với Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật hoặc tại một sân chơi golf của ông bên Tô Cách Lan nhân chuyên viếng thăm Anh quốc hồi tháng 6 vừa qua.
Những người thường lên tiếng chê bai ông Obama trước đây về những chuyến đi nghỉ hè thường niên của vợ chồng ông Obama, ngạc nhiên thay, đã không lên tiếng gì trước việc TT Trump, chỉ vài tuần lễ sau khi dọn vào Toà Bạch Ốc, đã thường xuyên bay đi bay về khu nghỉ mát sang trọng này gần như mỗi cuối tuần, gây tốn kém tiền bạc và công sức của biết bao nhân viên an ninh phải bảo vệ ông cũng như tài nguyên của chiếc máy bay Air Force One để chở theo cả một đoàn tuỳ tùng, mà chi phí là từ do người dân trên cả nước phải đóng thuế cho công qũy.
Trong lúc ông Trump và bà vợ trẻ Melania đi nghỉ hè, ông bà nhạc gia của ông đến dự một buổi lễ tuyên thệ nhập tịch vào Hoa Kỳ được tổ chức tại khu Manhattan ở New York có đông đủ nhân viên an ninh bảo vệ và do đó mới được giới truyền thông chú ý đến để tường thuật đầy đủ.
Đó là ông bà Viktor và Amalija Knavs, được trở thành công dân Mỹ là nhờ cô con gái của họ, Melania, bảo lãnh theo chương trình đoàn tụ gia đình đã có từ lâu như hàng trăm ngàn các gia đình gốc di dân khác. Cô Melania, trước khi lấy ông Trump, cũng là một di dân gốc Slovenia tại Đông Âu, để rồi sau đó cũng được hợp-thức-hoá giấy tờ và trúng số khi gặp được một nhà tỷ phú về địa ốc để rồi một bước sau đó không lâu nghiễm nhiên trở thành “Đệ Nhất Phu Nhân Hoa Kỳ”.
Như mọi người đã biết, TT Trump luôn chỉ trích chính sách nhập cảnh theo kiểu đoàn tụ gia đình và tìm cách ngăn chặn những người di dân khác là bố mẹ không được đoàn tụ cùng con cháu của họ tại Mỹ quốc. Theo ông Trump, đó là chiến dịch giảm bớt số lượng di dân, hợp lệ cũng như bất hợp lệ, cho dù là đứa con trai út của ông là Barron Trump có đến 2 ông bà ngoại và bà nội của nó cũng là di dân được đến nước Mỹ này là nhờ vào chính sách di trú theo kiểu “đoàn tụ gia đình” mà ông Trump và những người ủng hộ ông gọi một cách miệt thị là “chain migration”.
Các viên chức của Toà Bạch Ốc đã từ chối không chịu trả lời các câu hỏi của phóng viên và nhà báo khi nêu lên tình trạng này phải chăng mang đầy tính chất đạo đức giả. Bà Stephanie Grisham, phát ngôn viên của bà Melania Trump, thì tìm cách biện minh rằng “ông bà Knavs không phải là thành viên của chính quyền”. Phải chăng vì vậy mà họ không cần phải trả lời những câu hỏi hay thắc mắc rất đứng đắn này?
Nhưng các viên chức hay phụ tá cao cấp của ông Trump cũng từ chối trả lời những câu hỏi chi tiết về cách thức mà cô Melania trước đây đã được nhập tịch Hoa Kỳ ra sao. Người ta chỉ biết rằng cô Melania đã xin được thẻ xanh vào năm 2001, sau khi đã đến nước Mỹ được 5 năm để hành nghề người mẫu và sau đó làm quen được với nhà tỷ phú nổi tiếng đào hoa. Chương trình được nhập cảnh cho cô Melania cũng nằm trong một chính sách đặc biệt có tên là EB-1, dành riêng cho một số những người có khả năng chuyên môn và tài nghệ đặc biệt, những thần đồng xuất chúng ở đại học, những lực sĩ tài ba hoặc những tài tử nổi tiếng khắp nơi v.v… Nhà báo David Nakamura cho biết là trong năm cô Melania được hưởng quy chế thường-trú-nhân, chỉ có tổng cộng 5 di dân gốc Slovenia là được cấp thẻ xanh dưới qui chế EB-1.
Vào tháng 8 năm 2016, ứng cử viên Donald Trump đã hô hào mạnh miệng rằng bà vợ Melania của ông sẽ tổ chức một cuộc họp báo trong vòng vài tuần kế tiếp để trả lời những cáo buộc của nhiều người cho rằng bà ta đã vi phạm vào luật lệ di trú khi mới đến nước Mỹ. Ông Trump hứa là bà Melania sẽ trưng ra những bằng chứng cho thấy là “bà đến đây hoàn toàn hợp pháp.”
Nhưng cũng giống như những lời hứa trước đây của ứng cử viên Donald Trump là sẽ loan báo công khai cho mọi người dân biết những tờ khai thuế lợi tức trước đây, điều này đã không hề xảy ra và cuộc họp báo đó cũng không hề được nhắc tới. Vì thế nên nhiều người đã không ngần ngại ví von những lời hứa của ông Trump cũng chẳng khác gì những lời “hứa lèo”!
Để kết luận, nhà báo James Hohmann nói rằng thật ra cũng chẳng có gì là sai trái, bê bối hay không tốt trong chuyện ông Trump có muốn đi đánh golf, hoặc đi nghỉ hè, hoặc là có ông bà nhạc gia là di dân nhập cảnh vào Hoa Kỳ theo một chính sách hợp pháp, nhưng quả tình là những lời nói và việc làm của TT Trump trong những ngày qua đã khiến cho uy tín của ông Trump bị sứt mẻ trầm trọng để không còn là một tiếng nói nghiêm túc trong hồ sơ tranh luận về di dân.
13/8/2018
Mai Loan