Phát hành tiền mệnh giá thấp để chống lạm phát: Dân Venezuela hoang mangCon gà bày bán trong một chợ nhỏ ở Caracas ngày 16/08/2018 có giá 14.600.000 bolivar. REUTERS/Carlos Garcia Rawlins
"Lạm phát năm nay có thể lên đến 1 triệu phần trăm, muốn mua xăng giá bao cấp phải trình « Sổ yêu nước ». Từ đồng « bolivar mạnh » đổi sang đồng « bolivar giữ vững chủ quyền », bỏ đi năm số 0. Đồng tiền mới tương đương với « 100.000 bolivar mạnh », kể từ hôm nay thứ Hai 20/08/2018. Chính phủ đã ra lệnh cho các ngân hàng đóng cửa trong bốn ngày để chuẩn bị lưu hành đồng tiền mới, gây hoang mang trong dân chúng."
Các gia đình hai miền Triều Tiên bị chia cắt được hội ngộ, Hy Lạp lại có được chủ quyền về tài chính sau tám năm khủng hoảng, cuộc đời và sự nghiệp cố tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan là các chủ đề được báo chí Pháp đề cập nhiều nhất hôm nay.
Liên quan đến châu Mỹ la-tinh, Le Figaro nhận xét « Người Venezuela khủng hoảng vì những cải cách của ông Maduro ». Nhiều biện pháp của chính phủ đưa ra bị phản đối, cũng như việc phát hành tiền mới.
Từ « bolivar mạnh » đổi sang « bolivar chủ quyền »« Tôi muốn đất nước lành bệnh, tôi có phương thuốc, hãy tin tôi ». Tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro đã phát biểu trực tiếp trên truyền hình hôm thứ Sáu 17/08/2018 để loan báo về « hệ thống mới về kinh tế của Venezuela ». Người kế nhiệm Hugo Chavez cố vẫy vùng để thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, nhưng tuy các biện pháp được loan báo rất quy mô, thì phương tiện để thực hiện vẫn hết sức mơ hồ.
Bên cạnh đó là việc phát hành đồng tiền mới. Venezuela chuyển từ đồng « bolivar mạnh » sang đồng « bolivar giữ vững chủ quyền ». Đồng tiền mới được bỏ đi năm số 0, một « bolivar chủ quyền » tương đương với « 100.000 bolivar mạnh », kể từ hôm nay thứ Hai 20/08/2018.
Nhà nghiên cứu Paula Vasquez của CNRS giải thích : « Người dân muốn rút tiền từ hôm thứ Năm 16/8 để mua những thứ cần thiết cho cuối tuần. Tôi thấy những hàng người dài hơn một cây số trước các ngân hàng. Nhưng số tiền rút được tối đa là 100.000 bolivar, còn chưa đủ để mua vé xe buýt trở về nhà ». Lạm phát năm nay có thể lên đến 1 triệu phần trăm, và ông Maduro còn loan báo muốn mua xăng giá bao cấp phải trình « Sổ yêu nước ».
Không « yêu nước » không được mua xăng trợ giá« Sổ yêu nước » có giá trị như thẻ căn cước, dùng để mua nhu yếu phẩm theo giá bao cấp, được xác nhận theo mỗi kỳ bầu cử và không phải người dân Venezuela nào cũng có. Giá một lít xăng bán theo sổ chưa tới 2 xu theo đô la Mỹ, còn nếu không có « Sổ yêu nước » giá trung bình lên đến 1,16 đô la. Hiện nay giá xăng ở Venezuela rẻ một cách kỳ lạ. Bà Vasquez cho biết vì quá rẻ nên khi đổ xăng khó tìm ra tiền mệnh giá thấp để trả, có lần người bán đã cho không.
Tổng thống Maduro cũng loan báo tăng lương tối thiểu từ 3 triệu « bolivar mạnh » sang 1.800 « bolivar chủ quyền », tức 6.000%. Đồng tiền ảo petro dựa trên giá một thùng dầu thô được lập ra hồi đầu năm, được ấn định là 3.800 « bolivar chủ quyền ». Chính phủ cũng nhìn nhận giá trị thực của đồng tiền so với chợ đen, cho giảm giá 96%, hứa hẹn không thâm hụt thuế khóa.
Các đảng đối lập Primero Justicia, Voluntad Popular và Causa R kêu gọi tổng đình công và bất tuân dân sự vào ngày 21/8 để chống lại kế hoạch của chính phủ. Theo họ, đó chỉ là « một tổng thể các biện pháp hổ lốn, càng làm tăng thêm khủng hoảng » ; cho rằng việc tăng lương sẽ làm cho hàng triệu công ty phải đóng cửa. Người dân Venezuela tự hỏi bao giờ mới đổi tiền, vì chưa ai thấy tờ giấy bạc mới ra sao cả, thậm chí nghi ngờ tiền còn chưa được in ra.
Các nước láng giềng lao đao vì khủng hoảng VenezuelaNhà phân tích Luis Vicente Leon cho biết không lạc quan trước mục tiêu kiểm soát lạm phát, nhưng ghi nhận rốt cuộc chính quyền cũng đã công nhận sự hiện diện của đô la chợ đen và sự quan trọng của thị trường. Chuyên gia Siobhan Mordel trên Les Echos thì cho rằng việc giảm trợ giá xăng và xác định lại giá trị đồng tiền là hướng tốt, nhưng không giúp Venezuela trả được nợ trái phiếu.
Chỉ riêng trong năm nay có 440.000 người Venezuela phải chạy sang Colombia để kiếm sống. Nhưng Le Figaro nhắc nhở, cuộc khủng hoảng Venezuela bắt đầu đè nặng lên các nước láng giềng. Tại Brazil hôm thứ Bảy 18/8, những cuộc đụng độ đã nổ ra ở Pacariuma (bang Roraima) giữa dân địa phương và người tị nạn Venezuela. Cư dân đã buộc người tị nạn phải quay về nước, sau khi đốt những thùng carton mà họ dùng làm nơi trú ngụ trên đường phố, lý do là bốn người Venezuela đã tấn công một người bán hàng để trộm cắp. Cũng từ hôm thứ Bảy, Ecuador buộc phải trình hộ chiếu để qua biên giới.
Dù giá dầu tăng (chiếm 95% nguồn thu nhập của Venezuela) nhưng sản xuất công nghiệp sụt giảm nghiêm trọng. Các công ty tư nhân sợ bị quốc hữu hóa và bị kiểm soát giá cả, đã giảm tối đa sản xuất. Nhưng theo Les Echos, chính phủ Venezuela tiếp tục đổ cho « các thế lực thù địch » đã tiến hành « chiến tranh kinh tế » làm cho vật giá tăng lên.
Theo RFI