Cuộc đời một con người mà không ổn định, hay trôi dạt, không an cư lạc nghiệp thường được gọi là cuộc sống phiêu bồng. Tương tự, một thế giới không ổn định luôn biến động, nay hòa bình mai chiến tranh, hoặc du nhiều quốc gia vào tình thế mất chủ quyền và quyền tự quyết, có thể hiểu đó là những nguyên nhân đưa một thế giới đến chỗ phiêu bồng.
73 năm qua thế giới loài người đang phiêu dạt từ Thế Chiến Thứ Hai đẫm máu đến các cuộc chiến cục bộ trên nhiều nước tại Châu Á, Châu Âu, Châu Phi và vùng Trung Đông. Nhìn bề ngoài, nhân loại như đang hồi sinh sau khói lửa của một thế chiến kinh hoàng, nhưng trên thực tế đang có nguy cơ đến bờ vực chiến tranh và nhiều dân tộc đang dần dần bị tiêu diệt bởi chủ nghĩa cộng sản.
Nước Nga, không còn là một Liên Xô cờ đỏ búa liềm, nhưng vẫn còn theo đường lối bành trướng và xâm lấn của cộng sản dưới sự lèo lái của một vị tổng thống xuất thân từ KGB là Vladimir Putin, nên hòa bình không thể vãn hồi được tại Ukraina, bán đảo Crimea, Châu Âu, và nhiều vùng khác trên thế giới.
Cái nôi của chủ nghĩa cộng sản không còn tại Nga, nhưng một nước Tầu đã trở thành cường quốc kinh tế thứ nhì trên trái đất, là mối hiểm nguy hàng đầu có thể châm ngòi cho các cuộc chiến tại Châu Á Thái Bình Dương. Chủ tịch Tập Cận Bình, một thiếu niên đã từng phải sống nhiều năm gian khổ trong lao động khi cha ông Tập Trọng Huân bị cách chức và bị giam tù trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa của chế độ cộng sản dưới thời Mao Trạch Đông trong thế kỷ 20, không ai ngờ sau này lại trở thành lãnh tụ số một tại Hoa Lục trong thế kỷ 21. Những tưởng họ Tập, người đã trải qua bao đau khổ thời niên thiếu, và người cha đã bị cầm tù bởi cộng sản, sẽ chán ghét, kinh tởm chế độ này, và sẽ thực thi các quyền nhân bản cho người dân nước Tầu, nhưng ngược lại khi Tập Cận Bình bước lên nấc thang quyền lực, lại muốn làm một Mao Trạch Đông thứ hai, muốn biến nước Tầu, (mà nhiều nơi như Tân Cương, Tây Tạng, và ngay tại Hoa Lục, v.v... mức sống của người dân bị bần cùng hóa xuống đến thấp nhất trên thế giới), để trở thành một cường quốc đứng đầu thế giới cả vể kinh tế và quân sự vào năm 2049, ngõ hầu kỷ niệm bách niên sự ra đời của đảng cộng sản Trung Hoa – và từ tham vọng bá quyền đó của Tập Cận Bình (người được mệnh danh là “hoàng đế đỏ” sau đại hội lần thứ 19 của đảng cộng sản Trung Hoa), thế giới, nhất là vùng Châu Á đang rối loạn và Thái Bình Dương đã nổi sóng.
Trung Cộng thời Tập Cận Bình như cái vòi con bạch tuộc hút máu ở khắp nơi. Trung Cộng đã đầu tư vào Châu Phi, trọng điểm là Nigeria vùng đông dân cư nhất lục địa. Trong tháng 8 năm 2018, Nigeria đang cân nhắc để dùng đồng tiền nhân dân tệ của Tầu để kích thích nền kinh tế theo lời khuyên của họ Tập.
Ngoài ra, tại Việt Nam, ngày 29 tháng 8 năm 2018, ngân hàng nhà nước tuyên bố chính thức cho 7 tỉnh vùng biên giới dùng đồng nhân dân tệ để trao đổi mậu dịch. Điều này cho thấy cộng sản Việt đã thi hành theo lời khuyến cáo của Trung Cộng được đăng trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo (là cơ quan chính thức của đảng cộng sản Trung Hoa) vào năm 2017 về vấn đề này.
Trong hai thập niên vừa qua, các đặc khu kinh tế của Trung Cộng mọc lên nhanh chóng tại các nước Đông Nam Á, đặc biệt tại Đông Dương như tại Sihanoukville, Campuchia. Như tại tỉnh Bokeo, vùng Tam Giác Vàng bên Lào (giáp biên giới với Thái Lan và Miến Điện). Tại đây, từ năm 2007, tập đoàn Kings Roman đã thuê một khu vực rộng 100 km2 với thời hạn 99 năm để thiết lập một đặc khu kinh tế. Cũng tại thành phố nhân tạo này, người ta nói tiếng Quan Thoại, chỉnh đồng hồ theo giờ Bắc Kinh, mua bán, thanh toán chủ yếu bằng đồng nhân dân tệ. Dự trù tới năm 2020, hơn 2,25 tỉ USD sẽ được đầu tư vào đây để xây dựng một khu công nghiệp, nhà ở cho 200.000 người và một sân bay quốc tế nhằm phục vụ nhiều hơn nữa các con bạc Trung Quốc tới sòng bạc ở Bokeo được xây dựng theo phong cách La Mã. Bởi vì việc đánh bạc ở Trung Quốc bị cấm, nhưng người Tầu không bị cấm ở ba nước Đông Dương. Hoặc như ba đặc khu đang hình thành tại Việt Nam: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Nha Trang) và Phú Quốc (Kiên Giang), và hàng trăm đặc khu và khu phố Tầu Chinatown khác nữa cũng chỉ để vơ vét hết tiền của địa phương đó vào túi tham không đáy của các chủ nhân ông người Tầu.
Ông Paul Chambers, Giám Đốc Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á của Thái Lan nhận xét: “Người dân Lào trở thành công nhân thu nhập thấp và phải lao động trong những điều kiện tồi tệ cho những ông chủ đến từ Trung Quốc, và họ phải làm việc vất vả với đồng lương rẻ mạt trong các điều kiện khủng khiếp và thậm chí còn bị đe dọa bằng vũ khí trong các đồn điền trồng chuối. Lào đang trên đường trở thành một chư hầu thuộc địa mới của Trung Quốc”.
Xuất khẩu sang Hoa Lục, chủ yếu là các nông sản do các công ty Trung Quốc trồng ở Lào ví dụ như chuối, riêng từ năm 2005 tới 2013 đã tăng khoảng 300%. Người dân Lào từ làm chủ đất nước mình nay đang bị biến thành nô lệ cho thuộc địa kiểu mới mà ông chủ là người Tầu. Ước tính đã có hơn 300.000 người Hoa di cư sang sinh sống ở nước Lào chỉ có gần 7 triệu dân.
Nước Tầu dưới triều đại Tập Cận Bình đang khuynh đảo các nước đang phát triển tại Châu Á và Châu Phi qua ngã kinh tế để làm giầu cho mẫu quốc, bên cạnh mộng bá vương qua “Con Đường Tơ Lụa”, “Vành Đai các nước Ven Biển” trên đường tiến đến bá chủ thế giới vào năm 2049.
Phạm Gia Đại