Hãy hình dung rằng, khi cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc căng thẳng tới tột độ... khi hàng loạt công ty hãng xưởng ở Thẩm Quyến tuyên bố phá sản, ào ạt đóng cửa...
Tập Cận Bình lúc đó sẽ làm gì? Sẽ hò hét chửi mắng Mỹ? Chỉ vô ích thôi, ai cũng biết.
Hình như cách đơn giản Tập Cận Bình có thể gây kích động để dư luận người dân TQ chịu đứng sau lưng họ Tập: chiếm 1 đảo nhỏ của Việt Nam ở Biển Đông? Hay là gây sự ở biên giới Ấn Độ? Có lẽ, nhiều cách... nhưng có thể hình dung là, TQ sẵn sàng gây sự với Việt Nam khi cần thiết.
Bởi vì, ngay với Mỹ, TQ cũng quậy đủ thứ trò rồi, sá gì với VN.
Bản tin VOA kể rằng người đứng đầu cơ quan phản gián của Mỹ cho biết các cơ quan gián điệp của Trung Quốc đang sử dụng các tài khoản giả trên LinkedIn để tìm cách tuyển mộ người Mỹ có khả năng tiếp cận các bí mật của chính phủ và bí mật thương mại, và công ty này nên đình chỉ các tài khoản đó, Reuters đưa tin.
William Evanina, giám đốc phản gián của Mỹ, nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn rằng các quan chức tình báo và chấp pháp đã thông báo với LinkedIn, thuộc sở hữu của tập đoàn Microsoft, về những nỗ lực "cực kì quyết liệt" của Trung Quốc trên website này.
Ông nói hoạt động của Trung Quốc bao gồm liên lạc với hàng ngàn thành viên LinkedIn cùng lúc, nhưng ông từ chối cho biết có bao nhiêu tài khoản giả mà tình báo Mỹ đã phát hiện, có bao nhiêu người Mỹ có thể đã được liên lạc và Trung Quốc đã tuyển mộ thành công tới mức nào.
Trong khi đó, bản tin RFI kể rằng Mỹ vẫn cứng rắn, vì sự thật là hễ lùi, là TQ dấn tới.
RFI viết: Trong một thông điệp được cho là rất rõ ràng nhắm vào Trung Quốc, Không Quân Mỹ tiếp tục cho pháo đài bay B-52 tham gia diễn tập quanh khu vực Biển Đông.
Lực Lượng Không Quân Thái Bình Dương (PACAF) của Mỹ, ngày hôm qua, 30/08/2018, ra thông báo cho biết là trong hai ngày 27 và 30 tháng Tám, hai oanh tạc cơ B-52H, xuất phát từ đảo Guam, đã tham gia cuộc diễn tập thông thường tại khu vực quanh Biển Đông.
Bản thông cáo của Không Quân Mỹ không cho biết cụ thể khu vực tập huấn, nhưng xác nhận rằng cuộc diễn tập nằm trong Chương Trình Oanh Tạc Cơ Hiện Diện Liên Tục (CBP) của Bộ Tư Lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương có từ năm 2004 và những hoạt động gần đây của B-52 đều phù hợp với luật pháp quốc tế và chính sách bảo vệ quyền tự do hàng không và hàng hải vốn có của Mỹ.
Thông cáo khẳng định: Các chiến dịch được tiến hành trong khuôn khổ chương trình CBP đều thể hiện cam kết của Mỹ về một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở, góp phần duy trì tính sẵn sàng chiến đấu của lực lượng Mỹ và cải thiện khả năng hợp đồng tác chiến.
Theo trang mạng báo Business Insider, ấn bản Pháp, riêng trong tháng Tám này, Mỹ đã 4 lần điều loại siêu pháo đài bay B-52H của mình xuống vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông bị Bắc Kinh tranh chấp.
RFI kể:
“Các động thái này nhằm bắn đi một thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc, điều đã được tờ Hoàn Cầu Thời Báo Bắc Kinh ghi nhận trong một bài xã luận hôm qua với câu hỏi «Phải chăng Mỹ đang muốn tăng sức ép trên Trung Quốc trên hồ sơ thương mại bằng cách gởi oanh tạc cơ B-52 đến Biển Đông?»
Giới quan sát cũng ghi nhận là vào lúc Mỹ cho B-52 tăng cường hoạt động trên không phận Biển Đông, Lầu Năm Góc hôm 16/08 vừa qua đã công bố một bản phúc trình báo động về việc Trung Quốc tiếp tục có hành vi cưỡng chế nước khác ở Biển Đông để áp đặt yêu sách của Bắc Kinh.
Báo cáo cũng ghi nhận sự kiện oanh tạc cơ Trung Quốc ngày càng hoạt động nhiều hơn trên các vùng biển bị tranh chấp.”
Trong khi đó, bản tin RFA kể: Tư lệnh Hải quân Trung Quốc thăm Hoa Kỳ giữa lúc có căng thẳng hai nước.
Tư lệnh hải quân Trung Quốc, ông Trần Kim Long sẽ thăm Hoa Kỳ vào tháng chín tới đây.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm nói như vậy vào ngày thứ năm 30/8/2018.
Ngày giờ chính xác chưa được công bố nhưng ông Ngô Khiêm nói rằng chuyến đi của ông Trần Kim Long sẽ diễn ra trong khoảng từ giữa tháng chín đến cuối tháng.
Trong khi đó, Nhật Bản cho biết là phải sẵn sàng đối phó...
Bản tin NHK kể: Bộ Phòng vệ Nhật Bản đề xuất ngân sách kỷ lục.
Bộ Phòng vệ Nhật Bản dự kiến đề xuất ngân sách kỷ lục để giải quyết các vấn đề an ninh, như chương trình tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên và hoạt động của Trung Quốc trên biển.
Hôm thứ Sáu, Bộ trưởng Phòng vệ Nhật Bản Onodera Itsunori và giới chức bộ này quyết định đề xuất ngân sách trị giá 5,3 nghìn tỷ yên, tương đương khoảng 47,7 tỷ đôla Mỹ, cho năm tài chính bắt đầu từ tháng 4 tới. Con số này tăng 2,1% so với ngân sách ban đầu của năm nay.
Đề xuất bao gồm ngân sách cần thiết để mua hệ thống phòng thủ tên lửa trên mặt đất Aegis Ashore. Bộ dự kiến triển khai 2 hệ thống trong giai đoạn 5 năm tính từ năm tài chính 2019.
Trong đề xuất cũng có ngân sách dành cho các đảo xa và vùng biển quanh Nhật Bản nhằm đối phó với việc Trung Quốc gia tăng hoạt động trên biển.
Bộ dự kiến mua thêm 6 máy bay chiến đấu tàng hình F-35A và nâng cấp các máy bay chiến đấu F-15 mang tên lửa hành trình có tầm bắn 900km.
Như vậy đó, Biển Đông sôi động. Có ai ở Hà Nội bị tình báo Hoa Nam móc nối gì chưa?
Trần Khải