Tôi rất trân trọng những chia sẻ của bác sĩ Phạm Hồng Sơn trong bài viết “27 ghi
chú dành cho những tù nhân lương tâm dự khuyết”. Dù 27 ghi chú đó là những lời
rất giản dị, nhưng chúng thể hiện tình yêu con người chứa chan của tác giả, chúng
vẫn toát lên ý chí kiên cường của người viết với sức mạnh của niềm tin, và nhất là
chúng vẫn thể hiện một trí óc cân bằng, luôn tỉnh táo, luôn khách quan, khiêm
nhường.
Nhiều người khác đã viết bài khen ngợi “27 ghi chú” của bác sĩ Phạm Hồng Sơn
như tác giả nhà báo Ngô Nhân Dụng, và tôi cũng đồng ý với họ. Bản thân tôi đã
đọc kỹ “27 ghi chú” nhiều lần, ghi chép ra để suy nghĩ và học hỏi, cho mình. Biết
đâu một ngày nào đó tôi sẽ cần đến chúng, dù vẫn biết nếu không phải dùng đến
chúng vẫn hơn.
Nhưng là công dân của nước Việt hôm nay, nếu bạn chỉ có tấm lòng yêu nước và
muốn một ngày mai tươi sáng hơn cho đất nước, cho dân tộc - như cô bé Phương
Uyên, thì chắc chắn bạn đã là một tù nhân lương tâm dự khuyết của chế độ này rồi.
Người ta đang bắt tù nhân xây thêm nhiều nhà tù cho những người tù dự khuyết
như thế, cho tôi và bạn - vì chúng ta yêu nước Việt của mình? Số lượng phòng
giam sẽ tăng theo tỷ lệ thuận với tổng nợ quốc gia mà họ gây nên, nay đã trên trăm
tỷ đô la và lớn hơn GDP...
Vâng, tôi biết mình rất muốn những điều tốt đẹp hơn cho đất nước, và tôi tin các
bạn cũng rất muốn những điều như thế. Nên chúng ta đều là tù nhân lương tâm dự
khuyết của chế độ này. Và vì thế, tôi rất cảm ơn bác sĩ Phạm Hồng Sơn về 27 điều
ghi chú đó.
Tôi viết bài này vì hai lý do. Lý do thứ nhất tôi đã vừa thực hiện xong: chân thành
cảm ơn bác sĩ Phạm Hồng Sơn.
Lý do thứ hai: noi gương bác sĩ Phạm Hồng Sơn, tôi muốn làm một điều gì đó
tương tự và có ích cho mọi người.
Tôi chưa có “vinh hạnh” trải qua một ngày lao tù nào ở bất kỳ đâu. Nhưng cuộc đời
gần sáu mươi tuổi với gần bốn mươi năm qua sống và làm việc trong chế độ này
tôi có một bất hạnh lớn là đã phải rất nhiều lần làm nhân chứng trong các vụ án kinh
tế, hình sự lớn của bộ máy hành pháp của chế độ này. Và tôi muốn chia sẻ với các
bạn về những kinh nghiệm đó: Khi bạn là nhân chứng ở VN.
Tại sao điều đó lại quan trọng? Nhân chứng thôi mà?
Nếu bác sĩ Phạm Hồng Sơn với 27 ghi chú sẽ giúp bạn xử lý các vấn đề của mình
khi chẳng may đã ở trong tù – cách đối xử với bản thân, với bạn tù và nhất là cai
ngục, thì chia sẻ của tôi sẽ chỉ nói đến việc bạn nên cư xử thế nào với công an
điều tra và cán bộ tòa án, viện kiểm sát khi bạn vẫn là công dân “tự do” và tự nhiên
bị dính vào vụ án của người khác – khi bạn là “nhân chứng” hay người có quyền
lợi, nghĩa vụ liên quan.
Tôi chỉ có 7 ý muốn chia sẻ với các bạn như sau:
1. Khi bạn là nhân chứng ở Việt nam, hãy nhớ rằng việc đầu tiên và quan trọng nhất
của bạn là bạn phải tự bảo vệ mình để khỏi dính sâu vào vụ án, chứ không phải
bạn “chỉ là nhân chứng” đâu, và nhất là càng không phải là giúp cán bộ điều tra
điều tra ra vụ án.
Tại sao vậy?
Lý do: Công an VN không bao giờ coi ai là vô tội. Bạn đã được mời là nhân chứng
là do bạn vô tình bị liên quan đến vụ án, đến bị can thì đối với họ bạn cũng đã là
nghi can “dự khuyết” rồi. Nếu họ không tìm ra nghi can thật hay không muốn tìm ra
– rất thường là như thế (!)- vì đã “được chỉ đạo”, đã được ăn hối lộ rồi, thì họ sẽ
tìm cách đưa những người ngây thơ như bạn vào tròng thay thế. Đối với CA VN,
thà kết tội nhầm còn hơn không kết tội được ai, tức họ không thể không lập công
với đảng. Còn dân oan phải chết oan ư? Chả là gì với họ, miễn là tiền họ vẫn đầy
túi, lon họ vẫn thêm sao… Họ có thể vô tư cho bạn vào tù dù chính họ biết rõ nhất
bạn là người vô tội. “Ai bảo số nó xui!”
2. Hãy cảnh giác, cận trọng với những điều mình nói, mình “khai” với cán bộ điều
tra, vì nếu có cơ hội họ sẽ dùng chính những điều đó để kéo bạn dính vào vụ án
của người khác, do người khác gây nên, dù bạn hoàn toàn vô can, vô tội. Hãy chỉ
nói sự thật và càng ít càng tốt. Đừng bao giờ nổ, suy diễn, quân tử dổm và sĩ diện
ta biết tuốt, ta giỏi ta thông minh với họ, đơn giản không chỉ vì điều đó rất nguy
hiểm cho bạn, mà còn vì: đừng vô tình hại người khác.
Lý do: như đã nói ở điểm 1 trên, cán bộ điều tra luôn phải kết tội ai đó để lập công,
dù người đó có tội hay không. Nếu người sẽ bị kết tội hay sẽ bị hại đó không phải
là bạn, nhưng do những lời khai “vô tư” của bạn công an điều tra sẽ “chế” thành
chứng cớ làm hại họ, thì là bạn vô tình tiếp tay cho lũ chúng.
3. Hãy đừng nhiệt tình cung cấp thông tin mà bạn không phải nói ra theo trách
nhiệm nhân chứng của bạn. Đừng tỏ ra mình biết nhiều, biết tuốt và muốn giúp họ
giải quyết vụ án “vì điều tốt đẹp hay sự công bằng trong xã hội”. Đừng làm công cụ
cho người khác làm điều xấu.
Lý do: Những hiểu biết đó của bạn, công an điều tra nếu không dùng được để hại
lại chính bạn hay hại ai khác thì họ cũng sẽ dùng để hại nhau, để tranh công, và
thao túng vụ án sao cho có lợi cho cá nhân họ hay bè nhóm họ mà thôi. Không có
ai trong số họ thực sự trân trọng và quan tâm đến những điều tốt đẹp hay sự công
bằng trong xã hội như bạn đâu. Tôi đã từng nhầm như thế những năm còn trẻ khi
làm nhân chứng cho những vụ án lớn đầu tiên. Tệ hơn nữa, khi công an điều tra và
các thế lực trong vụ án tranh công, hại nhau, thao túng vụ án thì họ sẽ tìm cách
khống chế nguồn tin và bạn sẽ bị kẹt vào đó. Như vậy, bạn vẫn hại lại chính mình,
mà xã hội càng thêm xấu xa hơn, chứ không phải tốt đẹp và công bằng hơn như
bạn muốn.
4. Hãy đừng run sợ vì họ là công an điều tra hay công chức tòa án, viện kiểm sát.
Đó là tâm lý bình thường rất tệ hại của đa số dân ta khi gặp và làm nhân chứng
trước công an ngày nay, do ngoài đời thấy họ hống hánh quyền thế quá.
Nhưng bạn phải biết mình là công dân tự do đang được họ nhờ giúp trong công
việc của họ. Còn họ cũng chỉ là những công chức nhà nước như bao nhiêu người
khác, như chính bạn.
Tôi có hai cách để xử lý vấn đề này. Lúc đầu tôi phải hình dung ra những đứa bạn
học cũ của mình mà nay chúng đang làm trong ngành công an, trong tòa án, trong
viện kiểm sát ra sao. Hình dung nếu chúng nó đang ngồi phía bên kia bàn và hỏi
mình thì mình sẽ nói gì. Thường chúng nó là những đứa học rất dốt và tư cách chả
có gì hấp dẫn mới chui vào những ngành đó (thời của tôi là thế, và bây giờ vẫn thế,
chỉ khác là chúng nó còn phải tốn nhiều tiền hơn).
Cách thứ hai là tôi tự nghiên cứu quyền hạn của họ - những cán bộ điều tra, và
quyền lợi của mình trong Bộ Luật Tố tụng Hình sự, để chọn cách cứ xử đúng đắn
nhất cho mình, để tự bảo vệ mình. Và đây là cách tôi khuyên các bạn cũng nên làm
như thế.
Hãy đọc kỹ bộ luật Tố tụng Hình sự. Hãy mang nó theo khi bạn phải đi làm việc với
cán bộ điều tra, khi bạn là “nhân chứng” hay người có quyền lợi và nghĩa vụ liên
quan. Hãy làm rõ với họ ngay từ đầu quyền hạn của họ đối với bạn – một công dân
tự do, và quyền lợi của bạn- một công dân tự do. Hãy hỏi rõ mỗi yêu cầu của họ
với bạn là dựa trên điều khoản nào của Luật Tố tụng Hình sự? Tại sao bạn phải
làm thế?
Đừng làm hay nói những gì chỉ vì bạn có thể làm hay nói. Chỉ nên làm hay nói
những gì bạn phải làm hay nói với tư cách và trách nhiệm công dân. Đừng kể
chuyện, mà chỉ trả lời câu hỏi của họ thôi.
Tại sao ư? Vẫn vì lý do như điều 1 trên: Họ có thể dùng những điều đó hại chính
bạn khi họ cần và họ muốn, họ “phải” làm thế, dù họ biết bạn đang vô tư “giúp đỡ”
họ. Đừng muốn là người hùng” của họ. Chữ hùng đi với chứ hung một vần.
Lý do: Cái nguy hiểm và ghê tởm của chế độ này là họ bưng bít và thao túng pháp
luật hoàn toàn trước mọi công dân. Những điều cơ bản như quyền tối thiểu của
người công dân khi làm việc với quyền lực của chính quyền cũng không mấy công
dân nào được biết và có để sử dụng. Cá nhân tôi là một ví dụ. Từ đó có thể suy ra
99,99% dân mình không biết quyền cơ bản của mình để tự bảo vệ trong cuộc
sống, ví dụ như quyền của người làm nhân chứng trong các vụ án hình sự.
Cái chính quyền “vì dân” này điều hành nửa đất nước từ 1954 rồi cả nước từ
1975, vậy mà mãi đến 1989 họ mới có bộ luật Tố tụng Hình sự đầu tiên, thì tức là
suốt 35 năm trước họ muốn làm gì với dân để điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án
là tùy họ. Ngay cả trong 24 năm có luật Tố tụng Hình sự hiện nay thì họ cũng
không thực hiện nghiêm túc và càng không phổ cập nó cho dân để dân có cái tự
bảo vệ mình trước họ.
5. Trong khi họ lấy lời khai, hãy phản đối, từ chối trả lời những câu hỏi có tính chất
gợi ý. Điều 135, khoản 4 Luật Tố tụng Hình sự cho bạn quyền đó. Hãy luôn có
những đề nghị, yêu cầu, khiếu nại nếu cần thiết và nếu họ không thực hiện thì hãy
yêu cầu họ ghi vào biên bản những đề nghi, yêu cầu, khiếu nại của bạn, vì bạn có
quyền đó (Điều 95, khoản 1).
Lý do: bạn phải chủ động trong quá trình lấy lời khai (không phải bạn đang bị hỏi
cung) thì bạn mới tự bảo vệ được mình, không làm hại người khác và không trở
thành công cụ cho họ làm điều xấu. Nói chung, hãy trở thành chuyên gia về Luật Tố
tụng Hình sự thì bạn mới đạt được ba mục tiêu trên. Nếu tất cả người dân chúng ta
đều có hiểu biết và biết áp dụng pháp luật, trước hết là bộ Luật Tố tụng hình sự thì
chính quyền này cũng khó hành hạ vô nhân đạo người dân thậm tệ như hiện nay.
Tôi không nói điều đó sẽ chấm dứt.
6. Sau khi họ đã lấy “lời khai” của bạn, đây là thời điểm quan trọng nhất, hãy đọc,
xem kỹ lại tất cả nội dung và hình thức tờ Biên bản lời khai trước khi bạn ký hay
quyết định không ký chúng.
Nếu quyết định không ký Biên bản, bạn nên có lý do rõ ràng: nội dung không đúng
như bạn khai, hình thức không đảm bảo để người ta không thể thay đổi nội dung
sau đó – nhất là với các ngón nghề tinh vi của họ, hay vì pháp lý không bắt bạn phải
ký các giấy tờ đó. Bạn có quyền chỉ ký khi những phản đối, đề nghị, khiếu nại của
bạn được ghi vào Biên bản. Bạn có quyền viết thêm vào biên bản những điều đó
trước khi ký.
Về nội dung, đó phải đúng là những từ, câu và ý của bạn. Đừng để điều tra viên
thay bằng những câu, từ “tương đương” hay gợi ý mà bạn không hiểu và không thể
đồng ý.
Về hình thức tờ Biên bản lời khai của nhân chứng, đây là điều quan trọng nhất, nó
phải sao cho sau khi bạn ký nó và để lại, là tài liệu không ai có thể thay đổi, thêm
thắt, tẩy xóa bớt hòng làm thay đổi ý nghĩa và nội dung lời khai “của bạn” theo
hướng họ muốn. Nhớ là, họ không bao giờ cho bạn có một bản sao những gì bạn
ký nên bạn càng phải RẤT cẩn thận trước khi ký bất cứ điều gì.
Lý do: Chúng ta biết hệ thống tòa án của chế độ này chỉ trọng chứng, không trọng
cung, cho nên các phán quyết của tòa có thể “bỏ túi” theo chỉ đạo từ trước vì chỉ
dựa trên những “chứng cớ” “thu thập được” trong quá trình điều tra, mà không dựa
trên quá trình tranh tụng tại Tòa. Điều này giúp họ vô hiệu hóa toàn bộ hoạt động
của giới luật sư và hệ thống pháp lý kinh điển, biến mọi phiên tòa thành trò hề diễn
lại những gì họ đã quyết từ trước. Và sự bưng bít kiến thức pháp luật, nhất là Luật
tố tụng, thao túng luật pháp hoàn toàn bởi các cán bộ công an điều tra, viện kiểm
sát, tòa án cho phép họ hoàn toàn có thể tạo ra mọi chúng cớ họ muốn và kết tội
bất kỳ ai họ muốn. Các cơ quan này có thể giết người trong khi điều tra xong lại
“chế ra” thư cảm ơn của người bị giết đối với người giết mình, như vụ án anh Nhựt
ở Bình Dương… Đó là toàn bộ bản chất của hệ thống công lý của chế độ này.
7. Để làm cho một Biên bản lời khai của bạn về hình thức khó sửa đổi mà không
để lại dấu vết, bạn nên làm thật tốt những ghi chú sau:
a. Đọc thật kỹ và đồng ý với từng từ, từng câu, và từng ý của nội dung biên bản;
b. Không chấp nhận và đừng bao giờ ký biên bản mà điều tra viên ghi lời khai cố ý
ghi thưa từng chữ ra, cách dòng nhiều, hay xuống dòng, để lề rất rộng... Đó là
những cơ hội họ cố tình tạo ra để họ sẽ sửa đổi, thêm bớt từ ngữ, dấu chấm phẩy,
thay đổi ý câu và nội dung sau đó… theo ý họ;
c. Đếm và ký bên những chỗ bị sủa chữa, gạch xóa trong quá trình ghi biên bản.
(Điều 95, Khoản 2 Luật Tố tụng cho bạn quyền này).
d. Trước khi ký hãy yêu cầu họ ghi tất cả những đề nghị, khiếu nại, phản đối của
bạn, nếu có. (Điều 95, Khoản 1 Luật Tố tụng cho bạn quyền này).
e. Hãy đếm và ghi thêm các ghi chú về số trang, số dòng, nếu được thì cả số từ
của biên bản, nhất là số lượng những điểm sửa chữa đã có chữ ký xác nhận của
bạn ở bên, trước khi ký; Và nhớ là bạn hãy ký vào từng trang Biên bản dù có trang
không có sửa đổi gì và không có ghi chú điều đó (để họ khó thay cả trang, nhất là
khi họ ghi biên bản).
f. Hãy có một ghi chú ghi rõ đây là biên bản thứ bao nhiêu bạn đã ký, vào ngày nào.
Nên có một ghi chép riêng theo dõi ngày giờ, địa điểm bạn bị yêu cầu làm việc với
cán bộ điều tra và các biên bản bản bạn đã ký tương ứng. Ví dụ: nếu bạn đã ký 5
Biên bản thì ghi rõ đây là biên bản thứ 5 ngày x/y/z, sau 4 biên bản khác bạn cũng
đã khai và ký. Lý do: họ sẵn sàng thay nhau “quần” cho bạn mệt mỏi, chán nản đến
nỗi phải ký vào Biên bản đúng theo ý họ, rồi họ bỏ các biên bản khác đúng sự thật
tức đúng theo ý bạn đi.
Nếu vụ án là lớn và nghiêm trọng, và bạn là nhân chứng quan trọng, bạn nên có sự
tư vấn của luật sư. Ở VN này, tìm được luật sư thực sự rất khó. Nhưng vẫn có thể
tìm được. Tôi cũng đã từng thuê luật sư, nhưng họ không giúp được gì hơn cả
nếu bạn đã nắm được quyền lời của mình theo Luật Tố tụng Hình sự. Bạn đã tự tư
vấn pháp luật cho mình được rồi. Còn những điều tôi nói ở trên, họ không nói cho
bạn đâu, vì không còn là pháp luật nữa, mà là phá luật, là cướp luật. Họ phá luật và
cướp luật của họ và bạn phải chống đỡ. Nếu chống đỡ trong tình cảnh ý thức
được việc mình bị cả hệ thống cướp mất luật bảo vệ bạn, thì bạn sẽ có có may
không chết oan cao hơn. Cách của tôi là; chúng ta hãy đòi lại quyền lợi của mình,
hãy đòi lại luật pháp vốn để bảo vệ mình, cho mình!
Mục đích của bạn khi vô phúc bị là nhân chứng hay người có quyền lợi liên quan
hay người bị hại trong xã hội “dân chủ vận lần hơn tư bản” này là bạn phải tự bảo
vệ mình, không vô tình làm hại người khác và không thành công cụ và nạn nhân
của người khác. Để làm tốt điều đó, hãy trang bị trước kiến thức về quyền lợi của
mình ít nhất theo Luật Tố tụng. Chúc các bạn đừng bao giờ phải tham khảo đến
những chia sẻ này của tôi. Nhưng hãy cứ đọc Luật Tố tụng nhé!
Phan Châu Thành (Danlambao)