Lần đầu tiên trong 73 năm, đảng duy nhất cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã bị nghi vấn, trong lo sợ bị lật đổ, về ngày gọi là “độc lập” 2/9.
Để đối phó, Tuyên giáo đảng tung ra nhiều bài viết bảo vệ Tuyên ngôn độc lập do ông Hồ Chí Minh, người thành lập đảng, đọc ngày 02/09/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội.
Những người viết hô hoán “không thể xuyên tạc giá trị lịch sử”, hay “ý nghĩa thời đại của Bản Tuyên ngôn Độc lập.”
Song song với tuyên truyền, cũng là lần đầu tiên, đảng phải huy động một lực lượng lớn võ trang gồm Công an, Cảnh sát, Quân đội và Dân quân sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ an ninh, bảo vệ đảng cầm quyền. Lệnh này được thi hành sau khi có lời hô hào từ nước ngoài phóng về Việt Nam kêu gọi biểu tình phản đối tổ chức kỷ niệm ngày 2/9/2018.
NGỘT NGẠT-KHÓ THỞ
Mặc dù không có dấu hiệu biểu tình sẽ xẩy ra, như hàng trăm ngàn người dân đã bất ngờ biểu tình khắp nước phản đối “Luật An ninh mạng” và “Dự luật Đặc khu “trong hai ngày 10 và 11 tháng 06 (2018), nhưng nhiều đơn vị quân đội và dân quân đã được lệnh ở thế sẵn sàng. Trong khi nhiều ngàn Cảnh sát và Công an đã được huy động canh gác khắp các “điểm nóng”, đặc biệt tại Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, v.v… Nhiều hàng rào, chướng ngại vật ngăn chận lưu thông đã được dựng lên khắp nơi khắp chốn.
Cả nước tràn ngập căng thẳng, ngột ngạt, lo sợ như sắp có biến cố không lành. Người dân thì ngỡ ngàng, bâng khuâng, lặng câm như con hến. Công an thì con mắt đảo điên, cái mặt thì đằng đằng sát khí như muốn ăn sống nuốt tươi ai đó.
Một lực lượng công an thường phục, mật vụ chìm và nổi đã bám sát một số nhân vật mà họ tình nghi sẽ chủ động các cuộc biểu tình đột biến. Nhiều nơi cư ngụ của những người năng động, hay từng nhiều lần biểu tình trước đây đã bị canh gác từ mấy ngày trước.
Nhà văn, cựu Đại tá Quân đội Phạm Đình Trọng, người đã tuyên bố ra khỏi đảng “sau 40 năm là người Cộng sản”, từ 19.5.1970 đến 20.11.2009, viết từ nơi cự ngụ Sài Gòn của ông: “Ngày 2 tháng chín, 2018, công an bủa vây bịt bùng trước nhà nhiều người dân trên khắp mọi miền đất nước. Hai trung tâm chính trị văn hóa, xã hội, hai không gian tiêu biểu cho đời sống dân sự đất nước, tiêu biểu cho bộ mặt xã hội Việt Nam là Hà Nội và Sài Gòn không những là hai nơi số người dân bị công an nhà nước cộng sản bủa vây, ngăn chặn không cho ra khỏi nhà nhiều nhất mà trên khắp đường phố Hà Nội, Sài Gòn còn rải đầy sắc áo công an, dân phòng trang bị roi điện, dùi cui, trang bị cả bộ mặt thú săn hầm hầm sát khí. Khắp các ngả đường trung tâm hai thành phố lớn nhất nước giăng trùng trùng lớp lớp rào sắt, kẽm gai.
Ngày 2 tháng chín, 2018, Hà Nội, Sài Gòn như hai thành phố bị chiếm đóng, hai thành phố bị bạo lực nhà nước cộng sản phong tỏa.”
Một người Sài Gòn khác, Tác giả Trương Minh Ẩn phản ảnh: “Sài Gòn ngày 2/9 vắng vẻ, đường xá ít người, chứ không ngồn ngộn như ngày thường. Có 3 ngày nghỉ nên khá đông người về quê, đi chơi xa… Tôi chỉ gọi là ngày nghỉ, bởi với riêng tôi nó chỉ có vậy. Không là gì nữa cả, chẳng phải ngày Quốc Khánh gì cả. Bởi độc lập này chỉ giành cho một số người, một tầng lớp người theo Cộng sản….”
Từ Hà Nội, Nhà văn, Nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy viết trên trang báo cá nhân: “Đặc điểm nổi bật của việc kỷ niệm 73 năm Tuyên ngôn độc lập năm nay là tình hình siết chặt an ninh trên toàn quốc, ráo riết hơn rất nhiều so với mọi năm.
Trước đó xuất hiện những lời kêu gọi tổng biểu tình vào ngày 2/9 trên các trang mạng. Về phía nhà nước thì kêu gọi mọi người “cảnh giác”, “không mắc bẫy kẻ xấu”, cho đó là “những lời kêu gọi kéo mây đen về giữa trời quang”.
Lực lượng công an được huy động tối đa để ngăn chặn biểu tình. Trên các đường phố, tràn ngập cảnh sát trong các mầu áo.
Nhiều người được cho là ngòi nổ của các cuộc biểu tình ở Sài Gòn, Hà Nội bị canh giữ, hoặc bám sát khi đi chợ hay đi làm một việc gì đó… Nói chung, những ai đã từng xuống đường, bị bắt về đồn công an đều bị theo dõi canh giữ chặt chẽ.”
Từ ba nhân chứng cho thấy ngày 2/9 năm 2018 không bình thường. Đã thấy thiếu những hân hoan, nụ cười đã tắt và hạnh phúc phai tàn của một dân tộc đã phải gánh chịu qúa nhiều đau thương sau 30 năm chiến tranh huynh đệ tương tàn do đảng CSVN chủ động và độc tôn, độc tài cầm quyền.
Và giờ đây, sau 30 gọi là “đổi mới” và phải tái cơ cấu kinh tế đến 2 lần, thu nhập hàng năm của công nhân Việt Nam vẫn tụt hậu rất xa so với hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á, chỉ hơn có Lào và Cao Miên. Nhưng mỗi người Việt Nam phải gánh món “nợ công” bao nhiêu?
Một Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về vay vốn ODA (official development assistance) cho thấy: “Năm 2018 nợ công dự kiến lên con số 3,5 triệu tỷ đồng, cao hơn con số 3,1 triệu tỷ đồng của năm 2017.
Như vậy, từ chỗ mỗi người dân chỉ "gánh" 31 triệu đồng nợ công vào năm 2017, thì đến 2018 dự kiến con số này sẽ tăng thêm 4 triệu đồng, lên 35 triệu đồng. Nhưng, con số đó có thể chưa dừng lại.
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nợ công trong xu hướng tăng dần đều, mỗi năm khoảng 360.000-380.000 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2019 dự kiến tăng lên mức hơn 3,9 triệu tỷ đồng và gần 4,3 triệu tỷ đồng vào năm 2020.” (theo VietNamNet, ngày 19/08/2018)
Với tình hình kinh tế chưa ra khỏi qũy đạo gọi là “trung bình thấp”, người dân Việt Nam còn phải gánh chịu thảm họa của quốc nạn tham nhũng và tệ nạn các nhóm lợi ích không ngừng phá hoại ngân sách nằm trong các Danh nghiệp Nhà nước (DNNN) thua lỗ.
Như vậy, nếu đọc lại lời mở đầu của Tuyên ngôn ngày 2/9/1945 thì thấy ngay đảng cầm quyền CSVN đã thất bại ê chề. Ngày ấy, ông Hồ đọc: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".
Nhưng đối với đại đa số nhân dân Việt Nam sống dưới chê độc độc tài và độc đảng Cộng sản thì chỉ có những người của đảng hay làm theo lệnh đảng thì mới có “quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Tình trạng chênh lệch giầu nghèo và không bình đẳng trong xã hội Việt Nam ngày nay là một bằng chứng.
ĐỘC LẬP NÀO?
Vì vậy mà lần kỷ niệm lần thứ 73 năm nay (2018), ngày gọi là “độc lập 2/9” đã bị đặt nghi vấn bởi nhiều tầng lớp nhân dân.
Giáo sư ngành xây dựng nổi tiếng Nguyễn Đình Cống, 81 tuổi, người đã chính thức tuyên bố “Tôi thông báo từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày 03 tháng 02 năm 2016. Yêu cầu tổ chức Đảng xóa tên tôi khỏi danh sách”, đã phê bình ngày 01/09/2018 về một đoạn trong Tuyên ngôn của ông Hồ, viết rằng: “Về việc giành chính quyền, Tuyên ngôn viết: “Sự thật là từ đầu mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải là thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập nên nước Việt-nam dân chủ cộng hòa. Sự thật thì dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp”.
Giáo sư Cống nói thêm: “Cái sự thật nêu ở đây chỉ mới là một phần. Phần quan trọng hơn đã được giấu kín. Đó là việc cướp chính quyền từ Chính phủ Trần Trọng Kim chứ không phải giành từ tay Nhật (vì Nhật đã đầu hàng rồi), là nước Việt Nam đã tuyên bố độc lập từ tháng 3/1945. Câu “dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật” là không đúng với sự thật.”
Nên biết, theo tài liệu của Giáo sư Cống phổ biến thì Vua Bảo Đại đã chính thức công bố độc vào ngày 11 tháng 3 tại Huế. Nội dung như sau:
“Cứ tình hình chung trong thiên hạ, tình thế riêng cõi Đông Á, Chính phủ Việt Nam tuyên bố từ ngày này điều ước bảo hộ với nước Pháp bãi bỏ và nước Nam khôi phục quyền độc lập.
Nước Việt Nam sẽ gắng sức tự tiến triển cho xứng đáng một quốc gia độc lập và theo như lời tuyên ngôn chung của Đại Đông Á, đem tài lực giúp cho cuộc thịnh vượng chung.
Vậy Chính Phủ Việt Nam một lòng tin cậy lòng thành ở Nhật Bản đế quốc, quyết chí hợp tác với nước Nhật, đem hết tài sản trong nước để cho đạt được mục đích như trên”.
Bản tuyên ngôn được nhà vua và 6 thượng thư cùng ký tên, nó khá ngắn gọn, nhưng đã nêu lên được các điểm chính sau: 1- Bãi bỏ điều ước bảo hộ của Pháp (chứ không tuyệt giao với Pháp, không lên án chế độ cai trị của Pháp). 2- Nước Nam khôi phục quyền độc lập và cố xứng đáng quốc gia độc lập. 3- Nước Việt Nam tin cậy và hợp tác với Nhật (tin cậy và hợp tác chứ không nhận sự đô hộ hoặc bảo hộ như đối với Pháp trước đây).
Khi thảo luận về Tuyên ngôn độc lập, Bảo Đại phát biểu trước Triều đình:
“Trước kia nước Pháp giữ quyền bảo hộ nước ta, nay đã không giữ được nước cho ta, để quân Nhật đánh đổ, vậy những điều trong Hiệp ước năm 1884 không có hiệu quả nữa, nên Bộ Thượng thư đã tuyên hủy hiệp ước ấy. Trẫm phải đứng vai chủ trương việc nước và lập Chính phủ để đối phó mọi việc”.
Trong khi đò, Giáo sư Tiến sỹ Lịch sử Phạm Cao Dương cũng minh định: “Việt Minh Cướp Chính Quyền: Cả Nước Bị Lừa
Ông viết: “Không có lực lượng võ trang đáng kể, Việt Minh chỉ lợi dụng hanh Niên Tiền Phong làm lực lượng xung kích, qua sự lừa đảo tập thể những người trẻ chỉ biết yêu nước và phụng sự quốc gia của Miền Nam này và họ đã thành công, giống hệt như ở Hà Nội, họ đã lợi dụng và cướp ngang cuộc biểu tình ngày 17 tháng Tám của Tổng Hội Công Chức, được tổ chức để mừng độc lập và ủng hộ Chính Phủ Trần Trọng Kim, không phải để ủng hộ Việt Minh.”
Như vậy thì việc ông Hồ Chí Minh tuyên bố Độc lập ngày 2/09/1945 chỉ đến sau Tuyên bố của Vua Bảo Đại. Do đó mà ngày nay, 73 năm sau, nhiều Sử gia và người dân Việt Nam vẫn còn đặt câu hỏi: Việc Việt Minh cướp chính quyền từ tay Chính phủ hợp pháp Trần Trọng Kim có nên được coi là có công giành độc lập hay không?
09/018
Phạm Trần