Ba mẹ tôi ít khi kể cho con cái nghe về đằng ngoại cũng như chuyện tình yêu hồi trẻ của hai người. Vì thế mà ký ức của tôi đối với quê ngoại chỉ là những lần được cùng ba mẹ lên thăm bà khi còn nhỏ. Ngày đó, mỗi khi về ngoại, ba thường đèo hai anh em tôi trên chiếc xe đạp cũ của gia đình. Vòng quay chậm rãi của chiếc bánh xe cứ thế nhẹ nhàng đưa chúng tôi lướt qua những khung cảnh nên thơ suốt cả chặng đường dài.
Trước mỗi chuyến đi xa, ba tôi vẫn thường có thói quen chăm sóc cẩn thận cho chiếc xe đạp màu xanh của ông, vốn là phương tiện giao thông phổ biến thời bấy giờ. Ba dắt xe ra sân, dựng chân chống nghe đánh cạch xuống nền gạch, rồi ngồi lui cui mà miệt mài sửa chữa. Việc đầu tiên là ông kiểm tra lại hệ thống phanh cho an toàn. Với một sự tập trung cao độ, tay trái ông bóp hai má phanh cho sát vào vành xe, trong khi tay kia thì cầm cà lê để mà siết chặt lại chiếc đinh ốc nhỏ xíu. Sau khi tra xong dầu mỡ cho chiếc xe, ông cầm Pê Đan(1) quay mạnh ra phía sau để cho dầu bám đều lên xích. Chiếc Pê Đan cứ thế mà quay thành vòng tròn, tiếng líp kêu ro ro nghe êm tai. Để đảm bảo tải trọng cho xe, ông mang bơm ra, vặn chặt vòi vào van rồi bơm cho hai chiếc lốp thật căng hơi. Vậy là chiếc xe được bảo dưỡng xong, giờ đây nó đã sẵn sàng cho mọi cuộc hành trình theo ý muốn của chủ nhân. Ba tôi lấy giẻ lau hai bàn tay vào nhau với một vẻ hài lòng, đoạn đứng thẳng người lên, gọi với vào trong nhà:
– Hai đứa có lên bà ngoại chơi với ba không nào?
Khỏi phải nói nổi vui mừng của anh em tôi lúc ấy. Vì mỗi lần lên nhà ngoại thì thường được ra vườn hái trái cây. Vườn nhà bà rộng lắm, có ngót đến cả vài sào lận. Thêm nữa, quãng đường mấy cây số từ nhà đến quê ngoại, đối với anh em tôi là cả một thế giới rộng mở để mà tha hồ khám phá mỗi khi ngồi phía sau xe của ba. Thế rồi dù là đang đùa nghịch hay làm dở bất cứ công việc gì, chúng tôi đều bỏ cả ở đó mà chạy ù ra sân, tíu tít tranh nhau trả lời:
– Có ạ! Có ạ!…
– Vậy thì đi thay quần áo nhanh lên! – Giọng ba tôi nghiêm nghị, rồi ông bê cái hộp đựng đồ sửa xe cất vào chỗ cũ nơi góc nhà.
Trong khi chờ cho ba đi rửa tay, chúng tôi vội vàng vào nhà để thay quần áo đẹp. Sự háo hức khiến cho tôi cứ luống cuống cả lên, lắm lúc còn xỏ nhầm cả ống tay áo này sang tay kia nữa.
– Nhanh lên! Hai đứa làm gì mà chậm như rùa thế? – Tiếng ba tôi từ phía ngoài cổng vọng vào.
“Xong rồi đây ạ!” – Chúng tôi đồng thanh trả lời. Lúc này ba đã ngồi sẵn lên xe, một chân ông đặt lên pê đan, chân kia chống xuống đất. Tôi và anh trai liền nhanh nhảu leo lên chiếc gác ba ga ở phía sau xe.
Xe lăn bánh ra khỏi ngõ, bắt đầu chạy chầm chậm trên đường. Tiếng xích quay đều, đôi lúc nó lại kêu lên lạo xạo mỗi khi ba phải guồng mạnh để vượt qua ổ gà hay đoạn đường khấp khểnh nào đó. Tôi ngồi giữa và bám vào eo ba, phía sau là anh trai ngồi nhấp nhổm và cao hơn hẳn tôi một cái đầu. Vì bị cái lưng to bè của ba che chắn, cho nên tôi chỉ có thể nhìn ra hai bên để mà nhìn ngắm phong cảnh. Thi thoảng chúng tôi lại hỏi ba về những điều quan sát được trên đường đi. Đáp lại, bao giờ ba cũng ôn tồn giải thích cho anh em tôi, những trí óc non nớt đang tò mò khám phá cái thế giới rộng lớn và vi diệu xung quanh. Trên đường, bao giờ cũng qua một ngã tư mà dân địa phương vẫn quen gọi là “Ngã tư Chợ Đón”. Sở dĩ có cái tên như vậy, vì người ta thường đứng ở đây để đón những người bán hàng đi qua. Cuộc mua bán diễn ra chóng vánh, chứ không phải là chợ họp cố định hay chợ phiên như vẫn thường thấy. Ngay ngã tư, dưới gốc cây gạo cổ thụ, có một người đàn bà ngồi hát trên chiếc xe lăn bằng gỗ. Mỗi lần đi qua đây, người ta đều thấy bà ngồi kia, ngày nào cũng như ngày nào. Và hình ảnh đó đã trở nên rất đỗi quen thuộc đối với những người qua đường. Người ta gọi bà là “O Ninh”. O Ninh đã lớn tuổi, nhưng thân hình chỉ bằng một đứa trẻ lên tám, tiếng nói cũng the thé như con nít vậy. O ngồi trên xe, vừa hát vừa vỗ hai bàn tay nhỏ xíu phụ họa để xin tiền những người hảo tâm. Mỗi lần qua đây, ba tôi đều dừng lại, ông không nghe hát mà chỉ lặng lẽ bỏ vào cái túi được treo trước mặt o Ninh một đồng bạc. Ba thở dài, rồi lại lên xe đèo chúng tôi đi tiếp. Thấy ba cứ như vậy, anh tôi buột miệng hỏi: “Tại sao ba lại thở dài vậy ba?”. Ba chỉ im lặng đạp xe, lát sau mới trả lời bằng một giọng trầm buồn: “Ba thấy thương những số phận không may mắn. Họ cũng là con người như chúng ta cả thôi!”. Chúng tôi nghe ba nói vậy thì im lặng mà không hỏi thêm gì nữa, trong lòng cũng chợt trào lên một nổi niềm thương cảm.
Từ đoạn này là hết đường nhựa, xe rẽ vào một con đường đất đỏ, mặt đường nhẵn thín đến độ bóng loáng lên dưới ánh nắng mặt trời, có lẽ là do người ta đi lại nhiều thì phải. Những ngôi nhà lần lượt lướt qua, nhịp nhàng theo vòng quay của chiếc pê đan dưới chân ba. Đi qua ngôi làng này là ra đến đoạn đường vắng với những ruộng lúa xanh mướt mắt. Ba con tôi cứ mãi trò chuyện mà không để ý là cây cầu Dền đã hiện ra trước mặt. Đứng trên cầu có thể nhìn thấy được làng bà ngoại tôi, với những mái ngói nhấp nhô giữa bạt ngàn cây trái xanh um. Từ cầu chạy dọc bờ sông độ vài trăm mét nữa là đến nhà ngoại. Ngồi trên xe, tôi nhìn thấy con sông Dền chảy lững lờ, lòng sông sâu hun hút, hai bên bờ cây cối và cỏ dại đua nhau mọc quấn quýt, um tùm.
o0o
Nhà ông bà ngoại ngày xưa đất đai rộng lắm. Vì ông ngoại là người chịu thương chịu khó, lại chí thú làm ăn. Đất do ông khai hoang rộng nhiều mẫu, kéo dài từ trong làng cho ra đến tận bờ sông. Vì vậy mà ông bà phải thuê thêm người làm công để cho kịp mùa vụ. Đến khi xẩy ra cải cách ruộng đất(2), với ruộng vườn nhiều như vậy, dĩ nhiên là ông ngoại tôi bị chính quyền quy vào thành phần địa chủ. Hôm đấu tố, người ta bắt anh người ở lên kể tội ông. Nào ngờ anh ta trả lời thật thà rằng:
– Thưa ủy ban cải cách! Tôi chẳng có gì để mà tố ông ấy cả. Thường ngày ông vẫn thương yêu tôi như con. Ông ấy ngủ dậy sớm hơn tôi, đi làm thì vác cày đi trước, còn làm nhiều hơn cả tôi nữa. Ông ấy là người như vậy, thử hỏi có gì xấu để cho tôi đấu tố kia chứ?…
Cả làng đều ồ lên cười, đám cán bộ trong ủy ban cải cách bực bội nhìn nhau chưng hửng. Ông ngoại tôi thì chỉ đứng im mà chẳng hề nói năng chi hết. Trong lòng ông chỉ tâm niệm rằng, mình không làm điều gì sai trái, vậy thì chẳng có gì để mà thanh minh hay nhận tội với ai cả. Không có lý do để kết tội, nhưng ruộng vườn của ông ngoại thì bị họ tịch thu hết.
Ông ngoại mất sớm, chúng tôi lớn lên chỉ được nhìn thấy ông qua di ảnh trên bàn thờ ở nhà cậu. Đó là một người đàn ông hiền từ, phúc hậu, có vầng trán cao, và khóe miệng thì dường như lúc nào cũng đang mỉm cười.
Làng của ngoại hồi trước rậm rạp, hoang vu. Chỗ nào cũng thấy vườn tược xanh um, cây cối ngút mắt, cho nên có tên gọi là làng vườn. Cũng vì thế mà ba mẹ tôi gọi bà ngoại là bà làng vườn. Chúng tôi bắt chước gọi theo, lâu dần thành quen, đến nổi vô tình không còn biết đến tên thật của bà là gì nữa. Trong những lần kể hiếm hoi về quê ngoại, mẹ nói rằng thủa đó người trong làng thường thấy dưới sông Dền có rất nhiều rái cá. Người ta chỉ có thể nhìn thấy nó từ xa, vì chúng lặn ngụp rất nhanh, chẳng ai có thể lại gần được cả.
Nghe mẹ kể vậy, tôi ngước đôi mắt tròn lay láy lên nhìn, ngây thơ hỏi:
– Rái cá là con gì vậy mẹ?
– Nó giống con như con chồn, nhưng lại sống ở dưới nước, bơi lội và lặn ngụp rất giỏi. Người ta vẫn thường nói « Lặn giỏi như rái cá » đó con.
Từ đó, quê ngoại đối với tôi không chỉ là những vườn cây ăn trái xanh ngát, mà còn là con sông Dền lững lờ uốn quanh với những chú rái cá ngụp lặn bí ẩn dưới làn nước trong xanh. Những chú rái cá ngộ nghĩnh, đáng yêu với biệt tài bơi lội vô song.
Hồi tôi còn nhỏ thì bà ngoại vẫn đang khỏe lắm. Bà có sáu người con, bốn người con gái đầu, mẹ tôi thứ tư, còn sau cùng là hai cậu út. Ba dì đầu đều lấy chồng trong xóm cả, chỉ riêng mẹ tôi là lấy chồng ngoài xã, xa hơn một chút. Hai cậu tôi lớn lên thì nhập ngũ, rồi cùng phục vụ trong quân đội. Cậu đầu công tác tận Lạng Sơn, tuyến đầu của tổ quốc. Bản thân cậu cũng từng tham gia cuộc chiến tranh biên giới phía bắc(3) hồi năm 1979. Sau này khi chiến tranh kết thúc, hai cậu đều phục viên và trở về làng. Bà ngoại ở với cậu Sơn – là cậu đầu – vì cậu còn phải thờ cúng ông ngoại nữa. Mẹ tôi thường nói: “Thời chiến, vậy mà cả hai thằng con trai đi bộ đội đều sống sót trở về cả. Nhà như vậy là có phúc !”.
Mỗi lần đến chơi nhà bà ngoại, mẹ thường nhân tiện mà dẫn chúng tôi đến thăm nhà các dì ở trong xóm. Dì nào cũng quý, cứ mời mọc chúng tôi ở lại chơi mãi. Tôi còn nhớ bà ngoại thường mặc một chiếc quần vải lanh đen, áo thì cổ tròn màu xanh với hai cái túi nhỏ phía dưới. Khi ở nhà thì bà có một cái tráp tròn để đựng trầu, nhưng mỗi lần đi ra ngoài, bà lại bỏ mấy miếng trầu xinh xinh vào hai cái túi áo ấy, vừa để ăn, vừa mời khách. Khuôn mặt bà phúc hậu, mỗi khi bà nở nụ cười thì hàm răng nhuộm đen lấp lánh dường như lại tỏa sáng. Nhà bà có một hàng cau trước sân, có lẽ đã rất lâu năm, vì thân cây cao chót vót. Nhiều lúc tôi cứ ngồi ngẩn ngơ mà nhìn lên những chùm quả tròn mẩy vàng xanh treo lơ lửng trên tít ngọn cây rồi tự hỏi: “Không hiểu làm sao bà có thể hái cau xuống để mà ăn trầu được nhỉ?”. Thân cây cau cao, không biết cơ man nào là những đốt, chẳng tài nào đếm xuể. Đã vài lần tôi thử đếm từ dưới gốc lên, nhưng lần nào cũng đếm gần đến ngọn thì lại quên mà phải nhẩm lại từ đầu. Cứ như thế, chẳng lần nào tôi đếm đúng được cả.
Khi mẹ con tôi chào bà ngoại để ra về, bà trìu mến xoa đầu tôi rồi quay sang nói với mẹ:
– Mẹ nó và cháu ở lại ăn cơm với bà một bữa cho vui!
Mẹ tôi lễ phép đáp:
– Con còn phải về có chút việc. Để lúc khác mẹ ạ!
Tuy không giữ chúng tôi ở lại được, nhưng bà đã chuẩn bị sẵn một túi quà, trong đó đựng nào là bưởi, na, ổi. Ngoại tôi là vậy, lúc nào cũng chu đáo, lo lắng cho con cháu được trọn vẹn mọi bề.
o0o
Rồi ba tôi phải đi dạy xa nhà, vì vậy mà thi thoảng vào dịp nghỉ hè hoặc tết, ông mới có thời gian đưa chúng tôi lên thăm bà ngoại được. Những lần như vậy, ông chở chúng tôi bằng xe máy, chứ không còn đi xe đạp như trước nữa. Mỗi lần nghe tiếng máy nổ ngoài sân, mọi người ở nhà bà ngoại đều biết ngay là ba con tôi lên chơi, có lẽ vì hồi đó xe máy còn hiếm. Cậu Sơn từ trong nhà tươi cười ra đón, lần nào cũng là một câu hỏi thay cho lời chào nghe như công thức định sẵn:
– Anh và cháu đã lên chơi?
Ba con tôi xuống xe, tíu tít chào cậu và mọi người trong nhà.
Cậu là bộ đội giải ngũ, cho nên tính siêng năng và kỷ luật lắm. Với sức vóc to khỏe, một mình cậu cải tạo và trồng trọt cả mảnh vườn rộng phía sau nhà. Dưới bàn tay chăm sóc của cậu, cây cối trở nên xanh tốt lạ thường, hoa trái lúc nào cũng trĩu trịt trên cành. Trước thềm nhà, cậu còn trồng một cây đào sum suê, năm nào cũng nở hoa rất đẹp. Với bản tính con nít, đã không ít lần tôi phải bụm miệng để khỏi phải bật cười mỗi khi thấy cậu ăn to nói lớn. Có lẽ đó là thói quen của cậu từ thời còn ở trong quân ngũ thì phải. Thật vậy, tiếng cậu tôi lúc nào cũng vang và uy nghiêm, ánh mắt nhìn nhanh và sắc sảo, rõ ràng là tác phong của một quân nhân chính hiệu. Chúng tôi vẫn thường thấy cậu hay mặc một bộ quân phục bạc màu, kể cả khi làm vườn hay tiếp khách.
Cậu Sơn lịch sự đón ba tôi vào trong nhà, rồi hai anh em ngồi xuống bàn trò chuyện. Bên ấm chè xanh, ba và cậu cùng nhau bàn bạc về chuyện giỗ ông ngoại sắp tới, nét mặt hai người toát lên vẻ kính cẩn, trang nghiêm.
Mỗi khi biết chúng tôi lên chơi, bà ngoại lại bỏ dở công việc đang làm dưới bếp mà chậm rãi đi lên nhà trên, với một nụ cười hạnh phúc trên môi. Lúc nào cũng vậy, tôi luôn cảm nhận được ở ngoại một tình cảm ấm áp và bao dung. Nhìn thấy bà, chúng tôi lễ phép chào rồi chạy đến sà vào lòng. Bà xoa đầu hai anh em tôi, trìu mến:
– Nào! Hai đứa xuống đây chơi với bà. Để cho ba và cậu nói chuyện!…
Chúng tôi theo chân bà đi xuống nhà dưới, rồi mấy bà cháu cùng ngồi xuống chuyện trò. Bà cầm cái que đun bếp, chậm rãi cời cho đám than hồng bùng lên rực rỡ, rồi hỏi chúng tôi về chuyện học hành, chuyện mẹ đã chuẩn bị tết được đến đâu. Chúng tôi ríu rít trả lời, còn bà thì chăm chú lắng nghe với một niềm thích thú và độ lượng. Bà dặn chúng tôi phải ngoan, học giỏi và biết nghe lời mẹ.
Lát sau, dường như những mối quan tâm về con cháu đã vơi bớt, bà nhẹ nhàng bảo:
– Hai đứa đi ra sau vườn, xem có trái cây gì thì hái nhé!
Chúng tôi chỉ chờ có vậy, liền rủ nhau chạy ùa ra phía sau vườn. Khu vườn như một thế giới mê hoặc, với những quả ổi to bằng nắm tay, treo lủng lẳng trên cành. Những quả táo căng mọng, vì đang độ chín nên vỏ chuyển sang màu vàng ươm, láng mịn. Chúng tôi lúc này như đang lạc vào chốn đào tiên vậy. Hai anh em vừa hái, vừa ăn thỏa thích. Ăn chán chê rồi, lại hái mà cho đầy vào túi quần đến căng ních mới thôi.
Trong nhà, ba và cậu vẫn đang ngồi chuyện trò một cách chăm chú. Có vẻ như công việc đã được bàn định xong, sau vài phút im lặng, cậu rót nước mời ba:
– Năm nay đào nở đẹp. Để em trẩy biếu anh một cành về chơi tết!
Ba tôi cùng cậu đi ra thềm, hai người đứng bên cây đào, ngắm nghía với một vẻ thích thú.
– Đào năm nay đẹp thật! – Ba tôi xuýt xoa.
Cậu chỉ vào một cành đào:
– Cành này thế đẹp, lại có nhiều hoa và lộc. Anh nên lấy cành này!
– Vậy thì phiền cậu vậy! – Ba tôi vui vẻ.
Cậu liền đi xuống bếp, lát sau trở ra, trên tay cầm một cây rựa sắc bén. Rồi một tay vin cành đào, tay kia cậu chặt nhẹ vào chỗ bị uốn cong, cành đào kêu đánh rắc một tiếng rồi rời ngay khỏi thân cây.
Ba tôi vui mừng đón cành đào từ tay cậu:
– Cảm ơn cậu! Anh sẽ để chơi đến tận rằm.
Khi buộc cành đào lên xe xong, ba nhìn quanh không thấy chúng tôi đâu, liền nói:
– Hai đứa này chạy đi đâu mất rồi. Có lẽ lại trốn ra vườn hái quả chứ gì?
Cậu mỉm cười:
– Anh cứ để cho các cháu chơi tự nhiên. Chẳng mấy khi chúng lên chơi. Vả lại ở nhà không có được vườn rộng như thế này!
Ba tôi nghiêm nghị:
– Phải gọi chúng vào thôi. Không thì chúng lại phá hết cả khu vườn của cậu mất!
Hai anh em tôi đang mải mê hái quả, khi nghe tiếng ba gọi thì mới sực nhớ là đã đến lúc phải ra về. Chúng tôi cùng cất tiếng dạ ran rồi hộc tốc chạy vào, tay vẫn giữ chặt lấy hai túi quần lúc này đã căng phồng những quả.
o0o
Năm tháng qua mau, chúng tôi đã lớn lên, học cấp hai, rồi cấp ba. Bà ngoại cũng đã già thêm nhiều. Lưng bà còng hơn, dáng đi lom khom cúi thấp. Da dẻ bà trở nên nhăn nheo, ánh mắt cũng không còn tinh tường như trước nữa. Nhưng mỗi khi gặp lại chúng tôi, tình cảm bà vẫn yêu thương nhường ấy, vẫn một nụ cười hồn hậu trên môi.
Năm bà ngoại chín mươi ba tuổi, địa phương có tổ chức lễ mừng thọ cho các cụ già trong xã. Một buổi sáng mùa xuân, trong âm thanh của trống chiêng rộn rã, đoàn rước kéo dài đến cả cây số, phấp phới những bức trướng sặc sỡ sắc màu. Bà tôi mặc áo gấm, chậm rãi đi bên đàn con cháu đông vui, khuôn mặt bà bấy giờ lộ rõ một niềm hạnh phúc và mãn nguyện.
Rồi tôi lên đại học, mỗi lần về nghỉ cũng chỉ được mấy ngày, vì vậy mà không có thời gian lên quê ngoại thăm bà. Tôi chỉ nghe mẹ nói, bà dạo này sức khỏe có kém hơn, nhưng vẫn đi lại dạo chơi trong xóm được.
Cuối năm 2000, giữa lúc gia đình đang tất bật chuẩn bị đón tết thì chúng tôi nhận được tin dữ về bà ngoại. Cậu nhờ người báo tin cho mẹ là bà đã mất. Người ấy nói rằng bà ra đi thanh thản, nhẹ nhàng như một chiếc lá vàng rơi. Đúng như quy luật “Lá rụng về cội” của đất trời, tạo hóa xưa nay. Khi hay tin ngoại mất, mẹ tôi chỉ im lặng, vẻ mặt bà hụt hẫng như vừa để vụt mất đi một điều gì đó thật lớn lao không thể nào bù đắp nổi. Lát sau mẹ mới quay sang nói với chúng tôi, dường như bà đang cố kìm nén một tình cảm xúc động đang mãnh liệt trào dâng: “Bà ngoại mất rồi các con ạ!”. Rồi mẹ bật khóc, chúng tôi lúc đó ai cũng quay mặt đi, mà rơm rớm nước mắt buồn thương. Những kỷ niệm thân thương với bà ngoại chợt ùa về trong tôi, dạt dào như những đợt sóng xô bờ, miệt mài và vô tận.
Làng Vườn giờ đây đã khác trước, vườn cây ăn trái thu hẹp dần, để nhường chỗ cho những ngôi nhà hiện đại mọc lên san sát. Con đường từ nhà tôi về quê ngoại cũng đã được người ta trải nhựa rộng rãi, không còn bùn đất lấm lem vào những ngày mưa. Chỉ ít phút đi xe máy là đã có thể lên đến quê ngoại rồi. Nhưng tôi vẫn nhớ mãi một thời, với những ký ức tuổi thơ tươi đẹp về một vùng quê trù phú, của những vườn cây ăn trái sum suê, thấp thoáng đâu đó hình bóng người bà hiền hậu kính yêu.
Minh Văn
___________
Pê Đan(1): pedal (Bàn đạp của xe đạp)
Cải cách ruộng đất(2): Là một chương trình được tiến hành vào các năm từ 1953 đến 1956 ở miền Bắc Việt Nam. Nội dung nhằm xóa bỏ chế độ chiếm hữu ruộng đất phong kiến. Tuy nhiên phong trào này đã gây ra rất nhiều sai lầm và oan ức đáng tiếc.
Chiến tranh biên giới phía bắc(3): Cuộc chiến kéo dài trong khoảng thời gian một tháng giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nổ ra vào ngày 17 tháng 2 năm 1979 khi Trung Quốc đưa quân tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới giữa hai nước. Đây là một cuộc chiến khốc liệt với thiệt hại lớn về người và tài sản cho cả hai phía.