logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
phai  
#1 Đã gửi : 27/09/2018 lúc 07:10:27(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Gần đây các đề nghị về thay đổi cách viết chữ Việt và cách giảng dạy tiếng Việt cho trẻ em đã làm nổi lên những tranh cãi trên truyền thông chính thống trong nước, trên các báo đài tiếng Việt ở hải ngoại cũng như trên các diễn đàn xã hội.

Xoay quanh tranh luận là hai vấn đề. Thứ nhất, thay đổi cách viết chữ Việt của giáo sư Bùi Hiền và thứ hai, thay đổi cách giảng dạy tiếng Việt cho học sinh lớp 1 theo phương pháp của giáo sư Hồ Ngọc Đại, gọi là công nghệ giáo dục.

UserPostedImage
H01: Nxb Giáo Dục là cơ sở độc quyền soạn và in sách giáo khoa cho các trường sử dụng (Ảnh: Bùi Văn Phú)
UserPostedImage
H02: Cách dạy tiếng Việt cho học sinh lớp 1 đang là đề tài gây tranh luận (Ảnh: Bùi Văn Phú)


1. Đề xuất cách viết mới cho tiếng Việt

Từ cuối năm ngoái, vấn đề thay đổi cách viết chữ Việt được giáo sư Bùi Hiền đưa ra đã có nhiều ý kiến không tán đồng vì lối viết của ông làm rắc rối thêm cho tiếng Việt.

Theo cách viết mới được đề nghị thì tiếng Việt sẽ như sau:

“Hằw năm kứ vào kuối qu, lá woài đườw rụw ?iều và cên xôw kó ?ữw đám mây bàw bạc, lòw tôi lại nao nức ?ữw kỷ niệm hoaw maw kủa buổi tựu cườw.”

[Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.] Đoạn trên là phần mở đầu áng văn “Tôi đi học” của Thanh Tịnh.

Dấu ? là dành cho phụ âm kép nh mà giáo sư Hiền chưa đưa ra được ký tự mới, theo như bảng chữ đã được phổ biến. Nhìn bảng này tôi thấy chữ Việt như trở lại thời kỳ mới được viết theo mẫu tự la-tinh bởi những nhà truyền giáo châu Âu.

Trên diễn đàn xã hội có một số thí dụ khác, chuyển từ tiếng Việt hiện thời ra cách viết của giáo sư Hiền, mà tôi đọc không hiểu được ý những câu chữ, nếu không có chú thích nguyên bản kèm theo.

Đọc lối viết mới của giáo sư Hiền tôi thấy cũng khó như đọc tiếng Việt trong từ điển Việt-Bồ-La hay trong “Phép Giảng Tám Ngày” của giáo sĩ Alexandre de Rhodes (Giáo sĩ Đắc Lộ), một trong những người đã khởi công sáng tạo ra tiếng Việt theo mẫu tự la-tinh vào thế kỷ 17.

Trong số những phản bác không tán đồng, trên báo mạng Dân Trí ngày 27/12/2017
[https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/6-bat-cap-o-phan-2-cai-tien-tieq-viet-cua-pgs-bui-hien-20171227110342232.htm] có ý kiến của Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Ngữ văn trường THPT Chu Văn An, Hà Nội là thuyết phục khi bà đưa ra những bất cập kèm theo những thí dụ trong việc cải tiến của giáo sư Hiền, từ cách đặt vấn đề vì sao phải thay đổi cách viết đến khó khăn trong ngữ âm, từ vựng và về tương lai của kho tàng tiếng Việt đã có từ mấy trăm năm nay mà các thế hệ tương lai nếu học cách viết mới sẽ gặp nhiều khó khăn tiếp cận.

Đây không phải là lần đầu tiên có đề nghị cải cách tiếng Việt. Nửa thế kỷ trước đã có đề xuất viết không có dấu, như trong câu thí dụ sau đây:

“Daidien cho nghiepdoan thomay noi voi ong tonggiamdoc cua congty rang nhieu nhancong khong muon lamviec trong nhung congty thieu tieuchuan baodam antoan cho suckhoe va mangsong cua ho.”

Ngoài ra, cũng đã có đề xuất, tuy không thay đổi nhiều, nhưng muốn để làm chuẩn hóa ngôn ngữ với cách viết những từ kép, như sau:

“Đại-diện cho nghiệp-đoàn thợ-máy nói với ông tổng-giám-đốc của công-ty rằng nhiều nhân-công không muốn làm-việc trong những công-ty thiếu tiêu-chuẩn bảo-đảm an-toàn cho sức-khoẻ và mạng-sống của họ.”

Trong quá khứ cũng đã có đề nghị đem phụ âm f, w và z vào tiếng Việt. Nói chung, tiếng Việt đã nhiều lần được đề nghị thay đổi cách viết hay chỉnh sửa và đều không được tiến hành, nên chúng ta vẫn theo cách viết hiện nay.

Tiếng Việt là một ngôn ngữ đã được 90 triệu người sử dụng tốt. Kho tàng văn chương tiếng Việt mà tôi đã được đọc, từ ngày còn là học sinh cho đến bây giờ, là những tác phẩm của Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyển Đình Chiểu, Phan Bội Châu, Tản Đà, Xuân Diệu, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Nhất Linh, Khái Hưng, Nguyên Ngọc, Bảo Ninh, Nguyễn Đình Toàn, Mai Thảo, Duyên Anh, Túy Hồng, Anh Đức, Ngụy Ngữ, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Nhật Ánh, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Xuân Hoàng, Đào Hiếu, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Vũ Thư Hiên, Nguyễn Ngọc Ngạn, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Mộng Giác, Hà Thúc Sinh v.v… cùng rất nhiều tác giả khác nhiều người Việt đã đọc, là những tác phẩm mà nếu ai học xong phổ thông cũng có khả năng đọc hiểu và nắm bắt được nội dung.

Nếu thay đổi kiểu viết theo giáo sư Bùi Hiền thì các thế hệ sau này phải tìm đọc tiếng Việt hiện nay như một ngôn ngữ lạ, như chúng ta bây giờ nếu đọc sách tiếng Việt thời thế kỷ 17 với những khó khăn, hay không hiểu gì khi nhìn vào văn bản chữ nôm.

Điều cần làm bây giờ không phải là cải cách chữ viết mà nên cập nhật từ vựng với những tiến bộ của khoa học để tiếng Việt theo sát được với đà phát triển của thế giới.

Tiếng Việt hiện đại cũng cần được làm trong sáng hơn, chuẩn hóa hơn như cách dùng từ bảo đảm / đảm bảo, chất lượng / phẩm chất, sự kiện / vụ việc, thuỷ triều / triều cường, tiêu chuẩn / tiêu chí, lợi tức / thu nhập, đăng ký / ghi danh v.v…

2. Đề xuất phương pháp mới để dạy tiếng Việt

Những tuần qua ồn ào sự kiện sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 theo công nghệ giáo dục thực nghiệm của giáo sư Hồ Ngọc Đại.

Theo dõi những tranh cãi quanh vấn đề, có rất ít dữ liệu khảo sát đưa ra để chứng minh kết quả. Mà dữ liệu liên quan đến giáo dục ở Việt Nam dường như thiếu.

Trên bình diện quốc gia Việt Nam đã có các kỳ thi toàn quốc, nhưng cần dữ liệu để phân tích, nếu không chỉ chú trọng đến thành tích.

Không có những dữ liệu giáo dục thì thày cô hay những người làm chính sách khó có thể đưa ra những cải cách giáo dục, những đề xuất phương pháp sư phạm giúp học sinh tiến bộ hơn.

Trong tranh luận về công nghệ giáo dục thực nghiệm của giáo sư Hồ Ngọc Đại, căn cứ vào đâu để biết phương pháp của ông là tốt hơn – hay không tốt hơn – so với cách dạy khác. Sách của ông đã được dùng tại một số trường trong nhiều năm qua với kết quả thế nào, so sánh với những học sinh khác ra sao thì không có những thống kê cụ thể.

Công nghệ này nay được đem dùng cho học sinh cả nước nên nảy sinh ra tranh cãi vì phụ huynh và nhiều giáo viên chưa được tiếp cận với phương pháp mới.

UserPostedImage
H03: Cách dạy phát âm chữ cái trong một trường Việt ngữ ở California (Ảnh: Bùi Văn Phú)
UserPostedImage
H04: Chữ Việt thời mới được khai sinh và tiếng Việt ngày nay (Ảnh: Bùi Văn Phú)


3. Khảo sát trình độ, dùng dữ liệu để tìm giải pháp

Ở Hoa Kỳ, mỗi năm đều có khảo sát trình độ của học sinh. Một số tổ chức độc lập soạn các bài thi và tùy từng tiểu bang, hay sở giáo dục địa phương chọn bài thi do một tổ chức giáo dục soạn. Kỳ thi, thường là vào cuối tháng Tư, đầu tháng Năm. Hợp đồng kinh phí sẽ từ ngân sách giáo dục.

Sau kỳ thi, những tổ chức này làm bảng điểm gửi về cho từng học sinh. Nhà trường cũng nhận được bản phân tích điểm của toàn trường. Mức điểm này ở California gọi là API (Academic Performance Index), với hệ số từ 400 là thấp lên đến 800 là cao, đã được dùng cho đến năm 2017 thì có một loại mức điểm khác được chọn thay cho API.

Đến đầu niên học, ban giám đốc và ban giảng huấn của trường có API điểm Anh ngữ và toán của học sinh toàn trường, để so sánh với các năm trước, hay với từng nhóm theo sắc tộc, từ đó tìm giải pháp giúp cho học sinh tiến bộ hơn. Giải pháp có thể là những giờ bồi dưỡng sư phạm cho giáo viên hay thêm giờ kèm cho học sinh kém sau khi tan trường. Nếu trường có điểm thấp thì có thể xin thêm ngân quỹ từ tiểu bang hay liên bang để giúp học sinh đạt kết quả tốt hơn trong niên học.

Về trình độ học sinh trên toàn nước Mỹ, từ nửa thế kỷ qua, cứ hai năm một lần cơ quan National Center for Education Statistics thực hiện khảo sát trình độ Anh ngữ và toán, gọi là National Assessment of Educational Progress, với một nhóm 6100 học sinh lớp 4 và 8 được chọn lựa ngẫu nhiên, từ 280 trường trên toàn quốc. Kết quả được phân tích để xem trình độ Anh ngữ và toán của học sinh Mỹ ra sao. Kết quả cũng cho thấy trình độ của học sinh ở từng tiểu bang.

Lên trung học có các kỳ thi như SAT, ACT hay IB (Tú tài quốc tế) để đánh giá kết quả học tập của học sinh, vẫn với hai môn chính là Anh ngữ và toán, cùng với những môn khác như toán cấp cao, lý hoá, ngoại ngữ tùy theo lựa chọn của học sinh để hướng đến tương lai đại học sẽ chọn ngành học nào. Học sinh phải trả lệ phí ghi danh cho các kỳ thi này, nếu con nhà nghèo sẽ được miễn phí.

4. Học trình và sách giáo khoa ở Mỹ

Hoa Kỳ không có một chương trình giáo dục toàn quốc. Mỗi tiểu bang thì có khung chương trình cho từng môn học và cứ khoảng 10 năm có thay đổi, bổ sung.

Những nhà xuất bản tư nhân dựa vào khung chương trình để soạn sách giáo khoa cho thích hợp, thường thì mỗi 5 năm cho ra sách mới. Sở học chánh, ở cấp thành phố, sẽ quyết định dùng sách nào theo đề nghị của các tổ giáo viên. Thường sở học chánh không chỉ chọn một đầu sách mà vài đầu sách và mỗi trường căn cứ vào đó mà chọn sách cho học sinh của lớp.

Học sinh từ lớp mẫu giáo đến lớp 12 (gọi là K-12) đi học trường công không phải đóng học phí hay tiền sách, học cụ. Bậc tiểu học thường không có sách mang về nhà, lên cấp 2 và cấp 3 học sinh được phát sách vào đầu niên học, cuối niên học trả lại cho trường.

Đó là những nét chính của chính sách giáo dục cấp K-12 ở Mỹ. Tuy nhiên dù học sinh cấp 1 và 2 được cung cấp đầy đủ các phương tiện cần có cho việc hấp thụ giáo dục nhưng điểm khảo sát Anh ngữ và toán mỗi năm của các em nhìn chung không được khá. Về môn toán, một số thày cô ở Mỹ đã sử dụng chương trình và phương pháp giảng dạy toán của Singapore hay có nhiều cải cách sư phạm nhưng điểm toán cũng vẫn còn kém.

Từ cấp 3 trở lên, đặc biệt là đại học thì chương trình giáo dục rất tiến bộ và đạt những thành quả tốt, thu hút nhiều sinh viên nước ngoài.

5. Sách giáo khoa và giáo dục ở Việt Nam

Là một nước xã hội chủ nghĩa, dựa trên lý thuyết cai trị này thì người dân được đảm bảo về giáo dục và y tế miễn phí. Các nước bắc Âu có chế độ theo xã hội chủ nghĩa, nơi người dân thực sự không phải lo về học phí cho đến hết đại học và chi phí chăm sóc sức khoẻ rất thấp.

Ở Việt Nam thì khác, chi phí giáo dục và y tế hiện là gánh nặng cho người dân.

Hiện có hai cản trở trong phát triển giáo dục. Thứ nhất, quan chức giáo dục cho rằng việc soạn sách giáo khoa là phải có mục đích chính trị. Điều này nên bỏ đi vì một nền giáo dục cần sự khai phóng và tính nhân bản. Khai phóng để bắt kịp đà tiến bộ của thế giới. Nhân bản là dạy học sinh trở thành những con người tốt cho xã hội với những chuẩn mực đạo đức văn hoá Việt.

Nền giáo dục không thể chỉ để đào tạo ra con người xã hội chủ nghĩa như nhà nước mong muốn. Vì thế khi bị chỉ trích về những bất cập trong chính sách giáo dục của Việt Nam, báo Quân đội Nhân dân hôm 17/9/2018 [http://www.qdnd.vn/chong-dien-bien-hoa-binh/binh-tinh-tinh-tao-canh-giac-truoc-nhung-cai-nhin-lech-lac-ve-giao-duc-viet-nam-549717] có bài viết với nhận định rằng những chê bai về nền giáo dục Việt Nam là nằm trong “diễn biến hoà bình” của “thế lực thù nghịch”.

Cản trở thứ hai là việc độc quyền soạn và in sách giáo khoa của NXB Giáo dục, cùng với 10 công ti con trực thuộc.

Đã đến lúc cần cải tổ chính sách về sách giáo khoa. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ nên đóng vai trò chỉ đạo đưa ra định hướng giáo dục và khung chương trình cho các môn học và kiểm soát nội dung sách giáo khoa khi đăng ký xin phép xuất bản từ những cơ sở giáo dục tư. Kiểm soát ở đây là để tránh những sai lầm chuyên môn, những điều gây phản cảm nếu có, chứ không thể vì lí do chính trị.

Hãy cho phép những nhà xuất bản tư nhân phát hành sách giáo khoa đúng theo khung chương trình và từng sở giáo dục địa phương chọn sách nào cho học sinh sử dụng.

Chung quanh việc độc quyền chọn in sách giáo khoa, ảnh hưởng của các nhóm lợi ích là điều không thể tránh khỏi.

Nếu để tư nhân tham gia, việc soạn và in sách giáo khoa sẽ làm giảm nhiều ảnh hưởng của các nhóm lợi ích, sẽ giảm được chi phí sách vở cho học sinh.

Để tư nhân làm sẽ không còn chuyện ngân sách giáo dục phải bù lỗ 40 tỉ đồng mỗi năm vào việc in sách giáo khoa, với doanh thu hơn 1 nghìn tỉ, mà ông tổng giám đốc NXB Giáo dục Hoàng Lê Bách đưa ra gần đây, theo một bài viết trên báo Dân Trí hôm 21/9/2018 [https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/moi-nam-lo-hon-40-ty-dong-tien-in-sach-giao-khoa-20180921181619096.htm]. Có cạnh tranh, giá sách sẽ xuống và nội dung sẽ được cải tiến.

Cách đây một thập niên, khi còn giữ chức Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, ông Nguyễn Thiện Nhân, tốt nghiệp đại học ở Đông Đức và Mỹ, là người đã muốn đưa ra những cải cách để giảm tiêu cực trong giáo dục như bệnh thành tích, độc quyền sách giáo khoa, phương pháp sư phạm, học cụ, đời sống giáo viên. Nhưng hôm nay giáo dục Việt Nam vẫn còn rất nhiều bất cập và tạo ra nhiều lo lắng cho người dân.

Từ ngày mở cửa ra với thế giới, trong ba thập niên qua lãnh đạo giáo dục Việt Nam đã có nhiều cơ hội quan sát và học tập về những nền giáo dục khắp nơi, giáo chức nhiều người cũng đã có cơ hội học hỏi ở nước ngoài, vì thế Việt Nam ngày nay không thiếu nhân lực để cải tiến giáo dục. Điều cần có lúc này là quyết tâm.

Đất nước tiến hay không là từ nền giáo dục vì đó là nền móng cho sự phát triển của một quốc gia.

Bùi Văn Phú
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.147 giây.