Ông Nguyễn Phú Trọng, tóc bạc. (Hình: Tuổi Trẻ)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Một ngày sau khi đảng CSVN tuyên bố vụ nhất thể hóa của Tổng Bí thư CSVN Nguyễn Phú Trọng, cộng đồng mạng vẫn tiếp tục bàn tán về những hệ lụy của việc này.
Viết trên trang Nghiên Cứu Quốc Tế, nhà nghiên cứu, phân tích chính trị Lê Hồng Hiệp tại Singapore, bình luận: “Về mặt chính trị, cấu trúc quyền lực tập trung sẽ làm cho hệ thống chính trị Việt Nam trở nên đơn nhất và ít đa nguyên hơn. Mặc dù cơ cấu quyền lực như vậy có thể sẽ hiệu quả hơn trong một số trường hợp, nó cũng sẽ tạo ra những rủi ro nhất định vì toàn bộ hệ thống chính trị bây giờ sẽ phụ thuộc vào khả năng của nó trong việc lựa chọn nhà lãnh đạo phù hợp cũng như khả năng kiểm soát quyền lực của người đó.”
“Nếu việc nhất thể hóa lần này chỉ là một dàn xếp tạm thời, Việt Nam sẽ quay trở lại cấu hình quyền lực “tứ trụ” truyền thống sau đại hội lần thứ 13 của đảng CSVN vào năm 2021. Tuy nhiên, nếu dàn xếp này được thể chế hóa thì câu hỏi lớn tiếp theo là: Ai sẽ trở thành người kế vị ông Trọng? Có lẽ câu trả lời cho câu hỏi này sẽ có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều đối với triển vọng kinh tế và chính trị của Việt Nam hơn là việc đề cử ông Trọng nắm giữ chức vụ chủ tịch nước,” ông Hiệp viết.
Trong lúc đa phần ý kiến bày tỏ sự bi quan về việc nhà cầm quyền Việt Nam đang cho thấy sự “sao y bản chánh” với Trung Quốc, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn lặp lại yêu cầu ông Trọng làm gương về việc công khai tài sản.
Viết trên trang cá nhân, ông Tuấn nhắc lại rằng trong bài phát biểu khai mạc Hội Nghị Trung Ương lần thứ tám hôm 2 Tháng Mười, ông Trọng đã cảnh báo tình trạng không ít cán bộ lãnh đạo chủ chốt “nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít”, tuy nhiên chính ông này “lại chưa gương mẫu trong việc thực hiện quy định công khai bản kê khai tài sản cá nhân theo quyết định của Ban Bí Thư ban hành được một năm nay”.
Hồi Tháng Năm, 2018, hàng chục đảng viên lão thành, tướng lĩnh, nhân sĩ trí thức cùng ký vào thư kêu gọi ông Trọng nêu gương kê khai tài sản nhưng ông này không hề đưa ra phản hồi.
Luật Sư Vũ Đức Khanh ở Canada, bình luận trên trang cá nhân: “Đảng trưởng của một đảng cầm quyền làm “chủ tịch nước” là chuyện hoàn toàn bình thường đâu có gì cần bàn cãi mà phải ầm ĩ.
Điều đáng nói ở đây là cái chế độ này không có tính “chính danh” vì những lãnh đạo của nó không được người dân bầu lên một cách tự do, dân chủ và công bằng minh bạch. Độc quyền tập thể hay độc tài cá nhân, bản chất vẫn là độc tài, không hề thay đổi. Để có chính danh thì các lãnh đạo chính quyền phải được thông qua bằng chính lá phiếu của người dân qua bầu cử tự do, dân chủ và công bằng minh bạch.”
Trong một diễn biến khác, báo điện tử VTC News vội vã xóa link bài sau khi cộng đồng mạng đồng loạt chia sẻ lại một phát ngôn của chính ông Trọng được đăng tải từ cách đây ba năm: “’Bí thư kiêm chủ tịch thì to quá, ai kiểm soát ông?”. Nhiều blogger bình luận rằng link bài nay đã không còn tồn tại cho thấy ông Trọng cũng như nhiều quan chức CSVN khác, có thói “tiền hậu bất nhất” trong cả phát ngôn và hành động.
Theo báo Người Việt