Nguyễn Quang Hồng Ân, tháng 10/2018.
Sinh viên âm nhạc Nguyễn Quang Hồng Ân, 18 tuổi, đang đối mặt với nguy cơ bị trục xuất từ Đức về Việt Nam trong khi đang chờ phỏng vấn xin tị nạn chính trị tại Canada.
Vào năm 2014, Nguyễn Quang Hồng Ân đoạt 3 giải trong cuộc thi Piano Quốc Tế tại thành phố San Jose, Hoa Kỳ. Năm 2016, một năm sau khi cùng cha mẹ đến Đức, Hồng Ân đã đoạt giải nhất tại cuộc thi âm nhạc nổi tiếng Piano-Steinway.
Trên đường đi trình diễn và tham dự các kỳ thi Piano Quốc tế tại Châu Âu vào năm 2015, gia đình cô Hồng Ân đã xin tị nạn chính trị tại Đức.
Từ Nuremberg, Nguyễn Quang Hồng Ân, chia sẻ với VOA: “Tôi đang chờ phỏng vấn đi Canada nhưng chính quyền Đức có thể bắt giam và kết tội hình sự tôi vì thị thực hết hạn, trong khi đã xin tỵ nạn hợp pháp.”
Hồng Ân cho biết thêm:
“Trong 4 tháng vừa qua họ làm khó cho tôi vô cùng như là cắt hết quyền lợi mà người tỵ nạn đáng được hưởng, ngoại trừ quyền về nhà ở, nhưng tôi không biết nay mai sẽ như thế nào. Tôi giải thích rõ với họ là trường hợp của tôi là tỵ nạn chính trị một cách hợp pháp nên không cần phải gia hạn hộ chiếu. Tôi đến Đức để tìm sự che chở vì gia đình tôi bị bách hại ở quê nhà.”
Hiện nay gia đình Hồng Ân đang đối mặt với nguy cơ bị chính quyền Đức bắt giữ và trục xuất về Việt Nam.
Vợ chồng ông bà Nguyễn Quang Hồng Nhân và con gái Nguyễn Quang Hồng Ân (Ảnh: Thoibao)
Hồng Ân nói:
“Hiện nay có bằng chứng rõ ràng rằng khi trở về thì gia đình tôi sẽ bị trả thù và bị tù tội bởi vì chính quyền Việt Nam đã thông qua Lực lượng Tác chiến Không gian Mạng lên án tôi là ‘phản bội tổ quốc’ và gia đình tôi là ‘phản động chuyên nghiệp.’
Hồng Ân cho biết cô và gia đình đang chờ phỏng vấn tị nạn chính trị ở Canada.
“Hiện tại tôi đang chờ phỏng vấn để sang nước thứ ba là Canada, hồ sơ đã được Cơ quan Di trú Canada chấp thuận. Thế nhưng chính phủ Đức vẫn một mực yêu cầu em đến Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt để làm lại hộ chiếu, họ đã soạn sẵn văn bản và yêu cầu tôi ký với hạn chót là ngày 25/10/2018 và nếu không có hộ chiếu mới thì sẽ bị quy tội hình sự, bị bắt giam để trục xuất về Việt Nam.”
VOA chưa liên lạc được với chính quyền thành phố Nuremberg cũng như Sở Di trú Đức để xác nhận yêu cầu trục xuất đối với cô Hồng Ân và gia đình.
Vào đầu năm nay, ông Nguyễn Quang Hồng Nhân, thân phụ của cô Hồng Ân, nói với VOA rằng chính quyền thành phố Nuremberg đã thu hồi tất cả các giấy tờ tùy thân của gia đình và cô con gái Hồng Ân, hiện là sinh viên khoa dương cầm Đại học Âm nhạc Nuremberg.
Ông Nguyễn Quang Hồng Nhân, còn được biết đến là nhà văn, nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Quang, từng bị chính quyền Việt Nam cầm tù. Ông nói:
“Sau khi cộng sản chiếm miền Nam thì tôi hoạt động về nhân quyền, nhưng sau đó tổ chức bị vỡ. Sau khi ra tù tôi thấy Việt Nam thiếu về nghề nghiệp nên tôi mới mở một trường công nghệ ở Đà Lạt để đào tạo ngành nghề cho sinh viên, nhưng họ biết tôi ở tù mới ra cho nên họ đóng cửa.”
Năm 1979, ông Nguyễn Quang bị tòa án ở thành phố Nha Trang, Khánh Hòa cáo buộc “hoạt động tuyên truyền chống phá Cách mạng” và tổ chức đưa sinh viên, học sinh ra ngoại quốc. Trong lời nói cuối cùng trước tòa, ông kêu gọi LHQ mở cuộc điều tra về vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.
Về án tù của cha, Hồng Ân nói:
“Ba của tôi là một cựu tù nhân lương tâm, đã từng bị giam giữ 20 năm dưới chế độ Cộng sản. Ông là một nhà hoạt động nhân quyền và hiện điều hành Viện nhân quyền Việt Nam.”
Cô Nguyễn Quang Hồng Ân
Theo VOA