THƯA QUÝ BẠN, đài truyền hình VTV3 trong nước vừa chiếu hình ảnh một số cô gái Việt Nam xấu xí đến mức ma chê quỷ hờn, con nhà nghèo, mới được một hội từ thiện Hàn Quốc và các bác sĩ thẩm mỹ có chân trong hội tài trợ, cho sang bên ấy sửa sắc đẹp hoàn toàn miễn phí. Hiện các cô đã về nước, cô nào cô nấy đẹp như tiên, đến nỗi một người già nua, đầu mấy thứ tóc như Đoàn Dự tôi đây cũng phải lau mục kỉnh mấy lần, cùng với nhà tôi khen ngợi các cô là đẹp.
Tôi tự nghĩ, ngày nay khoa học tiến bộ, người ta sửa sắc đẹp và những khiếm khuyết trên cơ thể con người tài tình như thế đó. Vậy tôi xin dịch một truyện của “nhà văn liêu trai” Bồ Tùng Linh để quý bạn thấy rằng cách đây gần 400 năm, Bồ Tùng Linh (1644-1711) viết truyện Vị quan chánh án thần linh họ Lục (Lục phán quan, hay Judge Lu theo phiên âm tiếng Anh) gần như hoàn toàn hư cấu, mang tính giả tưởng. Ngày nay, khoa học phát triển, chuyện thay đổi nhan sắc con người từ xấu sang đẹp không còn xa lạ nữa. Còn việc vị phán quan thần linh cắt đầu cô gái xinh đẹp mới qua đời gắn cho người vợ “không được đẹp lắm” của ông bạn trần thế thân thiết thì sau này người ta sẽ làm được thôi, khoa học tiến bộ không ngừng. Sau đây xin mời quý bạn thưởng thức truyện Vị phán quan họ Lục của Bồ Tùng Linh, trước là giải trí, sau đó quý bạn sẽ thấy những gì cách đây gần 400 năm hoàn toàn là truyện hư cấu, giả tưởng thì nay dần dần trở thành hiện thực do sự tiến bộ của khoa học…
Vị phán quan họ Lục
Nguyên tác: Bồ Tùng Linh
Đoàn Dự dịch theo bản tiếng Anh của nhóm bà Chu Hồng
Chàng nho sinh Chu Nhĩ Đán (Zhu Erdan), còn gọi là Chu Tiểu Minh (Zhu Xiaoming), ở huyên Lăng Dương tỉnh An Huy, tính tình bặt thiệp, chỉ phải cái tội hơi tối dạ. Thơ văn tuy không đặc sắc lắm nhưng cũng được tiếng là người có học.
Ở Lăng Dương có điện thờ mười vị thần nên gọi là Thập Vương Ðiện, trong đó ở hành lang phía đông có pho tượng một vị phán quan (judge, quan toà, còn gọi là pháp quan, trông coi về hình pháp.- ĐD) bằng gỗ nhưng quần áo sơn vẽ khéo léo giống như người thật, đứng uy nghiêm, mặt xanh, râu đỏ trông rất đáng sợ. Dân chúng trong vùng đồn rằng ban đêm thường nghe có tiếng khảo đả và tiếng kêu khóc ở hành lang dưới chân pho tượng nghe rất rùng rợn. Vì thế vào ban đêm ít có người dám đến gần khu vực ngôi điện.
Chàng nho sinh họ Chu tuy trí nhớ kém, văn chương xoàng xĩnh song lại nổi tiếng là người gan dạ, tính tình bặt thiệp, luôn luôn thân thiết với mọi người dù quen hay lạ. Tiểu Minh có vợ họ Phùng, hết sức hiền thục song kém nhan sắc.
Trong huyện còn có quan thị ngự (vị quan hầu cận theo sát bên vua) họ Ngô, đã về hưu đang sống tại làng. Quan cựu thị ngự này có cô con gái út rất đẹp tên là Giáng Tiên. Năm Giáng Tiên 13 tuổi, quan thị ngự đã hứa gả cho nho sinh họ Trịnh, song sắp tới ngày cưới thì Trịnh nho sinh bị bệnh mà mất. Ba năm sau, hết tang, quan thị ngự lại hứa gả cho nho sinh họ Vương. Nhưng sắp tới ngày cưới thì Vương sinh cũng bị bệnh mà mất. Khi sự việc nho sinh Chu Tiểu Minh được vị phán quan họ Lục giúp đỡ thì Giáng Tiên đã 19 tuổi song quan thị ngự chưa hứa gả cho ai khác.
Trong vùng, các nho sinh lập một hội văn, hùn tiền thuê một hội quán để hàng tháng họp mặt yến ẩm, bình luận văn chương. Tiểu Minh cũng có chân trong hội.
Một buổi tối, trong cuộc họp mặt ở hội quán, có một người bạn nói đùa: “Này Tiểu Minh, huynh nổi tiếng là người gan dạ. Bây giờ nếu huynh dám lên Thập Vương Điện cõng pho tượng vị phán quan râu đỏ xuống đây thì tối mai anh em sẽ hùn tiền làm một bữa tiệc thịnh soạn mời huynh”. Tiểu Minh mỉm cười, nói: “Dám chứ sao không dám”, sau đó đứng dậy đi.
Một lúc khá sau, có giọng Tiểu Minh nói lớn ngoài cửa: “Ta đã lên điện Thập Vương thỉnh được đại tôn sư râu đỏ về đây rồi”. Các nho sinh ngạc nhiên nhìn ra. Tiểu Minh cõng pho tượng trên lưng đi vào, đặt đứng ở giữa phòng. Các nho sinh kinh hoảng đứng bật cả dậy, không ai dám ngồi rồi cùng tránh về phía góc phòng, đứng co dúm lại với nhau.
Tiểu Minh lấy bình rượu và một chiếc cốc đem tới trước mặt pho tượng, rót rượu vào cốc mà lễ phép nói: “Tiểu sinh mạo phạm uy danh, xin kính mời đại tôn sư một cốc!”. Nói xong chàng rót chén rượu xuống đất. Chàng làm như vậy ba lần. Nhóm nho sinh lại càng sợ hãi, nhiều người run lên bần bật, lấy tay che mặt không dám nhìn. Lát sau, một người sợ quá năn nỉ: “Thôi Tiểu Minh ơi, huynh làm ơn cõng đại tôn sư lên điện trả lại giùm đi”. Tiểu Minh bèn lấy một chiếc ly mới, rót rượu mà khấn: “Tiểu sinh là kẻ lỗ mãng, không biết trời cao đất dầy, kính mong tôn sư thứ lỗi. Nếu đại tôn sư không chê đứa học trò này thấp kém, nghèo hèn, thì hôm nào đại tôn sư nổi hứng, xin mời tôn sư quá bộ tới tệ xá cũng ở gần đây uống vài chén rượu. Bây giờ tiểu sinh xin rước tôn sư trở về quý điện”. Nói xong chàng lại rót chén rượu xuống đất rồi cõng pho tượng đi. Nhóm nho sinh đều phục Tiểu Minh là người gan dạ.
Sau khi về nhà, Tiểu Minh kể lại câu chuyện cho vợ nghe. Phùng thị kinh hãi nói: “Chết, chàng mạo phạm thần thánh như thế mà không sợ bị ngài trừng phạt hay sao?” . Tiểu Minh cười: “Thỉnh ngài tới mời ngài uống rượu cho bạn bè coi rồi lại rước trở về đặt lại chỗ cũ thì có gì là mạo phạm”.
Tối hôm sau, nhóm nho sinh hùn tiền làm tiệc đãi Tiểu Minh như lời đã hứa. Mọi người cùng yến ẩm, chuyện trò vui vẻ, đến gần nửa đêm tiệc rượu mới tan.
Tiểu Minh về nhà, vẫn còn tửu hứng nên bèn tìm bình rượu đem ra phòng khách ngồi uống một mình.
Chợt, có người mở cửa bước vào. Tiểu Minh nhìn ra thì thấy đó chính là vị phán quan. Chàng bèn vội vàng đứng dậy, chắp tay vái và nói: “Xin kính chào đại tôn sư. Buổi tối hôm qua tiểu sinh ngu dại trót phạm uy danh, chắc đêm nay đại tôn sư tới lấy mạng kẻ hèn này?”. Vị phán quan vuốt mớ râu đỏ, mỉm cười: “Không phải như thế. Hôm qua nhờ sự hào sảng của tiểu bằng hữu nên bỉ nhân đã được uống mấy chén rượu ngon. Ðêm nay nhân rảnh rỗi, bỉ nhân nổi hứng bèn theo lời bằng hữu đã mời mà đến, ai lấy mạng bằng hữu làm gì”. Tiểu Minh mừng quá bèn chỉnh trang y phục, kéo ghế mời ngài ngồi rồi đem bộ đồ uống rượu đi rửa, sắp xếp lại trên bàn. Chàng định đem bình rượu đi hâm thì vị phán quan cản lại và nói: “Ðêm nay tiết trời ấm áp, có thể uống rượu lạnh được” .Tiểu Minh vâng lời rồi vào nhà trong bảo vợ: “Nàng chịu khó xuống bếp làm ít đồ nhắm đãi khách”. Phùng thị hỏi: “Ai vậy?”. Tiểu Minh đáp: “Ngài phán quan trên Thập Vương Ðiện”. Phùng thị kinh hãi, nói: “Thôi, chàng ở trong này đi, đừng ra ngoài ấy nữa!”. Tiểu Minh cười, đáp: “Mời khách đến nhà, khách tới lại không ra tiếp, thế có phải là vô lễ không? Nàng làm đồ nhắm xong, nhớ bảo con hầu lên gõ cửa để ta xuống lấy. Ðừng bắt nó bưng lên kẻo nó kinh hãi sẽ đánh đổ mất!”. Nói xong chàng lại trở ra phòng khách, Phùng thị đành phải xuống bếp.
Lát sau, con hầu lên gõ cửa. Tiểu Minh xuống bếp đem đồ nhắm lên, rồi rót rượu mời phán quan cùng mình yến ẩm. Trong khi uống rượu, Tiểu Minh hỏi: “Quý tính đại danh tôn sư là gì?”. Vị phán quan đáp: “Tại hạ họ Lục”. Chàng lại hỏi: “Nhưng đại danh ngài là gì?”. Ngài đáp: “Tại hạ không có tên”. Chàng hỏi: “Văn chương dưới âm phủ có gì khác với trên dương thế không?”. Ngài đáp: “Ðại loại cũng tương tự vậy thôi”. Chàng lại hỏi: “Ngài có rành về các điển cố, văn chương trên dương thế không?”. Ngài đáp: “Cũng có biết chút ít”. Rồi hai người đem văn chương ra đàm luận, ý kiến rất tương đắc.
Phán quan uống rượu rất mạnh, uống liền một lúc mười chén mà vẫn chưa say. Tiểu Minh đã uống suốt buổi tối với bạn bè, về nhà lại uống thêm nữa nên bây giờ mới uống vài chén đã thấy trời đất nghiêng ngả, vách tường xoay vòng, phải dựa lưng vào thành ghế mà ngủ. Ðến khi tỉnh giấc, bấc đèn đã lụi, khách đã đi rồi.
Từ đó thành lệ, cứ vài ba tối phán quan lại tới. Tình bạn vong niên mỗi ngày một thêm thắm thiết.
Một buổi tối, Tiểu Minh lấy văn bài của mình ra đưa cho ngài coi và nói: “Xin tôn sư xem giùm tiểu sinh”. Phán quan chẳng chút khách sáo, cầm coi rồi đặt bút phê: “Dở lắm”.
Kỳ sau, một buổi tối, Tiểu Minh say quá nằm lăn xuống ghế tràng kỷ mà ngủ, để mặc phán quan ngồi uống một mình. Lát sau, chàng mơ màng thấy ngực mình đau ê ẩm. Mở mắt ra coi, thấy phán quan một tay cầm con dao bén, một tay đang lấy tim phổi mình ra khỏi lồng ngực. Tiểu Minh sợ hãi vội hỏi: “Ngài với tiểu sinh vốn chẳng oán thù, sao ngài lại giết nhau thế này?”. Phán quan đáp: “Ðâu có giết, ta chỉ thay tim cho tiểu bằng hữu cho thông minh mà thôi thôi chứ văn bài dở quá. Cứ yên tâm, đừng có sợ”. Sau đó ngài nhét tim phổi trở lại lồng ngực như cũ. Cuối cùng, ngài dùng hai tay khép vết thương lại, lấy vải quấn quanh rồi nói: “Xong rồi”. Tiểu Minh nghĩ trên ghế tràng kỷ chắc phải bê bết máu, bèn nhỏm dậy coi thì thấy vẫn sạch lau lia nên rất ngạc nhiên. Ðưa mắt nhìn quanh, thấy trên bàn có một cái bọc, bèn hỏi là bọc gì, phán quan đáp: “Tim của tiểu bằng hữu đấy. Ta thấy văn bài của tiểu bằng hữu kém quá vì tim bị tắc nên đã xét hàng vạn xác chết mới tìm được một trái tim tốt, lúc sống chắc chắn người đó thông minh lắm, nên bèn mổ lấy đem về đây thay cho tiểu bằng hữu. Bây giờ ta phải đem trái tim bị tắc của tiểu bằng hữu về trả lại cho xác chết”. Nói xong ngài xách cái bọc và ra khỏi phòng.
Sáng hôm sau, Tiểu Minh đứng soi trước gương thì thấy vết mổ trên ngực đã liền, chỉ còn một vết đỏ. Từ đấy, trí nhớ của chàng khác hẳn, đọc sách chỉ cần một lần là thuộc làu làu, văn chương tiến bộ vượt bực, bạn bè ai cũng lấy làm lạ.
Tuần sau, Tiểu Minh lại lấy văn bài mình mới làm đưa ra, nói: “Xin tôn sư chấm giùm xem đã được chưa?”. Phán quan coi xong, nói: “Ðược rồi!”. Hỏi: “Có thể đậu hiếu liêm (cử nhân) được không?”. Ðáp: “Ðược!”. Hỏi: “Ðậu cao không?”. Ðáp: “Cao!”. Hỏi: “Ðậu hạng mấy?”. Ðáp: “Thủ khoa!”. Hỏi: “Kỳ thi năm nào thì thì đậu?”. Ðáp: “Ngay kỳ thi năm nay!”. Hỏi: “Sau đó có thể đậu tiến sĩ được không?”. Ðáp: “Không!”. Hỏi: “Tại sao vậy?”. Ðáp: “Tại phúc đức mỏng lắm, không thể đại quý hiển được!”. Mùa thu năm ấy Tiểu Minh đi thi hương, khi trường thi yết bảng quả nhiên chàng đậu thủ khoa thật.
Nhóm nho sinh trong hội văn tới nhà mừng, đòi cho xem bài thi. Tiểu Minh lấy đưa ra. Các nho sinh coi xong, cùng nhìn nhau kinh ngạc. Có kẻ hỏi: “Sao văn bài lại có thể tiến tới mức đó?”. Tiểu Minh đáp: “Vì nhờ thay tim”. Hỏi: “Ai thay cho?”. Ðáp: “Lục phán quan ở Thập Vương Ðiện”. Hỏi: “Giới thiệu cho nhau được không?”. Ðáp: “Ðược chứ sao không!”
Lần sau, khi phán quan tới, Tiểu Minh nói: “Nhóm nho sinh trong hội văn thấy văn chương của tiểu sinh tiến bộ, muốn nhờ giới thiệu”. Phán quan đáp: “Ðược!”
Hôm sau, các nho sinh tới, hỏi: “Có giới thiệu được không?”. Tiểu Minh đáp: “Ðược!”. Rồi thuật cho nghe đã trình với phán quan. Nhóm nho sinh mừng lắm, nhờ chuyển lời thỉnh phán quan tới hội quán văn dự tiệc vào tiết nguyên tiêu, tức Rằm tháng giêng, lúc đầu canh một (khoảng 8 giờ tối ngày nay.- ĐD). Tiểu Minh chuyển lời. Phán quan ưng thuận.
Ðúng hẹn, phán quan tới. Thấy bộ râu đỏ của khách cứ động đậy, cặp mắt ngài sáng như điện chớp, các nho sinh kinh hãi xanh mặt, răng đánh lập cập, lủi dần hết chỉ còn lại có một mình Tiểu Minh. Chàng nói: “Họ kinh hãi lủi hết rồi, xin mời đại tôn sư về tệ xá đối ẩm vậy”. Phán quan đáp: “Được!”
Về tới nhà, Tiểu Minh đem rượu ra mời khách. Hai người uống đến khuya, Tiểu Minh đã say, nói: “Đại tôn sư thay tim cho đã là quý lắm rồi, tiểu sinh đội ơn muôn ngàn lần. Nay muốn phiền tôn sư thêm một việc liệu có được chăng?”. Phán quan hỏi việc gì, chàng đáp: “Tiện nội vốn xấu xí, kết duyên với tiểu sinh từ khi còn ít tuổi. Trộm nghĩ, tim mà tôn sư còn thay được huống chi diện mạo. Tiểu sinh định mạo muội cầu xin ngài thay đổi diện mạo giùm cho tiện nội”. Phán quan mỉm cười, gật đầu: “Ðược, chuyện đó không khó. Nhưng phải để từ từ chờ có dịp mới kiếm được người!”.
Ít lâu sau, vào lúc đã quá nửa đêm, Tiểu Minh đang ngủ bỗng nghe có tiếng gõ cửa, vội vàng thức dậy ra mở. Nhận ra đó là phán quan, chàng bèn mời vào. Thắp đèn lên thì thấy khách xách theo một cái bọc, máu còn nhỏ giọt. Tiểu Minh sợ hãi hỏi bọc gì, phán quan đáp: “Ðầu mỹ nhân đấy. Hôm lâu tiểu bằng hữu đã dặn lo cho nhan sắc của quý phu nhân. Ðêm nay ta vừa tìm được đầu của một người đẹp nên đem đến để thực hiện lời hứa”. Nói xong xách cái bọc đi thẳng tới cửa phòng Phùng thị.
Tiểu Minh đi theo, đang lo cửa phòng vợ mình khóa ở bên trong nên bước rướn lên để gọi vợ mở thì đã thấy phán quan đặt một bàn tay lên cánh cửa và cánh cửa tự động mở ra. Phán quan bước tới giường Phùng thị. Tiểu Minh cũng đi theo thì thấy vợ mình đang ngủ. Phán quan đưa cái bọc cho chàng cầm rồi cúi xuống, rút từ trong hia ra một lưỡi dao sáng loáng, ấn vào cổ Phùng thị, sắc ngọt tựa bổ trái dưa. Ðầu Phùng thị rơi ra. Phán quan mở bọc, lấy đầu mỹ nhân ráp lên chỗ cổ Phùng thị đã bị cắt, ngắm thật ngay ngắn rồi lấy đầu ngón tay trỏ miết kỹ chung quanh chỗ ráp đoạn lấy mền đạy lên. Sau đó ngài cầm cái đầu Phùng thị đưa cho Tiểu Minh: “Tiểu bằng hữu cất cái đầu của quý phu nhân này đi, có khi cần dùng tới!”. Rồi ngài cáo biệt.
Sáng ra, Phùng thị tỉnh giấc, thấy cổ hơi ngứa bèn lấy tay xoa thì thấy có những hạt huyết đã khô, nàng ngạc nhiên coi lại nên gọi con ở lấy nước rửa mặt. Con ở bưng chậu nước lên thì thấy đầu nữ chủ rối bù, nệm giường hình như dính máu. Phùng thị rửa mặt xong, thấy chậu nước loang loang đỏ lại càng không hiểu chuyện gì. Còn con ở thấy mặt mũi chủ nhân hoàn toàn thay đổi, xinh đẹp vô cùng thì nó hết sức ngạc nhiên, kêu lên thành tiếng. Phùng thị bảo nó lấy gương cho mình soi. Thấy mình chẳng phải là mình lại càng kinh ngạc, lên tiếng gọi chồng.
Tiểu Minh đi vào. Phùng thị hỏi: “Sao mặt mũi thiếp lại khác hẳn thế này?”. Tiểu Minh đáp: “Lục phán quan đã thay đổi đầu cho nàng, cũng giống như ngài đã thay tim cho tôi vậy”. Lúc đó Phùng thị mới vỡ lẽ. Tiểu Minh nhìn vợ, thấy quả là một trang mỹ nhân tuyệt sắc, mi thanh mục tú, má lúm đồng tiền cực kỳ xinh đẹp nên bèn hỏi vợ: “Nàng có ưng ý chăng?”. Phùng thị mỉm cười không đáp. Tiểu Minh vạch cổ vợ ra coi thì chỉ thấy có một đường màu hồng nhỏ như sợi tơ.
Nguyên nhân sự việc như sau: Kỳ ấy nhằm tiết nguyên tiêu tức Rằm tháng giêng, cô con gái út của quan thị ngự hồi hưu họ Ngô tên là Giáng Tiên lên núi Lục Dương vãn cảnh, có tì nữ theo hầu. Trong các khách đăng sơn có một tên cướp háo sắc lẩn vào trong đó. Nó thấy Giáng Tiên xinh đẹp thì ưa thích lắm bèn dò hỏi cho ra nhà nàng ở đâu, con cái nhà ai.
Mấy hôm sau, trong ban đêm, tên cướp trèo tường vào nhà quan thị ngự hồi hưu, rút dao khoét cửa phòng Giáng Tiên, lẻn vào chém chết đứa tì nữ rồi xông tới giường toan cưỡng bức Giáng Tiên. Nàng la hét, ra sức chống cự. Tên cướp tức giận đâm chết nàng rồi bỏ chạy.
Phu nhân nghe tiếng huyên náo ở phòng con gái, vội sai hai nữ tì cầm đèn tới coi. Vào phòng, thấy hai xác chết, chúng kinh hãi tri hô lên. Cả nhà nhốn nháo, cũng chạy tới rồi cùng gào khóc thất thanh. Tới nửa đêm, ngài thị ngự sai gia nhân đem xác tì nữ xuống quàn ở nhà ngang còn xác Giáng Tiên thì đặt tại phòng khách, cắt hai nữ tì ngồi canh. Lát sau, hai nữ tì mệt quá ngủ thiếp đi.
Buổi sáng, quan thị ngự sai gia nhân khâm liệm xác con thì thấy xác đã bị mất đầu. Thị ngự giận lắm, cho rằng hai đứa nữ tì đã chểnh mảng, để chó lên phòng khách tha mất đầu con, bèn ra lệnh tra khảo, đánh đòn.
Thị ngự cho người lên huyện đường trình báo sự việc. Quan huyện tể ngạc nhiên, ra lệnh cho thuộc hạ phải lùng bắt tên cướp bằng được. Nhưng ba tháng trôi qua, thuộc hạ vẫn chưa tìm ra manh mối.
Một hôm, có kẻ phong thanh nghe được chuyện Phùng thị đổi đầu với một mỹ nhân, trông giống đầu vị tiểu thư con gái út của quan thị ngự, bèn tới thuật lại chuyện đó. Quan thị ngự nửa tin nửa ngờ, bèn sai bà u già đi dò xét. Bà vú già tới nhà Tiểu Minh, giả bộ tới xin việc làm. Tiểu Minh bảo gặp vợ chàng chứ chàng không biết. Thấy mặt Phùng thị, u già kinh ngạc đưa tay bụm miệng cho khỏi kêu lên thành tiếng, đưa đẩy cho xong câu chuyện rồi mau mau về trình lại với quan thị ngự. Ngài nghe xong, rất hoang mang chẳng hiểu ra sao.
Hôm sau, chính quan thị ngự đích thân tới gặp Tiểu Minh. Sau tuần trà, Tiểu Minh hỏi: “Chẳng hay lão quan tới tệ xá có điều chi dạy bảo?”. Quan thị ngự nói: “Lão phu nghe đồn quý phu nhân mới đổi đầu với tiện nữ, nên muốn đến xin được gặp lệnh phu nhân để xem lời đồn đó ra sao” . Tiểu Minh nói: “Thưa vâng” rồi cho gọi vợ ra chào khách. Thấy mặt mũi Phùng thị đúng là con gái mình nhưng thân hình lại khác, quan thị ngự kinh ngạc bèn hỏi Tiểu Minh thì chàng chỉ nói: “Thưa, tiện nội nằm mơ thấy đổi đầu, sáng ra thì thấy như vậy chứ cũng không hiểu gì cả”. Quan thị ngự nói: “Nằm mơ mà đổi được đầu ư, lão phu không tin như vậy. Có lẽ nhân huynh đã dùng quỷ kế hay yêu thuật gì đó sát hại tiện nữ rồi đổi lấy đầu. Lão phu sẽ kiện lên huyện đường để mọi việc được sáng tỏ”.
Hôm sau, quan thị ngự cho người làm đơn kiện nạp lên huyện đường. Quan huyện tể đọc đơn, nửa tin nửa ngờ, sai lính đi bắt vợ chồng Tiểu Minh cùng con ở lên huyện đường để thẩm vấn. Cả ba người cùng khai giống nhau là Phùng thị nằm mơ thấy đổi đầu chứ không biết gì hết. Quan huyện tể không biết giải quyết thế nào bèn tạm cho ba người về nhà.
Tối hôm sau, phán quan tới chơi. Tiểu Minh thuật chuyện thị ngự kiện mình rồi hỏi: “Tôn sư có cách chi minh oan cho tiểu sinh được không?”. Phán quan nói: “Dễ thôi, để chính con gái thị ngự nói cho cha mẹ biết là xong việc”, rồi ngài đi ngay.
Ðêm ấy, quan thị ngự và phu nhân đều nằm mơ giống nhau, thấy con gái về nói: “Con và đứa tì nữ đều bị tên kẻ cướp Dương Ðại Niên ở Tô Khê sát hại. Vì nhan sắc của người vợ Chu hiếu liêm xấu xí nên Lục phán quan ở Thập Vương Ðiện lấy đầu của con đổi cho Phùng phu nhân. Nhờ thế, con tuy đã thác song phần quan trọng nhất của thân thể vẫn còn, xin phụ thân đừng nghi oan cho Chu hiếu liêm mà kiện cáo làm mang tiếng cho ngài. Chu hiếu liêm không biết quyền phép gì đâu”. Quan thị ngự tỉnh giấc, rất lấy làm lạ bèn thuật lại cho phu nhân nghe. Phu nhân nói chính mình cũng nằm mộng thấy như thế. Sau đó thị ngự bèn đích thân lên huyện đường, thuật lại giấc mộng của vợ chồng mình cho quan huyện tể nghe.
Ngay lập tức huyện tể bèn sai thuộc hạ đi Tô Khê xem xét thì thấy đúng là có tên Dương Ðại Niên, bèn bắt đem về. Quan sai khảo đả, tên Dương Ðại Niên đau quá không chịu nổi đành phải khai hết tội lỗi. Quan liền làm án ra lệnh tử hình.
Quan thị ngự và phu nhân tới nhà Tiểu Minh, xin Phùng thị nhận vợ chồng ngài làm cha mẹ còn Tiểu Minh làm con rể, hai người rất vui vẻ đồng ý. Nhân đó quan thị ngự bèn ngỏ ý xin cái đầu cũ của Phùng thị đem về chôn cất với thi thể của Giáng Tiên.
Năm ấy, Tiểu Minh đi thi hội (thi tiến sĩ). Văn chương cực hay song vẫn trượt vì phạm trường quy. Ba năm sau, lại đi thi nữa, lại trượt. Ba năm sau nữa, lại đi thi, lại hỏng. Thấy ba lần đi thi, ba lần đều hỏng, Tiểu Minh mới tin lời phán quan là đúng. Vì thế giấc mộng tiến sĩ của Tiểu Minh trở thành nguội lạnh.
Vợ chồng Tiểu Minh có một con trai đặt tên là Nhĩ Vĩ hết sức thông minh, thi đậu tiến sĩ. Nhĩ Vĩ sinh được 5 người con trai đặt tên lần lượt là Trầm, Tiềm, Vật, Hồn, Thâm, tất cả đều theo nghiệp văn chương giống như cha và ông nội, riêng người thứ tư tên Hồn thì theo nghiệp võ, sau này làm quan tới chức Tư mã.
Năm Tiểu Minh ngoài 60 tuổi, một buổi tối phán quan tới chơi, nói: “Chẳng còn thọ được bao lâu đâu, nên chuẩn bị đi là vừa”. Tiểu Minh hỏi: “Bao giờ thì chết?”. Ðáp: “Ðúng năm hôm nữa”. Hỏi: “Tôn sư oai phong như vậy, có giúp gì được cho nhau không?”. Phán quan lắc đầu: “Không, mệnh trời đã định, không thay đổi được. Vả lại sinh ký tử quy, sống là gửi, thác là về, dưới mắt thường nhân thì sống là còn, thác là mất, nhưng dưới mắt đạt nhân thì sống chết là lẽ thường của trời đất, không vui không buồn, không còn không mất”. Tiểu Minh khen: “Lời tôn sư nói chí lý thay, tiểu sinh hiểu ra rồi!””.
Sáng dậy, Tiểu Minh tự sửa soạn quan quách, vải liệm. Năm hôm sau, Tiểu Minh tắm gội sạch sẽ, mặc quần áo đẹp, lên giường nằm rồi thác hết sức dễ dàng.
Đoàn Dự