Dân chủ đang không chết, nhưng nó đang có một cuộc khủng hoảng giữa đời rất khó lường.
Đó là quan điểm của David Runciman, đứng đầu khoa chính trị của Đại học Cambridge, người hiện đang cố gắng giải thích hiện trạng dân chủ phương Tây, trong thời đại của Trump, mở rộng của truyền thông xã hội và phân rẽ kinh tế.
Lễ hội Ý tưởng Cambridge tuần này đã đón nhận được nhiều nhà tư tưởng lớn từ các ngành khoa học, nghệ thuật và nhân văn để tiếp xúc với công chúng, trong hàng trăm sự kiện miễn phí.
Giáo sư Runciman, lấy ý tưởng từ cuốn sách How Democracy Ends gần đây của ông, nói về một trong những câu hỏi lớn nhất: Có phải hệ thống dân chủ của chúng ta bắt đầu sụp đổ?
Động đất chính trị Ông Runciman nói nhiều cảm giác bất ổn chính trị và thất vọng là "hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008".
"Đây là hệ qủa kéo dài của khoảnh khắc thất bại chính trị lớn đó" ông nói.
Cùng với trì hoãn kinh tế lâu dài, đã có những trận động đất chính trị trong cuộc bầu cử Tổng thống Trump tại Hoa Kỳ và cuộc trưng cầu dân ý Brexit ở Anh.
"Đây là những điều mà chỉ năm năm trước không ai tưởng tượng sẽ xẩy ra.''
"Vì vậy, chúng ta có cảm tưởng rằng đang trải qua điều gì đó mà mình không hiểu. Chẳng ai dự đoán được những điều này, "Giáo sư Runciman nói.
"Có phải là mọi thứ sẽ chấm dứt? Không, nhưng tôi hoàn toàn hiểu được lý do tại sao mọi người hỏi, 'Điều gì sẽ xẩy ra?
Nhưng việc ông Trump đắc cử, ông lập luận, không nên được xem là kết thúc của cách tiếp cận truyền thống với dân chủ.
Lối mòn Trái lại, Giáo sư Runciman nói. Ông thấy dân chủ như đang ở độ tuổi trung niên, nơi cử tri cảm thấy như đang nằm trong một lối mòn, và thích có một sự thay đổi lớn, nhưng thực sự lại cơ bản không muốn bất cứ điều gì khác.
Ông sánh Trump với một chiếc xe gắn máy hào nhoáng được mua trong một cuộc khủng hoảng giữa đời.
"Chúng ta muốn có sự thay đổi mà lại không muốn thay đổi gì."
Có thể sẽ ngày càng có thêm những người ''kỳ quái và kỳ quái hơn" đắc cử, ông Runciman dự đoán.
Nhưng đó là bởi vì chúng ta nghĩ rằng các tổ chức chính trị rất mạnh mẽ, bất cứ ai được bầu ra cũng không thực sự gây được nhiều thiệt hại.
"Chúng ta bỏ phiếu cho Trump vì nghĩ dân chủ rất bền và có thể chịu được mọi thử thách chúng ta ném vào".
Không giống thập niên 1930 Giáo sư Runciman cũng bác bỏ sự tương đồng giữa căng thẳng chính trị bây giờ và áp lực trên nền dân chủ trong thập niên 1930 đến từ sự nổi lên của chủ nghĩa dân tộc và chế độ độc tài.
"Chúng ta bị lạc hướng bởi những tiếng vang. Chúng ta không thấy cuộc sống thực sự như thế nào trong thập niên 1930," ông nói.
Đó là thời điểm đói nghèo dữ dội, chính trị được quân sự hóa, với chủ nghĩa cực đoan bạo lực và những người trẻ tuổi có súng ống, ông nói.
Châu Âu đang trong tình trạng "rối loạn căng thẳng sau chấn thương" sau những nỗi kinh hoàng của Thế chiến thứ Nhất.
Nó không giống tí nào sự năng động của tình trạng gián đoạn chính trị hiện đại, ông nói.
"Những người tức giận bây giờ là những người già, có nợ nhà và thích xem Netflix."
Đường dây quyền lực Một mối đe dọa đáng kể và không thể lường trước được đối với nền dân chủ, ông lập luận, có thể là từ các phương tiện truyền thông xã hội và các công ty công nghệ lớn.
"Đó là quyền lực mà không ai hiểu -cả về quy mô, tốc độ, lẫn sự phức tạp."
Dân chủ luôn luôn có cách để đối phó với tuyên truyền hoặc tin tức giả mạo, ông nói.
"Nhưng trong 20 hoặc 30 năm nữa chúng ta có thể sẽ cảm thấy đã mất quyền kiểm soát là quyền lực thực sự nằm đâu trong hệ thống này."
"Các hãng công nghệ lớn có một quyền lực không có tiền lệ trong lịch sử."
Trong khi trong quá khứ, các ngành công nghiệp quá mạnh có thể bị chẻ nhỏ ra, các công ty công nghệ lớn giờ đây được đan xen vào mọi khía cạnh của cuộc sống, bao gồm cả quá trình chính trị.
"Nếu có ai đó muốn tiếp quản Google, họ sẽ phải tìm kiếm trên Google cách thực hiện điều đó."
Ngoài các phương tiện truyền thông xã hội, còn có sự thay đổi trong bối cảnh truyền thông - và việc ranh giới giữa chính trị, giải trí và truyền hình thực tế đang bị nhòa đi.
'Những xã hội giàu có, trì trệ' Giáo sư Runciman nói tự do dân chủ phương Tây phát triển trong những năm đời sống thịnh vượng lên sau chiến tranh - và, một điều chưa biết nữa là, dân chủ sẽ thay đổi như thế nào nếu mọi người trở nên nghèo đi.
Khi con người bị kẹt nhiều năm với mức lương trì trệ, họ sẽ bị đẩy đến các lề chính trị.
"Dường như có rất nhiều bằng chứng lịch sử là khi kinh tế không tăng trưởng dân chủ thường gặp khó khăn.
"Nếu mọi người không cảm thấy đời sống sung túc hơn, họ sẽ đi tìm kiếm các chính trị ở xa hơn nữa ở vòng ngoài."
Ở các nước nghèo hơn, điều này có thể dẫn đến biến cố chính trị. Nhưng ở các nước tương đối ổn định phương Tây, xác suất người dân bị vỡ mộng sẽ cao hơn là có cách mạng.
"Những xã hội giàu có, trì trệ có thể sống chung với các nền dân chủ rối loạn chức năng trong một thời gian dài", ông nói.
"Và chúng ta có thể đang bắt đầu ở trong giai đoạn đó."
Ông lập luận rằng độ bền của nền dân chủ đang làm cho mọi người giảm tự giác về sự cần thiết phải bảo vệ và nuôi dưỡng nó.
"Nó có thể tồn tại, nhưng đang bị rỗng đi.
"Đó [nền dân chủ] là một hệ thống cũ mệt, và đang phải khó khăn đối phó với một số thách thức lớn, nhưng nó sẽ không bị gãy ra làm đôi."
"Chúng ta có thể suy nghĩ về cách thức làm sao chính trị có thể tốt hơn", ông nói, ở cấp độ địa phương, quốc gia và quốc tế.
Nhưng thay vào đó, các nền dân chủ phương Tây đang trong giai đoạn chuyển đổi lãnh đạo hơn là thay đổi hệ thống.
"Hãy thử một chú hề khác," ông nói.
Theo BBC