Người dân Matxcơva tưởng niệm các nạn nhân của chế độ Stalin. Ảnh ngày 29/10/2018. © Daniel Vallot / RFI
Hôm qua 29/10/2018, người dân Matxcơva tưởng niệm các nạn nhân của chế độ Stalin. Hơn 60 năm sau khi bạo chúa qua đời, tưởng niệm các nạn nhân của Stalin vẫn còn là chuyện nhạy cảm. Theo AFP, chính quyền đã từ chối nghi thức này, trước khi đổi ý cách đây ít hôm.
Từ 10 giờ sáng đến 10 giờ tối, bất chấp giá lạnh, hàng trăm người dân Matxcơva lặng lẽ xếp hàng để chờ đặt hoa, nến và đọc tên thân nhân hoặc những nạn nhân khác dưới thời Stalin. Lễ tưởng niệm diễn ra xung quanh một tượng đài, vốn là một tảng đá lớn lấy từ quần đảo Solovski, miền tây bắc nước Nga, sát với Bắc Cực, nơi ra đời của một trong các trại « cải tạo lao động » (Gulag) đầu tiên. Tượng đài nạn nhân Stalin nằm ở trung tâm thủ đô, đối diện với tòa nhà từng là trụ sở cơ quan mật vụ KGB thời Liên Xô, và cơ quan an ninh Nga FSB hiện nay.
Từ 12 năm nay, năm nào cũng vậy, trước Ngày tưởng niệm các nạn nhân của đàn áp chính trị, được tổng thống Boris Eltsin lập ra năm 1991, nhiều người dân Matxcơva lại đến đây để nhớ đến người thân và nhiều nạn nhân vô danh khác, danh sách do hiệp hội Memorial thiết lập. Từ người Nga đến người Do Thái, từ người Tata đến người Ba Lan, từ giáo viên cho đến lái tàu, tướng Hồng quân đến linh mục, nông dân, công nhân, cho đến người về hưu… Danh sách của Memorial cho thấy chính sách khủng bố thời Stalin không chừa một ai.
Không quên những người đã khuất với hy vọng sẽ có thay đổi trong tương lai là niềm tin của nhiều người đến khu tưởng niệm. Sau đây là phóng sự của thông tín viên Daniel Vallot từ Matxcơva :
« Lần lượt, hết người này đến người khác, những con người vô danh này đọc tên của một thân nhân hoặc một nạn nhân không ai biết. Đó là các nạn nhân trong các cuộc thanh trừng, bị hành quyết hay bị đày ải tại các trại tập trung. Như trường hợp người cụ của Natalia, một thiếu nữ Matxcơva lút mình trong chiếc áo choàng. Cô tâm sự : Mỗi lần nhắc đến tên cụ, tôi lại muốn khóc, giờ đây cũng vậy. Tôi cảm thấy rã rời. Không thể làm gì để giúp họ nữa, do vậy, tôi chỉ còn biết nhắc đến tên họ.
Quỳ tại trung tâm quảng trường, với một đóa hoa trong tay, Valery nhớ đến một người bác của ông, bị đi đày dưới thời Liên Xô, cũng giống như nhiều thành viên khác trong gia đình. Ông nói : Nếu quên những người này, có nghĩa là chúng ta chấp nhận những gì diễn ra vào thời kỳ đó. Chừng nào còn nhớ đến họ, chúng ta có cơ may là sẽ còn có một thay đổi nào đó’.
Tại hiệp hội phi chính phủ Memorial, cơ sở tổ chức lễ này hàng năm, người ta than phiền về việc chính quyền hiện nay tìm cách ngăn cản hoạt động tưởng niệm khó khăn này. Họ nêu rõ là việc tiếp tham khảo các lưu trữ của cơ quan an ninh ngày càng khó khăn hơn, trong lúc các tài liệu lưu trữ này là nguồn thông tin chủ yếu đối với con cháu các nạn nhân ».
Gần một nửa thanh niên Nga chưa hề nghe nói đến Gulag
Theo các nhà sử học Nga và phương Tây, dưới thời Stalin, khoảng 20 triệu người bị giết hại, đặc biệt trong hai năm 1937-1938, với nhiều hình thức : hành quyết, chết trong Gulag, hay do bị đày ải đến các vùng lam sơn chướng khí, chết đói tại Ukraina và nhiều nơi khác. Tuy nhiên, hiện nay gần một nửa thanh niên Nga, từ 18 đến 24 tuổi chưa bao giờ nghe nói đến các đàn áp thời Stalin, theo một thăm dò dư luận của Vtsiom, một viện nghiên cứu thân chính quyền, được công bố hồi đầu tháng 10.
Chính quyền Nga cho đến nay vẫn tiếp tục tìm cách giảm nhẹ hoặc lờ đi những giai đoạn đen tối thời Xô Viết trong các chương trình giảng dạy ở nhà trường, hay trên các phương tiện truyền thông của Nhà nước. Cùng lúc đó hình ảnh Stalin lại có xu hướng được phục hồi, mộ của nhà độc tài vẫn nằm nguyên tại quảng trường Đỏ.
Theo RFI