VN tăng cường công cụ 'càn quét' không gian mạng (ảnh minh họa)
Đang và sẽ có thêm các biện pháp mới để kiểm soát thông tin trên mạng xã hội tại Việt Nam, theo trả lời chấn vấn trước Quốc hội của lãnh đạo ngành công an và CNTT Việt Nam.
Công cụ 'quét rác' không gian mạngCông cụ này là công nghệ của Trung tâm Quốc gia Giám sát An toàn Thông tin trên không gian mạng, được Bộ Thông tin & Truyền Thông (TTTT) xây dựng.
Công cụ "quét rác không gian mạng" này có thể đọc, phân tích, đánh giá, phân loại khảng 100 triệu tin mỗi ngày, theo lời bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trên truyền thông Việt Nam.
Thông tin này được bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra tại phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội hôm 31/10.
Lý giải sự cần thiết của trung tâm này, ông Hùng nói do mỗi ngày mạng xã hội tiếng Việt có tới hơn 100 triệu thông tin nên không thể dùng nhân lực để giám sát mà phải dùng công nghệ.
Ông Hùng gọi công nghệ này là "công cụ quét rác".
Ngoài ra ông nói phải định nghĩa thế nào là thông tin sai, tin giả bằng pháp luật. Như vậy cần ban hành một số quy định pháp luật liên quan, và phải có đầu mối tiếp nhận các thông tin phản ánh từ người dân, người bị hại.
Xử lý hành vi 'vu khống trên không gian mạng'Trong khi đó, lãnh đạo bộ Công an, ông Tô Lâm, cho hay đã xử lý được một số đối tượng "vu khống trên không gian mạng". Nhưng ngăn chặn hành vi vu khống trên mạng xã hội thì chưa thực hiện được do một số trở ngại.
Thứ nhất là về mặt địa lý, thông tin 'nặc danh' có tính xúc phạm, bôi nhọ trên mạng xã hội không chỉ xuất phát từ Việt Nam mà xuyên quốc gia.
Thứ hai là về mặt pháp lý còn chưa hoàn thiện, mỗi khi xử lý những thông tin vu khống, xuyên tạc thì cần có chứng cứ số, phải được cơ quan chức năng giám định mà ta lại chưa có.
Câu trả lời của ông Tô Lâm được đưa ra trước chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương hôm 31/1.
Theo tường thuật của Zing.vn, ông Cương nói trên mạng xã hội lâu nay có tình trạng một số người "cho mình quyền" nói và xúc phạm người khác. Ông lấy ví dụ sau phiên lấy phiếu tín nhiệm đại biểu Quốc hội đã xuất hiện các phát ngôn "xúc phạm bộ trưởng".
Do đó ông Cương muốn biết Chính phủ và bộ Công an có xử lý được tình trạng này hay không.
Ông Tô Lâm thừa nhận xử lý các trường hợp "nói xấu", "bôi nhọ" không dễ, nhất là khi người thực hiện 'xuyên tạc', 'vu khống' để chế độ 'nặc danh'.
Ông Lâm cũng nói sẽ tiếp tục thu thập chứng cứ về các "đối tượng có hoạt động tuyên truyền chống nhà nước"; "đối tượng bôi nhọ, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự trên không gian mạng" để xử lý.
Bộ Công an hiện đang phố hợp với nhiều ban ngành để tuyên truyền, phản bác các hoạt động chống đối, bôi nhọ, xuyên tạc trên không gian mạng, ông Tô Lâm cho hay trong phiên trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội hôm 1/11.
Yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ gỡ bỏ thông tin saiBộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng nói thách thức hiện nay là mạng xã hội xuyên biên giới. Các thông tin từ nước ngoài cung cấp về Việt Nam.
Do đó, cần phải "mạnh tay" "yêu cầu các nhà cung cấp tuân thủ pháp luật Việt Nam, đặc biệt trong việc gỡ bỏ thông tin".
Ông Hùng nói cái này Việt Nam có thể học từ các nước EU, trong Asean đã làm với Facebook và Youtube.
Ông Hùng cũng đề nghị cần có chế tài xử lý người đưa thông tin sai trên mạng để 'thượng tôn pháp luật'.
Theo ông Hùng, thông tin trên mạng xã hội không ảo, mà là thật. Do đó người dân và chính quyền "phải sống nhiều hơn tren mạng xã hội" và "không phải xem cái gì cũng tin ngay".
Bộ trưởng Tô Lâm hôm 1/11 cũng cho hay bộ đang phối hợp với Bộ TTTT để yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông Internet ngăn chặn truy cập từ trong nước khoảng gần 3.000 trang mạng "có nội dung xấu".
Luật An ninh mạng được thông qua tháng 6/2018, sẽ chính thức có hiệu lực tháng 1/2019, được cho là 'nhái' của Trung Quốc, và làm dấy lên lo ngại từ Mỹ, cộng đồng châu Âu và các nhóm nhân quyền quốc tế, theo AFP.
Mới đây, dự thảo Nghị định hướng dẫn thực thi luật An ninh mạng được đưa ra lấy ý kiến cũng vấp phải nhiều chỉ trích từ cộng đồng mạng.
Theo dự thảo Nghị định này, các nhà cung cấp dịch vụ mạng nước ngoài sẽ buộc phải đặt văn phòng tại Việt Nam và phải lưu trữ dữ liệu người dùng tại Việt Nam.
Các dữ liệu của người dùng được đề nghị lữu trữ gồm có thông tin sinh trắc học, lịch sử tài chính, quan điểm chính trị, và tôn giáo.
Theo BBC