Điện thoại vang lên giữa đêm khuya, nhất là đang giấc ngủ say, nghe như tiếng còi xe cứu thương, lanh lảnh xoáy buốt màng óc. Tim Lê đập liên hồi, cả thân thể tê cứng theo tiếng reo thôi thúc kế tiếp. Xoay nghiêng người nhìn vào bốn con số đỏ đang nhảy múa trên mặt đồng hồ, cố gắng lắm nàng mới nhận định được là mới hơn mười một giờ khuya. Lê bò vội dậy chân tay luống cuống y như những lần cảnh sát gọi đến nhà vào lúc một, hai giờ sáng, giờ của những chú đạo chích đi ăn đêm. Mỗi lần như thế tiệm nàng mất một số tiền khá lớn, nào tiền hàng hóa bị trộm, nào tiền sửa chữa sơn phết vá đắp, thay ống khóa. Dù đã trang bị hệ thống báo động tối tân nhưng bằng lối vào chuyên nghiệp, đục tường, gỡ máy lạnh, ống lò sưởi, bọn trộm vẫn ung dung ra vào một cách dễ dàng một khi đã muốn. Tay Lê run lên lúc áp phone vào tai.
– Dạ má con ngủ rồi. Bác cần nhắn gì không?
Bên đầu kia yên lặng đến một giây trước khi buông tiếng không khô khan cùng với tiếng cạch để cúp. Lê không thể đoán được ai và sao lại gọi giờ này nhưng có điều không phải là tin tức về trộm cướp là mừng rồi.
Lê nằm trở lại kéo mền ngang ngực với hy vọng sẽ dễ dàng tìm lại giấc ngủ… Nhưng giấc ngủ không đến dù khí trời tinh khiết và mát lạnh như những ngày đầu xuân ở Đà lạt. Thoảng theo hơi gió, mùi hoa hồng ngọt ngào len vào khe hở của khung cửa sổ khiến lòng nàng lịm đi trong thoáng giây xúc cảm, nỗi xúc cảm từ một kỷ niệm đã cố tìm quên. Khó ngủ, Lê trở người nằm nghiêng. Qua khung cửa, ánh trăng dịu ngọt rắc đều một màu vàng mơ xuống từng phiến lá chuối mỏng trồng bên hông nhà trông loang loáng nước. Xa hơn, trăng tắm vàng trên ngàn lá, cỏ cây trông buồn man mác càng gieo vào lòng Lê những khắc khoải vô hình. Đã lâu rồi, hình như hơn tháng nay thì phải, Lê không còn thơ thẩn ở vườn sau vào những đêm trăng sáng, tay nâng từng cánh hoa ướt sương đưa lên môi… Lê rùng mình, nụ hôn nồng nàn hôm nào vẫn còn vương quyện đâu đây… ngất ngây… đam mê và cũng chua xót không kém. Tình yêu đầu đời thì dẫu ở tuổi nào nó cũng vẫn e ấp dễ thương như thời mới lớn. Trái tim Lê đã có những rung động tuyệt vời mà không thể diễn tả đủ qua đôi mắt ngây dại, qua cử chỉ vụng về, qua những lời ấp úng ngu ngơ.
Trước mặt Nguyễn, nàng luôn là một đứa con nít. Lê hiểu thế và biết chắc chắn rằng dù với tuổi đời, với cuộc sống lăn lộn, từng trải thì kinh nghiệm tình nàng yêu Nguyễn chỉ chập chững, ngô nghê như đứa trẻ. Sở dĩ Lê nhấn mạnh tình nàng yêu Nguyễn vì trước đó đã có nhiều mối tình đi qua và để trong lòng Lê những chán ngẫm của lọc lừa, giả trá. Đó không phải kinh nghiệm tình yêu mà là kinh nghiệm cuộc đời. Đời con người được tình và tiền trộn lẫn để thăng hoa cho cuộc sống. Lê lao đầu vào với đôi lúc tưởng mình đã yêu, đã được yêu, đã phụ bạc và ngược lại. Kinh nghiệm lừa lọc không phải Lê không có, có nhiều là đằng khác, chỉ vì Lê có sắc, có tiền, có cơ sở thương mại và yếu tố mạnh mẽ nhất để mọi người đàn ông nhào đến tán tỉnh là tuy Lê đã có chồng nhưng còn kẹt lại Việt Nam.
Ở Mỹ, đàn ông khôn ngoan đều sợ các cô gái chưa chồng vì lỡ quen là sẽ bị đeo dính như keo. Vướng vào đàn bà góa cũng khổ vì ba bẩy hăm mốt ngày lại dắt nhau đến tòa làm hôn thú chôn cuộc đời bằng án lệnh mà ông nào cũng biết rằng cảnh vợ chúa chồng tôi đang lan tràn mạnh mẽ. Những người như Lê làm sao dám đề nghị, đòi hỏi, cưới xin khi chồng còn sống sờ sờ và làm sao dám hủy bỏ hôn thú khi còn con cái, dòng họ? Do đó dù Lê có một dạ trung trinh cũng bị vướng vào những chiếc bẫy mềm mại, óng ả giăng bốn phương tám hướng. Mười một năm nơi xứ người, biết bao nhiêu lời tán tỉnh, biết bao nhiêu mật ngọt thiết tha, vượt được chỗ này nhưng lại vướng phải chỗ kia cho nên Lê đã mua kinh nghiệm cuộc đời bằng những cay đắng và nghi ngờ. Trong lòng Lê chất chứa đầy những mâu thuẫn mà không hiểu sao khi vừa gặp Nguyễn, nàng đã thấy rúng động. Sự rúng động không phải vì Nguyễn có nhiều nét lôi cuốn, tài hoa, ăn nói nhũn nhặn dịu dàng hoặc đôi mắt buồn mơ, u uẩn và cũng không phải vì Nguyễn là một nhà thơ nổi tiếng mà chỉ vì…
… Chỉ vì ngoài sự thánh thiện nhân từ qua đôi mắt, ngoài sự minh mẫn tinh anh qua vầng trán rộng, Nguyễn còn có khóe miệng cười là cả một vùng trời xanh tuyệt đẹp đã che hết những khuyết điểm trên thân thể. Đối diện với chàng, một nhà thơ lỗi lạc, một nét thơ linh động và ý thơ ngời sáng, hùng hồn dõi về quê hương dấu yêu, một ý chí cương quyết quật cường, Lê thấy đầu óc quay cuồng để rồi lòng chùng xuống thật thấp mặc cho con tim bóp nghẹn. Là người yêu thơ và đã từng sáng tác thơ, Lê biết thơ chính là người nhưng…
– Cô ngồi xuống ghế đi.
– Vâng.
Mất hết thần sắc, Lê ngồi xuống như một cái máy.
– Ngạc nhiên quá hả cô Lê?
Nụ cười điềm đạm vẫn không rời trên môi, kéo Lê theo với những bước chân dập dềnh phiêu lãng.
– Tôi đã đọc xong tập thơ của cô. Khá lắm!
Giọng nói ấm và trầm như những lời ru ngủ, như những tiếng thì thầm mật ngọt.
– Đường xa có lẽ mệt mỏi, cô dùng nước chanh tươi nhé!
Mắt Lê mở tròn và chết sững khi Nguyễn kéo chiếc xe lăn lại gần mình.
– Không.
Giật mình vì tiếng hét vang lên hoảng hốt, Nguyễn bất động đến vài giây khi thấy mặt Lê trắng xanh, đôi mắt như bị những màng mây ảm đạm che phủ. Tại sao lại thế này?
– Cô…cô…
Bây giờ thì họ đã nhìn thẳng mặt nhau không tránh né, rất lâu và thật lâu, vùng nước trong xanh của mùa thu đã có những chao động buốt giá.
– Bất ngờ quá phải không cô?
– Vâng, bất ngờ quá!
Lê không hiểu mình đang nghĩ gì và đang nói gì, chỉ biết rằng tự nhiên thấy như quá gần gũi với Nguyễn.
– Khi nào cô trở về bên ấy?
Lê giật mình ấp úng:
– Khi nào…? Tôi cũng không biết.
– Tại sao lại không biết?
– À không, có lẽ ngay bây giờ hoặc có thể tháng sau.
– Tại sao vậy? Từ chỗ cô lên đây chỉ có hai tiếng thôi mà!
Tự dưng cả hai xoay quanh chuyện lẩm cẩm. Chiếc xe lăn để ở góc tường đã làm câu chuyện trở nên mất bình thường vì khi đến thăm Nguyễn, Lê không hề có một ẩn ý nào khác ngoài sự tò mò muốn biết về cuộc sống của một bạn thơ. Nhất là nàng chỉ định ghé ngang sau khi đi shopping. Nào ngờ…
– Cô trẻ hơn trong hình.
– Cám ơn anh.
– Nhìn cô tôi không nghĩ thơ và người là một nữa. Trong thơ u uất não nề bao nhiêu thì bên ngoài cô lại tươi trẻ và xinh xắn bấy nhiêu.
Lời Nguyễn tuy êm ả nhưng lại lùng bùng bên tai Lê bằng sáo ngữ và kiểu cách, nó đã làm cho nàng lấy lại sự tỉnh táo.
– Anh học ở đâu những sáo ngữ đó vậy?
Nguyễn cười dựa lưng vào ghế thong thả mồi thuốc:
– Có phiền cô không?
– Sáo ngữ thì có nhưng thuốc thì không.
Nguyễn bật cười ha hả, tiếng cười dòn dã, hồn nhiên như đứa trẻ:
– Lần đầu tiên khen phái đẹp lại bị đả kích cho là sáo ngữ. Hình như cô thích người ta nói dối?
Ôi cái anh chàng này… Nếu đừng có chiếc xe kia…Nếu đừng… Đầu Lê lắc mạnh như cố xua đuổi ý tưởng ma quái đang ám ảnh.
– Cô hơi khác những người thường.
– Vâng, cũng có thể.
– Cô như những giọt sương mỏng chỉ thấy trên cánh lá vào lúc đêm về, nắng lên, giọt sương tan biến.
– Vâng.
– Giọt sương chỉ nhìn thấy mà không dám sờ mó vì sợ nó vỡ.
Qua khói thuốc Nguyễn nhìn nàng chăm chú, đôi mắt không còn trong sáng hồn nhiên mà đã thoáng những nét phiền muộn. Con người thật của anh đó sao? Lê tự hỏi với linh cảm thật bén nhậy và buột miệng:
– Thơ anh hay lắm! Nửa hồn quê nửa hồn nước, nửa tình yêu nhẹ nhàng nửa nóng bỏng đấu tranh. Tôi cứ nghĩ thơ anh thật toàn vẹn nếu không có ngày hôm nay.
– Như thế là thế nào? Có phải còn dấu diếm nhiều thứ lắm phải không cô? Tôi chỉ nói về những cái hay cái đẹp, những ước vọng cao quý, những rực rỡ tương lai của nhân loại mà không hề đá động đến cuộc sống hiện tại của riêng cá nhân tôi?
Mặt Lê đỏ bừng, ánh mắt nhìn Nguyễn đầy những van lơn:
– Tôi không dám nghĩ thế! Có điều nếu anh dám bộc lộ thật tất cả những gì trong anh thì thơ sẽ biến thành bất hủ.
– Cô đang liên tưởng đến Hàn Mặc Tử?
– Tôi không đủ trình độ để phê bình thơ, nhất là những người đã nằm xuống nhưng nếu Hàn Mặc Tử không mắc bệnh phong cùi thì chắc gì thơ của ông ấy đã làm rung động độc giả như vậy.
– Cũng như nếu tôi…
Lê cắt ngang:
– Thơ anh trái ngược vì tôi chỉ nhìn thấy tác giả qua khí thế hào hùng. Tôi có cảm tưởng anh là một tướng chỉ huy ngòi bút giữa mặt trận.
Nguyễn cười, đôi mắt có những ngấn lanh:
– Và cô đang tiếc vì sự thật…
– Sự thật làm tôi ngỡ ngàng muốn khóc và cảm phục anh vô ngần. Anh đã vươn cao giữa sự mất mát và cô độc, anh…
– Cô Lê.
Lê đan tay lại dấu sự xúc động đang sắp sửa trào dâng qua khoé mắt, cái khuyết điểm mà chỉ có nàng mới biết.
– Cô dùng tạm nước trà nhé.
Nguyễn đánh lảng sang chuyện khác, hình như không muốn đào sâu vào vết thương.
– Không ngờ cô lại nhát như vậy.
– Nhát gì cơ?
– Thì sợ nhìn thấy tôi khi đứng lên.
– Lê chỉ muốn anh chọn đường nào thoải mái nhất.
– Nghĩa là bằng lòng uống trà nguội?
Vừa hỏi Nguyễn đã kéo chiếc bình thủy nhỏ lại gần khoan thai mở nắp và rót thêm vào bình trà ủ gần đó:
– Tôi quen uống trà dã chiến, hy vọng cô không chê chưa đủ độ nóng.
– Nguội hay nóng thì nó cũng vẫn là trà. Cũng như dẫu anh có thế nào thì anh vẫn là anh.
– Cô nói chuyện hay lắm cô Lê ạ! Nào, chúng ta nâng ly chứ!
Khói nước bay nhè nhẹ khi Lê đưa lên môi.
– Hình như cô không quen uống trà?
Lê không trả lời chỉ đưa mắt ngạc nhiên dò hỏi.
– Thường thường trà rót ra mà khói yếu là độ nóng đã giảm đi quá nửa. Hơn nữa người sành uống trà không khi nào thổi trước khi uống dù cho nóng cách mấy vì thổi như thế sẽ bay bớt hương thơm…
Lần đầu gặp nhau chỉ có thế nhưng đã gây trong Lê một ấn tượng sâu xa, nhất là lúc Nguyễn đưa tay kéo chiếc xe lại gần để tiễn nàng ra cổng… Chiếc xe lăn nhỏ bé xinh xắn làm bằng loại nhôm sáng ngời trông thật đắt tiền nhưng không che giấu được sự lạnh lẽo của một nhà tù dù nhà tù có hai bánh tròn trịa lúc nào cũng muốn được lăn trên đường. Chiếc xe đầy đủ tiện nghi, êm ái như một ghế điện dành cho kẻ tử tội không định ngày giờ chết và như một chứng tích thê thảm của chuỗi thời gian bỏ sót lại không có ánh thiều quang. Lê thấy lòng quặn đau, xót xa nhìn sự chịu đựng thầm lặng của Nguyễn, sự chịu đựng mà những con người bình thường khó có thể thản nhiên chấp nhận. Sự tật nguyền đâu phải như cơn bệnh một hai ngày sẽ khỏi mà là một mất mát vĩnh viễn. Nỗi mất mát lớn lao nhất vẫn là chí nguyện làm trai bị gãy đổ, phải bỏ cuộc nửa chừng vì thân thể tàn phế. Mảnh bom oan nghiệt đã tiện đứt ngang đùi cùng chiến công hiển hách và những huy chương sáng chóe trên ngực áo, phần an ủi và vinh dự tinh thần luôn luôn đi kèm cho những người lính, những người con yêu của đất nước. Nguyễn kể rằng chàng vẫn may mắn hơn nhiều người đã phải nằm xuống, vì kẻ nằm xuống là đã chấp nhận bỏ cuộc trong trường đua mà cái đích là ngày thanh bình của dân tộc, tổ quốc.
Lê lao đao từng bước bên Nguyễn với cảm giác bồng bềnh như mây trôi dưới ánh nắng chiều ngọt ngào, màu mây trắng in trên nền trời xanh ngắt mang theo bao ước mơ vừa chợt đến. Tự dưng Lê chợt có ý nghĩ so sánh mình là mây và Nguyễn là nắng. Nắng làm mây huy hoàng rực rỡ, nắng làm mây quay cuồng ngây ngất, là đà bay khắp không gian với không khí trong lành tươi sáng. Tình cảm Lê dành cho Nguyễn là một thứ tình cảm hiếm có, nó không phải từ sự an ủi thương hại, cũng không phải một thứ hiến dâng bù đắp mà từ sự kính phục cảm mến. Làm sao giải thích được? Chỉ có con tim Lê mới đủ tài tranh luận, và chỉ có nó mới đủ quyền năng biến Lê thành con múa rối trước mặt Nguyễn.
– Lên xe đi chứ!
Giọng Nguyễn nhẹ và mát trong khi nhiệt độ ở Lê mỗi lúc một tăng.
– Đã gần sang thu sao còn nóng quá!
Nguyễn ngỡ ngàng nhìn Lê, dưới ánh nắng loang lổ len lỏi từ kẽ lá, hai má Lê ửng hồng, mắt nàng cũng long lanh rực sáng. Trời không nóng, Nguyễn biết chắc như thế vì nhiệt độ buổi chiều không quá bẩy mươi.
– Lê đang bị một sức nóng nào đó thiêu đốt?
– Không, Lê bào chữa, có bao giờ nắng đốt mây chảy thành nước?
– Có chứ! Nếu không làm sao có mưa. Mà sao lại hỏi vậy?
– Lê nghĩ mây đẹp nhờ nắng mà nắng lại làm cho mây khóc.
Nguyễn bật cười, nụ cười trẻ thơ mà từ lâu chàng tưởng như đã bị bỏ quên:
– Nàng thơ có khác, nhưng mà Lê này, nhờ biến thành nước nên mây không thể bốc lửa.
Mặt Lê đỏ bừng, không hiểu vì cách xưng hô hay vì Nguyễn đã đọc được tư tưởng mình. Đôi tay bắt đầu trở nên thừa thãi, Lê tháo gỡ lung tung trên dải lụa buộc quanh vành nón bằng cói mềm.
– Đội nón lên kẻo nắng.
– Sao anh bảo nó bốc cháy?
Lê có lối nói chuyện làm đối phương hoảng sợ là rất ít khi trả lời mà chỉ hỏi ngược trở lại. Chính câu vừa rồi đã giúp nàng lấy lại bình tĩnh trước sự tấn công nhẹ nhàng của Nguyễn. Quả thật, anh chàng ngẩn ngơ đến vài giây và đành cười trừ:
– Thôi về đi cô bé.
– Lê muốn nhìn thấy mây bốc cháy.
– Anh sẽ ngã trước tiên.
Lê cười, cả hai cùng cười. Tiếng cười dòn thánh thót như chuông ngân phá vỡ sự im lặng của căn nhà nhỏ nằm trơ vơ trong khu rừng rộng lớn.
– Ở đây vắng thấy sợ quá!
– Nếu lòng không cô đơn thì có gì đáng sợ hơn đâu.
Lê chợt thấy tim mình nhói lên và khí lạnh ở đâu len vào, giọng nàng pha đầy trách móc:
– Vậy mà Lê lại cứ nghĩ anh còn độc thân.
– Thì độc thân chứ sao!
– Ra anh đã có người yêu?
– Mới có một.
– Chị ấy thật có phước.
Khi nói Nguyễn vẫn không rời những biến chuyển trên sắc mặt Lê, người đàn bà đầu tiên làm chàng rung động từ ngày thân thể tàn phế. Tuy nhiên với tuổi đời, chắc chắn Lê không phải là người còn độc thân. Nguyễn thở dài:
– Thơ theo Nguyễn như hình với bóng. Đó không phải là người yêu thì gọi là gì?
Mỉm cười thay câu trả lời, Lê bước vội lên xe. Ngay ở cửa kính nàng ném lại cái nhìn mà chỉ có Nguyễn mới hiểu rằng trong ánh mắt ấy đã để lại từng cụm mây bồng bềnh, say đắm.
***
Họ yêu nhau từ dạo ấy…
Chẳng biết ai đã yêu ai trước nhưng có điều kẻ tán tỉnh lại là giới kẹp tóc. Lê không tự thẹn và cũng không thể chờ đợi ở những cái xảy ra thường tình, nói cho đúng nàng sợ cơ hội sẽ tan biến đi để không còn có dịp thố lộ tình yêu.
Nếu bảo rằng mơ mộng, yêu đương chỉ dành cho tuổi mới lớn và những rung động nhẹ nhàng dễ thương cũng chỉ xảy đến ở tuổi này thì Lê đang đi ngược dòng thời gian và dừng lại ở tuổi mười sáu, lứa tuổi học trò với đầy ngây thơ, e ấp và vụng dại. Họ đã trao nhau những vần thơ trữ tình, nóng bỏng và ngôn ngữ tình yêu không tác tạo bằng khung cảnh mà phát xuất từ tim, từ hai tâm hồn vừa mới biết rung động.
– Lê, bài thơ hay quá! Anh nghĩ chỉ có trái tim mình mới xứng đáng được thưởng thức.
Thường thì Lê chỉ trả lời bằng ánh mắt nồng nàn. Họ vẫn ngồi ở sân sau, trên đám cỏ khô ngập đầy xác lá. Trời chiều, ánh nắng chỉ còn vương nhè nhẹ tận bên kia sông, nơi có những lùm cây cao đang chuyển sắc đỏ.
Mùa thu, cảnh vật nơi đây mỗi ngày mỗi thay đổi khác. Tuần rồi, rừng lá đang ươm vàng nay đã biến sang đỏ thẫm, thân cây cũng xậm đen như một buồn nản dãy chết. Lá trên cành còn nhiều, nhiều lắm như vẫn vấn vương, nuối tiếc mùa thu sớm qua mau, như muốn trì kéo lại cuộc đời huy hoàng dù chỉ còn thời gian rất ngắn ngủi và như lá có linh hồn muốn cùng loài người chia xẻ buồn vui. Tình cảm tràn ngập, đôi mắt Lê dành cho người yêu cũng thật nồng nàn với cảm giác của kẻ đang ngất ngây say và cũng là của nhà họa sĩ đại tài trước cảnh sông nước. Con sông chạy vắt ngang khoảng đất bồi, len lỏi trong những đám lau sậy nhưng vẫn phải khuất phục nằm dưới chiếc cầu tre chông chênh, vắt vẻo vì quá cao.
– Anh liều thật, dám ra đó mà câu.
Khen cho có lệ chứ thực ra Lê còn biết Nguyễn dám làm những chuyện kinh khủng hơn thế nữa. Điều mà Lê không thể tưởng tượng được là những khi làm việc nặng Nguyễn nhanh nhẹn khác thường. Chàng không còn thong thả với chiếc xe lăn nặng nề vướng víu mà đi bằng hai tay. Mông cũng được lót bằng miếng da cứng và dầy giống như vỏ xe hơi. Lấy mông làm chân đứng, cứ thế Nguyễn đục đẽo cưa bào, mọt cưa pha trộn mồ hôi rắc đều trên chiếc cầu cụt. Cả một công sức của chàng và Nguyễn đã chiến thắng bằng sự tự tin.
– Ít làm thôi Nguyễn nhé! Để thời giờ nghỉ ngơi, em thấy anh ốm đi rồi đó.
Nguyễn cười, mắt chàng rực rỡ như đang nhìn về tương lai rạng chói:
– Sự nhàn hạ là kẻ thù của những người muốn sống vươn lên. Sao lại khuyên anh làm trái ngược với những gì em đang làm?
– Việc buôn bán có gì nặng nhọc đâu. Em chỉ đứng một chỗ lấy tiền.
– Trả lời cho anh về mặt trái của nó? Nguyên do nào đã khiến em trở thành nhà thơ nếu không có ý chí?
– Em nghĩ thơ phát sinh từ nguồn cảm hứng.
– Đành là thế nhưng trên đời đã biết bao nhiêu người đánh mất nguồn cảm hứng đó. Mỗi con người là mỗi nhà thơ với tâm tình bao la vô tận nhưng khác nhau ở sự dàn trải và dành thời giờ cho nó.
– Nhưng em không thể đóng được chiếc cầu này.
– Chiếc cầu đâu phải do tài năng hoặc sự sáng suốt? Anh tin là em có thừa ý chí.
Anh khác, em khác. Lê muốn nói đến điều đó nhưng chỉ im lặng nhìn người yêu bằng đôi mắt thán phục. Trước mắt nàng, bức tranh không phác họa Nguyễn với những đường nét vội vàng, tật nguyền, ngồi sầu đời bên dòng nước đục mà Lê vẽ nó bằng sức sống mãnh liệt, vầng trán và đôi mắt kia đã làm cảnh sắc của mùa thu chết được đổi màu. Mùa thu không còn khắc khoải đau thương mà nó đang sôi sục bầu nhiệt huyết nóng hổi, vùng lên và vượt thoát.
– Nhìn chán chưa cô bé? Nguyễn quay lại bắt gặp đôi mắt ngẩn ngơ của nàng, đẹp và xoáy buốt.
– Bây giờ em mới hiểu tại sao anh lại chọn nơi này để sống.
– Tại sao?
Nguyễn ôm Lê trong vòng tay, mùi da thịt pha trộn mùi lá rừng làm cả hai rùng mình.
– Tự dưng em có ý nghĩ con sông này ví như máu trong thân thể, nó cuồn cuộn chảy hòa nhập với bao nhiêu dòng máu khác trôi về quê hương mình. Cây rừng là những mơ ước vươn cao trong sức sống mãnh liệt. Gió rừng là tiếng gọi linh thiêng của tổ quốc. Hồn thơ anh phát xuất từ đây, con người và ý chí sống cũng từ đây.
– Lê, mắt Nguyễn ngời sáng, cám ơn em đã hiểu và tạo cho anh thêm sức mạnh.
– Ngày nào đó không còn có anh trên đời này, dòng sông sẽ là một nơi chốn để đón nhận những lớp người đi sau cùng bầu nhiệt huyết như anh.
– Và ngày nào đó chúng mình không còn có nhau thì dòng sông sẽ là kỷ niệm.
– Không, Lê ôm ghì lấy người yêu, đừng bao giờ nhắc đến chuyện đó vì sẽ không bao giờ xảy ra.
– Sự thật muôn đời vẫn là sự thật. Anh sung sướng vì được em yêu và cũng an tâm khi biết là em đã có gia đình. Lê, em hiểu chúng mình không thể nào lấy nhau được chứ!
Nguyễn vỗ lưng nàng dỗ dành như đã nhiều lần làm như thế.
– Em phải hạnh phúc và sung sướng như mọi người. Mười một năm xa chồng tưởng đã quá đủ để được đền bù.
– Không còn sự đền bù nào xứng đáng là suốt đời có anh.
– Em có điên không? Còn gia đình, còn con cái và nhất là chồng em? Tháng tới anh ấy sang đây đoàn tụ cơ mà!
– Đoàn tụ hay để ly dị? Lâm còn sống nhưng lòng em đã chết. Em không thể tiếp tục gửi tiền nuôi họ hàng hang hốc và nuôi cả cô nhân tình của anh ấy. Em cũng không thể vì con mà chấp nhận sống với một người không tình không nghĩa. Mười một năm tưởng dài nhưng thật ra như một lần chớp mắt. Không phải em tự sống đơn độc để chờ đợi, còn nói đến yêu và chung thủy thì lại càng không có trong em. Sở dĩ em vẫn sống một mình vì chưa gặp được đối tượng nhưng bây giờ thì…
– Anh sợ sự liều lĩnh của người đàn bà nhất là khi họ đang yêu, nhưng thử nghĩ lại xem, nếu anh là chồng chắc gì em đã yêu anh nồng thiết như thế này.
Lê nhìn Nguyễn với thoáng ngỡ ngàng. Chàng đang nói gì thế kia?
– Anh vẫn không tin rằng em yêu anh? Điên cuồng yêu anh?
– Chính vì tin nên anh càng phải giữ gìn. Lê, nếu mình sống với nhau sẽ không còn những giờ phút ôm ấp. Chúng ta sẽ bận bịu vì sinh kế, vì trách nhiệm và biết bao vấn đề phức tạp bao quanh. Hạnh phúc sẽ biến chiều nếu cứ bị ràng buộc thêm mãi. Em sẽ có dịp so sánh và từ từ tình cảm mất dần đi.
– Sao anh không nói là lúc đó chúng mình mất nhau? Anh coi thường tình yêu của em, coi thường hạnh phúc của chúng mình.
– Cái hạnh phúc trường cửu nhất mà ít ai nghĩ tới là nhìn thấy quê hương no ấm, thanh bình. Lê, cả cuộc đời và thân xác anh đã hiến cho tổ quốc thì em còn tiếc nuối tấm thân tàn phế này làm gì?
– Tàn phế? Lê cao giọng, anh có thể nói được như vậy sao? Ai đã làm chiếc cầu này? Ai đã biến khu rừng hoang vu tràn đầy sức sống? Ai đã biến những tiếng lá rụng than khóc bằng lời tình tự yêu thương? Ai đã biến tâm hồn chai cứng của em thành nóng bỏng yêu đương? Ai đã làm cho một xác chết trở thành tràn đầy sinh khí? Tàn phế? Châm biếm quá!
Lê ôm mặt khóc nức nở.
– Lê, anh xin lỗi…
Nguyễn vụng về lúng túng vì giọt nước mắt của Lê làm xáo động lòng chàng.
– Anh phải làm sao bây giờ? Nói cho anh biết đi. Lê đừng đòi hỏi những gì mà anh không có.
– Không có sao em nhìn thấy?
Lê nằm gọn trong vòng tay Nguyễn, hình như mỗi lần khóc vòng tay Nguyễn siết mạnh hơn và hơi thở cũng nồng nàn hơn.
– Anh biết trẻ con tại sao hay khóc chứ?
– Vì chúng muốn vòi vĩnh một điều gì đó.
– Em cũng đang muốn được anh chiều như những đứa trẻ.
– Đừng Lê, anh chẳng còn gì để cho em.
– Tình yêu và vòng tay. Em có đòi hỏi gì hơn đâu.
– Thơ sống được vì thơ có hồn có ý. Tình yêu sống được là vì mình chưa thuộc về nhau.
Nguyễn có cái lý của nó nhưng đối với Lê, khi yêu là nàng cho hết và đòi hỏi đáp trả cũng không phải là ít. Kẻ tham lam đón nhận bao nhiêu cũng không thấy đủ và nàng muốn chiếm đoạt cả những ước vọng cao quý nhất của chàng chỉ vì là người tầm thường thì trong đầu luôn có những ý nghĩ tầm thường. Không, mình không thể để chàng coi khinh. Thơ anh sống vì bầu nhiệt huyết, nếu mang nó làm công cụ nuôi sống gia đình thì lý tưởng sẽ bị đẩy lui. Lê ngồi dậy, nàng lấy tay phủi những vệt bụi mỏng bám trên vạt áo:
– Em trả tự do cho anh.
– Như vậy từ lâu em đã nhốt tù anh?
– Không hẳn như thế nhưng tính em lạ kỳ. Cái gì không phải của mình thì không nên bắt giữ.
Nguyễn cầm tay người yêu áp lên má mình:
– Đừng giận anh nữa vì càng giận em sẽ càng khổ.
– Đâu phải khổ riêng mình em.
– Thì cả hai đứa.
Lê đã cố tình để nước mắt lăn xuống bàn tay xần xùi của Nguyễn, nàng nói nhỏ nhưng rất rành rọt:
– Mình cưới nhau anh nhé!
Không trả lời nhưng Nguyễn không thể nén được tiếng thở dài và mắt không còn ánh lên những tia hy vọng, cũng chẳng còn lanh như thuở nào. Bên kia sông, nắng đã tắt hẳn chỉ còn vương lại thứ ánh sáng èo ọt, hiu hắt. Khu rừng như bị xạm màu mang theo những u uất đang từ từ phủ chụp. Từng cánh lá khẽ rung, xào xạc tiếng than oán. Lê nằm trong vòng tay người yêu thổn thức:
– Anh, đừng tự tạo đau khổ trái ngang rồi đổ cho định mệnh. Nếu đã yêu tại sao không vượt thoát cơ chứ?
– Vượt thoát bằng cách nào? Ai chấp nhận cho anh lấy vợ người ta?
Lê lặng người. Có phải đã từ lâu anh cũng nghĩ đến điều đó?
– Lấy vợ người ta? Em sẽ ly dị Lâm.
– Không, em không có quyền đó. Chúng ta khổ thì còn có thể chấp nhận được nhưng anh không muốn vì tình cảm cá nhân mà em quên đi tình mẫu tử.
– Con sẽ ở với chúng mình.
– Rồi còn Lâm và dư luận? Liệu chúng ta có hạnh phúc nổi với dư luận?
– Tình yêu chiến thắng tất cả. Nguyễn, em yêu anh.
Màu nắng chợt bừng lên trong mắt Nguyễn, tia hy vọng lại trở về và nuốt gọn hình ảnh Lê dưới rèm mi. Nguyễn ôm người yêu như muốn nhấc bổng nàng lên, đam mê và ngất ngây nào bằng, thế nhưng nụ hôn đầu như bị chận lại, tái tê, buốt giá. Lê ghì lấy cổ Nguyễn kéo xuống, nước mắt nàng lại chảy ra:
– Em biết rồi, muôn đời giữa chúng mình vẫn có những khoảng cách.
– Không có khoảng cách nào cả nhưng anh chẳng còn gì cho em. Có chăng chỉ là những bám víu thấp hèn của thể xác tanh hôi. Anh không muốn cả đời ô nhục vì ba tiếng “cướp vợ người”.
– Anh nói dối. Còn gì khác ngoài nó? Anh nói thật ra đi đừng coi em như đứa con nít.
– Lê, tình yêu em đẹp và trong sáng lắm. Chính vì thế mà anh lại cần phải bảo vệ và yêu thương em hơn. Lê, đẹp như em không thể lấy một người chồng tật nguyền.
– Anh…
Lê khóc oà. Giờ thì nàng đã hiểu rồi, khoảng cách ngăn từ đó, từ hai chiếc chân cụt. Vết tích chiến tranh đâu phải chỉ tàn phá ngoài thân thể mà nó đục đẽo tự tâm hồn. Khoảng trống đau thương là những bài thơ che đậy, như vậy thơ đâu phải là người. Thơ là những danh từ hoa mỹ được ghép lại để thăng hoa cho cho cuộc sống trong khi thực tế là gì? Là không dám chấp nhận hạnh phúc. Tại sao anh làm chiếc cầu cụt? Tại sao? Phải chăng cũng chính để che đậy những yếu hèn thua thiệt của anh? Nhưng Nguyễn ơi, anh đâu biết rằng tình của em phát sinh từ đấy. Nếu không có chiếc xe lăn, không có những lúc ngồi ngắm anh lết bằng đôi tay gân guốc, không thấy những vệt mồ hôi chảy đẫm trên vai áo thì chắc gì em đã yêu anh. Anh khác mọi người ở những điều đó, anh đã vượt thoát ra ngoài những bon chen thường tình, những thương vay khóc mướn cho kiếp nhân sinh thì sao không dám chấp nhận một hạnh phúc, một tình yêu thực sự mà thượng đế đã ưu ái dành cho anh?
– Nguyễn, đừng vì tự ái cỏn con. Chúng mình…
– Không, nếu cứ tiếp tục giữ luận điệu đó thì em về ngay đi và đừng bao giờ đến đây làm khổ anh nữa.
Như vậy là Nguyễn đã quyết định dứt khoát. Chàng chỉ là bóng mát che cho nàng qua những cơn nắng gay gắt. Chàng chỉ muốn làm sân ga mà Lê là người lữ hành khát khao dừng bước. Người lữ hành đã kiệt quệ trước tình yêu không điểm tới.
– Nguyễn, Nguyễn ơi, anh điên rồi!
Lê thoát chạy, bỏ lại đàng sau đôi mắt buồn và khu rừng với mùa thu đang thay lá…
Lê Thao Chuyên