NEW YORK (AP) – Hôm Chủ Nhật, từ New York đến California, nhiều cuộc xuống đường bày tỏ nỗi phẫn nộ sau khi có phán quyết toà án ở Florida tha bổng nghi can George Zimmerman, người giữ an ninh một khu dân cư ở Sanford, bắn chết Trayvon Martin, một thanh niên gốc Châu Phi, trong một cuộc giằng co hồi Tháng Hai, 2012.
Biểu tình tại Times Square, New York, hôm Chủ Nhật, phản đối vụ tha bổng Zimmerman. (Hình: Maria Tama/Getty Images)Nhiều cuộc biểu tình phản kháng diễn ra ở Tallahassee, Florida; Atlanta, Georgia; Chicago, Illinois; Los Angeles và Oakland, California. Người biểu tình dự trù tổ chức các cuộc biểu tình khác ở Boston, Detroit, Baltimore, San Francisco và một số nơi khác, vào ngày Thứ Hai.
Trong khi đó, Hiệp Hội Thăng Tiến Người Da Màu Quốc Gia (NAACP) và một số người biểu tình kêu gọi cơ quan phụ trách nhân quyền Hoa Kỳ truy tố George Zimmerman liên quan đến chuyện kỳ thị chủng tộc, tự vệ và công bằng trong công lý.
Bộ Tư Pháp nói rằng họ đang xem xét sự việc để quyết định liệu công tố viên liên bang có nên truy tố Zimmerman hay không.
Tổng Thống Barack Obama và các lãnh đạo tôn giáo cũng như dân quyền kêu gọi mọi người bình tĩnh, với hy vọng vụ này không tạo ra các cuộc bạo động.
Tại nhà thờ Middle Collegiate Church ở khu Manhattan, New York, nhiều người mặc áo thun có nón, giống như Trayvon Martin mặc khi bị George Zimmerman bắn chết.
Mục Sư Jacqueline Lewis, cũng mặc một cái áo giống như của Trayvon Martin, nhưng lại có màu hồn, yêu cầu mọi người phản ứng mạnh mẽ, nhưng ôn hoà.
"Chúng ta sẽ gióng lên tiếng nói để cảnh giác nguyên do sâu xa của tấn thảm kịch này,” bà nói, và thêm rẳng: “Chúng ta sẽ đấu tranh cho công lý để bảo vệ những người không có vũ khí tại quốc gia này.”
Tại một buổi lễ dành cho giới trẻ ở Sanford, nơi phiên toà xử Zimmerman diễn ra, nhiều thanh thiếu niên mặc áo giống nạn nhân đã khóc trong lúc dự lễ tại nhà thờ St. Paul Missionary Baptist Church.
Khoảng 200 người có mặt tại một cuộc tập họp ở trung tâm Chicago, nói rằng vụ tha bổng Zimmerman cho thấy kỳ thị chủng tộc tại Hoa Kỳ vẫn chưa thật sự chấm dứt.
Bà Maya Miller, 70 tuổi, nói rằng vụ này làm bà nhớ lại vụ giết em Emmitt Till, 14 tuổi, ở Chicago, năm 1955. Emmitt Till lúc đó bị một nhóm người da trắng giết trong lúc đến thăm tiểu bang Mississippi. Vụ án mạng này sau đó cũng góp phần vào phong trào đấu tranh dân quyền cho người da màu.
"Năm mươi tám năm đã qua, nhưng mọi chuyện vẫn như cũ,” bà Miller nói, sau đó cùng đám đông hô lớn: “Công lý cho Trayvon Martin, chúng ta không thể chịu được nữa.”
Vài giờ sau khi bồi thẩm đoàn ra phán quyết tối Thứ Bảy, nhiều người biểu tình tụ tập tại đường U ở thủ đô Washington, DC, hô lớn: “Không có công lý, không có hoà bình.”
Một người biểu tình mang tấm bảng có hàng chữ “Đừng kỳ thị người da đen nữa.”
Tại Miami, hơn 200 người tham dự một cuộc thắp nến. Một tấm bảng ghi “Giết người là không thể chấp nhận được.” Một bảng khác ghi “Đừng lo chuyện bạo động. Hãy để ý vì có thể còn nhiều vụ như Zimmerman nữa.”
Bà Carol Reitner, 76 tuổi, cư dân Miami, nói bà nghe vụ thắp nến khi tham dự lễ ở nhà thờ sáng Chủ Nhật.
“Tôi thật sự thất vọng. Thật khó mà tin được là một kẻ giết người lại có thể được tự do như vậy,” bà nói.
Vụ xử này gây tranh luận khắp nước Mỹ về các vấn đề như chủng tộc, tự vệ và xét xử công bằng.
Tổng Thống Barack Obama từng gọi cái chết của nạn nhân Trayvon Martin là một thảm kịch quốc gia. (Đ.D., TP)
Theo Báo Người Việt