Tôi nhớ như in năm tôi vừa đậu đại học, má đưa tôi lên Sài Gòn tìm chỗ trọ. Vào ký túc xá của trường, thấy giường nào cũng kéo rèm kín mít, mấy đôi dép đàn ông để trước cửa, má lập tức kéo tôi đi. Tới khu nhà trọ của sinh viên, có mấy phòng các cặp sống chung, má thảng thốt “bọn trẻ bây giờ sao mà phóng túng, dễ dãi quá”.
Cực chẳng đã, má phải để tôi ở trọ nhà bác Hai, một người họ hàng xa. Má căn dặn, nhà có đàn ông, phải ăn mặc kín đáo, đi đứng nằm ngồi phải ý tứ, đừng để có điều tiếng gì. Bốn năm đại học, lo học cho má, không được có bồ. Má dặn đi dặn lại, làm con gái phải biết giữ thân. Con xảy ra chuyện gì, nhà nội cười chê, ba mày giết má. Con cũng không có đường về…
“Không có đường về”. Câu nói tủi cực, buốt đau như ngọn roi quất xuống, khiến tôi sợ hãi. Rủi một mai rơi vào cảnh khốn cùng, phía trước không còn đường đi, phía sau không có đường về, tôi biết về đâu?
Câu nói đó, tôi từng nghe ba nói với chị Hai. Anh rể là người nóng tính, động việc không vừa ý là anh thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với chị. Biết bao lần, chị nuốt nước mắt cho qua. Lần đó, chỉ vì lúc bán lúa, chị tính nhầm tiền nên mất mấy trăm ngàn đồng, anh tát chị nổ đom đóm. Chị uất ức ẵm con về nhà. Phen này nhất quyết bỏ anh.
Má tôi vỗ về chị, sụt sùi khóc. Ba về, hỏi cớ sự. “Chỉ vậy thôi sao?”. Rồi ba gầm lên: “Thứ con gái gì mà động chút là đòi bỏ chồng. Người ta nhìn vào, mặt mũi ba để ở đâu? Mấy đứa em bây sau này phải làm sao? Sáng mai, bà đưa nó về bển, lựa lời năn nỉ người ta cho nó vô nhà. Mẹ con bà làm sao đó thì làm. Nhà này gả con gái rồi là đi luôn, đừng tính chuyện quay về…”.
Sáng hôm sau, chị khoanh tay cúi đầu chào ba để đi. Cái cúi đầu tê tái như một lời vĩnh biệt, khiến tôi quặn thắt cõi lòng, lo sợ một điều bất trắc nào đó xảy đến. Đôi mắt chị ráo hoảnh, không một giọt nước mắt. Dường như mọi đau đớn tủi hờn đã đông cứng trong tim chị. Nhìn chị bước liêu xiêu theo má ra ngõ, tôi tan nát cả cõi lòng, ước gì có thể lấp đầy khoảng trống chông chênh quanh chị. Tôi oán trách ba tàn nhẫn với chị.
Ba tôi nhìn theo chị hút mắt, quay vào nhà thở dài. Tiếng thở dài như thể rút cạn cả người ba, khô quắt. Ba bảo tôi xếp quần áo qua ở với chị vài hôm, đợi chị ổn rồi hãy về.
Rất nhiều năm sau, khi đã có con, tôi mới hiểu được nỗi lòng của ba. Những định kiến cổ hủ bủa vây, khiến ba như người bị mắc lưới, muốn vẫy vùng nhưng sợ đi chệch khỏi khuôn phép, làng xóm chê cười. Nhưng giá như có cách nào khác để nỗi đau của chị vơi đi, vẫn hay hơn là ngoảnh mặt đẩy chị ra giữa dòng. Dù sau đó, ba âm thầm giữ sợi dây để kéo chị lên, nhưng nỗi đau của chị, tôi tin vẫn nhức nhối mỗi khi nhắc đến.
Đường đời nhiều bất trắc khó lường. Con người ta dù bao nhiêu tuổi, đi đâu về đâu, cũng cần lắm tiếng mẹ cha nói với mình “dù con có xảy ra bất trắc gì, cũng còn gia đình ở đây, luôn rộng cửa đón con về”. Con đường phía trước dù giông bão mịt mờ, hiểm họa luôn chực chờ, nhưng những đứa con bé bỏng sẽ chẳng ngại dấn thân, khi phía sau mình vẫn còn đường lui, vẫn còn gia đình ở đó, chở che và bao dung lúc mình vấp ngã.
Hương Thủy/PNO