Kim khâu bị phát hiện trong dâu tây Úc hồi tháng Chín năm nay.
Một chủ tịch cộng đồng ở Australia nói rằng "bộ mặt của người gốc Việt đang bị bôi bẩn” sau khi một người phụ nữ gốc Việt bị bắt giam vì cáo buộc “gài kim khâu vào dâu tây”, gây ra cuộc khủng hoảng về ngành trồng dâu trị giá ước tính gần 120 triệu đôla của Úc.
Siêu thị không bán dâu vì không ai mua.
Bà My Ut Trinh, 50 tuổi, bị bắt và truy tố 7 tội danh đầu tuần này, và nếu bị kết tội, bà đối mặt với bản án lên tới 10 năm tù giam.
Bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch Cộng đồng người Việt tại tiểu bang Tây Úc, cho VOA Việt Ngữ biết rằng người gốc Việt “cũng bàn tán rất nhiều vì nó ảnh hưởng kinh tế dây chuyền, không những ở thị trường nội địa của Úc, mà còn cả ảnh hưởng xuất cảng sang nước khác nữa”.
“Có một số những farm (trang trại) dâu, người ta đổ bỏ cả xe truck (xe tải) luôn vì siêu thị không muốn mua vào, dẫn đến thua lỗ rất nhiều”, ông Dũng nói.
Cảnh báo của siêu thị liên quan tới vụ gài kim khâu vào dâu tây.
Ông cho biết thêm rằng bản thân mình và người thân trong gia đình cũng từng “quan ngại” khi người tiêu dùng bắt đầu thông báo cơ quan chức năng về việc phát hiện kim khâu trong dâu tây hồi tháng Chín.
Bác sĩ này nói: “Há miệng rồi cắn một cái mà nó vào trong miệng thì mình biết cái kim đó có vi trùng gì hay không? Những đứa bị bệnh HIV/AIDS nó cắm vào đó thì sao?”
Về ảnh hưởng của vụ bắt giữ bà Trinh đối với cộng đồng, ông Dũng nhận định: “Người đó là người Việt thì dĩ nhiên là bộ mặt của chúng mình sẽ mang không ít thì nhiều những cái nhìn có tính cách hơi nghi kỵ của người Úc”.
Vị chủ tịch cộng đồng nói thêm: “Thứ nhì, những sản phẩm của người Việt sản xuất ra như dưa leo, hay các trái cây khác, cũng có thể họ sẽ đặt dấu hỏi, và nếu họ không đặt dấu hỏi thì họ cũng cảm thấy hơi e ngại khi mua những thứ đó. Đây là một trong những chuyện quả thật nó rất là nghiêm trọng”.
VOA Việt Ngữ chưa nhận được ngay phản hồi từ luật sư bào chữa cho bà Trinh.
Bà My Ut Trinh, 50 tuổi.
Tòa án Australia hôm 12/11 ra lệnh tiếp tục giam giữ nữ nghi phạm gốc Việt cho tới lần ra tòa tiếp theo cuối tháng này vì lo ngại bà sẽ bị trả đũa.
Bác sĩ Dũng nói rằng không thể trách người Úc sẽ nhìn người Việt với con mắt nghi ngại, dù đây là chuyện “con sâu làm rầu nồi canh”.
“Cá nhân nhưng mà người khác họ nhìn vào, họ đâu biết cá nhân hay tập thể. Họ cứ nhìn chung người Á đông là Á đông thôi. Họ nhìn với cặp mắt nghi ngờ, ngay cả đối với người sản xuất khác như người Campuchia, người Philippines, người Hoa, người Việt, người Thái Lan. Tất cả đều ảnh hưởng chung”, ông nói.
“Khởi đầu là trái dâu, nhưng nó sẽ ảnh hưởng tới trái cam, trái chuối, dưa leo, cà chua, từ một chuyện này người ta sẽ nghĩ sang chuyện khác và người ta có quyền suy nghĩ như vậy”.
Trồng cần sa trái phép là một trong các vấn nạn khác trong cộng đồng người Việt ở Úc, theo bác sĩ Dũng.
Chủ tịch Cộng đồng người Việt tại tiểu bang Tây Úc cho biết thêm rằng hiện trong cộng đồng còn đang vấp phải các vấn đề khác, trong đó có chuyện buôn ma túy và trồng cần sa, nhưng “chỉ là các phần tử xấu bùng lên”.
“Chúng tôi làm việc với cảnh sát rất là chặt chẽ, và đã đăng tin tức lên đài phát thanh, lên các phương tiện truyền thông, để cho người ta ý thức đừng có ham tiền”, ông Dũng nói.
Hôm 9/11, tờ Newcastle Herald của Úc đưa tin rằng một người phụ nữ gốc Việt 44 tuổi đã bị bắt vì bị cáo buộc “điều hành” việc trồng cần sa.
Tháng trước, báo chí địa phương đưa tin rằng bốn người Việt đã thừa nhận tham gia vào mạng lưới trồng loại cây gây nghiện trị giá hàng triệu đôla ở Úc.
Theo VOA