Bìa sách Ma và Người, của nhà văn Nguyễn Viện trong nước, xuất bản tại hải ngoại. Courtesy Nguyễn Viện
Nhà văn Nguyễn Viện, sống tại Sài Gòn vừa xuất bản một tác phẩm của ông mang tựa đề Ma và Người, tại Hoa Kỳ do Nhà xuất bản Tiếng Quê Hương tại Mỹ thực hiện.
Ông không phải là người duy nhất làm việc này trong thời gian gần đây. Nhà văn Phạm Thành đã xuất bản tác phẩm Cò hồn xã nghĩa tại Mỹ, nhà thơ Hoàng Hưng xuất bản tập thơ Ác mộng tại hải ngoại,….
Nói với chúng tôi về việc xuất bản sách ở hải ngoại, nhà văn Nguyễn Viện cho biết: “Những vấn đề đề cặp trong tác phẩm của tôi đều rất nhạy cảm vì bàn đến chính trị xã hội, mà nếu anh là người cầm bút trung thực thì nếu nói chuyện chính trị thì sẽ đụng chạm đến chính quyền.”
Blogger Đoan Trang lại chọn một phương cách khác cho quyển sách Chính trị bình dân của cô vào năm 2017, đó là in trong nước nhưng là in không có giấy phép và cách đó dễ đến với người đọc hơn. Và cô cũng có phát hành qua Amazon nhưng cho rằng bằng cách đó cũng khó đến với người đọc trong nước.
Cô Đoan Trang nói: “Sách báo bằng tiếng Việt tại Mỹ không nhiều, và tôi có cảm giác là những người đọc là những người Việt lớn tuổi, và nói chung là không nhiều, và con đường về Việt Nam càng khó hơn.”
Chính trị bình dân là quyển sách mà Đoan Trang mong muốn bình dân hóa những khái niệm chính trị để phổ cặp trong dân chúng với những ví dụ trong thực tế Việt Nam.
So sánh cách chọn lựa của mình và của blogger Đoan Trang, ông Nguyễn Viện nói tiếp:
“Chúng tôi đã từng lập nhà xuất bản riêng để in tác phẩm của mình. Việc in chui là một phong trào tại phía Nam, nhưng do gặp khó khăn từ chính quyền nên không còn nhiều người hoạt động.
In ở trong nước vẫn là cách tốt nhất, nhưng khó khăn nên chỉ còn cách duy nhất là in ở nước ngoài mặt dầu không dễ dàng để sách trở về Việt Nam. Việc xuất bản dù sao vẫn là cách để lưu trữ tác phẩm của mình, cách ký gửi để nó không mất đi, vì lúc nào cũng đối diện với nguy cơ bị xét nhà, tịch thu tác phẩm.”
Trước khi in sách ở hải ngoại, cũng như làm những ấn bản điện tử, các tác giả trong nước đã từng dùng những trang chuyên về văn học, hoặc chính trị xã hội, như Da màu, Tiền vệ, Talawas để truyền bá tác phẩm của mình.
Blogger Đoan Trang nhận xét về các trang này như sau: “Các trang như Tiền Vệ, Da Màu,… là phương tiện tốt để các tác giả lưu trữ tác phẩm. Tuy nhiên các trang này bị chặn ở Việt Nam. Mặc dù tường lửa có thể được vượt qua, nhưng vẫn làm ảnh hưởng đến độc giả. Nhưng tôi bi quan về sự phát triển của các trang này. Nhưng các trang này có độc giả riêng, giống như một cộng đồng khép kín, không có khả năng phát triển.”
Tuy đồng ý phần lớn với blogger Đoan Trang, nhưng ông Nguyễn Viện cũng hy vọng rằng các trang mạng vẫn càng ngày càng được biết đến, vì nó tùy thuộc vào ý muốn của người đọc.
So sánh các tác giả hiện nay của dòng văn học mà ông gọi là văn học phản kháng với các tác giả phản kháng thời Xô Viết phải xuất bản sách ở nước ngoài, hay đi lưu vong như Solzenitsyl, Pasternak,… Nhà văn Nguyễn Viện cho rằng có giống nhau nhưng có một sự khác biệt lớn là văn học phản kháng hiện nay tại Việt Nam đi kèm với sự cách tân trong văn học.
Ông cũng cho rằng:
“Công bằng nhìn nhận rằng có một sự tiến bộ so với thời kỳ ở miền Bắc hay sau 1975 tại miền Nam. Người ta bây giờ vẫn chửi Đảng công khai trên mạng xã hội. Ở một mức độ nào đó họ chấp nhận, tôi vẫn bị làm phiền nhưng ít nhất tôi vẫn tự do.”
So sánh với các tác giả bị cấm thời Xô Viết blogger Đoan Trang nói: “Sự khác biệt giữa các tác giả Xô Viết với Việt Nam hiện nay là có Internet. Những tác phẩm cho dù bị cấm, vẫn có thể đến với những người quan tâm.”
Tuy nhiên cô không lạc quan về tình trạng hiện nay mặc dù chưa có tác giả nào bị đi tù trong 10 năm gần đây, nhưng tư duy của công an, của an ninh văn hóa thì không bao giờ thay đổi. Họ chưa bao giờ coi trọng nhà văn, nhà báo, blogger, họ không thích phản biện.
Theo RFA