Sáng nay tôi đi ăn phở gà QT, gặp lại M. người bạn gái làm cùng sở với tôi chừng mười năm trước. Không biết M. nhìn tôi, thấy thay đổi thế nào? Tôi thấy M. gầy hẳn đi, đôi mắt ngày xưa vẫn có ánh buồn nay càng thêm lặng lẽ. Hỏi thăm gia cảnh nhau, chị cười, nói nhỏ nhẹ: “Ờ, cháu mới làm đám cưới tháng trước. Vợ cháu cũng là bác sĩ, người Mỹ. Chúng nó hiện làm việc bên miền Đông.”
1-Tôi hình dung lại thời tụi tôi cùng là nhân viên của một hãng chuyên sản xuất dụng cụ y tế khá nổi tiếng ở thị xã Irvine. M. thường tổ chức mời bạn bè đến nhà ăn uống chia vui mỗi khi cậu con trai duy nhất của chị đạt được một thành quả tốt trên đường học vấn.
Hai mẹ con chị vượt biên như trăm ngàn đồng hương khác, lúc chị chưa tới 30 và con trai mới lên 6. Họ trốn chạy một chế độ hà khắc và một mái nhà chỉ đem đến cho họ những nỗi phiền muộn. Cuộc hành trình đơn chiếc và gian khổ, bà mẹ hết ôm con trước ngực lại cõng con sau lưng, nhịn từng thìa cháo, từng hớp nước để nuôi nấng cái nụ sống non nớt trong tay mình.
Rồi, sóng gió cũng qua, hai mẹ con dắt díu nhau tới được bờ bến mong cầu. Vừa đặt chân lên đất liền, bà mẹ lập tức mở to hai mắt, lắp sắt thép vào tay chân để bắt đầu cuộc mưu sinh khó nhọc nơi xứ người. Bà làm ngày làm đêm, không từ nan một việc gì, miễn là con trai được đi học tử tế và có đủ những tiện nghi nó cần.
Chắt chiu, dành dụm giữa một xã hội xa hoa, người đàn bà trẻ tứ thời chỉ mặc quần đen, áo sơ mi giản dị, đã mua được căn nhà đầu tiên ở khu phố phần đông cư dân sống bằng lao động chân tay. Nhà có bốn phòng, hai mẹ con chỉ ở hai phòng, hai phòng còn lại cho người quen thuê để phụ trả tiền nợ mortgage hằng tháng cho nhà băng.
Ngày qua tháng lại, không thiếu những cơ hội để bà mẹ trẻ có thể, cùng với sự khôn lớn của con, bắt đầu lại một cuộc sống bớt gieo neo và ấm áp hơn cho riêng bà nhưng bà kiên quyết từ chối, lo sợ cho an nguy bản thân thì ít, lo sợ làm xáo trộn cuộc sống đang yên vui của con thì nhiều. Có đồng nào dư, bà tu bổ căn nhà cho khang trang, sáng sủa, đẹp mắt, lòng thầm nghĩ để con trai bà được hạnh phúc hơn khi nó muốn bạn bè của nó đến chơi. Trong căn nhà ấy, chỗ trang trọng nhất là nơi bà để cái tủ kiếng bằng gỗ đỏ, trưng bày đầy ngập các ngăn rộng với bằng khen và cúp giải thưởng đủ loại của con trai.
Thằng bé học rất xuất sắc, là đề tài thú vị cho mẹ nó và bạn của mẹ nó trao đổi mỗi ngày giữa công việc bề bộn và những giờ ăn trưa vội vã ở sở. Xong trung học, giỏi như nó, nhiều tiềm năng như nó, nó sẽ phải đi học ở những đại học tốt nhất của nước Mỹ. Mẹ nó vui buồn lẫn lộn, xót xa nhiều hơn, như thể một khúc ruột đứt ra, nắm níu lại bằng hy vọng một thời gian nó sẽ về lại thân thể mình.
Ðây là lúc khởi đầu những tờ đơn xin nghỉ phép, thắc thỏm nộp lên sếp, những buổi làm thêm giờ phải hủy bỏ, những chuyến bay đầy bỡ ngỡ và sợ hãi cho một người đàn bà chưa từng du lịch, những thùng thức ăn kho nấu với tình yêu thương, đóng gói kỹ càng và để đông lạnh từ mấy ngày trước. Tuy nhiên, dòng sông khi đã ra biển lớn, nó có một định mệnh khác, những dòng chảy khác, chuyện về nguồn chỉ là một khái niệm mơ hồ. Tới một lúc, chắc mẹ nó cũng lờ mờ biết ra điều này song bản chất của tình yêu và đời sống cứ mãi mãi là nguồn hy vọng trong lòng người, nên mẹ nó cứ ôm ấp hy vọng mà sống.
Tôi và M. tạm biệt nhau vì công việc thay đổi. Sáng nay, tình cờ gặp lại, chuyện trò một lát, tôi nói với M: “Suốt đời, M. chỉ mong muốn con học hành tới nơi tới chốn và có hạnh phúc. Hai mục đích ấy, giờ đây với riêng cháu, đã hoàn thành. Mừng cho con, vui với con, bất luận thế nào, đấy chẳng là niềm ao ước bao lâu của M. sao?” Tôi nói là nói vậy, một cách nói phải phép thôi vì, dù chia sẻ với bạn bằng tất cả tấm lòng cảm xúc, tôi không thể nào thực sự là M., tôi vẫn xương thịt đứng ngoài tình cảnh của chị, biết rằng sự giằng co quyết liệt nhất trong trái tim một bà mẹ là chấp nhận hạnh phúc của con cái, trong đó, có những lúc mình không mảy may hiện diện.
2-Ðời sống ở đây không giống với Việt Nam thế kỷ trước. Ngày nay, tổ ấm của con cái chúng ta chỉ gồm hai vợ chồng và những đứa bé do chúng sinh ra. Giờ đây, trong danh sách những đức tính của một bà mẹ, dường như phải kể thêm khả năng tự thu xếp được cho mình một cuộc sống riêng, không gây phiền nhiễu hay lo lắng cho con, thậm chí xóa bỏ mình để không là nỗi áy náy cho chúng. Bây giờ, nhiều bà mẹ nhận ra rằng họ không chỉ một lần banh da, xẻ thịt đưa con vào đời mà quá trình banh da xẻ thịt ấy mãi tiếp diễn âm thầm trên suốt con đường sỏi đá chạy theo dấu chân những đứa trẻ ít khi nhớ quay nhìn lại thuở ban đầu.
Ở tiệm phở ra, về tới đài phát thanh, tôi có một thính giả chờ. Thoạt nhìn nhau, tôi chú ý ngay đôi mắt mọng đỏ của chị. Người thiếu phụ ở khoảng tuổi ngoài 50, trang phục sơ sài, toàn thân chị toát ra vẻ mỏi mệt, như thể nếu không ngồi, chắc chị sẽ té khuỵu xuống dưới sức nặng của lo âu và buồn bã. Có sự trùng hợp tình cờ giữa hai bà mẹ tôi gặp sáng nay: mỗi bà chỉ có một cậu con trai duy nhất.
Bà cho biết gia đình bà từ Việt Nam qua Mỹ trong chương trình đoàn tụ thân nhân tuy chồng bà từng là cựu sĩ quan quân đội VNCH và từng đi “cải tạo.” Họ định cư ở Georgia trước khi về quận Cam chừng mười năm nay. Cậu con trai trải qua tuổi niên thiếu ở quê nhà và tuổi trưởng thành ở quê người, êm thấm như bao nhiêu người trẻ khác: lúc bé cũng chơi đá banh, bắn bi, tạt lon, đánh khăng, cũng ôm, cũng vật lộn, cũng uýnh nhau với bạn cùng chơi cả trai lẫn gái; lúc lớn lên, cũng đi prom, hẹn hò các cô một thời gian… Rồi thôi. Rồi chấm dứt. Lặng lẽ.
Bà mẹ để tâm, thắc mắc. Ban đầu hỏi han, nhắc khéo. Lâu về sau, đặt thành câu hỏi, ráo riết. Cậu ôm mẹ, thú nhận cái điều bà mẹ mơ hồ lo sợ nhưng không tin. Cùng với lời cậu nói, trời đất quay cuồng trong mắt bà mẹ. Cả người bà, tâm hồn và thể xác, tan thành biển mặn, ngập lụt khắp xung quanh, cắt đứt hơi thở từ hai lá phổi chừng như không còn nhận được dưỡng khí của bà. Ngày đang sáng bỗng tối sầm. Than khóc. Oán trách. Tuyệt vọng.
Chuyện đến tai ông bố. Trong đau đớn đến tê dại, ông nói giữa hai hàm răng: “Nhà này không có đứa con oan nghiệt ấy, bảo nó đi đi.” Bà mẹ biết ông giận thì nói vậy, nó đi thì bà sẽ mất nó, sẽ chết dần theo nó nên bà cố tìm cách, theo đúng tinh thần nhẫn nại của tổ tiên, còn nước còn tát. Bà đi tìm các nhà cố vấn chuyên môn, các bác sĩ, các bạn đồng cảnh ngộ, để bày tỏ, để học hỏi, hy vọng tìm được giải pháp giúp bà ra khỏi bế tắc. Khốn thay, điều duy nhất bà nhận được chỉ là những lời an ủi, những câu trả lời chuyên môn nhằm tháo gỡ nỗi băn khoăn của bà về tình trạng của cậu con trai thay vì khả năng chữa lành. Sau cùng, bà tìm tới tôi, sáng nay, như một người có thể chia sẻ.
Tôi không ngạc nhiên nhưng thật tình không biết nói gì, nghĩ là sẽ xoa dịu được nỗi buồn thương của bà mẹ đang ngồi trước mặt. Dẫu sao, có lẽ nói gì cũng hơn là im lặng trong những lúc như thế này nên tôi mở lời: Chị ơi, dù thế nào, mỗi ngày, mỗi đêm, chị vẫn còn muốn nhìn thấy đứa con trai ấy đi về căn nhà của gia đình, phải không? Nếu có hôm nào chị không khỏe, hãy biết chắc rằng sẽ có bàn tay nó mở hé cửa phòng, hỏi han xem chị có cần nó làm gì không, như thế, liệu chị thấy mình may mắn hơn hay kém, bà mẹ có tên trên trang cáo phó với cảnh lá xanh thì rụng, lá vàng trên cây? Chị có lúc nào mường tượng ra nỗi khổ của con khi nó chợt biết nó không giống với đại đa số nhân loại, khi nó phải trải qua một cuộc chiến thừa sống thiếu chết trong bản thân để xác định được nó là ai, khi nó biết vì cha mẹ không thể hiểu những nỗi khổ ấy, cho là nó bất hiếu, là tai họa, sẽ oán ghét và ghê tởm nó, nên nó sẽ khổ gấp đôi, gấp ba lần vì phải một mình gánh hết sự bất hạnh của đời mình? Tôi cũng biết anh chị nuôi con thành người, sẽ tha thiết muốn có cháu nội nối dõi tông đường nhưng đã chắc gì con trai anh chị lấy vợ như mọi người bình thường khác thì chắc chắn sẽ có con? Thế gian thiếu gì những đôi vợ chồng hiếm muộn? Tôi cũng đoán chắc có đôi lúc chị tự dày vò, trách móc mình hay tại ăn ở thất đức? Nếu gọi là có đức để con trai chị được làm chú rể trong một tiệc cưới linh đình rồi sau đó gia cảnh không yên vui, đưa đến nhiều hậu quả trầm trọng khác, thì cắt nghĩa thế nào về phúc đức? Sự trái lòng chị lúc này, như dòng nước chảy xiết. Ðã không đắp đê, be bờ được để ngăn nước, tốt hơn sao không trầm mình trong dòng nước ấy, hưởng lấy cảm giác nhẹ nhõm của tắm gội, biết đâu sẽ tìm được điều mới lạ trong tâm tư mình?
Thành ra, với người khách đang ngồi trước mặt, tôi viết thêm khả-năng-yêu-thương-con-cái-vô-điều-kiện vào danh sách những đức tính của một bà mẹ thời nay. Khả năng ấy cho bà mẹ can đảm bóc mình ra khỏi cái khung an toàn bà đã quen từ bao lâu để cùng phiêu lưu với con, chấp nhận chúng thay vì phán xét, cho bà lòng khoan dung để tha thứ mọi điều bất như ý do chúng gây ra, cho bà niềm tin vào bộ mặt hạnh phúc chúng lựa chọn, quan trọng hơn hết, cho bà sự bình an trong tâm hồn để vui hưởng cuộc sống như một ân huệ to lớn từ trời.
Khi chia tay, tôi nhìn thấy chút ấm áp trong đôi mắt sũng ướt của bà nhưng đôi vai xuôi, những bước chân bà đi vội qua cái hành lang dài nói với tôi là ngay cả những hạt giống lành cũng cần có thời gian và sự may mắn để bắt rễ, nẩy mầm. Làm một bà mẹ thời buổi này, trong xã hội này, nghĩ thật khó vô cùng! Làm một đứa trẻ thời buổi này, trong xã hội này, càng khó trăm lần hơn.
3-Nửa đêm Thứ Bảy, 10 Tháng Mười Một, ở Mỹ là sáng sớm Chủ Nhật trên công trường Khải Hoàn Môn, Paris. Bầu trời cuối năm mầu xám nhạt, ủ rũ hơn với cơn mưa nhẹ đủ làm ướt đường phố và cả những chiếc áo dạ khoác ngoài của quan khách từ nhiều quốc gia trên thế giới đổ về khu này dự lễ tưởng niệm 100 năm ngày Đệ Nhất Thế Chiến ngừng tiếng súng. Khán đài trắng xóa được dựng lên hai bên tả hữu đại lộ Champs Elysées, gần mộ phần người chiến sĩ vô danh bập bùng ngọn lửa thiêng, thỉnh thoảng hiện lên trong ống kính của các nhà báo và đài truyền hình quét qua khung cảnh nơi hành lễ.
Trong diễn từ khai mạc, Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu: “Một trăm năm ngỡ là đã rất xa xôi nhưng cũng vừa như hôm qua. Dấu vết chiến tranh để lại không bao giờ mờ phai,” một cuộc chiến tương tàn khốc liệt với 8.5 triệu tử sĩ và trên 21 triệu bị thương tật, đưa tới một nền hòa bình trong tan tác được cam kết giữa phe đồng minh và nước Đức chiến bại.”
Chiều hôm trước, Tổng Thống Pháp Macron và Thủ Tướng Đức Angela Merkel, lần đầu tiên đã cùng nhau đến ngôi làng Compiègne cách Paris 60 cây số về phía Bắc – giờ đây được các nhà văn đưa vào văn học sử – đặt vòng hoa tưởng niệm các cựu chiến binh mọi phe phái đã hy sinh tại di tích Rethondes lịch sử. Để bảo vệ, để mở mang biên cương tổ quốc mình hay để giúp một trong hai bên đạt được mục tiêu thì cũng đều là chính nghĩa ở một thời điểm nào đó làm nên lịch sử của dân tộc họ.
Cuối cùng, có lẽ ý nghĩa đích thật nhất của mọi cái chết cao cả trong chiến tranh là một nền hòa bình vĩnh cửu, trong đó, nhân loại cùng tồn tại, phát triển, tiến bộ, sống trong công bằng và hạnh phúc thay vì hận thù và muốn tiêu diệt lẫn nhau.
Bùi Bích Hà