Hơn 80 năm, qua bao nhiêu thế hệ đảng viên cộng sản, từ những người mang nó về Việt Nam cho
đến những người vừa được kết nạp cách đây 5 phút, tôi chắc chắn là không một ai có thể hiểu một
cách rạch ròi về chủ nghĩa cộng sản, dù chỉ là những điều cơ bản nhất. Thời gian càng dài thì cái chủ
nghĩa này càng rườm rà ra và càng tối nghĩa. Những gì người ta ồn ào ca tụng và thề sống thề chết đi
theo chẳng qua là một số thuật ngữ tàn dư để nhằm củng cố một thứ quyền lực mà họ đã tạo dựng
được.
Nhớ những ngày đầu sau biến cố 30.4.1975, đi đến đâu người ta cũng gặp những tủ sách đầy ăm ắp
những sách của, hay viết về Mark, Engel, Lenin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh... trong những văn
phòng và cả những ngôi nhà mà chủ nhân của các kệ sách này đọc và viết một tờ kiểm điểm còn
chưa xong và đầy lỗi chính tả.
Năm 1985, ở trong tù, không hiểu xui hay hên, tôi được một tay cán bộ quản giáo phân công làm
nhiệm vụ giữ nhà sách của trại. Gần 5.000 đầu sách mới tinh (vì chưa mở ra bao giờ) mà cũ mèm (vì
hút quá nhiều hơi ẩm và mọt, mốc). Hơn một tháng trời, khuân ra khuân vào phơi phong, rồi chùi quét
dọn các kệ, tôi tranh thủ đọc vì nghĩ rằng chắc cũng không thể làm cái công việc nhàn nhã này lâu. Ấy
vậy mà được gần hai năm. Dù thường vỗ ngực tự xưng là thông minh, nhưng tôi không hiểu gì ráo khi
ngốn hết bộ Mark-Engel toàn tập và một ít Lenin, Mao Trạch Đông... Đúng ra thì tôi vẫn ở nhà sách
đó, nhưng cuối năm 1987 thì nó được chở đi đâu tôi cũng không biết nữa, mà cũng chẳng ai hỏi tôi
về cuốn Làm Gì của Lenin mà tôi mang về phòng giam sau buổi chiều hôm cuối cùng tôi ở đó...
Bây giờ những gì còn sót lại trong đầu tôi thì chỉ là những cuộc cự cãi triền miên giữa duy vật (sách)
và duy tâm (dẫn trong sách) với hàng loạt những thuật ngữ về kinh tế, chính trị, triết học... mà cái
nghĩa chính xác của nó thì có lẽ người đẻ ra nó mà bất ngờ bị hỏi, họ giải thích cũng không trôi. Ở
trong đó cũng có cả những sách lược để thực hiện chủ nghĩa cộng sản mà họ gọi là cuộc cách mạng
của “cái chưa bao giờ có” để tiêu diệt “cái có rồi”. Bây giờ thì những cuốn sách ấy hơi bị khó kiếm và
chủ nghĩa cộng sản cũng đã bặt tăm, nhưng hệ quả của nó là một đất nước tan nát, một xã hội băng
hoại, một nhà nước dị dạng với cái hệ truyền thông láo toét khổng lồ đang ra rả những cái thuật ngữ
không ai hiểu nổi kia.
Trong suốt quá trình tồn tại, ngoài việc chống phá và tiêu diệt các đảng phái không cộng sản dưới
nhiều chiêu trò khác nhau, Cộng sản luôn luôn mở những cuộc thanh trừng nội bộ gần như liên tục
dưới mọi hình thức như sát nhập, giải tán, đổi tên và những thanh lọc theo từng đại hội mà thực chất
là đấu đá tranh giành quyền lực. Người ta có thể lập ra một danh sách dài vô tận những đảng viên
cộng sản bị thanh trừng từ những người có vai vế cho đến những vô danh tiểu tốt, họ bị quy chụp cho
những cái mũ đủ để chết tới... ba lần, những ai may mắn thoát được thì chịu phép một bề... để tồn tại,
cũng có một số bỏ chạy và thân bại danh liệt. Nhưng số lượng đảng viên càng lúc càng đông tỷ lệ
thuận với gia tăng dân số và cả những thủ thuật tuyên truyền, lôi kéo. Nhưng tất cả là do điều kiện
chính trị o ép, những đảng viên ấy vào đảng với một suy nghĩ rất thầm kín, được bao bọc bởi cái gọi
là lý tưởng, để khỏi bị ăn hiếp và khi có thời cơ, điều kiện thì ăn hiếp người khác. và cho đến hôm nay
sau bao nhiêu năm họ vẫn cứ là cộng sản mà chẳng biết quái gì là cộng sản.
Thực ra, cái gọi là chủ nghĩa cộng sản không là cái gì cả. Những cái đảng gọi là đảng cộng sản ấy chỉ
là một tập đoàn quyền lực hoạt động dưới hình thức một nhà nước, nhưng lại quy tụ đầy đủ tính chất
của một tổ chức tội phạm.
Nhưng không phải cái gì cũng có thể che dấu và lương tâm của con người dù rất dễ bị đem bán,
nhưng bôi đen nó thì cũng hơi... bị khó.
Đã có rất, rất nhiều trường hợp ơ hờ với việc gia nhập đảng, sinh hoạt đảng rồi bỏ sinh hoạt đảng và
xin ra khỏi đảng... và cũng không ít trường hợp quay lại phùng mang, trợn mắt với đảng. Số còn lại thì
sao?
Vũ Bất Khuất (Danlambao)