Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi phát biểu tại Họp báo công bố Quy tắc sử dụng mạng xã hội ở Hà Nội hôm 25/12/2018
Ngày 25/12, Hội Nhà báo Việt Nam đã công bố Quy tắc sử dụng mạng xã hội của nhà báo với những quy định siết chặt việc sử dụng mạng xã hội để đưa các thông tin bị cho là trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Bộ Quy tắc gồm 3 chương, 7 điều còn cấm một số các hành vi khác như cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng trái các quy định về bảo mật dữ liệu, tài liệu, bảo vệ bí mật thông tin riêng; bình luận, nhận xét, chia sẻ các thông tin có mục đích kích động, lôi kéo người khác phản ứng tiêu cực về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… có yếu tố phức tạp, nhạy cảm…; thông tin các vụ việc chưa được kiểm chứng, gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ….
Phát biểu tại buổi công bố bộ Quy tắc, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho biết, sau khi hội ban hành 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, nhiều nhà báo đánh giá cao nội dung đưa ra trong quy định. Tuy nhiên có ý kiến quan tâm đến điều 5 của Quy định về chuẩn mực và trách nhiệm tham gia mạng xã hội. Ông Lợi nói nhiều nhà báo - hội viên đã bị chi phối bởi áp lực tin bài, áp lực thời gian, đã bỏ qua khâu xác thực thông tin, gây hệ luỵ không nhỏ tới sự ổn định của xã hội, làm suy giảm lòng tin với báo chí và đạo đức nhà báo.
Hồi năm 2016, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành 10 điều quy định về đạo đức nhà báo trong đó ngoài điều 5 nói vắn tắt về việc nhà báo phải có trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội, điều 1 của quy định này còn yêu cầu nhà báo phải trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thời gian qua, một số nhà báo ở Việt Nam đã bị kỷ luật vì liên quan đến các bài viết hoặc nội dung đăng trên mạng xã hội Facebook. Điển hình nhất gần đây là trường hợp của nhà báo Nguyễn Ngọc Vinh, Thư ký toà soạn báo Tuổi Trẻ. Hôm 12/8/2018, ông Vinh viết trên trang Facebook cá nhân là ông bị tờ báo này “Xem xét kỷ luật vì các bài đăng trên Facebook”. Ông Vinh cho biết ông bị cáo buộc đưa “thông tin không đúng sự thật, đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức danh dự và nhân phẩm của cá nhân”. Bên cạnh đó, bài viết của ông trên mạng xã hội về Tổng Bí thư đảng Cộng sản bị cho là có “dấu hiệu đưa thông tin gây chia rẽ vùng miền, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc”.
Nói với Đài ACTD sau đó ông Vinh cho biết những cáo buộc này là quy chụp, thiếu chứng cứ, và việc cáo buộc ông vi phạm 10 điều đạo đức của nhà báo là thiếu thuyết phục.
Trước đó, vào năm 2015, một người khác là nhà báo Đỗ Hùng, Phó tổng thư ký toà soạn báo Thanh Niên Online, đã bị thu hồi thẻ nhà báo vì một dòng trạng thái viết trên Facebook toàn dấu sắc nhân ngày Quốc khánh 2/9, bị coi là đả kích và xuyên tạc về ngày này, giễu cợt các lãnh tụ là Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 7 năm 2018, Việt Nam đã cấp thẻ nhà báo cho khoảng hơn 19.000 nhà báo, bao gồm cả cấp mới và cấp lại. Số lượng cơ quan báo chí được cấp phép hoạt động là hơn 900.
Dù các toà báo đều có Tổng biên tập, nhưng tất cả các cơ quan báo chí được cấp phép đều phải chịu sự kiểm duyệt về nội dung của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Báo cáo thường niên về tự do báo chí toàn cầu công bố hồi tháng 4/2018 của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới xếp Việt Nam vào hạng 175 trên tổng số 180 quốc gia, tức là không có tự do báo chí.
Theo RFA