B-Phẩm Qua Bờ Bên Kia (Đáo Bỉ Ngạn)
“Phẩm Qua Bờ Bên Kia gồm 16 kinh, mỗi kinh ghi lại những lời đối thoại của 16 giáo sĩ Bà La Môn với Đức Phật. Nhóm 16 vị này là học trò của đạo sĩ Bavari. Sau các câu đối thoại, 15 vị đầu tiên tức khắc vào thánh vị A La Hán. Các bộ chú giải đời sau nói dị biệt về giáo sĩ thứ 16. Vị này tên Pingiya. Có chú giải nói rằng ngài Pingiya sau khi đối thoại với Đức Phật (Kinh Sn 5.16) vào thánh vị Sơ Quả (Nhập Lưu), có chú giải khác nói rằng ngài Pingiya đắc thánh vị Tam Quả (Bất Lai).”
“Phần giới thiệu của kinh này là do đời sau ghép vào. Phần này kể rằng người Bà La Môn Bavari thông thạo các bộ Vệ Đà, bản thân có 16 môn đệ giỏi, và mỗi môn đệ có trường dạy với các môn đệ riêng. Bavari bị một dị nhân tới làm bùa chú, trù ếm là Bavari
sẽ bị chẻ đầu làm bảy mảnh vì không có để cúng ông này 500 tiền vàng. Bavari sầu khổ, được một vị thiên (trời) tới chỉ dẫn, rằng hãy tìm Đức Phật để cứu nạn. Bavari nhờ 16 môn đệ tìm tới Đức Phật. “
- 998. [Bavari] Bậc Toàn Giác rất hiếm gặp nơi thế giới này đã tới. Hãy nhanh chóng tới thành Savatthi để gặp Người Tối Thắng này.
-999. [Các môn đệ] Kính thưa Ngài Bà La Môn, làm sao chúng con biết vị đó là Đức Phật Toàn Giác? Thầy hãy chỉ chúng con cách làm sao để biết đó là vị Thế Tôn?
-1000. [Bavari] Trong các bộ Vệ Đà truyền lại cho chúng ta có ghi về 32 tướng tốt của bậc Thượng Nhân.
-1001. Hễ có ở tay chân 32 tướng tốt của bậc Thượng Nhân, vị đó sẽ chỉ có hai nơi định sẵn, không có trường hợp thứ ba.
-1002. Nếu sống đời tại gia, vị này sẽ chiến thắng địa cầu này, không dùng gậy hay gươm, vị này cai trị theo Chánh pháp.
1003. Nếu xuất gia, vị này sẽ là bậc Gỡ Bỏ Vô Minh, là bậc Thế Tôn, là Đức Phật Chánh Đẳng Giác, vô thượng.
- 1015. Nay là lúc Đấng Thế Tôn ngồi trước tăng đoàn, đang giảng pháp cho các tỳ khưu, như tiếng gầm sư tử trong rừng.
-1016. Ajita nhìn thấy Đức Phật, hào quang như mặt trời sáng rực, như mặt trăng trong đêm rằm.
-1017. và sau khi nhìn thấy các đặc tướng đầy đủ nơi tay chân của Đức Phật, Ajita vui mừng đứng bên, và hỏi thầm trong tâm.
-1025. [Ajita] Bavari hỏi về đầu và về chẻ đầu ra nhiều mảnh. Xin Thế Tôn giải thích, gỡ bỏ nghi ngờ của chúng con.
-1026. [Đức Phật] Hãy biết
vô minh gọi là “cái đầu” trong khi
hiểu biết ra (giác ngộ) chính là “chẻ đầu ra” , nối kết với tín, niệm, định, dục tinh tấn, và năng lực.
-1027. [Người kể] Với cảm xúc lớn, bày tỏ tôn kính, chàng trai quấn tấm da nai lên một vai, quỳ lạy đặt đầu nơi bàn chân Đức Phật
- 1029. [Đức Phật] Người Bà La Môn Bavari, hãy sống vui, an lạc với các môn đệ. Và quý vị hãy sống vui, an lạc. Và chàng trai này, mong chàng sống trường thọ.
-1030. Tất cả nghi ngờ nào Bavari, hay ông, hay bất kỳ ai có, hay bất cứ những gì trong tâm, người đều được phép hỏi.
-1031. Được Đức Phật cho phép, Ajita ngồi xuống, hai tay chắp kính lễ và hỏi Đức Như Lai câu hỏi đầu tiên.
1) Các câu hỏi của chàng thanh niên Ajita
-1032. [Ajita] Thế giới này bị những gì bao phủ? Sao nó không chiếu sáng ra được? Xin ngài nói cái gì làm nó ô nhiễm? Nỗi sợ lớn của thế giới là gì?
-1033. [Đức Phật] Vô minh bao che thế giới này. Nó không chiếu sáng được vì ngăn che bởi tham dục và không tỉnh thức (không được thấy như nó là). Tham cầu là ô nhiễm của nó. Ta nói, khổ là nỗi sợ lớn của thế giới.
2) Các câu hỏi của Tissa-Metteyya
- 1040. [Tissa] Ai thỏa mãn trong thế giới này? Ai không dao động? Ai là người trí tuệ, đã biết suốt cả hai đầu (quá khứ và tương lai), và không nhiễm ô nơi chặng giữa (hiện tại)? Ai mà ngài gọi là bậc Thượng Nhân? Ai là người vượt qua được mạng lưới tham ái thêu dệt?
-1041. [Đức Phật] Đó là người sống đời trong sạch giữa các thọ lạc, xa lìa tham, luôn luôn tỉnh thức và tịch lặng, tự quán chiếu sâu thẳm, không còn gì dao động.
-1042. Đó là một người trí tuệ, đã biết cả hai đầu nhị biên, và không dính mắc vào chặng giữa. Ta gọi đó là bậc Thượng Nhân, người đã vượt qua mạng lưới lưới thêu dệt ái nhiễm.
3) Các câu hỏi của Punnaka
-1043. [Punnaka] Đối trước người bất động, người đã thấy cội rễ, con xin nêu câu hỏi: Vì sao nhiều đạo sĩ, dân chúng, giới quý tộc và giới Bà La Môn trong thế giới này cúng lễ các vị thiên? Xin Đức Phật trả lời cho con.”
“Qua lời Phật dạy, nghi lễ tôn giáo là vô ích. Cúng lễ, hiến tế vô ích. Giải thoát là người đã thấy được xa và gần trong thế giới này (has discerned far and near in the world). Xa và gần là gì? Có thể hiểu như Kinh Sn 5.2. Nhưng Kinh Sn 5.3 không nói gì về chặng giữa, cho nên “xa và gần” có thể hiểu như nhìn thấy trong chánh niệm các pháp tập khởi và biến diệt. Đức Phật cũng dạy là phải vắng lặng và tỉnh thức và xa lìa tham với sân.”
4) Các câu hỏi của Mettagu
“Kinh này Đức Phật dạy giữ tâm vô sở trụ, không để dính mắc vào bất cứ những gì ở hướng trên, ở hướng dưới, và các hướng giữa hai phía. Như thế, thức sẽ không duyên vào sanh-hữu, xa lìa mọi thứ “cái của tôi” và như thế, sẽ giải thoát.”
- 1049. [Mettagu] Bạch Thế Tôn, xin trả lời con câu hỏi này. Con xem ngài là vị Thầy thông suốt các bộ Vệ Đà, bậc hiền trí. Vì sao vô lượng sầu khổ khởi lên cho bất kỳ ai trong cõi này?
-1050. [Đức Phật] Ngươi hỏi ta về cội nguồn sầu khổ. Ta đã Biết, ta sẽ nói: sầu khổ trong vô lượng hình thức sinh khởi vì dính mắc chấp giữ.
5) Các câu hỏi của Dhotaka
“ Kinh này bắt đầu bằng câu hỏi, làm sao tự tu học để thể nhập Niết Bàn. Đức Phật trả lời rằng pháp tịch tịnh tối thượng là đối với bất cứ những gì trên, dưới, ngang bằng chặng giữa, đừng khởi bất kỳ tâm tham ái hay tâm dính mắc nào.”
- 1061. [Dhotaka] Con xin hỏi Thế Tôn, xin mở lời dạy cho con để con có thể tự thể nhập Niết Bàn.
- 1068. [Đức Phật] Hỡi Dhotaka, với bất cứ những gì con biết, dù trên cao, dưới thấp và khắp chặng giữa, hãy hiểu rằng đây như là dây trói vào thế giới này, đừng tham đắm với bất kỳ trạng thái sinh tồn nào.
6) Các câu hỏi của Upasiva
“Làm cách nào vượt qua trận lụt lớn? Đức Phật dạy rằng hãy tỉnh thức và không nương tựa bất kỳ một pháp nào. Không một pháp nào? Thiền sư Phật Quả Viên Ngộ là người soạn ra tuyển tập công án Bích Nham Lục, vẫn thường nói rằng chư Phật không một pháp trao cho người. Trong tác phẩm “Sáu Cửa Vào Động Thiếu Thất” của Bồ Đề Đạt Ma, bản Việt dịch của Trúc Thiên, nơi những trang đầu tiên có ghi hai câu thơ của Thiền Tông Trung Hoa:
Tịch diệt thể vô đắc
Chân không tuyệt thủ phan.
(Thể Niết bàn không chứng đắc,
Chân không chặt đứt tay leo.)
Đó là nơi không thể vin tay vào đâu được. Đó là nơi không có gì để được (vô đắc) vì vốn đã có sẵn trong thể vắng lặng (trong tâm). Hễ còn vin vào bất kỳ pháp nào, dù là dính tới bất kỳ sắc thanh hương vị xúc pháp nào, đều sẽ hỏng , vì là, hễ vin vào bất cứ gì, là trên đầu mọc thêm đầu, trên tâm lại chồng thêm tâm. Và vì không hề nương vào một pháp nào, nên mới vào được Cửa Không Cửa (Vô Môn Quan).”
-1069. [Upasiva] Ô ngài Thích Ca, con đơn độc, không gì nương tựa, con không thể vượt qua dòng nước lũ lớn này. Hỡi Bậc Nhìn Thấu Suốt Tất Cả, hãy chỉ con phương tiện để vượt qua trận lụt.
-1070. [Đức Phật] Hỡi Upasiva, hãy tỉnh thức, nhìn về không một pháp nào, nương tựa “không một pháp nào” mà vượt qua dòng nước lũ. Rời dục lạc, bỏ nói năng, ngày đêm liên tục nhìn cho cạn kiệt tham ái.”
- 1076. [Đức Phật] Hỡi Upasiva. Không thể đo lường nào đối với người đã tới nơi an nghỉ giải thoát, không có gì người ta có thể mô tả về người đó, nơi tất cả các pháp đều hoàn toàn được gỡ bỏ, nơi tất cả mọi đường ngôn ngữ cũng hoàn toàn được gỡ bỏ.
7) Các câu hỏi của Nanda
- 1080. [Đức Phật] Hỡi Nanda, bất kỳ ai trong các ẩn sĩ và Phạm chí này nói rằng thanh tịnh tới từ những gì được thấy và nghe, nói rằng thanh tịnh tới từ giới luật và tuân thủ rèn luyện, nói rằng thanh tịnh tới từ nhiều cách khác nữa, mặc dù họ đang sống kềm chế như thế, ta nói họ vẫn chưa vượt qua sinh và già.
- 1083. [Nanda] Bạch ngài Gotama, con rất mực vui mừng nghe lời dạy của ngài đại đạo sư, dạy rõ ràng pháp giải thoát ra khỏi dính mắc. Bất kỳ ai nơi đây không còn dựa vào những gì được thấy, nghe, cảm thọ, không còn dựa vào giới cấm và rèn luyện tu tập, và cũng đã rời bỏ toàn bộ vô lượng cách khác nữa – hễ ai biết rõ tận tường tham ái, không còn lậu hoặc nữa – con cũng nói những vị đó đã vượt qua trận lụt.
8) Câu hỏi của Hemaka
“ Hemaka hỏi rằng, làm sao để giải thoát. Đức Phật trả lời rằng, hãy gỡ bỏ ham mê say đắm đối với bất cứ những gì khả ái, những gì dễ thương trong các cõi được thấy, được nghe, được cảm thọ, được nhận biết. Luôn luôn giữ chánh niệm như thế, sẽ giải thoát ngay trong đời này. Tuy nhiên, không mê đắm, cũng có nghĩa là không ghét bỏ. Bởi vì hễ có tâm mê đắm cái này, tất sinh tâm ghét bỏ những gì trái nghịch với nó. Hãy thấy, các pháp như thế, chỉ là như thế, hễ đủ duyên thì khởi lên được thấy nghe hay biết, không có gì phải ưa thích hay ghét bỏ. Đại Châu Thiền sư từng nói: “Định là đối cảnh vô tâm, tám ngọn gió chẳng làm lay động. Nếu chứng đặng pháp Định như thế, tuy là mang thân phàm phu mà đã và đã vào ngôi vị Phật.” Như thế, Phật chính là Tâm Bất Động vậy.”
- 1085. Ngài là Đấng Mâu Ni, con xin ngài dạy Pháp phá hủy tham ái, để người nghe hiểu được và sống một cách tỉnh thức, vượt qua những dính mắc của thế giới này.
-1086. [Đức Phật] Hỡi Hemaka, với các pháp khả ái nơi đây được thấy, được nghe, được cảm thọ và được nhận biết, hãy gỡ bỏ lòng ham mê say đắm – như thế là trạng thái Niết Bàn bất tử.
-1087. Hiểu được Pháp này, những người tỉnh thức (để gỡ bỏ như trên) sẽ giải thoát ngay trong đời này. Và luôn luôn tịch lặng, họ bước qua những dính mắc trong thế giới này.
9) Các câu hỏi của Toddayya
“Kinh này gợi nhớ tới Bát Nhã Tâm Kinh, trong đó nói rằng khi đã thấy tất cả các pháp đều rỗng rang, đều vô tự tánh, đều không tịch… thì sẽ không còn chút ái dục (với các căn), sẽ không còn chút tham, chút ước vọng nào (dù là muốn làm Phật, muốn làm Thánh). Chính nơi tịch lặng như thế là giải thoát tối thượng.”
1088. [Todeyya] Với người không còn ái dục nữa, với người không còn chút tham nào nữa, với người đã vượt qua tất cả ngờ vực – như thế là loại giải thoát nào cho người đó?
-1089. [Đức Phật] Với người không còn ái dục nữa, với người không còn chút tham nào nữa, với người đã vượt qua tất cả ngờ vực – đó chính là giải thoát tối thượng.
10) Các câu hỏi của Kappa
“Kinh này cũng nói là đừng, là chớ, là không… mà không nói là phải làm gì. Đức Phật nói rằng hỏn đảo cứu người đang bị ngập lut giữa dòng là tỉnh thức sống với pháp “Không sở hữu gì hết, không dính mắc gì hết.” Có thể gọi tắt Kinh Sn 5.10 là “ưng vô sở trụ” – như lời Đức Phật dạy trong Kinh Kim Cương.”
- 1093. [Đức Phật] Với những người đứng giữa dòng nước, trong khi lũ lụt kinh hoàng dâng cao thêm – với những người bị già chết tràn ngập, hỡi Kappa, ta sẽ nói về một hòn đảo.
-1094. “Không sở hữu gì hết, không dính mắc gì hết” – đó là hòn đảo của pháp tối thượng, ta gọi đó là Niết Bàn, nơi đoạn diệt của già chết.
11) Những câu hỏi của Jatukani
“Chàng trai Jatukanni hỏi rằng làm sao buông bỏ sinh và già. Đức Phật trả lời rằng chớ tham ái dục, nhưng cũng chớ nắm giữ hay xua đẩy gì. Và chớ để dính gì tới quá, hiện, vị lai. Nghĩa là, buông bỏ cả quá, hiện, vị lai.”
-1099. Hãy để khô héo tất cả những gì của quá khứ, và chớ hề có chút gì dính tới tương lai. Nếu con không nắm giữ gì trong chặng giữa (hiện tại), con sẽ sống trong bình an.
12) Các câu hỏi của Bhadravudha
“ Kinh này nói rằng chớ nên dính mắc bất cứ thứ gì, dù là dính mắc vào những gì ở trên, ở dưới, ở chặng giữa. Nhóm chữ “trên, dưới, chặng giữa” được Luận thư Nidd II giải thích là: tương lai (trên), quá khứ (dưới), hiện tại (giữa); cõi thiên, cõi địa ngục, cõi người; cõi vô sắc, cõi dục, cõi sắc. Trong sách “Công Án của Phật Thích Ca và Tổ Đạt Ma,” bản Việt dịch của Thầy Thích Duy Lực có một công án, như sau: “Thế Tôn thăng tòa, có một Phạn Chí cúng dường hoa ngô đồng. Phật bảo: Buông xuống đi! Phạn Chí buông hoa bên tay trái xuống. Phật bảo tiếp: Buông xuống đi! Phạn Chí buông hoa còn lại bên tay mặt xuống.
Phật lại bảo: Buông xuống đi! Phạn Chí nói: Nay hai tay con đã không còn gì, sao Phật còn bảo buông cái gì xuống nữa?
Phật nói: Chẳng phải ta bảo ngươi bỏ hoa. Ngươi phải buông xả ngoài lục trần, trong lục căn, giữa lục thức, nhất thời xả hết đến chỗ không còn gì để xả. Ấy chính là buông thân xả mạng của ngươi.
Phạn Chí ngay đó ngộ vô sanh nhẫn.”
13) Các câu hỏi của Udaya
-1105. [Udaya] Đối trước bậc Thiền nhân, ngài đã ngồi xa lìa bụi, đã làm xong việc phải làm, với lậu hoặc không còn, đã vượt qua tất cả các pháp, con xin hỏi, xin ngài nói về trí giải thoát, về phá vỡ vô minh.
1106. [Đức Phật] Hỡi Udaya, hãy buông ái dục, lìa ưu trầm, dẹp bỏ lười biếng, xa rời hối tiếc.
14) Các câu hỏi của Posala
-1112. [Posala] Đối trước người đã chỉ ra quá khứ, người đã bất động, người đã cắt đứt mọi ngờ vực, người toàn hảo trong mọi pháp, con tới với một câu xin hỏi.
-1113. Đối với người đã đoạn tận tưởng về sắc, người đã buông bỏ thân toàn bộ, người thấy cả trong và ngoài đều là “rỗng rang, không có gì”, người như thế có sẽ bị dẫn dắt đi đâu?
-1114. [Đức Phật] Hỡi Posala. Như Lai biết tận tường tất cả các nơi trú của thức, biết nơi thức trụ vào, nơi thức sẽ được giải thoát, hay sẽ bước qua bờ giải thoát.
15) Các câu hỏi của Mogharaja
- 1117. Con không hiểu về quan kiến (view, quan điểm) của người Gotama nổi tiếng về thế giới này, về thế giới khác, về cõi Phạm Thiên, về cõi chư thiên.
-1118. Do vậy, con xin hỏi vị Có Mắt Tối Thượng: Nên nhìn thế giới như thế nào để Thần Chết không nhìn thấy mình?
-1119. [Đức Phật] Hỡi Mogharaja, hãy luôn luôn tỉnh thức và nhìn thế giới như rỗng rang, với cái nhìn về tự ngã đã bứng gốc, người đó sẽ vượt qua sự chết. Thần Chết không thể thấy người đã nhìn thế giới này như thế.
Theo tác giả, gom về một lời của Đức Phật: “Hãy luôn luôn tỉnh thức và nhìn thế giới như rỗng rang, với cái nhìn về tự ngã đã bứng gốc. Như thế, chính là Bát Nhã Tâm Kinh, với lời dạy “ngũ uẩn giai không.” Nơi đây, căn-trần-thức đều rỗng rang vô tướng. Chỉ cần rút cọng tranh này ra, cả bó tranh sẽ tan rã. Vì Duyên Khởi, nên tất cả đều rỗng rang không có tự thể/ thực thể.”
16) Các câu hỏi của Pingiya
Kinh này, Đức Phật dạy hai pháp trong hai bài kệ, pháp nào cũng tới giải thoát.
1123. [Đức Phật] Hỡi Pingiya. Nhìn thấy nhân loại, nạn nhân của tham, bị hành hạ, bị tuổi già đè bẹp, do vậy, Pingiya hãy tinh tấn, buông bỏ tham và không trở lại tái sanh nữa.
17) Phần Kết: Các bài kệ ca ngợi Pháp Qua Bờ Kia -1131. [Pingiya] Tôi sẽ tụng đọc Pháp Qua Bờ Kia, như ngài đã nhìn thấy và đã giảng dạy – Ngài là bậc đại trí, bậc không nhiễm ô, bậc xa lìa ái dục, bậc mạnh mẽ, đã giải thoát, hà cớ gì ngài nói sai được.
- 1133. Đức Phật là Người Nhìn Thấu Suốt, đã xua tan bóng tối, đã tới tận cùng thế giới, đã vượt qua tất cả các sanh hữu, đã lìa xa sầu khổ, không còn cấu nhiễm, người có tên chân thực như thế - một Bậc Phạm Hạnh -- tôi theo hầu vị đó.
- 1144. Thưa ngài Phạm Chí. Con đã già, sức yếu, run rẩy, thân con không tới nơi đó được, nhưng tâm con luôn luôn hướng tới, toàn tâm bên Đức Phật.
- 1148. Người biết những gì vượt xa chư thiên, người hiểu mọi pháp cao và thấp, vị Thầy đã kết thúc các câu hỏi từ những người tự thấy còn ngờ vực nêu lên.
- 1149. Bất động, Không gì lay chuyển, Không nơi đâu sánh được. Chắc chắn, con sẽ đi tới đó, con không ngờ vực gì hết. Đức Phật hãy nhớ về con rằng con đã toàn tâm hướng về Niết Bàn.
Thay Lời Kết:
Kinh Nhật Tụng Sơ Thời do Phật nói và được các đệ tử học thuộc lòng rồi đọc tụng lúc Phật còn tại thế, đã được chư tổ hiểu, vâng giữ và thực hành và đã chứng đắc. Điều này cho thấy dù
giáo lý của Đức Phật khó nhưng không phải không thể tu chứng. Công lao của cư sĩ Nguyên Giác thật lớn khi bỏ thời gian để đọc sáu (6) bản dịch tiếng Anh từ Pali rồi đối chiếu với bản dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu để cống hiến cho người tu học một bản Việt dịch rõ ràng nhất, cùng lời bình chú.
Đây không phải Kinh của Phật tử bình thường mà là những lời dạy tha thiết và rốt ráo của Đức Phật cho hàng Đại Sĩ để vượt qua sinh tử luân hồi, an lạc và giải thoát, tiến tới Thánh quả.
Chúng ta cũng thấy qua kinh này, các hàng thượng trí của Bà La Môn, dù đã tu và hành trì cả đời theo Kinh Vệ Đà (Kinh Tri Thức) chứa đựng rất nhiều trí tuệ mà không tìm thấy con đường giải thoát cho nên đã phải tìm tới Đức Phật và rất nhiều vị đã trở thành đệ tử của Ngài. Ngày nay, một số đông trí thức Ấn Độ đã chuyển qua Phật Giáo vì họ nhìn thấy giá trị của Phật Giáo và từ Bà La Môn chuyển qua Phật Giáo không hề có chướng ngại về cả ba mặt chính trị, văn hóa và tâm linh. Kinh nghiệm cho thấy một tôn giáo tuyệt đối tin tưởng vào thần linh, không sử dụng trí tuệ, tin vào những điều không thấy, không có… và nhất là Chấp Ngã, tức chấp vào Cái Tôi Có Thật thì khó lòng chuyển hóa qua Phật Giáo.
Xuyên qua
Phẩm Tám (Atthaka Vagga) và
Phẩm Qua Bờ Kia (Parayanavagga), lời chỉ dạy tối thượng của Phật chỉ là: Từ bỏ tham dục, không tranh cãi, không để đầu óc vướng bận vào tất cả những gì đang xảy ra chung quanh mình, không nương tựa, bám víu, ẩn nấp vào đâu để sanh Tâm, không chấp giữ một cái gì, không mê luyến, ray rứt, thắc mắc về hiện tại, quá khứ, vị lai. Hiểu như thế,
tự mình tu như thế,
hành trì như thế…chắc chắn sẽ tới bờ giải thoát trọn vẹn mà Phật gọi đó là Niết Bàn.
Ngày nay chúng ta phải tiếp xúc với tín đồ của nhiều tôn giáo. Nhưng người con Phật chân chính không bao giờ phải vay mượn giá trị của các tôn giáo khác để minh chứng cho giá trị của Đạo Phật. Chúng ta cũng không bao giờ dùng hình ảnh của các giáo chủ của tôn giáo khác để so sánh và tôn vinh Phật. Đức Phật đã là Mặt Trời thì Mặt Trời không cần một thứ đèn, một thứ ánh sáng nào khác để tăng thêm ánh sáng hay chiếu soi cho nó. Ngoài ra, khi hành đạo, chúng ta tuyệt đối ghi nhớ lời Phật dạy trong bài kệ 929. “
Người tu sĩ không mua bán gì, không làm gì để bị chỉ trích, không la cà thân cận trong xóm cư dân, không nói lời chiêu dụ để kiếm chác.” Tuyệt đối không được nói để chiều lòng người hầu kiếm chác tình cảm, tiền bạc, lợi dưỡng ... Nói để chiều lòng người là giả dối, là lừa mị.
Kinh Nhật Tụng Sơ Thời là kho báu của Phật Giáo và nên trở thành
Kinh Nhật Tụng Đương Thời mà tất cả những ai mong muốn viên thành Phật quả cần phải đọc tụng mỗi ngày.
Sách do Ananda Việt Foundation xuất bản, Amazon phát hành. Quý vị có thể vào: amazon.com:books rồi đánh máy
nguyen giac (chữ Việt không dấu) để mua sách.
Trân trọng giới thiệu,
California ngày 2/1/2019. PL.2563
Đào Văn Bình
___________________.
GHI CHÚ:Toàn văn Kinh Nhật Tụng Sơ Thời và hướng dẫn mua trên Amazon có thể đọc ở đây:
https://thuvienhoasen.or...0/kinh-nhat-tung-so-thoi