logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 03/01/2019 lúc 11:59:50(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Cư sĩ Nguyên Giác vừa cho xuất bản cuốn Kinh Nhật Tụng Sơ Thời mà theo sự nghiên cứu của các học giả đây là những lời dạy (kinh ) cổ xưa nhất của Đức Phật được các đệ tử ghi lại bằng thơ và học thuộc lòng vì lúc đó chưa có chữ viết. Theo Thư Viện Hoa Sen, căn cứ vào các nguồn sử liệu Tích Lan, thì những lời dạy của Ngài được viết thành văn vào khoảng thế kỷ thứ nhất trước Tây Lịch để hình thành kinh điển Pali. Tác giả dẫn chứng kinh điển này có thực khi “Trong Kinh Sona Sutta (Kinh Ud 5.6), có nói về Kinh Nhật Tụng 16 Chương mà ngài Sona đọc, khi được Đức Phật yêu cầu đọc Phật Pháp, trích dịch: “Đức Thế Tôn mời Thượng tọa Maha Sona, và nói, "Tỳ khưu, tôi muốn ông đọc lên Chánh Pháp. Xin vâng lời, Thượng tọa Maha Sona đọc toàn bộ 16 chương Atthaka Vagga.” Bản Anh dịch Kinh Tăng Chi Bộ (Aṅguttara Nikāya Chương 005. Mahāyaññavaggo, Kinh 5.10 Nandamātāsuttaṃ) của Ni Trưởng Sister Upalavanna cũng có một kinh ghi rằng nữ cư sĩ Velukantaki Nanda mỗi rạng sáng đều tụng đọc lớn tiếng nhóm 16 kinh trong Phẩm Qua Bờ Bên Kia.”
Sách dịch toàn bộ Phẩm Tám (Atthaka Vagga) và Phẩm Qua Bờ Kia (Parayanavagga) từ các bản dịch  tiếng Anh từ Tạng Pali, với tham khảo từ bản Việt dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu, cộng thêm phần chú giải riêng của tác giả. Phẩm Qua Bờ Kia nơi đây dịch từ các bản Anh dịch của quý ngài Laurence Khantipalo Mills (di cảo, do Bhikkhu Sujato hiệu đính), Bhikkhu Bodhi, Bhikkhu Anandajoti, Thanissaro Bhikkhu, V. Fausboll, John D. Ireland. Tác giả đã phải đối chiếu sáu (6) bản dịch tiếng Anh để cân nhắc từng câu, từng chữ của lời kinh.
Theo tác giả, tất cả các bản tiếng Anh đều có trên mạng lưới toàn cầu, chỉ trừ hai bản trên sách in là của Bhikkhu Bodhi (The Suttanipata) và Gil Fronsdal (The Buddha before Buddhism). Chúng ta thử tìm hiểu xem trong Phẩm Tám và Phẩm Qua Bờ Kia, Đức Phật dạy những gì.

UserPostedImage


A- Phẩm Tám (Parayanavagga)
1) Kinh về Tham Dục
Kinh này gồm các bài kệ từ 766 tới 771.
766.  Khi ước muốn tham dục đạt được, người đó sẽ hoan lạc vì có điều ước muốn.
767.  Với người tham dục đó, khi hoan lạc tan biến sẽ đau khổ như bị mũi tên xuyên trúng.
Khỏi cần bàn luận sâu xa, chúng ta thấy ngay Tham-Dục tạo đau khổ như thế nào.
2)  Kinh về Thân Giam Trong Hang Động
Kinh này nói về chúng sinh bị giam trong hang động (trói buộc) của si-mê, tham-dục. Hầu hết các dịch giả đều dịch là “hang,” trong khi Gil Fronsdal dịch là “nơi ẩn núp” (hiding place).
-Người vương vào ước muốn, bị buộc vào niềm vui của hiện hữu sẽ không giải thoát nổi, vì không ai cứu được mình.
-Người nuối tiếc quá khứ, hay mong đợi tương lai, người ưa tìm hoan lạc dù đã qua hay sẽ tới, bám chặt vào tham dục, lo săn tìm niềm vui trong mê mờ và ích kỷ tằn tiện là đã rơi vào lối gian nan. Khi gặp khổ đau, mới than thở: Mình sẽ là gì khi mãn kiếp này.
Cứ theo như lời dạy thì Tham-Dục giống như ma túy. Khi chích, hút, ngửi vào thì đê mê. Nhưng khi giã thuốc thì rã rời. Nhưng rồi lại tiếp tục lao vào như xác không hồn, gỡ không ra.
3) Kinh về Tà Kiến
Tác giả tóm lược ý kinh: “Tâm vắng lặng, lìa tranh cãi, không thấy tự ngã nào để khoe, lìa mọi quan kiến/giáo thuyết dù Có hay Không… Kinh này gồm các bài kệ từ 780 tới 787.” Chúng ta thử trích ra vài câu kệ:
- 780.  Một số người tranh cãi với tâm bất thiện, một số người tranh cãi với tâm hướng về sự thật. Bậc hiền giả không tham dự các cuộc tranh cãi khởi lên, và do vậy, dù đi bất cứ nơi nào cũng không bận tâm.
-781.  Làm sao một người có thể vượt qua định kiến riêng của họ khi bị tâm tham dẫn đi, gắn chặt vào điều họ ưa thích rồi dẫn tới kết luận riêng của họ. Chỉ nên, biết gì thì nói nấy.
- 783.  Người trí nói một tu sĩ cao thượng là khi sống bình an, tâm hoàn toàn vắng lặng không khoe gì rằng tôi giỏi thế này thế kia đi đâu trong cõi (đời) này cũng không thấy có tự ngã.
4) Kinh về Thanh Tịnh:
“Niềm tin Ấn Độ cổ thời là, sự trong sạch có thể đạt được khi một người nhìn thấy, gặp gỡ hay thân cận một người trong sạch. Tương tự, họ tin rằng nghi lễ tôn giáo cũng có thể giúp họ trong sạch. Nghĩa là, tin sự thanh tịnh hay sức mạnh tâm linh có thể truyền trao qua việc thân cận hay nghi lễ. Đức Phật nói rằng không hề có chuyện thanh tịnh hóa đạt được bằng thế giới ngoại xứ (thế giới bên ngoài).”
-788. [Bà la môn nói:] Nơi đây, tôi thấy một người thanh tịnh, bậc Thượng nhân, người xa lìa tất cả bệnh. Tôi sẽ được thanh tịnh hóa nhờ những gì được thấy. [Đức Phật:] Được thuyết phục như thế và rồi xem đó là cao nhất người ta rơi vào lưới kiến thức đó trong khi trầm tư về sự thanh tịnh.
-789. Nếu người ta được thanh tịnh hóa nhờ những gì được thấy hay nếu có ai tin sẽ thoát khổ nhờ kiến thức nghĩa là họ nghĩ sẽ được thanh tịnh hóa nhờ cái gì khác. Sẽ sai lầm khi nghĩ như thế, khi tin như thế.
-790 Một người phạm hạnh không nói rằng thanh tịnh sẽ có vì dựa vào gì khác, hay vì dựa vào thấy nghe chạm xúc hay vì dựa vào giới luật hay nghi lễ tôn giáo Thiện và Ác không còn dính mắc gì nữa với người đã buông bỏ hết, không còn tạo tác gì.
 Lời dạy cho thấy chính chúng ta phải tạo sự thanh tịnh. Không nương tựa vào bất cứ cái gì dù là nghi thức cúng tế, giống như “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” của Kinh Kim Cang. Khi không vướng mắc hoặc nương tựa vào đâu, dù đúng dù sai, dù phải dù trái, dù thần dù thánh….thì sẽ đạt tới thanh tịnh.
5) Kinh về Tối Thượng
“Kinh này nói rằng những ai tự cho mình đã có được tầm cao nhất của cái nhìn (một tri kiến, một quan kiến, một lập trường, một giải thích [về vũ trụ và con người…) và cho là thấp kém tất cả các quan kiến khác – người đó còn rơi vào tranh cãi, còn thấy có “tôi” (ngã) và “của tôi” (ngã sở), còn nắm giữ những gì được thấy nghe hay biết.”
- 796. Nếu có ai chọn một cái nhìn [quan kiến, quan điểm] nào, cho rằng cái nhìn đó là tối thượng trên thế giới và nói rằng tất cả cái nhìn khác là thấp kém – như thế, người đó chưa thoát khỏi tranh cãi.
6) Kinh về Tuổi Già
Kinh này gồm các bài kệ từ 804 tới 813.
-804. Đời sống này thực sự ngắn ngủi – chưa tới 100 năm, ngươi sẽ chết và nếu sống thọ hơn, ngươi lúc đó sẽ chết vì tuổi già.
805. Người ta sầu khổ vì những cái “của tôi” - không tài sản nào là thường còn. Vì thấy những ly tan, không gì là “của tôi” ngươi chớ nên sống đời thế tục.
-806. Tất cả những gì người ta nhận là “của tôi” đều bị rời bỏ trong cái chết. Biết như thế, người trí không nên sống ích kỷ với những gì cho là “của tôi.”
7) Kinh dạy Tissa Metteyya    
                “Trong kinh này, ngài Tissa Metteyya hỏi Đức Phật về nguy hiểm của tình dục. Đức Phật nói rằng hạnh cao quý là sống đời độc thân, tự rèn luyện trong cô tịch. Nhưng cũng chớ bao giờ tự xem mình hơn người, dù đã xa lìa ái dục, dù đã vào được bậc cao quý.”      
8) Kinh Pasura: Chớ Tranh Cãi
“Kinh này là lời Đức Phật nói với Pasura, một du sĩ nổi tiếng về biện luận đã tới tìm gặp Đức Phật để tranh luận về giáo thuyết. Đức Phật chỉ trích thói quen tranh cãi, biện luận, kiểu tự cho giáo thuyết mình là tối thắng và xem thường pháp của người khác. Thêm nữa, Đức Phật nói rằng Ngài là bậc Thuần Tịnh, không nắm giữ một quan điểm (quan kiến, lập trường, giáo thuyết) nào như là tối thượng, và do vậy không thấy có gì để tranh cãi.”
828. Khởi lên tranh cãi giữa các du sĩ sẽ gây ra cả vui thắng, buồn thua. Do vậy, chớ nên tham dự tranh cãi không lợi ích gì trong các lời khen.
-829. Khi được khen giữa hội chúng vì đưa ra lý thuyết lôi cuốn họ vui cười, tăng thêm kiêu mạn vì đạt được như ước vọng.   
9) Kinh về Không Giữ Quan Điểm Nào.
Tóm lược ý kinh: Lìa ái dục, bỏ tranh cãi. Không nắm giữ một pháp nào. Y hệt như người lên tới đầu sào trăm trượng và bước thêm một bước vào chỗ không gì nương tựa. Kinh này gồm các bài kệ từ 835 tới 847.
839. (Đức Phật nói với Magandiya) Ta nói rằng thanh tịnh không thể tới từ quan điểm, học hỏi, kiến thức, giới luật, và nghi lễ tôn giáo; cũng không thể tới từ thiếu vắng quan điểm, học hỏi, kiến thức, giới luật, và nghi lễ tôn giáo. Nhưng chỉ là khi buông xả hết, khi không nắm giữ gì hết, thì sẽ bình an (không dựa vào đâu), không còn muốn sanh hữu nữa.
10)  Kinh Trước Khi Thân Tan Rã                            
Duyên khởi /nguyên do của kinh là do Đức Phật nhận thấy một số chư thiên trong hội chúng khởi tâm thắc mắc, “Nên làm gì trước khi thân này tan rã?” Đức Phật mới dùng thần thông tạo ra hình ảnh một vị Phật đi cùng với 1,250 tỳ khưu tụ hội trên không trung, và Đức Phật Thích Ca dùng thần thông để vị Phật (trên không, do thần thông tạo ra) đặt câu hỏi để Ngài nói bài kinh này.
Nói thân tan rã, là nói về sự chết hay khi hấp hối. Kinh khởi đầu với một người hỏi Đức Phật rằng phải nhìn thấy gì (kiến) và giữ giới (sila) như thế nào để được bình an – người bình an còn gọi là người tối thắng.
- 849. Người đã không còn tham ái trước khi thân tan rã, không dựa vào những gì trong quá khứ không toan tính tư lường trong hiện tại cũng không ước muốn gì ở tương lai.
-861. Không lấy gì trên đời làm của mình, không buồn vì những gì mình không có, không dính gì tới bất kỳ giáo thuyết nào người đó thực sự được gọi là Bình An.
Cứ y theo lời Phật dạy, một người sắp chết mà còn nuối tiếc, dặn dò thân nhân, con cháu làm chuyện này chuyện kia… thì không thể có bình an. Nếu niệm Phật được trước khi chết cũng có thể giúp chúng ta bình an.
11) Kinh Cội Nguồn Tranh Cãi
            -862. (Câu hỏi) Từ đâu khởi lên các thứ gây gỗ, tranh cãi tuyệt vọng, nỗi buồn, ích kỷ, tự hào kiêu mạn, và lời nói xấu? Từ đâu chúng khởi lên, xin trả lời với.
-863 (Đức Phật) Từ những gì được ưa thích sẽ hiện ra gây gỗ, tranh cãi tuyệt vọng, nỗi buồn, ích kỷ, tự hào kiêu mạn, và lời nói xấu. Gây gỗ và tranh cãi nối kết với ích kỷ. Lời nói xấu hiện ra, khi tranh cãi khởi dậy.
- 877 Biết rằng những pháp đó đều do duyên khởi người trí sẽ khảo sát luật duyên khởi. Ngộ xong, người giải thoát không tham dự tranh cãi. Người trí không còn dính gì nữa với hữu/vô, sinh/diệt.
Tác giả nhận xét rằng trong kinh này có chữ “danh” và “sắc” trong đó “danh” là dịch từ chữ “nama”  tức là vận hành của tâm; và chữ “sắc” là dịch từ chữ “rupa”.  Hầu hết dịch giả dịch chữ “sắc” là “form” hay “appearance”. Danh và sắc có khi còn được dịch là tâm và thân. Tuy nhiên, chữ thân không riêng chỉ cơ thể người. Vì sắc được hiểu là đối tượng của tâm, tức là: cái được thấy, cái được nghe… cái được suy nghĩ tư lường.
12) Tiểu Kinh Về Tranh Cãi
“Những gì được thấy, những gì được nghe, những gì được cảm thọ… chỉ là bức màn của Niệm hiện lên trong tâm. Hãy lẳng lặng để các pháp hiển lộ Như Thị, để cái được thấy chỉ là cái được thấy, để cái được nghe chỉ là cái được nghe… Lúc đó là thanh tịnh. Lời dạy trong kinh y hệt như Thiền Tông, qua các câu đầu trong Tín Tâm Minh của Tổ Tăng Xán, bản dịch của Trúc Thiên:
Đạo lớn chẳng gì khó
Cốt đừng chọn lựa thôi
Quí hồ không thương ghét
Thì tự nhiên sáng ngời
-880. (Đức Phật) Nếu nói, ai không đồng ý giáo thuyết kẻ khác là trở thành kẻ khờ, là bất toàn trí tuệ thì tất cả đều khờ, đều bất toàn trí tuệ vì tất cả đều bám quan kiến riêng của họ.
-881. (Đức Phật) Nhưng nếu, tất cả họ đều tịnh hóa vì quan kiến đó và nếu họ đều có thông minh, khéo léo, tuệ thanh tịnh thì không ai trong họ có tuệ bất toàn vì quan kiến của họ là toàn hảo.
13) Đại Kinh Về Tranh Cãi
Tóm lược ý kinh: Giữ tâm vô sở trụ. Không thấy một pháp nào để nắm giữ. Kinh này gồm các bài kệ từ 895 tới 914.
-895. (Câu hỏi) Với những người cứ nắm giữ quan kiến riêng của họ cãi mãi, “Chỉ thế này mới đúng!” tất cả họ đáng bị chỉ trích hay vài người trong họ còn đáng khen?
-896. (Đức Phật) Lời khen là chuyện nhỏ, không đủ để bình an. Ta nói có hai kết quả của tranh cãi. Thấy thế, không nên tranh cãi làm gì Thấy rằng an toàn là nơi không tranh cãi.
-897. Với các ý kiến người ta thường chấp giữ, người trí không nên dính vào ý nào trong đó. Với người không dính mắc vào cái được thấy và nghe sao lại phải dính mắc vào [các ý tranh cãi]?
- 907. Bậc Phạm hạnh không bước theo ai hết với trí tuệ, không nắm giữ giáo thuyết nào Do vậy, họ vượt xa khỏi các tranh cãi Và vì không xem giáo thuyết nào là tối thắng.
Lời Phật dạy thật chí lý. Làm sao chúng ta có thể tranh cãi với những người cho rằng thần linh mà họ đang tôn thờ là tối thượng và tối linh thiêng, giáo lý của họ là chân lý và đạo của họ là thánh thiện còn các đạo khác chỉ là tà giáo. Cách hay nhất là chúng ta im lặng. Nếu cần phải nói thì chỉ nói cái khác biệt của chúng ta đối với tôn giáo của họ và từ chối phần tranh luận hơn-thua, đúng-sai.
14) Kinh Lối Đi Nhanh Chóng
Trong kinh này Đức Phật dạy các pháp tu để nhanh chóng giải thoát, rất tỉ mỉ mà tôi chỉ có thể trích dẫn một vài đoạn:
-921.  (Câu hỏi) Ngài là bậc đã mở tuệ nhãn, ngài là Người Chứng Của Pháp, đã xóa bờ hiểm nguy. Xin ngài dạy cho tôi về pháp thực hành về giới luật phải giữ, và về thiền tập.
-922. (Đức Phật) Chớ để mắt ngó linh tinh chớ để tai nghe chuyện tầm phào chớ khởi tâm thèm muốn ăn ngon và chớ nghĩ về bất cứ gì trong thế giới là “của tôi.”
-923. Khi chạm xúc [gặp chuyện sầu muộn] người tu chớ nên thấy gì để thở than cũng chớ nên muốn cảnh tái sinh nào cũng đừng run sợ trước cảnh kinh hoàng.
-924.  Người tu chớ nên lưu trữ những gì nhận được dù là thức ăn, thức uống, trang phục cũng chớ lo ngại khi không nhận được gì.
-925 Hãy thiền định, chớ đi lại nhiều Hãy tinh tấn, chớ nuối tiếc gì Tu sĩ hãy tìm cư trú nơi vắng lặng để luân chuyển ngồi thiền và nằm ngủ.
-926. Đừng nên ngủ nhiều. Hãy nồng nhiệt, chuyên tâm trong tỉnh thức Chớ lười biếng, giả hình, cười cợt, cờ bạc chớ tình dục, chớ hình thức cá nhân.
927. Môn đệ của ta sẽ không ếm bùa chú không giải mộng, không chiêm tinh không đoán lành dữ từ tiếng thú kêu không làm phép chữa bệnh, hay trị vô sinh.
-928 Vị tu sĩ không bứt rứt khi bị chê không hể hả khi được khen. Phải lìa tâm tham, tâm keo kiệt lìa tâm sân, không nói lời tổn thương.
-929. Người tu sĩ không mua bán gì không làm gì để bị chỉ trích không la cà thân cận trong xóm cư dân không nói lời chiêu dụ để kiếm chác.
-930. Bậc tu sĩ sẽ không khoe khoang không nói lời với ám chỉ xấu không khởi chút nào tâm kiêu căng không nói ra lời tranh cãi nào.
-931. Không nói trả đũa dù lời sai trái cũng không cố ý nói lời lừa dối ai. Không xem thường bất kỳ ai vì dị biệt về nếp sống, giới luật, hành trì, trí tuệ.
- 932. Ngay cả khi bị nhiều lời tấn công lời chê bai từ giới ẩn sĩ hay đời thường, cũng đừng trả lời gay gắt bởi vì người tịch lặng không thấy gì để trả đũa.
15) Kinh Về Bạo Lực
Đức Phật dạy:
-943. Chớ để bị lôi kéo vào lời sai trái
Chớ ưa thích ngoại hình sắc tướng
Hãy hiểu tận tường ngã chấp
Xa lìa tranh cãi, xô xát, bạo lực.
Nhìn vào thế giới ngày hôm nay, bạo lực lan tràn là vì chấp vào đúng-sai, quan niệm của tôi đúng, anh sai. Chấp vào ngoại hình, sắc tướng như: Cách thờ phượng, cách ăn mặc, để râu tóc, khăn trùm đầu kín mặt mà mình cố chấp và cho đó là biểu tượng linh thiêng. Và sau cùng là do chấp Ngã, tức cho rằng thực có “cái tôi”. Từ “cái tôi” mà đẻ ra “cái của tôi”. Đụng vào “cái của tôi” dù “cái của tôi” đó ở trên Cung Trăng, chắc chắn phải đổ máu. Đó là nguyên do của bạo lực.
16) Kinh Về Sariputta (Xá Lợi Phất)
 -963. Đức Phật: Ta sẽ nói cho ngươi, Xá Lợi Phất, ngươi đã biết [Pháp] về những gì thoải mái với người đã ly dục người thường tới nơi cô tịch người ước muốn Giác Ngộ theo Chánh Pháp.
-964 Vị sư tỉnh thức, trí tuệ, sống cô tịch không nên có năm nỗi sợ: ruồi nhặng, muỗi mòng, rắn gặp gỡ người khác, loài thú bốn chân.
-965 Cũng chớ nên sợ tín đồ giáo pháp khác kể cả khi người dị giáo kia làm điều kinh sợ.
 Thêm nữa, người đi tìm thiện lành nên vượt qua tất cả các hiểm nguy khác  
- 966. Kham nhẫn cả khi bệnh, đói và khát chịu đựng cả khi trời trở lạnh, cực nóng.
 Người tu sĩ không nhà chớ dao động hãy tinh tấn, ra sức tu học.   
song  
#2 Đã gửi : 03/01/2019 lúc 12:01:08(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
B-Phẩm Qua Bờ Bên Kia (Đáo Bỉ Ngạn)
“Phẩm Qua Bờ Bên Kia gồm 16 kinh, mỗi kinh ghi lại những lời đối thoại của 16 giáo sĩ Bà La Môn với Đức Phật. Nhóm 16 vị này là học trò của đạo sĩ Bavari. Sau các câu đối thoại, 15 vị đầu tiên tức khắc vào thánh vị A La Hán. Các bộ chú giải đời sau nói dị biệt về giáo sĩ thứ 16. Vị này tên Pingiya. Có chú giải nói rằng ngài Pingiya sau khi đối thoại với Đức Phật (Kinh Sn 5.16) vào thánh vị Sơ Quả (Nhập Lưu), có chú giải khác nói rằng ngài Pingiya đắc thánh vị Tam Quả (Bất Lai).”
“Phần giới thiệu của kinh này là do đời sau ghép vào. Phần này kể rằng người Bà La Môn Bavari thông thạo các bộ Vệ Đà, bản thân có 16 môn đệ giỏi, và mỗi môn đệ có trường dạy với các môn đệ riêng. Bavari bị một dị nhân tới làm bùa chú, trù ếm là Bavari sẽ bị chẻ đầu làm bảy mảnh vì không có để cúng ông này 500 tiền vàng. Bavari sầu khổ, được một vị thiên (trời) tới chỉ dẫn, rằng hãy tìm Đức Phật để cứu nạn. Bavari nhờ 16 môn đệ tìm tới Đức Phật. “
- 998. [Bavari] Bậc Toàn Giác rất hiếm gặp nơi thế giới này đã tới. Hãy nhanh chóng tới thành Savatthi để gặp Người Tối Thắng này.
-999. [Các môn đệ] Kính thưa Ngài Bà La Môn, làm sao chúng con biết vị đó là Đức Phật Toàn Giác? Thầy hãy chỉ chúng con cách làm sao để biết đó là vị Thế Tôn?
-1000. [Bavari] Trong các bộ Vệ Đà truyền lại cho chúng ta có ghi về 32 tướng tốt của bậc Thượng Nhân.
-1001. Hễ có ở tay chân 32 tướng tốt của bậc Thượng Nhân, vị đó sẽ chỉ có hai nơi định sẵn, không có trường hợp thứ ba.
-1002. Nếu sống đời tại gia, vị này sẽ chiến thắng địa cầu này, không dùng gậy hay gươm, vị này cai trị theo Chánh pháp.
1003. Nếu xuất gia, vị này sẽ là bậc Gỡ Bỏ Vô Minh, là bậc Thế Tôn, là Đức Phật Chánh Đẳng Giác, vô thượng.
- 1015. Nay là lúc Đấng Thế Tôn ngồi trước tăng đoàn, đang giảng pháp cho các tỳ khưu, như tiếng gầm sư tử trong rừng.
-1016. Ajita nhìn thấy Đức Phật, hào quang như mặt trời sáng rực, như mặt trăng trong đêm rằm.
-1017. và sau khi nhìn thấy các đặc tướng đầy đủ nơi tay chân của Đức Phật, Ajita vui mừng đứng bên, và hỏi thầm trong tâm.
-1025. [Ajita] Bavari hỏi về đầu và về chẻ đầu ra nhiều mảnh. Xin Thế Tôn giải thích, gỡ bỏ nghi ngờ của chúng con.
-1026. [Đức Phật] Hãy biết vô minh gọi là “cái đầu” trong khi hiểu biết ra (giác ngộ) chính là “chẻ đầu ra” , nối kết với tín, niệm, định, dục tinh tấn, và năng lực.
-1027. [Người kể] Với cảm xúc lớn, bày tỏ tôn kính, chàng trai quấn tấm da nai lên một vai, quỳ lạy đặt đầu nơi bàn chân Đức Phật
- 1029. [Đức Phật] Người Bà La Môn Bavari, hãy sống vui, an lạc với các môn đệ. Và quý vị hãy sống vui, an lạc. Và chàng trai này, mong chàng sống trường thọ.
-1030. Tất cả nghi ngờ nào Bavari, hay ông, hay bất kỳ ai có, hay bất cứ những gì trong tâm, người đều được phép hỏi.
-1031. Được Đức Phật cho phép, Ajita ngồi xuống, hai tay chắp kính lễ và hỏi Đức Như Lai câu hỏi đầu tiên.
1) Các câu hỏi của chàng thanh niên Ajita
-1032. [Ajita] Thế giới này bị những gì bao phủ? Sao nó không chiếu sáng ra được? Xin ngài nói cái gì làm nó ô nhiễm? Nỗi sợ lớn của thế giới là gì?
-1033. [Đức Phật] Vô minh bao che thế giới này. Nó không chiếu sáng được vì ngăn che bởi tham dục và không tỉnh thức (không được thấy như nó là). Tham cầu là ô nhiễm của nó. Ta nói, khổ là nỗi sợ lớn của thế giới.
2) Các câu hỏi của Tissa-Metteyya
- 1040. [Tissa] Ai thỏa mãn trong thế giới này? Ai không dao động? Ai là người trí tuệ, đã biết suốt cả hai đầu (quá khứ và tương lai), và không nhiễm ô nơi chặng giữa (hiện tại)? Ai mà ngài gọi là bậc Thượng Nhân? Ai là người vượt qua được mạng lưới tham ái thêu dệt?
-1041. [Đức Phật] Đó là người sống đời trong sạch giữa các thọ lạc, xa lìa tham, luôn luôn tỉnh thức và tịch lặng, tự quán chiếu sâu thẳm, không còn gì dao động.
-1042. Đó là một người trí tuệ, đã biết cả hai đầu nhị biên, và không dính mắc vào chặng giữa. Ta gọi đó là bậc Thượng Nhân, người đã vượt qua mạng lưới lưới thêu dệt ái nhiễm.
3) Các câu hỏi của Punnaka
-1043. [Punnaka] Đối trước người bất động, người đã thấy cội rễ, con xin nêu câu hỏi: Vì sao nhiều đạo sĩ, dân chúng, giới quý tộc và giới Bà La Môn trong thế giới này cúng lễ các vị thiên? Xin Đức Phật trả lời cho con.”
“Qua lời Phật dạy, nghi lễ tôn giáo là vô ích. Cúng lễ, hiến tế vô ích. Giải thoát là người đã thấy được xa và gần trong thế giới này (has discerned far and near in the world). Xa và gần là gì? Có thể hiểu như Kinh Sn 5.2. Nhưng Kinh Sn 5.3 không nói gì về chặng giữa, cho nên “xa và gần” có thể hiểu như nhìn thấy trong chánh niệm các pháp tập khởi và biến diệt. Đức Phật cũng dạy là phải vắng lặng và tỉnh thức và xa lìa tham với sân.”
4) Các câu hỏi của Mettagu
“Kinh này Đức Phật dạy giữ tâm vô sở trụ, không để dính mắc vào bất cứ những gì ở hướng trên, ở hướng dưới, và các hướng giữa hai phía. Như thế, thức sẽ không duyên vào sanh-hữu, xa lìa mọi thứ “cái của tôi” và như thế, sẽ giải thoát.”
- 1049. [Mettagu] Bạch Thế Tôn, xin trả lời con câu hỏi này. Con xem ngài là vị Thầy thông suốt các bộ Vệ Đà, bậc hiền trí. Vì sao vô lượng sầu khổ khởi lên cho bất kỳ ai trong cõi này?
-1050. [Đức Phật] Ngươi hỏi ta về cội nguồn sầu khổ. Ta đã Biết, ta sẽ nói: sầu khổ trong vô lượng hình thức sinh khởi vì dính mắc chấp giữ.
5) Các câu hỏi của Dhotaka
“ Kinh này bắt đầu bằng câu hỏi, làm sao tự tu học để thể nhập Niết Bàn. Đức Phật trả lời rằng pháp tịch tịnh tối thượng là đối với bất cứ những gì trên, dưới, ngang bằng chặng giữa, đừng khởi bất kỳ tâm tham ái hay tâm dính mắc nào.”
- 1061. [Dhotaka] Con xin hỏi Thế Tôn, xin mở lời dạy cho con để con có thể tự thể nhập Niết Bàn.
- 1068. [Đức Phật] Hỡi Dhotaka, với bất cứ những gì con biết, dù trên cao, dưới thấp và khắp chặng giữa, hãy hiểu rằng đây như là dây trói vào thế giới này, đừng tham đắm với bất kỳ trạng thái sinh tồn nào.
6) Các câu hỏi của Upasiva
“Làm cách nào vượt qua trận lụt lớn? Đức Phật dạy rằng hãy tỉnh thức và không nương tựa bất kỳ một pháp nào. Không một pháp nào? Thiền sư Phật Quả Viên Ngộ là người soạn ra tuyển tập công án Bích Nham Lục, vẫn thường nói rằng chư Phật không một pháp trao cho người. Trong tác phẩm “Sáu Cửa Vào Động Thiếu Thất” của Bồ Đề Đạt Ma, bản Việt dịch của Trúc Thiên, nơi những trang đầu tiên có ghi hai câu thơ của Thiền Tông Trung Hoa:
Tịch diệt thể vô đắc
Chân không tuyệt thủ phan.
(Thể Niết bàn không chứng đắc,
Chân không chặt đứt tay leo.)
Đó là nơi không thể vin tay vào đâu được. Đó là nơi không có gì để được (vô đắc) vì vốn đã có sẵn trong thể vắng lặng (trong tâm). Hễ còn vin vào bất kỳ pháp nào, dù là dính tới bất kỳ sắc thanh hương vị xúc pháp nào, đều sẽ hỏng , vì là, hễ vin vào bất cứ gì, là trên đầu mọc thêm đầu, trên tâm lại chồng thêm tâm. Và vì không hề nương vào một pháp nào, nên mới vào được Cửa Không Cửa (Vô Môn Quan).”
-1069. [Upasiva] Ô ngài Thích Ca, con đơn độc, không gì nương tựa, con không thể vượt qua dòng nước lũ lớn này. Hỡi Bậc Nhìn Thấu Suốt Tất Cả, hãy chỉ con phương tiện để vượt qua trận lụt.
-1070. [Đức Phật] Hỡi Upasiva, hãy tỉnh thức, nhìn về không một pháp nào, nương tựa “không một pháp nào” mà vượt qua dòng nước lũ. Rời dục lạc, bỏ nói năng, ngày đêm liên tục nhìn cho cạn kiệt tham ái.”
- 1076. [Đức Phật] Hỡi Upasiva. Không thể đo lường nào đối với người đã tới nơi an nghỉ giải thoát, không có gì người ta có thể mô tả về người đó, nơi tất cả các pháp đều hoàn toàn được gỡ bỏ, nơi tất cả mọi đường ngôn ngữ cũng hoàn toàn được gỡ bỏ.
7) Các câu hỏi của Nanda
- 1080. [Đức Phật] Hỡi Nanda, bất kỳ ai trong các ẩn sĩ và Phạm chí này nói rằng thanh tịnh tới từ những gì được thấy và nghe, nói rằng thanh tịnh tới từ giới luật và tuân thủ rèn luyện, nói rằng thanh tịnh tới từ nhiều cách khác nữa, mặc dù họ đang sống kềm chế như thế, ta nói họ vẫn chưa vượt qua sinh và già.
- 1083. [Nanda] Bạch ngài Gotama, con rất mực vui mừng nghe lời dạy của ngài đại đạo sư, dạy rõ ràng pháp giải thoát ra khỏi dính mắc. Bất kỳ ai nơi đây không còn dựa vào những gì được thấy, nghe, cảm thọ, không còn dựa vào giới cấm và rèn luyện tu tập, và cũng đã rời bỏ toàn bộ vô lượng cách khác nữa – hễ ai biết rõ tận tường tham ái, không còn lậu hoặc nữa – con cũng nói những vị đó đã vượt qua trận lụt.
8) Câu hỏi của Hemaka
“ Hemaka hỏi rằng, làm sao để giải thoát. Đức Phật trả lời rằng, hãy gỡ bỏ ham mê say đắm đối với bất cứ những gì khả ái, những gì dễ thương trong các cõi được thấy, được nghe, được cảm thọ, được nhận biết. Luôn luôn giữ chánh niệm như thế, sẽ giải thoát ngay trong đời này. Tuy nhiên, không mê đắm, cũng có nghĩa là không ghét bỏ. Bởi vì hễ có tâm mê đắm cái này, tất sinh tâm ghét bỏ những gì trái nghịch với nó. Hãy thấy, các pháp như thế, chỉ là như thế, hễ đủ duyên thì khởi lên được thấy nghe hay biết, không có gì phải ưa thích hay ghét bỏ. Đại Châu Thiền sư từng nói: “Định là đối cảnh vô tâm, tám ngọn gió chẳng làm lay động. Nếu chứng đặng pháp Định như thế, tuy là mang thân phàm phu mà đã và đã vào ngôi vị Phật.” Như thế, Phật chính là Tâm Bất Động vậy.”
- 1085. Ngài là Đấng Mâu Ni, con xin ngài dạy Pháp phá hủy tham ái, để người nghe hiểu được và sống một cách tỉnh thức, vượt qua những dính mắc của thế giới này.
-1086. [Đức Phật] Hỡi Hemaka, với các pháp khả ái nơi đây được thấy, được nghe, được cảm thọ và được nhận biết, hãy gỡ bỏ lòng ham mê say đắm – như thế là trạng thái Niết Bàn bất tử.
-1087. Hiểu được Pháp này, những người tỉnh thức (để gỡ bỏ như trên) sẽ giải thoát ngay trong đời này. Và luôn luôn tịch lặng, họ bước qua những dính mắc trong thế giới này.
9) Các câu hỏi của Toddayya
“Kinh này gợi nhớ tới Bát Nhã Tâm Kinh, trong đó nói rằng khi đã thấy tất cả các pháp đều rỗng rang, đều vô tự tánh, đều không tịch… thì sẽ không còn chút ái dục (với các căn), sẽ không còn chút tham, chút ước vọng nào (dù là muốn làm Phật, muốn làm Thánh). Chính nơi tịch lặng như thế là giải thoát tối thượng.”
1088. [Todeyya] Với người không còn ái dục nữa, với người không còn chút tham nào nữa, với người đã vượt qua tất cả ngờ vực – như thế là loại giải thoát nào cho người đó?
-1089. [Đức Phật] Với người không còn ái dục nữa, với người không còn chút tham nào nữa, với người đã vượt qua tất cả ngờ vực – đó chính là giải thoát tối thượng.
10) Các câu hỏi của Kappa
“Kinh này cũng nói là đừng, là chớ, là không… mà không nói là phải làm gì. Đức Phật nói rằng hỏn đảo cứu người đang bị ngập lut giữa dòng là tỉnh thức sống với pháp “Không sở hữu gì hết, không dính mắc gì hết.” Có thể gọi tắt Kinh Sn 5.10 là “ưng vô sở trụ” – như lời Đức Phật dạy trong Kinh Kim Cương.”
- 1093. [Đức Phật] Với những người đứng giữa dòng nước, trong khi lũ lụt kinh hoàng dâng cao thêm – với những người bị già chết tràn ngập, hỡi Kappa, ta sẽ nói về một hòn đảo.
-1094. “Không sở hữu gì hết, không dính mắc gì hết” – đó là hòn đảo của pháp tối thượng, ta gọi đó là Niết Bàn, nơi đoạn diệt của già chết.
11) Những câu hỏi của Jatukani
“Chàng trai Jatukanni hỏi rằng làm sao buông bỏ sinh và già. Đức Phật trả lời rằng chớ tham ái dục, nhưng cũng chớ nắm giữ hay xua đẩy gì. Và chớ để dính gì tới quá, hiện, vị lai. Nghĩa là, buông bỏ cả quá, hiện, vị lai.”
-1099. Hãy để khô héo tất cả những gì của quá khứ, và chớ hề có chút gì dính tới tương lai. Nếu con không nắm giữ gì trong chặng giữa (hiện tại), con sẽ sống trong bình an.
12) Các câu hỏi của Bhadravudha
“ Kinh này nói rằng chớ nên dính mắc bất cứ thứ gì, dù là dính mắc vào những gì ở trên, ở dưới, ở chặng giữa. Nhóm chữ “trên, dưới, chặng giữa” được Luận thư Nidd II giải thích là: tương lai (trên), quá khứ (dưới), hiện tại (giữa); cõi thiên, cõi địa ngục, cõi người; cõi vô sắc, cõi dục, cõi sắc. Trong sách “Công Án của Phật Thích Ca và Tổ Đạt Ma,” bản Việt dịch của Thầy Thích Duy Lực có một công án, như sau: “Thế Tôn thăng tòa, có một Phạn Chí cúng dường hoa ngô đồng. Phật bảo: Buông xuống đi! Phạn Chí buông hoa bên tay trái xuống. Phật bảo tiếp: Buông xuống đi! Phạn Chí buông hoa còn lại bên tay mặt xuống.
Phật lại bảo: Buông xuống đi! Phạn Chí nói: Nay hai tay con đã không còn gì, sao Phật còn bảo buông cái gì xuống nữa?
Phật nói: Chẳng phải ta bảo ngươi bỏ hoa. Ngươi phải buông xả ngoài lục trần, trong lục căn, giữa lục thức, nhất thời xả hết đến chỗ không còn gì để xả. Ấy chính là buông thân xả mạng của ngươi.
Phạn Chí ngay đó ngộ vô sanh nhẫn.”
13) Các câu hỏi của Udaya
-1105. [Udaya] Đối trước bậc Thiền nhân, ngài đã ngồi xa lìa bụi, đã làm xong việc phải làm, với lậu hoặc không còn, đã vượt qua tất cả các pháp, con xin hỏi, xin ngài nói về trí giải thoát, về phá vỡ vô minh.
1106. [Đức Phật] Hỡi Udaya, hãy buông ái dục, lìa ưu trầm, dẹp bỏ lười biếng, xa rời hối tiếc.
14) Các câu hỏi của Posala
-1112. [Posala] Đối trước người đã chỉ ra quá khứ, người đã bất động, người đã cắt đứt mọi ngờ vực, người toàn hảo trong mọi pháp, con tới với một câu xin hỏi.
-1113. Đối với người đã đoạn tận tưởng về sắc, người đã buông bỏ thân toàn bộ, người thấy cả trong và ngoài đều là “rỗng rang, không có gì”, người như thế có sẽ bị dẫn dắt đi đâu?
-1114. [Đức Phật] Hỡi Posala. Như Lai biết tận tường tất cả các nơi trú của thức, biết nơi thức trụ vào, nơi thức sẽ được giải thoát, hay sẽ bước qua bờ giải thoát.
15) Các câu hỏi của Mogharaja
- 1117. Con không hiểu về quan kiến (view, quan điểm) của người Gotama nổi tiếng về thế giới này, về thế giới khác, về cõi Phạm Thiên, về cõi chư thiên.
-1118. Do vậy, con xin hỏi vị Có Mắt Tối Thượng: Nên nhìn thế giới như thế nào để Thần Chết không nhìn thấy mình?
-1119. [Đức Phật] Hỡi Mogharaja, hãy luôn luôn tỉnh thức và nhìn thế giới như rỗng rang, với cái nhìn về tự ngã đã bứng gốc, người đó sẽ vượt qua sự chết. Thần Chết không thể thấy người đã nhìn thế giới này như thế.
Theo tác giả, gom về một lời của Đức Phật: “Hãy luôn luôn tỉnh thức và nhìn thế giới như rỗng rang, với cái nhìn về tự ngã đã bứng gốc. Như thế, chính là Bát Nhã Tâm Kinh, với lời dạy “ngũ uẩn giai không.” Nơi đây, căn-trần-thức đều rỗng rang vô tướng. Chỉ cần rút cọng tranh này ra, cả bó tranh sẽ tan rã. Vì Duyên Khởi, nên tất cả đều rỗng rang không có tự thể/ thực thể.”
16) Các câu hỏi của Pingiya
Kinh này, Đức Phật dạy hai pháp trong hai bài kệ, pháp nào cũng tới giải thoát.
1123. [Đức Phật] Hỡi Pingiya. Nhìn thấy nhân loại, nạn nhân của tham, bị hành hạ, bị tuổi già đè bẹp, do vậy, Pingiya hãy tinh tấn, buông bỏ tham và không trở lại tái sanh nữa.
17) Phần Kết: Các bài kệ ca ngợi Pháp Qua Bờ Kia -1131. [Pingiya] Tôi sẽ tụng đọc Pháp Qua Bờ Kia, như ngài đã nhìn thấy và đã giảng dạy – Ngài là bậc đại trí, bậc không nhiễm ô, bậc xa lìa ái dục, bậc mạnh mẽ, đã giải thoát, hà cớ gì ngài nói sai được.
- 1133. Đức Phật là Người Nhìn Thấu Suốt, đã xua tan bóng tối, đã tới tận cùng thế giới, đã vượt qua tất cả các sanh hữu, đã lìa xa sầu khổ, không còn cấu nhiễm, người có tên chân thực như thế - một Bậc Phạm Hạnh -- tôi theo hầu vị đó.
- 1144. Thưa ngài Phạm Chí. Con đã già, sức yếu, run rẩy, thân con không tới nơi đó được, nhưng tâm con luôn luôn hướng tới, toàn tâm bên Đức Phật.
- 1148. Người biết những gì vượt xa chư thiên, người hiểu mọi pháp cao và thấp, vị Thầy đã kết thúc các câu hỏi từ những người tự thấy còn ngờ vực nêu lên.
- 1149. Bất động, Không gì lay chuyển, Không nơi đâu sánh được. Chắc chắn, con sẽ đi tới đó, con không ngờ vực gì hết. Đức Phật hãy nhớ về con rằng con đã toàn tâm hướng về Niết Bàn.
Thay Lời Kết:
Kinh Nhật Tụng Sơ Thời do Phật nói và được các đệ tử học thuộc lòng rồi đọc tụng lúc Phật còn tại thế, đã được chư tổ hiểu, vâng giữ và thực hành và đã chứng đắc. Điều này cho thấy dù giáo lý của Đức Phật khó nhưng không phải không thể tu chứng. Công lao của cư sĩ Nguyên Giác thật lớn khi bỏ thời gian để đọc sáu (6) bản dịch tiếng Anh từ Pali rồi đối chiếu với bản dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu để cống hiến cho người tu học một bản Việt dịch rõ ràng nhất, cùng lời bình chú.Đây không phải Kinh của Phật tử bình thường mà là những lời dạy tha thiết và rốt ráo của Đức Phật cho hàng Đại Sĩ để vượt qua sinh tử luân hồi, an lạc và giải thoát, tiến tới Thánh quả.
Chúng ta cũng thấy qua kinh này, các hàng thượng trí của Bà La Môn, dù đã tu và hành trì cả đời theo Kinh Vệ Đà (Kinh Tri Thức) chứa đựng rất nhiều trí tuệ mà không tìm thấy con đường giải thoát cho nên đã phải tìm tới Đức Phật và rất nhiều vị đã trở thành đệ tử của Ngài. Ngày nay, một số đông trí thức Ấn Độ đã chuyển qua Phật Giáo vì họ nhìn thấy giá trị của Phật Giáo và từ Bà La Môn chuyển qua Phật Giáo không hề có chướng ngại về cả ba mặt chính trị, văn hóa và tâm linh. Kinh nghiệm cho thấy một tôn giáo tuyệt đối tin tưởng vào thần linh, không sử dụng trí tuệ, tin vào những điều không thấy, không có… và nhất là Chấp Ngã, tức chấp vào Cái Tôi Có Thật thì khó lòng chuyển hóa qua Phật Giáo.
Xuyên qua Phẩm Tám (Atthaka Vagga) và Phẩm Qua Bờ Kia (Parayanavagga), lời chỉ dạy tối thượng của Phật chỉ là: Từ bỏ tham dục, không tranh cãi, không để đầu óc vướng bận vào tất cả những gì đang xảy ra chung quanh mình, không nương tựa, bám víu, ẩn nấp vào đâu để sanh Tâm, không chấp giữ một cái gì, không mê luyến, ray rứt, thắc mắc về hiện tại, quá khứ, vị lai. Hiểu như thế, tự mình tu như thế, hành trì như thế…chắc chắn sẽ tới bờ giải thoát trọn vẹn mà Phật gọi đó là Niết Bàn.
Ngày nay chúng ta phải tiếp xúc với tín đồ của nhiều tôn giáo. Nhưng người con Phật chân chính không bao giờ phải vay mượn giá trị của các tôn giáo khác để minh chứng cho giá trị của Đạo Phật. Chúng ta cũng không bao giờ dùng hình ảnh của các giáo chủ của tôn giáo khác để so sánh và tôn vinh Phật. Đức Phật đã là Mặt Trời thì Mặt Trời không cần một thứ đèn, một thứ ánh sáng nào khác để tăng thêm ánh sáng hay chiếu soi cho nó. Ngoài ra, khi hành đạo, chúng ta tuyệt đối ghi nhớ lời Phật dạy trong bài kệ 929. “Người tu sĩ không mua bán gì, không làm gì để bị chỉ trích, không la cà thân cận trong xóm cư dân, không nói lời chiêu dụ để kiếm chác.” Tuyệt đối không được nói để chiều lòng người hầu kiếm chác tình cảm, tiền bạc, lợi dưỡng ... Nói để chiều lòng người là giả dối, là lừa mị.
Kinh Nhật Tụng Sơ Thời là kho báu của Phật Giáo và nên trở thành Kinh Nhật Tụng Đương Thời mà tất cả những ai mong muốn viên thành Phật quả cần phải đọc tụng mỗi ngày.
Sách do Ananda Việt Foundation xuất bản, Amazon phát hành. Quý vị có thể vào: amazon.com:books rồi đánh máy nguyen giac (chữ Việt không dấu) để mua sách.
Trân trọng giới thiệu,

California ngày 2/1/2019. PL.2563
Đào Văn Bình
___________________.
GHI CHÚ:
Toàn văn Kinh Nhật Tụng Sơ Thời và hướng dẫn mua trên Amazon có thể đọc ở đây:
https://thuvienhoasen.or...0/kinh-nhat-tung-so-thoi

Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.454 giây.