Thưa quý bạn, dưới đây là một câu chuyện thật do một nữ độc giả, gốc người Hà Nội, kể lại. Vì là
chuyện thật đã xảy ra với chính người kể nên tùy, quý vị độc giả ai muốn hiểu thế nào thì hiểu, người
kể chỉ than thở để nhẹ bớt nỗi lòng mà thôi. Tuy nhiên, theo thiển kiến của tôi, mỗi người có hoàn
cảnh và tính chất riêng, tôi không phê bình về nhân vật người mẹ, còn về người chị và người em gái
thì tôi thấy người chị rất thương em – thương một cách thông minh,
chính xác – dù họ chỉ là hai chị em cùng mẹ khác cha mà ngay đến hai người cha cũng chẳng phải là
cha chính thức. Riêng người em gái, tức người thuật lại câu chuyện, tôi thấy tác giả rất đáng quý
trọng, đúng một mẫu “cánh hoa trong bùn”: “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Quá khứ truy đuổi,
có thể họ gặp những điều bất đắc ý nào đó trong hiện tại, nhưng vấn đề chính là họ đang sống trên
một trong những đất nước văn minh, giàu có bậc nhất thế giới, mọi chuyện đối với họ rồi sẽ tốt đẹp
thôi, chắc chắn như vậy. Bây giờ xin mời quý bạn xem.
* * *
Kính thưa quý vị độc giả,
Đôi khi tôi tự hỏi, tại sao tôi lại sinh ra trên cõi đời này để phải chịu một kiếp sống khổ nạn như vậy?
Tại sao cuộc đời lại trao cho chị em tôi, cho gia đình tôi một số phận đáng phỉ báng như thế? Tôi đã
tự hỏi bao nhiêu lần rồi, cuối cùng đành tặc lưỡi mặc cho số phận đưa đẩy.
Kể ra thì nhục nhã thật nhưng xét cho cùng, đó cũng là một phần đời của mình, muốn trốn tránh, muốn
chối bỏ cũng không được, muốn tẩy xóa cũng không xong. Muốn tìm cách để sống chung với nó, đối
diện với nó thì lại là một việc không dễ dàng gì.
Mẹ tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng vào Sài Gòn lập nghiệp. Bà làm nghề gái nhảy ở quán bar từ
khi tôi chưa ra đời. Bà đẹp, song cuộc sống thác loạn ở các vũ trường làm cho bà chóng tàn.
Thời thiếu nữ, bà nổi tiếng tại vũ trường Q…, Quận I Sài Gòn, nhưng sau đó bà mau chóng trở thành
gái gọi và trôi dạt vào cuộc đời của một cô gái điếm hạng sang. Hai chị em tôi được sinh ra từ hai
cuộc tình của mẹ – một gái gọi có đại gia bao bọc. Vì mẹ đẹp nên đàn ông bất chấp mẹ làm nghề gì.
Mẹ kể, ba của chị tôi là một chủ thầu xây dựng. Chị tôi được 2 tuổi, ông bị tai nạn chết bất đắc kỳ tử
khi đang lái xe chở mẹ tôi từ Đà Lạt về Sài Gòn trong một cuộc đi ăn chơi du hí ở xứ sở sương mù.
Mẹ may mắn thoát chết trong gang tấc, mà có lẽ cũng là do trời cứu. Vì khi xe của ba lao xuống vực,
cánh cửa xe bật ra – mẹ mặc chiếc váy rộng theo kiểu di-gan – chiếc váy xòe ra, vướng vào cành cây,
mẹ mắc lơ lửng trên đó nên bám víu được vào cành cây để chờ người tới cứu.
Vụ tai nạn ấy đã làm đảo lộn hết thảy cuộc đời của mẹ. Vợ của ông chủ thầu xây dựng lồng lộn trong
hai nỗi đau, nỗi đau mất chồng mà còn chịu thêm nỗi đau bị phụ tình. Vì vậy, bà đã nhờ xã hội đen truy
lùng mẹ tôi gắt gao để xử cái tội dám cướp chồng bà, dù ông đã chết. Mẹ ôm chị tôi mới 2 tuổi trốn
chạy ra Hà Nội tránh “bão”.
Mẹ đi không kịp mang theo của cải gì ngoài mấy cây vàng phòng thân của ba sắm để nuôi con nhỏ.
Ngôi nhà ở Quận II Sài Gòn ông mua cho mẹ chưa kịp sang tên, khi mẹ bỏ chạy để tránh đòn ghen
thì bị bọn xã hội đen phong tỏa, rồi tất nhiên là vào tay “bà lớn” vợ ông chủ thầu đã chết, tức cha của
chị tôi.
Mẹ trở về Hà Nội nhưng không dám về chốn cũ. Hình như mẹ sinh ra trong một gia đình bụi đời, vì thế
nên tổ tiên, quê hương bản quán đối với mẹ cũng chỉ là thứ phù du. Tôi không biết một tí gì về họ
hàng của mẹ. Hai chị em tôi lớn lên không có khái niệm gì về ông bà ngoại, về cậu mợ hay các cô
bác, chú dì. Chỉ có bạn bè của mẹ mà chúng tôi gọi bằng dì, bằng cô hay bác mà thôi chứ không phải
ruột thịt. Tất cả bọn họ đều sống bám víu vào các quán bar như những con cú đi ăn đêm.
Mấy cây vàng không đủ cho mẹ tiêu xài và nuôi con trong các năm tháng đó. Vì đẹp nên sau khi ra Hà
Nội, mẹ lại có ngay một ông khác bao bọc. Ông này là chủ một vũ trường ở Hà Nội. Ông yêu mẹ say
mê, nên lo cho mẹ có chốn để trú ngụ và nuôi con. Thời gian này, mẹ sinh đứa con gái thứ hai là tôi.
Ông lớn hơn mẹ 25 tuổi, rất yêu mẹ nhưng tính nết gia trưởng và hay cả ghen. Mẹ thích đi nhảy, sinh
tôi được 5 tháng thì thường lén lút bỏ tôi ở nhà nhờ chị giúp việc trông nom cả hai chị em tôi, rồi đi
nhảy ở các vũ trường khác, không phải vũ trường bố tôi làm chủ.
Các đàn em của bố tôi và những người tình của mẹ tôi biết chuyện đó nên ghen ghét, báo với ông
chủ. Ông đến đánh cho mẹ tôi một trận chảy cả máu miệng ở giữa đám đông, rồi nắm tóc, kéo xềnh
xệch ra xe về nhà. Những chuyện này do chị gái tôi kể lại khi tôi đã lớn chứ lúc ấy tôi còn nhỏ, không
biết gì.
Thật ra, mẹ cũng yêu bố tôi, vừa yêu vừa dựa dẫm vào người đàn ông giàu có và lớn hơn mình 25
tuổi, chủ của vũ trường, để hy vọng sẽ được ổn định lâu dài, có chỗ ăn chốn ở và có tiền nuôi hai đứa
con, tức chị em tôi. Tuy nhiên, bản tính mẹ tôi ham vui, hơn nữa cuộc sống tự do từ nhỏ đã ăn sâu
vào máu, nên dù bị cấm đoán, đánh đập, mẹ tôi vẫn trốn để đi nhảy. Bố tôi biết không thể quản lý nổi
con ngựa bất kham đó nên đành chọn giải pháp là cho phép mẹ tôi thỉnh thoảng, lúc nào thích thì dắt
hai đứa con tới vũ trường của bố tôi để chơi. Bà được phép nhảy nhót, uống rượu, quen với người
này người khác, nhưng ông là chủ, có thể để mắt tới được.
Tuổi thơ của chị em tôi chìm đắm trong cái đời sống hão huyền đầy tiếng nói tiếng cười ấy. Đặc biệt
là chị gái tôi, chị có nhan sắc và tính nết hơi giống mẹ tôi. Trong môi trường như vậy, chị đã lớn lên và
tất nhiên là bị ảnh hưởng bởi ánh đèn màu tranh sáng tranh tối của vũ trường và bị những lạc thú trên
đời cám dỗ.
Trái với cuộc tình trước, cuộc tình này, mẹ không bị vợ của ông chủ vũ trường ghen tuông. Bà cả này
già rồi, tối ngày tụng kinh niệm Phật, lánh mình vào cõi bình an để nhẹ lòng trước thói trăng hoa của
người bạn trăm năm. Các con của ông bà cũng đã trưởng thành, người nào cũng có cơ ngơi đầy đủ.
Nghe đồn là bố tôi, người tình của mẹ – ông chủ vũ trường – còn có vài ‘phòng’ khác ngay trong
thành phố, nhưng mẹ tôi không quan tâm. Mẹ không cần biết tới bởi vì mẹ trẻ hơn, đẹp hơn họ nên có
cái giá trị của mình. Mẹ được chiều chuộng, cung phụng, song do ông chủ vũ trường không chung
thủy, nên mẹ cũng chẳng trọn tình trọn nghĩa làm gì. Những lúc ông đi vắng, mẹ như con chim được
tháo cũi xổ lồng.
Mẹ đẹp nên có nhiều người đàn ông trẻ lui tới vũ trường say mê, sẵn sàng lên giường cùng mẹ khi có
nhu cầu. Suốt tuổi ấu thơ của tôi và tuổi niên thiếu của chị tôi thường phải chứng kiến tận mắt những
chuyện tình cảm phức tạp của mẹ. Tuy nhiên, cuộc đời mẹ còn quá gian truân. Khi tôi 5 tuổi thì vũ
trường của bố tôi – tức ông chủ vũ trường – bị công an bao vây, kiểm soát.
Ông bị kết án 20 năm tù do tàng trữ và buôn bán ma túy, kinh doanh mại dâm. Mẹ tôi sa cơ lỡ bước từ
đó, đành đi làm gái mại dâm. Mẹ không còn trẻ nữa – đã ngoài 30 tuổi rồi – không có vị trí gì ở các vũ
trường mà chỉ do các khách quen ngày xưa tôn thờ nhan sắc của mẹ nên đồng ý “đi” với mẹ vậy thôi.
Mẹ vừa làm vũ nữ luống tuổi vừa kiêm cái nghề bán dâm để nuôi hai chị em tôi.
Căn nhà nhỏ hai tầng của cha tôi – ông chủ vũ trường – mua cho mẹ, bây giờ vừa làm nơi ba mẹ con
trú ngụ vừa làm chỗ tiếp khách của mẹ. Mẹ dẫn đi, dẫn về không biết bao nhiêu người đàn ông. Chị
em tôi có cái tuổi thơ nặng nề, cay đắng và tủi nhục vì hằng ngày phải chứng kiến những cảnh nhơ
nhuốc đó.
Mẹ tôi nói, cần tiền để nuôi các con, cần tiền để sống, mẹ không biết một việc gì khác ngoài việc này,
các con phải chấp nhận vậy thôi. Nếu sau này các con có thể vượt lên được số phận, kiếm được
công việc khác hơn để làm thì tốt lắm, còn bây giờ thì đừng nhìn mẹ với ánh mắt xấu hổ, nhục nhã
như vậy. Đây là nghề kiếm cơm của mẹ, các con phải nên trân trọng.
Tôi không biết tại sao mẹ lại chọn cái nghề kiếm cơm kỳ cục như thế trong khi hàng xóm chúng tôi,
mọi người chung quanh không ai chọn cái nghề mạt hạng như vậy để sống. Ngay cả việc chạy xe ôm
hay đi rửa bát đĩa thuê tôi vẫn thấy đàng hoàng hơn, tử tế hơn cái nghề lên giường với đàn ông của
mẹ.
Chị tôi chán đời vì mặc cảm với bạn bè nên bỏ học từ sớm. Chị nói với tôi: “Mẹ nói đúng. Con vua thì
lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa. Nhà mình hoàn cảnh không ra gì, tao với mày cùng mẹ khác
cha. Cha tao chết vì tai nạn, cha mày thì đi tù, tao thấy đời không thể khá hơn để ngóc lên được với
thiên hạ. Chẳng phải tao thích cái nghề gái nhảy nhưng chị em mình có nhan sắc. Tao biết tao đẹp
nên tao sẽ kiếm tiền từ chính nhan sắc của mình. Kiếm cho thật nhiều tiền rồi biến khỏi cái nghề đó.
Mày biết đấy, thân phận chị em mình thấp hèn như thế, mày bảo ngẩng mặt lên với ai? Tao đi nhảy
theo nghề của mẹ. Nếu mày chấp nhận được sự đàm tiếu của thiên hạ về gia đình mình thì chịu khó
học hành, tao sẽ nuôi mày cho mày đổi đời. Còn nếu không chấp nhận được thì tùy mày định liệu. Tao
nghĩ, tận dụng tuổi trẻ, tận dụng nhan sắc để làm giàu, kiếm được nhiều tiền rồi tao sẽ ra nước ngoài
sinh sống, lấy chồng, vĩnh viễn từ bỏ cái quá khứ đen tối”.
Chị tôi nói là làm. Năm 15 tuổi chị đã bỏ học theo mẹ đi vũ trường. Từ hồi tôi còn bé tí, mẹ đưa hai
chị em tôi tới vũ trường để khỏi phải trông coi, tôi không thích và rất khó chịu nhưng đành phải nghe
lời, còn chị tôi thì lại rất thích. Chị đẹp không kém gì mẹ. Năm 15 tuổi, tóc chị bồng bềnh, mũi dọc
dừa, mắt sâu, dáng người cao và thon thả.
Chị nhảy đẹp mê hồn. Mẹ nói với chị em tôi: “Con gái không học hành được thì kiếm lấy cái nghề mà
làm ra tiền, rồi đi biệt xứ, lấy chồng. Đời mẹ làm gái, đời chúng mày rồi cũng chẳng khá hơn được các
con ạ. Mẹ làm nghề gì các con làm nghề nấy thôi, đã mạt hạng rồi thì có cố gắng cũng không thể ngoi
lên được. Trên đời này có ai thoát khỏi cái vòng kim cô của số phận trên đầu mình đâu mà cố gắng
giãy đạp...”.
Tôi không biết rằng mẹ nói chua chát như vậy vì trong lòng mẹ luôn ẩn chứa một nỗi giày vò rất sâu
xa mà mãi sau này, khi đến cuối đời, trong cơn hấp hối mẹ mới tiết lộ cho hai chị em tôi biết gốc tích
của mẹ và họ hàng. Chị em tôi đâu hiểu mẹ có mối hận sâu thẳm đến nỗi đã phải từ bỏ gia đình, tổ
tiên, ông bà, không bao giờ ngoái lại. Mối hận ấy đã đeo bám suốt đời mẹ như cái vòng kim cô của số
phận mà mẹ cố giãy đạp cũng không thể thoát ra được.
Tôi nhớ cái đêm trước khi chị tôi quyết định bỏ học, đúng vào sinh nhật thứ 15 của chị. Từ chiều, chị
dắt tôi đi mua đồ. Hai chị em chọn hai bộ váy đẹp như trong mơ. Đó cũng là lần đầu tiên chị tổ chức
sinh nhật và tôi được cùng chị tham dự một bữa tiệc sang trọng như vậy. Tôi hỏi chị, mẹ cho tiền mua
váy và tổ chức sinh nhật hả chị? Chị cười chua chát, chị bán đời học trò của mình đấy. Từ ngày mai
chị đi làm ở vũ trường, không đi học nữa. Chị sẽ kiếm tiền nuôi mày ăn học, nếu mày có chí và quyểt
tâm. Đừng theo nghề của mẹ và chị, cay đắng lắm. Tại chị học dốt nên không thể học lên được, phần
vì mặc cảm thân phận. Chị chán học, đi bán rượu và tham gia nhảy nhót ở vũ trường cũng tốt, kiếm
nhiều tiền hơn, sau này sẽ lo được cuộc sống tốt hơn. Mẹ già rồi, không kiếm đủ tiền nuôi hai chị em
mình ăn học. Chị đi làm phụ mẹ nuôi mày. Thế nên chị quyết định bỏ học. Học cũng chẳng để làm gì
cả nên chẳng có gì phải tiếc.
Đêm sinh nhật chị, mẹ không biết mà cũng không có mặt. Mười lăm tuổi, chị đã có cả lô bạn trai vây
quanh để chiều chuộng làm chị vừa lòng. Sinh nhật chị, có một thiếu gia con nhà giàu bỏ tiền ra tổ
chức hoành tráng cho chị ở vũ trường. Bạn trai của chị toàn là dân chơi quen thuộc ở vũ trường. Sinh
nhật chị, chị uống say, sau đó cả đám bạn kéo nhau đi chơi đâu mãi đến 4giờ sáng chị mới trở về nhà.
Mẹ tôi không hề hay biết những chuyển biến quan trọng trong cuộc đời con gái mình. Mẹ mải mê mưu
sinh từ cái thân xác đã tàn tạ. Mẹ không buồn quan tâm tới việc hai con gái của mẹ đã tự xử trí cuộc
đời mình như thế nào. Bốn giờ sáng, chị quay về, đổ vật ra giường, miệng phả hơi rượu nồng nặc. Chị
úp mặt vào gối và khóc nức nớ. Chị nói với tôi, thật ra chị bỏ học chỉ vì sau một lần về nhà người con
trai cùng lớp chị thầm yêu để chơi. Trong lúc ở nhà người bạn ấy, chị đã nghe thấy lời của mẹ người
bạn nói với con trai rằng, “Sao con rước cái loại con gái nhà đó về nhà mình? Con có biết mẹ nó làm
nghề gì không? Lần sau tuyệt đối không được chơi với loại con gái nhà hư hỏng đó nữa. Mẹ cấm
tiệt”. Chị bị tổn thương và chưa bao giờ thấy cay đắng, bẽ bàng về thân phận của mình như thế. Từ
đó chị quyết định bỏ học và rời nhà ra đi.
Chị lại ngược đường vô Sài Gòn, như mẹ ngày xưa ngược đường bỏ nhà vào Nam lập nghiệp. Một
năm sau, chị đón tôi vào Sài Gòn cùng chị để chị nuôi cho ăn học. Chị nói, chị quyết tâm không để tôi
phải bỏ học như chị.
Mẹ tôi không phản đối cũng không có ý kiến gì. Càng già mẹ càng bệ rạc trên con đường cờ bạc, lô
đề. Mẹ không còn trẻ đẹp như xưa nữa để có thể kiếm tiền từ thân xác của mình. Mẹ sống bằng tiền
chị tôi gửi ra hằng tháng và mẹ lao vào cờ bạc để giải sầu. Tôi trở thành đứa con gái bị trầm cảm
nặng từ khi chị bỏ học. Tôi vào Sài Gòn cùng chị, chạy trốn Hà Nội với một quá khứ buồn thảm. Tôi
muốn chạy trốn thực tại, chạy trốn hoàn cảnh, chạy trốn nhân thân, chạy trốn khỏi những mặc cảm trĩu
nặng trong cuộc sống buồn bã của mình. Tôi vào Sài Gòn, học tiếp. Cứ cắn răng mà học, không bạn
bè, không quan tâm tới ai, không chia sẻ với bất kỳ ai. Tôi sợ ai đó biết tôi là ai, con của ai. Tôi sợ ai
đó hỏi mẹ tôi là ai, làm nghề gì, cha tôi là ai, làm nghề gì. Tôi sợ hãi nhất khi có ai quan tâm hỏi thăm
đến gia cảnh của tôi. Tôi lảng tránh và chui vào cái vỏ ốc để giấu mình.
Chị tôi vẫn đi làm đều đặn. Chỉ thường vắng nhà cả tuần, có khi cả tháng, có lẽ là đi “du lịch” với các
đại gia. Chị không chia sẻ công việc với tôi, và bản thân tôi cũng không hỏi chị về công việc. Tôi sợ
đụng chạm vào nỗi lòng chị muốn giấu kín. Tôi sợ chị lại buồn, lại khóc vì mặc cảm thân phận. Tôi
thương chị nên chỉ biết im lặng ủng hộ chị bằng việc học hành chăm chỉ của mình. Tôi đậu vào Đại
học Ngoại ngữ, và trong khi đang học năm thứ hai đại học, tôi được học bổng của Canada và chị tôi
quyết liệt bắt tôi đi Canada du học.
Sang Canada, tôi gặp và yêu một người trong cộng đồng người Việt ở bên đó. Người ấy là bạn học
cùng với tôi trong trường đại học. Chúng tôi yêu nhau và tôi không bao giờ chia sẻ cuộc sống riêng tư
của tôi ở nơi quê nhà. Tôi không kể nhiều về chị, về mẹ. Tôi tránh nói tới chuyện gia đình. Người yêu
của tôi tin tưởng tuyệt đối vào tôi. Anh chỉ biết rằng chị em tôi mồ côi cha từ nhỏ, ba mẹ con đùm bọc
nhau để sống. Chị tôi làm nghề buôn bán với mẹ ở bên Việt Nam. Tuy nhiên, sự trầm mặc và khép kín
tâm hồn của tôi với chung quanh làm cho người yêu của tôi đã có lần phải thốt lên rằng, em là một
phần bí ẩn mà anh không bao giờ chạm tới hay kiểm soát được. Anh thường nói đùa là anh yêu tôi bởi
vì tôi là một cô gái bí ẩn.
Tôi học xong chương trình đại học ở Canada. Chị tôi gửi tiền qua cho tôi tìm mua nhà và quyết định
sẽ đón mẹ tôi sang bên ấy, cả nhà sẽ định cư ở Canada.
Nhưng mẹ tôi chỉ sang được ít lâu, lại nhớ cờ bạc, đề đóm, nên không chịu ở lại. Mẹ cứ lúc đi lúc về,
chủ yếu là ở Việt Nam do những thói quen đã ăn sâu vào máu thịt của mẹ. Nơi đó có cánh bạn già cờ
bạc bệ rạc nhưng thiếu họ thì mẹ không chịu nổi. Chị tôi không nghĩ tới việc về chơi thăm Việt Nam.
Chị nói, mọi chuyện dừng lại ở đây, tại Việt Nam, chị đã kiếm tiền vừa đủ đề mua nhà và thay đổi số
phận của mình rồi, bây giờ việc của chị là kiếm được một tấm chồng, sống gần em gái cho vui.
Thế rồi, qua những lần mối mai, gặp gỡ từ tôi và người yêu của tôi, chị quen được một người Việt ở
Canada. Ngày chị tôi tới chơi nhà người yêu để ra mắt, không ngờ ông bố người yêu của chị lại đã
từng là khách ruột của chị trong những lần về chơi thăm Việt Nam. Cuộc gặp gỡ quá bẽ bàng. Chị tôi
lặng lẽ giã từ mối tình đầy đau khổ. Chị khóc với tôi rất nhiều. Chị nói, chị đã trốn chạy quá khứ, vùi bỏ
quá khứ để làm lại cuộc đời mà khó quá, sao chạy tới đâu chị cũng bị quá khứ truy đuổi thế này? Chị
không rời bỏ người ta thì người ta cũng rời bỏ chị, không còn lựa chọn nào khác.
Sau buổi ra mắt bẽ bàng ấy, chị tôi không bao giờ còn thấy người yêu gọi điện thoại hay tới tìm chị
nữa. Điều đó càng làm cho chị chán chường hơn, đau khổ hơn.
Còn tôi, thật không may là trước đám cưới của hai đứa chúng tôi mấy ngày, người quen với gia đình
chồng sắp cưới của tôi ở bên Việt Nam không hiểu sao lại biết rất rõ về mẹ tôi, đã gửi email kể lại cho
bố mẹ chồng sắp cưới của tôi về lai lịch mẹ tôi và gốc gác hai chị em tôi. Thậm chí, họ còn cho biết
bố tôi là chủ vũ trường, chuyên bán xì ke ma túy, kinh doanh mại dâm, đã ra tù và hiện đang sống
nghèo nàn ở Hà Nội.
Bố mẹ chồng sắp cưới của tôi bị sốc rất nặng, không thể tin nổi đó là sự thật nên đã có cuộc nói
chuyện với hai đứa chúng tôi và hỏi cặn kẽ về những gì họ nghe được về mẹ tôi, về chị em tôi. Tôi
không còn cách nào khác là phải thừa nhận toàn bộ câu chuyện. Nghe xong, ông bà nói với tôi rằng,
tôi là một kẻ lừa dối và họ không thể chấp nhận được sự lừa dối ấy.
Chồng sắp cưới của tôi quá sốc, bỏ nhà đi uống rượu suốt một tuần lễ không thèm nhìn mặt tôi.
Trong cuộc nói chuyện hôm ấy, anh nói rằng dù tôi có là ai chăng nữa thì cũng không nên vì muốn
che đậy mà lừa dối anh và bố mẹ anh một cách quá đáng như vậy, tôi đã làm cho cả gia đình anh bị
thương tổn.
Những ngày này cả hai chị em tôi vô cùng đau khổ và mệt mỏi. Chị tôi quyết định rủ tôi tìm cách bay
sang Pháp sống. Chị tôi nói, có lẽ phải kiếm chồng ngoại quốc may ra thì mới không bị quá khứ truy
đuổi. Tôi không muốn chia sẻ với chị hoàn cảnh của tôi lúc này. Tôi không muốn làm chị tôi buồn hơn
nữa. Tôi muốn tự mình giải quyết chuyện của mình. Nhưng chồng sắp cưới của tôi đã gặp chị và nói
thẳng ra tất cả mọi việc. Tôi và anh chỉ mới đính hôn, chuẩn bị làm đám cưới. Chúng tôi chưa có ràng
buộc và con cái gì nên nếu chia tay thì cũng đỡ đau khổ hơn cho tôi. Song tôi yêu anh và cảm thấy rất
tuyệt vọng. Thật ra, tôi không có lỗi gì với anh và gia đình anh. Người ta nói “tốt đẹp khoe ra, xấu xa
đậy lại”, chỉ vì tôi không muốn ai biết về gia đình bất hạnh của mình nên tôi đã nói dối rằng bố tôi đã
chết. Tại sao tôi không đủ can đảm để đối diện với quá khứ, để nói hết với anh rằng mẹ tôi là gái
nhảy, chị tôi cũng là gái nhảy, hai chị em tôi cùng mẹ khác cha và chúng tôi đã lớn lên mà không có
bàn tay chăm sóc của bố mình, trước khi tôi quyết định đến với anh? Tôi biết tôi đã sai lầm nhưng
trong trường hợp tôi, có ai đủ can đảm nói ra sự thật đó hay không? Để rồi giờ đây, anh và gia đình
anh cho rằng tôi là một kẻ dối trá, rằng tôi không xứng đáng với anh, không xứng đáng với gia đình
anh.
Chồng chưa cưới của tôi là con cưng trong một gia đình khá giả, từ nhỏ tới lớn anh chỉ biết có học,
được gia đình cưng chiều nên không đủ từng trải và đủ vốn sống để có thể thông cảm được với hoàn
cảnh của tôi và không thể hiểu tại sao tôi lại nói dối như vậy. Nói chung, anh chưa đủ lớn để có thể tha
thứ cho tôi nên đã chọn cách chia tay với tôi. Anh sinh ra trong một gia đình gia giáo, nền nếp, nên đối
với một đứa con gái có hoàn cảnh bờ bụi đáng thương như tôi, làm sao có thể hiểu được?
Những ngày đó hai chị em tôi rất buồn. Chị tôi lại uống rượu, lại đi vũ trường, lại tìm quên cuộc đời
trong những hộp đêm để vùi lấp nỗi thất vọng. Trong khi đó, chúng tôi được tin mẹ tôi bệnh nặng sắp
mất. Bà bị ung thư gan do hút thuốc lá và uống rượu quá nhiều. Hai chị em tôi vội bay trở lại Việt Nam.
Hóa ra mẹ bị bệnh từ lâu nhưng không chịu đi khám. Đến khi bệnh trở nặng, bạn bè đưa vào bệnh
viện thì ung thư đã đến giai đoạn cuối. Trên giường bệnh, mẹ tôi thều thào nói cho chúng tôi biết một
sự thật rất đau lòng mà xưa nay mẹ vẫn giấu kín. Nhà của ông bà ngoại tôi ở Hàng Đào. Vì một ẩn ức
với ông ngoại mà mẹ bỏ nhà ra đi. Chuyện này, bà ngoại, tức mẹ của mẹ tôi, biết rất rõ. Quá thương
con và đau đớn, chua xót, đồng thời cũng giận chồng nên cụ đã thắt cổ tự vận để tránh tiếng người
đời mai mỉa. Mẹ tôi bỏ đi một mạch không bao giờ quay trở lại. Bát hương thờ cụ được gia đình đem
lên chùa Lý Quốc Sư xin đặt ở đấy để cụ nương nhờ cửa Phật. Từ ngày bước chân ra đi, mẹ tôi coi
như không có gia đình, không có quê hương bản quán. Mẹ chôn giấu mọi chuyện nhưng lúc nào cũng
mang một vết thương lòng quá lớn. Mẹ tôi đã không tự thoát ra được tấn kịch của cuộc đời, đã chôn
vùi tuổi trẻ cộng với nhan sắc của mình trong sự trôi nổi, để đến bây giờ, hai chị em tôi phải chịu đựng
những hệ lụy của quá khứ hết sức đau buồn.
Sau tang mẹ, chị em tôi đem tro cốt của bà sang Canada. Tôi nói với chị tôi rằng, bằng mọi giá, chị
em mình vẫn phải sống và sống một cách thật tử tế để chấm dứt những bi kịch của quá khứ. Chúng
tôi sẽ sang Pháp hoặc đi dâu đó thật xa, để quá khứ sẽ không còn truy đuổi được chị em tôi nữa.
Đoàn Dự ghi chép
(Viết theo lời kể của Anna Trần)