Ông Hồ Diệu Bang, hình chụp ngày 16/06/1986.
Ngày này 30 năm về trước, các cuộc biểu tình đã nổ ra ở quảng trường Thiên An Môn khi các sinh viên ở Bắc Kinh tụ tập để thương tiếc nhà cải cách Hồ Diệu Bang.
Sinh năm 1915, ông Hồ Diệu Bang là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc cho tới năm 1987 khi ông bị hạ bệ và ông Triệu Tử Dương lên thay.
Các cuộc biểu tình khởi sự vào ngày 15/4/1989, đã kết thúc một cách đẫm máu vào ngày 4/6/1989 khi chính phủ Trung Quốc ra lệnh cho Quân đội Giải phóng Nhân dân nổ súng, và lái xe tăng cán lên hàng vạn người biểu tình, giết chết vô số người. Con số tử vong cho tới nay vẫn chưa được công khai, nhiều nguồn tin đưa ra những số liệu khác biệt, từ 50 đến 2.500 người, theo tờ New York Daily.
Đánh dấu ngày giỗ thứ 30 của ông Hồ Diệu Bang, trang mạng China Digital Times nói ông là nhà lãnh đạo đã lèo lái Trung Quốc xa lánh chủ nghĩa Mác nguyên thủy. Theo nguồn tin này, ông Hồ Diệu Bang đã đóng một vai trò quan trọng, giúp ông Đặng Tiểu Bình gầy dựng và củng cố quyền lực vào cuối thập niên 70.
Đúng 30 trước, giới sinh viên tụ tập tại quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh để thương tiếc và vinh danh ông Hồ Diệu Bang, họ đòi đảng Cộng sản đánh giá lại di sản của ông. Họ coi ông là một nhà cải cách đi tiên phong. Đối với họ, quyết định hạ bệ ông, và cái chết của ông, là một mối đe dọa cho chương trình cải cách.
Phong trào phản kháng phát triển mạnh và mở rộng mục tiêu để bao gồm yêu sách cải cách kinh tế, chấm dứt nạn tham nhũng và đòi minh bạch, bên cạnh những đòi hỏi trước đây của sinh viên, là cải thiện tình trạng các trường đại học.
Một cuộc tập họp tự phát để tưởng nhớ cái chết của nhà lãnh đạo được sinh viên kính mến, dần dà biến thành một phong trào rầm rộ, cổ vũ giới sinh viên dấn thân tham gia chính trị và tự do bày tỏ ý kiến, cuối cùng dẫn đến biến cố mà thế giới gọi là “cuộc thảm sát tại Thiên An Môn.”
Theo VOA