LS Trần Kiều Ngọc và Phóng viên Thanh Trúc tại phòng thu hình Đài RFA.
Trong chuyến thăm thủ đô Washington DC của nước Mỹ, luật sư Trần Kiều Ngọc, đến từ Adelaide Australia, chủ tịch Phong Trào Giới Trẻ Thế Giới Vì Nhân Quyền, đã có buổi gặp gở đồng hương người Việt và trình bày đề tài Làm Sao Tạo Được Sức Mạnh Đấu Tranh. Dịp này LS Trần Kiều Ngọc dành cho đài RFA buổi phỏng vấn do Thanh Trúc thực hiện.
Thanh Trúc: Thưa LS Trần Kiều Ngọc, trước hết xin cô giới thiệu đôi chút về sự hình thành và hoạt động của Phong Trào Giới Trẻ Thế Giới Vì Nhân Quyền
Luật sư Trần Kiều Ngọc: Phong Trào Giới Trẻ Thế Giới Vì Nhân Quyền của chúng em cũng mới thành lập khoảng hai năm nay thôi. Động lực mà chúng em đến với nhau để thành lập phong trào là bởi chúng em nhìn thấy nhu cầu mà tụi em thấy giới trẻ tại hải ngoại cần phải hỗ trợ cho tiếng nói của giới trẻ trong nước, nhất là dóng lên tiếng nói trung thực về sự vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Những hoạt động của chúng em, điển hình mới đây nhất là ngày 6 tháng Mười Một vừa rồi thì phong trào đã cùng một số các tổ chức đồng hành cùng một số các sắc tộc như người Duy Ngô Nhĩ, Mông Cổ, Tây Tạng… và chúng em đã tổ chức một cuộc biểu tình quốc tế tại Geneva, Thụy Sĩ, để lên án vấn đề vi phạm nhân quyền của Trung Quốc.
Mới đây hơn nữa, ngày 22 tháng Một 2019, phong trào đả cùng một số các tổ chức đã có cuộc biểu tình tầm vóc quốc tế để lên án vấn đề vi phạm nhân quyền của cộng sản Việt Nam tại Geneva, Thụy Sĩ, là mới đầu năm nay.
Thanh Trúc: Cô đánh giá thế nào về vai trò của giới trẻ trong công cuộc đấu tranh cho nhân quyền ở trong nước?
LS Trần Kiều Ngọc: Thưa bản thân em thì em cảm thấy vấn đề giới trẻ trong nước mà đứng lên, dóng lên tiếng nói về nhân quyền tại Việt Nam thì đó là một chuyện em nghĩ rất quan trọng. Bản thân em cũng như Phong Trào Giới Trẻ Thế Giới Vì Nhân Quyền đánh giá rất cao bởi vì chắc chị cũng nhận thấy trong lịch sử giới trẻ luôn luôn làm nhiều cuộc thay đổi và cuộc cách mạng, thay đổi đất nước một cách tốt đẹp hơn. Trong những năm trở lại đây thì chúng ta thấy “Cách Mạng Dù Vàng” tại Hồng Kông hay “Cách Mạng Hoa Hướng Dương” tại Đài Loan, chúng ta thấy rằng các bạn trẻ là tinh hoa của đất nước, có đầy đủ nhiệt huyết và có lòng yêu nước, có thể kêu gọi các bạn trẻ khác dấn thân. Chúng em thấy rằng chúng em cũng đặt cái hy vọng đó nơi giới trẻ quôc nội.
Thanh Trúc: Phong trào giới trẻ thu hút các bạn trẻ trong nước tham gia phong trào thế nào?
LS Trần Kiều Ngọc: Đó cũng là một khó khăn cho chúng em chứ không phải không, là bởi vì bọn trẻ chúng em tại đây đa số là sinh ra và lớn lên tại hải ngoại, và so với giới trẻ trong nước, so với Mỹ, Úc Châu hay Canada nơi tụi em đã sinh ra và lớn lên, nơi tự do và nền giáo dục và tính nhân bản mà chúng em hấp thụ được cũng rất khác so với môi trường giáo dục tại Việt Nam. Vì vậy trong việc mà giới trẻ trong nước với lại giới trẻ hải ngoại dễ dàng hiểu nhau và đến với nhau là chuyện rất khó khăn, bởi sự hiểu biết và môi trường sống rất khác.
Tuy nhiên trong thời gian qua thì cách mà Phong Trào Giới Trẻ Thế Giới Vì Nhân Quyền chúng em kêu gọi và thu hút giới trẻ trong nước là chúng em kêu gọi các bạn trẻ trong nước hãy cố gắng dấn thân vì những bất công xảy ra trên quê hương, vì những điều tàn ác đang xảy ra trong xã hội Việt Nam về mọi mặt… Những sinh hoạt cụ thể mà chúng em kêu gọi giới trẻ trong nước đến với chúng em là ví dụ năm 2017 chúng em có tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới với chủ đề “Việt Nam Con Đường Nhân Bản”. Niềm mơ ước của chúng em là làm sao cho đất nước của chúng ta, tất cả mọi người đều có thể sống và đối xử với nhau tử tế, lấy cái gốc con người làm trụ cột nhân bản. Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm 2017 có trên 200 người tham dự, thì trên dưới khoảng chừng bốn, năm chục bạn trong nước đến tham dự đại hội đó với chúng em. Bắt đầu qua những cuộc gặp gỡ như vậy thì chúng em trao đổi và hy vọng là qua những sinh hoạt như vậy chúng em dễ dàng nối kết và làm việc với nhau.
Thanh Trúc: Cô đã nói về sự khó khăn trong việc thu hút rồi kết hợp người trẻ trong nước với người trẻ ngoài này. Thế thì có điều nào có thể thấy là thuận lợi không thưa cô?
LS Trần Kiều Ngọc: Về thuận lợi thì em thấy như thế này, trải qua những biến cố lịch sử của đất nước và sự ra đi của người Việt năm 1975, có nhiều hố ngăn cách giữa giới trẻ trong nước và giới trẻ hải ngoại, tuy nhiên một điểm giống nhau ở chỗ là giới trẻ hải ngoại vì nền giáo dục gia đình nhiều bạn vẫn hướng về quê hương nguồn cội và tự hào về dòng lịch sử Việt Nam chúng ta. Và nhất là qua những sinh hoạt trên Facebook những năm gần đây cũng cho thấy giới trẻ trong nước cũng cố gắng muốn tìm hiểu sự thật về lịch Việt Nam, các bạn cũng muốn tự hào về nguồn gốc lịch sử của chúng ta. Qua đó thì em thấy đôi bên, giới trẻ trong nước và giới trẻ ngoài nước đã tìm đền nhau chung về một mối. Một mối đó là cái gì? Đó là tình yêu nước và tự hào mình là người Việt, và chúng ta không muốn đất nước mình bị rơi vào tay Trung Quốc. Em thấy điểm đó là một sức hút mà giới trẻ trong nước và hải ngoại tìm đến nhau, dễ dàng thông cảm với nhau được.
Thanh Trúc: Thưa luật sư Trần Kiều Ngọc, ngày 30 tháng Tư đã gần kề, các bạn trẻ Việt Nam sinh ra và lớn lên ở nước ngoài như cô nghĩ gì về ngày này?
LS Trần Kiều Ngọc: Đối với em 30 tháng Tư là một ngày tang thương, mặc dù em không sinh ra và lớn lên trong giai đoạn lịch sử thương đau đó, nhưng khi nhìn lại thì việc đầu tiên em nghĩ tới là cảm thấy xót xa cho thân phận của mình. Mặc dù lớn lên trong một nước tự do tại Úc Châu, được hưởng mọi quyền lợi như bao công dân Úc, chưa bao giờ em cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn. Là một người Việt Nam, trong lòng em luôn ước ao được sinh ra, lớn lên và được đóng góp ngay trên quê hương mình. Khi nghĩ lại thì bản thân em ước gì và giá gì ở tuổi này em đang được sinh sống, được đóng góp, được hít thở bầu không khí quê hương mình thay vì một đất nước không phải quê cha đất mẹ của mình.
Thanh Trúc: Theo cô, giới trẻ hải ngoại có thể đóng góp gì cho sự phát triển ở Việt Nam ngoài vấn đề về nhân quyền?
LS Trần Kiều Ngọc: Đối với em thì em cũng cảm nhận được là đất nước của chúng ta đang trải qua thời kỳ mà em cho là đen tối bởi vì có biết bao nhiêu bất công đang xảy ra. Em nghĩ nếu các bạn có được cái tâm tư, cái lý tưởng muốn thay đổi đất nước của mình để có thể sánh với các nước bạn thì em nghĩ ngoài vấn đề đóng góp cho quyền con người trên quê hương của mình, những việc cụ thể và đơn giản nhất là bắt đầu ý thức ngay từ trong bản thân cá nhân mình.
Việc đầu tiên có thể làm là vào thư viện, hoặc đơn giản lên Gogle để tìm hiểu sự thật về lịch sử Việt Nam, để mình chuẩn bị những kiến thức đó một cách trung thực và đúng đắn, từ đó có thể tìm ra được con đường và ơn gọi thực sự cho cuộc đời mình hầu đóng góp cho quê hương.
Chuyện thứ hai có thể làm được là với những bạn mà có sự may mắn ra ngoài đất nước tự do, khi các bạn thấy được những điều tốt đẹp, những nét văn minh và nhân bản ở đất nước tự do, thì các bạn hãy trở về và truyền đạt, chia sẻ những gì các bạn đã học ở đất nước tự do cho các bạn trẻ trong nước không biết gì để các bạn hiểu tự do nhân bản là thế nào. Qua những hành động đơn giản đó thì các bạn đã đóng góp rất nhiều vào sự suy nghĩ và thay đổi của người dân trong nước.
Thanh Trúc: Xin cảm ơn LS Trần Kiều Ngọc đã dành cho RFA buổi phỏng vấn này.
Theo RFA