Lục quân Hoa Kỳ trong vùng Châu Á Thái Bình Dương đang tập trận để sẵn sàng cho cuộc chiến ở Biển Đông... Báo The Express của Anh quốc hôm 16/4/2019 kể lại trong bản tin của phóng viên Claire Anderson.
Nghĩa là, Lục quân Hoa Kỳ sẽ chuyển từ các kịch bản chiến tranh ở Đại Hàn sang chiến tranh ở Biển Đông.
Cuộc tập trận lớn dự kiến trong năm 2020 sẽ có tham dự từ số lượng khoảng 1 sư đoàn Hoa Kỳ tại Biển Đông. Báo này ghi rằng có thể cùng tham dự tập trận là quân lực Philippines và Thái Lan, theo báo The Diplomat loan tin.
Tư lệnh quân lực Hoa Kỳ trong vùng Thái Bình Dương là Tướng Robert Brown nói với báo Defense News:
“Chúng tôi sẽ không tới Đại Hàn, chúng tôi sẽ vào một kịch bản chiến tranh ở Biển Đông nơi chúng tôi sẽ dồn quân quanh Biển Đông, và một kịch bản khác là chúng tôi có thể tập trận ở Biển Hoa Đông.”
Nói Biển Hoa Đông, nghĩa là Mỹ dự liệu TRung Quốc sẽ có thể tấn công Đài Loan...
Quân lực Mỹ hiện có 85,000 lính thường trực đóng ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương...
Trong khi đó, bản tin VOA ghi nhận điểm nóng trên biển Việt Nam: Giàn khoan dầu nước sâu đầu tiên của Trung Quốc trên Biển Đông do Tập đoàn Dầu khí Hải dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) xây dựng vừa bắt đầu vận hành ở biển sâu với kế hoạch cung cấp khí đốt hóa lỏng (LNG) cho các thành phố thuộc Đại Loan Khu (tức Vùng Vịnh Lớn bao gồm Quảng Châu, Hong Kong, Macau) trong tương lai, trang mạng ChinaKnowledge của Trung Quốc và Hoàn Cầu Thời báo đưa tin.
Giàn khoan Hải Dương Thạch Châu 981, vốn là tâm điểm cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Việt Nam hồi năm 2014 khi nó được đưa vào vùng biển thuộc thềm lục địa của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa, có thể vươn tới độ sâu 4.600 mét. Đây là giàn khoan nước sâu đầu tiên do Trung Quốc chế tạo, và cũng là giàn khoan nước sâu đầu tiên nằm ở vùng biển phía đông Biển Đông.
Việc hoàn thành giàn khoan này là một bước đột phá của Trung Quốc và được cho là sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa Trung Quốc với các nước phương Tây về công nghệ và năng lực khoan dầu.
Một khi giàn khoan này bắt đầu sản xuất thì khí hóa lỏng sẽ được vận chuyển về trạm đầu mối của CNOOC ở cảng Cao Lan thuộc Chu Hải nơi cung cấp năng lượng cho Đại Loan Khu. Việc có thể vận chuyển khí hóa lỏng qua đường ống từ đầu mối Chu Hải đến Đại Loan Khu sẽ góp phần lớn trong việc giảm chi phí vận chuyển và cung cấp một nguồn năng lượng sạch đáng tin cậy cho sự phát triển của khu vực.
Biển Đông, nơi Bắc Kinh có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với một số nước trong đó có Việt Nam và Philippines, được cho là có trữ lượng dầu mỏ dồi dào. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ ước đoán vùng biển này có khoảng 190 ngàn tỷ foot khối khí đốt và 11 triệu thùng dầu.
VOA ghi rằng theo tờ Hoàn Cầu thời báo nhận định rằng việc Trung Quốc làm chủ được công nghệ tân tiến nhất trong việc khai thác dầu ở vùng biển sâu sẽ giúp phá vỡ thế độc quyền công nghệ của Mỹ để làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ trên Biển Đông.
Do đó, tờ báo này, vốn được cho là có lập trường diều hâu trên các vấn đề chủ quyền của Trung Quốc, cho rằng đây là một bước đi đột phá để giúp các nước có tranh chấp hợp tác cùng khai thác.
“Điều khôn ngoan là các nước này nên bỏ qua các tranh chấp chủ quyền và tìm kiếm sự hợp tác cùng khai thác thay vì đối đầu. Thành công của Hải Dương Thạch Châu 981 có thể được xem là điểm khởi đầu để thúc đẩy sự khai thác chung nguồn tài nguyên dầu hỏa và khí đốt ở Biển Đông cho dù điều này không hề dễ dàng,” tờ Hoàn Cầu Thời báo kêu gọi.
Cũng theo tờ báo này thì kể từ khi được xây dựng hồi năm 2012, giàn khoan này đã thực hiện 32 cuộc khoan thăm dò, nhưng đây là lần khoan khai thác nước sâu đầu tiên.
Trong khi đó, bản tin RFA ghi nhận rằng Việt Nam sẽ cử hai tàu hộ vệ dự lễ kỷ niệm 70 năm Hải quân Trung Quốc.
Hai tàu hộ vệ tên lửa của Việt Nam là 011- Đinh Tiên Hoàng và 015-Trần Hưng Đạo vừa rời cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa hôm 14/4 để lên đường sang thăm Trung Quốc, dự lễ kỷ niệm 70 năm Hải quân Nhân dân Trung Quốc ở thành phố Thanh Đảo, miền đông nước này. Truyền thông trong nước loan tin này hôm 15/4.
Đại tá Nguyễn Đình Hùng, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân, dẫn đầu đoàn Việt Nam sang dự lễ kỷ niệm.
Theo truyền thông trong nước, chuyến đi nhằm củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp giữa quân đội hai nước, góp phần thúc đẩy đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc, tăng cường hợp tác, giao lưu hải quân với các nước trên thế giới thông qua các hoạt động đa phương.
Vào ngày 23 tháng 4, Trung Quốc sẽ có buổi kỷ niệm 70 năm Hải quan nước này với sự tham gia của các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo trong buổi diễu hành ở Hoàng Hải.
RFA ghi thêm:
“Nhật Bản, Philippines và Nam Hàn cho biết sẽ gửi tàu chiến đến tham dự lễ kỷ niệm. Tuy nhiên Hoa Kỳ không gửi tàu chiến nào mà chỉ cử Tham tán quân sự tại Đại sứ quán đến dự lễ kỷ niệm.”
Trong khi đó, bản tin RFI nhìn theo dòng tiền Trung Quốc: tiền này sẽ mua được cán bộ gộc nào trong các nước láng giềng?
RFI ghi rằng sau Sri Lanka, Malaysia hay Maldives, giờ đến lượt Indonesia. Các dự án đầu tư của Trung Quốc bị các ứng cử viên đem ra «mổ xẻ» để công kích nhau, với lập luận rằng đầu tư Trung Quốc có nguy cơ đe dọa đến an ninh kinh tế và chủ quyền quốc gia. Đây là cảm giác bất an thật sự trước các khoản đầu tư «hậu hĩnh» của Trung Quốc, hay đó chỉ là «một chiêu bài» để vận động tranh cử?
Thứ Tư, 17/04/2019, Indonesia sẽ tổ chức tổng tuyển cử để bầu tổng thống và Quốc Hội. Jakarta cũng như các nước châu Á dân chủ khác đều cần đến nguồn vốn của Trung Quốc để phát triển cơ sở hạ tầng yếu kém.
Thế nhưng, tâm lý bài Trung Quốc cũng tăng theo số lượng dự án đầu tư của Bắc Kinh tại Indonesia. Người dân nước này lo sợ nguy cơ bị mất chủ quyền tại những cơ sở trọng yếu của nền kinh tế, cũng như rủi ro mắc nợ Trung Quốc quá cao, mà Sri Lanka là một ví dụ điển hình.
RFI ghi rằng dưới thời tổng thống Widodo, hàng tỷ đô la đầu tư của Trung Quốc đã ồ ạt đổ vào Indonesia. Là một đảo quốc rộng lớn được hình thành từ 17.000 đảo nhỏ, Indonesia cần nguồn vốn của Trung Quốc để phát triển các cơ sở hạ tầng quan trọng như đường xá, sân bay, đường sắt… Theo số liệu chính thức, riêng trong năm 2018, Jakarta và Bắc Kinh đã ký kết nhiều thỏa thuận đầu tư trị giá tổng cộng 23 tỷ đô la.
Một số doanh nghiệp Trung Quốc đã có mặt trong nhiều dự án lớn, trong đó có dự án xây khu công nghiệp trên đảo Celebes và một dự án đường tầu hỏa tốc hành nối Jakarta và Bandung, trị giá 6 tỷ đô la. Đây cũng chính là hai dự án bị phe đối lập khai thác triệt để, kích động nỗi sợ ở người dân về một làn sóng công nhân Trung Quốc ùa sang và tỷ lệ mắc nợ cao đáng lo ngại.
Mà nỗi sợ «người Hoa» này cũng không phải là một điều gì mới mẻ tại đất nước có 250 triệu dân và đại bộ phận là theo Hồi giáo. Người dân Indonsia từ lâu đã có hiềm khích với cộng đồng người Hoa trong nước, nhất là với những người giầu, vốn kiểm soát một phần quan trọng nền kinh tế Indonesia. Họ cũng từng là mục tiêu của các cuộc thanh trừng «chống Cộng sản» trong những năm 1960 và các cuộc thảm sát năm 1998, vào thời điểm chế độ Suharto sụp đổ.
Giờ đây, với những dòng vốn đầu tư Trung Quốc ồ ạt đổ vào Indonesia, thái độ «bài người Hoa» còn gia tăng mạnh mẽ. Bởi vì «vốn đầu tư Trung Quốc bị gán với cộng sản và bị cho là một mối đe dọ » như lưu ý của bà Trissia Wijaya, chuyên gia về kinh tế Đông Nam Á, tại đại học Murdoch của Úc.
Đây quả là một mảnh đất «mầu mỡ» cho phe đối lập khai thác. Trong cuộc đấu này, chưa biết ai thắng ai. Nhưng có một điều chắc chắn là khái niệm « Quốc gia trước đã » của ông Donald Trump đang trở nên thịnh hành.
RFI ghi thêm rằng:
“Prabowo Subianto, 67 tuổi, mang tư tưởng bài Trung Quốc, chủ trương «chủ nghĩa dân tộc sáng suốt» thông qua một chính sách gọi là «Indonesia First». Phải chăng đã đến lúc tổng thống Mỹ cần đăng ký bản quyền cho khái niệm «Nước Mỹ trước đã!»?”
Trong khi đó, dân tộc Việt Nam không có quyền chọn lựa gì... vì người dân không có quyền bầu cử trong mộtc hế độ đa đảng...
Nghĩa là, đành bó tay để xem Trung Quốc bơm tiền mua cán bộ, và đồng hóa từ từ. Đồng tiền từ TQ chính là các cột đồng mới của Mã Viện.
Trần Khải