Cuộc chiến Việt Nam đã xem như chấm dứt được bốn mươi năm nhưng vẫn còn để lại những “Hội Chứng Việt Nam” trong lòng tất cả con dân nước Việt. Cho đến ngày nay, kể cả những người từng tham dự cuộc chiến, cầm súng chiến đấu vẫn không nhận chân được vấn đề là bản chất của cuộc chiến Việt Nam? Chiến tranh Việt Nam có phải là cuộc chiến để giành độc lập dân tộc như Cộng Sản Việt Nam vẫn rêu rao tuyên truyền? Thật vậy, đồng bào miền Bắc nhất là các đảng viên đoàn viên bị nhồi nhét tuyên truyền “Bác Hồ” là người yêu nước và đảng Cộng sản Việt Nam có công giành lại độc lập từ tay thực dân Pháp. Trong khi đó, Đồng bào trong Nam thì chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến tranh ý thức hệ để ngăn chặn làn sóng đỏ, bảo vệ miền Nam tự do. Đối với đa số quần chúng nhân dân thì hiểu đơn giản là cuộc nội chiến Nam Bắc tương tàn. Thật vậy, đối với quần chúng và nhất là giới nghệ sĩ thì đó là một cuộc nội chiến tương tàn “Ba mươi năm nội chiến từng ngày ...” nồi da xáo thịt “Người chết hai lần ... thịt da nát tan!” khiến hơn 4 triệu đồng bào Việt Nam ở miền Bắc đã hi sinh cho một cuộc chiến vô nghĩa. Sở dĩ tập đoàn Việt gian Cộng sản còn tồn tại tới giờ này vì đa số đảng viên CS tuy thất vọng về tập đoàn lãnh đạo Việt gian CS nhưng vẫn còn biện minh, bám víu vào luận điểm cho rằng Hồ Chí Minh và đảng CSVN có công giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Một khi biết rõ sự thật lịch sử thì họ sẽ cùng với toàn dân đứng lên chuyển đổi lịch sử trong nay mai.
Trong chuyến thăm Hoa Kỳ của TBT đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đã cùng với TT Hoa Kỳ ký kết “Tầm Nhìn Chung Việt-Mỹ”. TBT Đảng CSVN đã tuyên bố “Cuộc chiến Việt Nam được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Đối với nhân dân Việt Nam, đó là cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Thế nhưng cuộc chiến đó không nhằm chống lại đất nước Hoa Kỳ và càng không phải chống lại nhân dân Hoa Kỳ”. Đây là một sự kiện chuyển biến lịch sử nên lần đầu tiên, Quốc Hội Hoa Kỳ đã chính thức tổ chức lễ Tưởng Niệm 58 ngàn quân nhân Hoa Kỳ đã hy sinh vì lý tưởng Tự do trong cuộc chiến Việt Nam.
Cuộc chiến Việt Nam, chấm dứt ngày 30 tháng Tư năm 1975 sau khi quân đội Mỹ hoàn toàn rút về nước theo chương trình Việt Nam hóa chiến tranh, là cuộc chiến tốn nhiều giấy mực và không biết bao nhiêu tranh cãi cũng như bất đồng về sự tham chiến của người Mỹ 50 năm trước. Đã có 58.000 binh sĩ Hoa Kỳ bỏ mình trên chiến trường Việt Nam, hàng trăm ngàn người trở về với thương tích trên thân thể và nỗi đau trong tâm hồn của người lính bị cho là tham dự không chính đáng vào một cuộc chiến ở một đất nước khác ngoài Mỹ quốc. Thế nhưng, lời tuyên bố của TBT Đảng CSVN mới đây đã phủ nhận toàn bộ cái gọi là “Cuộc Chiến Chống Mỹ Cứu Nước” mà họ tuyên truyền mấy chục năm nay. Lời tuyên bố trên cũng thừa nhận sự sai lầm của đảng CSVN đã hy sinh hơn 5 triệu đồng bào cho một cuộc chiến phi nghĩa, mặt khác nó thừa nhận một sự thật bi thảm phũ phàng mà cố TBT đảng CSVN Lê Duẫn đã thú nhận tập đoàn Việt gian CS là công cụ tay sai khi tuyên bố “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Sô, đánh cho Trung Quốc”.
Năm mươi năm sau, ngày 8 tháng Bảy 2015, bốn hôm sau Lễ Độc Lập July 4th, quốc hội Hoa Kỳ lần đầu tiên tổ chức buổi lễ kỷ niệm chính thức, mời những cựu chiến binh Hoa Kỳ thuộc các binh chủng từng chiến đấu ở Việt Nam từ đầu thập niên 1960, để nói lên lời cảm ơn đồng thời ghi nhận sự hy sinh cao cả của những lính chiến đó. Mở đầu buổi lễ, chủ tịch hạ viện John Boehner mời tất cả những cựu chiến binh hiện diện trong khán phòng đứng dậy. Trong tiếng vỗ tay vang dội của gần một ngàn người tham dự, ông John Boehner ngỏ lời tri ân những chiến sĩ mà nay tuổi đã xế chiều. Chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến phức tạp, kéo dài và gây nhiều tranh luận nhất, ông nói, những chiến sĩ hải lục không quân cũng như bộ binh Mỹ khi còn là những thanh niên trai tráng đã can đảm nghe theo mệnh lệnh quân ngũ dấn thân vào một cuộc chiến đắt giá trên nhiều nghĩa. Theo ông, đất nước và nhân dân Mỹ phải nhớ ơn một thế hệ trẻ đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình cho lý tưởng tự do mà giá trị của nó luôn được ghi nhận. Chính vì vậy, chúng ta phải tìm hiểu bản chất của cuộc chiến hay nói cách khác, hiểu rõ ý đồ của các thế lực quốc tế toan tính những gì trên xương máu mồ hôi và nước mắt của toàn dân Việt Nam, từ đó chúng ta mới thấy rõ toàn bộ vấn đề.
Để hiểu rỏ bản chất cuộc chiến Việt Nam, với tư cách một người nghiên cứu lịch sử trên quan điểm dân tộc, chúng tôi chỉ đưa ra những nhận định trung thực không nhằm mục đích tuyên truyền cho một chế độ nào, một đảng phái chính trị nào. Chúng ta cùng lược duyệt các sự kiện lịch sử trọng yếu, các hiệp ước quốc tế liên quan đến Việt Nam đối chiếu với thực tế chính trị sau đây:
- Hiệp Ước Patenôtre 1884 ký kết ngày 6-6-1884 giữa triều đình nhà Nguyễn và thực dân Pháp qui định Nam Kỳ Tự trị và Pháp chính thức áp đặt chế độ bảo hộ Bắc và Trung Việt Nam.
- Ngày 9-3-1945, Quân Phiệt Nhật lật đổ Thực dân Pháp. Ngày 11-3-1945, Cơ Mật Viện triều Nguyễn họp khẩn cấp và ra tuyên bố “Huỷ bỏ Hiệp ước 1884 và Khôi phục chủ quyền cuả Việt Nam”. Ngày 12-3-1945, Cao Miên tuyên bố độc lập và ngày 15-4-1945, Lào tuyên bố độc lập. Ngày 8-5-1945, Chính phủ Trần Trọng Kim tuyên bố chương trình Hưng Quốc, lá cờ “Quẻ Ly” được chọn làm quốc kỳ và bài “Đăng Đàn” của triều đình nhà Nguyễn được chọn làm quốc ca.
- Ngày 17-8-1945, Tổng hội giáo giới tổ chức cho công chức Hà Nội biểu tình để ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim. Cuộc biểu tình diễn hành qua các đường phố thì cán bộ CS trương cờ đỏ sao vàng biến cuộc biểu tình của công chức thành biểu tình ủng hộ mặt trận Việt Minh. Ngày 19-8-1945, biểu tình lớn tại nhà hát lớn Hà Nội, mặt trận Việt Minh xuất hiện cùng với cờ đỏ sao vàng xuất hiện nhiều nơi. Việt Minh “Cướp Chính quyền”, chiếm các công sở trong thành phố. Ngày 22-8-1945, Mặt Trận Việt Minh chính thức xuất hiện tại Hà Nội và Sài Gòn, Hoàng Đế Bảo Đại tuyên chiếu thoái vị.
- Ngày 2-9-1945, Hồ Chí Minh độc “Tuyên ngôn Độc lập” và trình diện chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hà Nội. Ngày 11-11-1945, Đảng CS Đông Dương tuyên bố tự giải tán để trở thành “Nhóm Nghiên cứu Mác Xít”.
- Ngày 6-3-1946, Hồ Chí Minh ký kết hiệp ước sơ bộ với Pháp cho phép quân Pháp đổ bộ vào Bắc bộ thay thế quân đội Trung Hoa hậu thuẫn cho Việt Nam Quốc Dân Đảng để rảnh tay tiêu diệt đối thủ là Việt Nam Quốc Dân Đảng. Ngày 19-12-1946, Chiến tranh Việt Minh và Pháp bùng nổ bắt đầu từ Hà Nội.
- Ngày 5-6-1948 công bố bản Tuyên ngôn Vìệt Pháp trên chiến hạm Duguay-Trouin tại vịnh Hạ Long giữa Cao Ủy Pháp Émile Bollaert và Thủ tướng Lâm thời Nguyễn văn Xuân. Tuyên ngôn vịnh Hạ Long minh định Pháp quốc thừa nhận Việt Nam là một quốc gia Độc lập và thống nhất trong Liên Hiệp Pháp với tư cách một quốc gia liên kết.
- Ngày 18-1-1950, nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc chính thức thừa nhận nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Ngày 31-1-1950, Liên bang Sô Viết thừa nhận Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh lãnh đạo đã chính thức đứng vào hàng ngũ các nước cộng sản nên Trung Quốc bắt đầu công khai viện trợ vũ khí tối tân cho VNDCCH.
- Ngày 7-2-1950, Hoa Kỳ, Anh quốc thừa nhận quốc gia Việt Nam do Quốc Trưởng Bảo Đại lãnh đạo để ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa CS xuống Đông Nam Á. Kể từ thời điểm này, cuộc chiến Việt Nam không còn là cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc mà đã trở thành cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa 2 hệ thống tư tưởng: Chủ nghĩa CS và chủ nghĩa Tư Bản của thế giới tự do.
- Ngày 20-7-1954, Ký kết thỏa ước ngưng bắn giữa Giữa Pháp và Việt Minh. Tuyên bố chung kết Hội nghị Genève qui định các điều khoản chính trị về việc tạm thời chia đôi đất nước và tổ chức Tổng tuyển cử được Anh, Pháp, Ai Lao, Trung Quốc, Liên Sô, Cambodia và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thỏa thuận. Tuyên Bố Chung kết không được thi hành vì Hoa Kỳ không thỏa thuận và không hỗ trợ Tuyên Bố Chung này. Ngay khi các bên vừa đặt bút ký kết hiệp định, Ngoại trưởng Trần văn Đỗ khóc và tuyên bố “Chính phủ Quốc Gia Việt Nam phản đối việc ký kết hiệp định đình chiến trái với nguyện vọng độc lập và thống nhất của dân tộc Việt Nam cũng như sự lạm quyền của Tổng tư lệnh Pháp tự ý ấn định ngày tổng tuyển cử… Tuy nhiên, Việt Nam cũng cố gắng hoan nghênh mọi nỗ lực để tái lập hòa bình và không dùng võ lực để cản trở việc thi hành hiệp định”.
- Ngày 4 tháng 9 năm 1958, Trung Cộng tuyên bố quyền làm chủ biển Đông. Ngày 14-9-1958, Thủ tướng VNDCCH gửi thư cho Thủ tướng quốc vụ viện Chu Ân Lai “Ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của chính phủ nước Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc”.
- Mao Trạch Đông tuyên bố trắng trợn ý đồ xâm chiếm Miền Nam Việt Nam như sau: “Chúng ta phải giành cho được Đông Nam châu Á, bao gồm cả Miên, Nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malaysia và Singapore. Việt Nam là bàn đạp tiến xuống phía Nam, chúng ta phải chiếm cho bằng được …”. Cộng sản Việt Nam nhận chỉ thị phát động cuộc chiến tranh “Giải phóng” miền Nam VN. Tháng 4 năm 1959, Ủy ban Trung ương đảng họp lần thứ 15 quyết định dùng vũ lực xâm chiếm miền Nam Ngày 20-12-1960: Hà Nội công bố Mặt Trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam do LS Nguyễn Hữu Thọ làm chủ tịch.
- Ngày 27-1-1973 Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hòa, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam đã ký HIỆP ĐỊNH CHẤM DỨT CHIẾN TRANH VÀ TÁI LẬP HÒA BÌNH TẠI VIỆT NAM Hiệp Định Hòa Bình Paris nhằm "kết thúc chiến tranh và tái lập hòa bình tại Việt Nam". Vào lúc ký hiệp định, VNCH kiểm soát 75% lãnh thổ và 85% dân số. Trong đó, điều 15 qui định "Việc thống nhất nước Việt Nam sẽ được thực hiện từng bước bằng phương pháp hòa bình trên căn bản thương nghị và thỏa thuận giữa Miền Nam và Miền Bắc, không bên nào cưỡng ép bên nào, không bên nào thôn tính bên nào, thời gian thống nhất sẽ do Miền Nam và Miền Bắc Việt Nam đồng thỏa thuận".
TỔNG KẾT CUỘC CHIẾN TRANH VIỆT NAM
Việt Nam với bờ biển dài như hình chữ S nhìn ra biển Đông Thái Bình Dương, khống chế toàn bộ hải trình từ Đông sang Tây và ngược lại nên được xem như “ngã tư giao thương quốc tế”. Ngoài vị trí “địa lý chiến lược” hết sức quan trọng, Việt Nam còn có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và một hải phận rộng 1 triệu km2 với trữ lượng dầu hỏa tiềm tàng đã khiến các cường quốc luôn tìm mọi cách xâm chiếm, can thiệp vào Việt Nam. Lịch sử cận đại chứng minh khu vực Đông Nam Á nói chung và Đông Dương nói riêng là một khu vực địa lý-chính trị và quân sự nên cuộc chiến tranh ở Việt Nam kéo theo cả Đông Dương (Việt, Miên, Lào) và cả khối Đông Nam Á trong cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo ở vùng này.
Ngày 3-2-1930 Hồ Chí Minh thành lập đảng CSVN đến tháng 10-1930 theo chỉ thị của Cộng sản quốc tế đổi tên là đảng Cộng Sản Đông Dương. Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chánh thực dân Pháp. Ngày 11-3-1945, Cơ Mật Viện triều Nguyễn họp khẩn cấp và ra tuyên bố “Huỷ bỏ Hiệp ước 1884 và Khôi phục chủ quyền cuả Việt Nam”. Ngày 12-3-1945, Cao Miên tuyên bố độc lập và ngày 15-4-1945, Lào tuyên bố độc lập. Như vậy, Việt Nam trên nguyên tắc đã chính thức độc lập kể từ ngày 11-3-1945 với chính phủ Trần Trọng Kim đầu tiên trong lịch sử. Cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp mà Cộng Sản phát động dưới danh nghĩa giải phóng các dân tộc Việt Miên Lào trong thực chất là để bành trướng chủ nghĩa Cộng Sản, nhuộm đỏ cả Đông Dương để mở đường cho Trung Cộng tiến xuống Đông Nam Á. Ngày 14-1-1950, Trung Quốc công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 31-1-1950 Liên Sô công nhận Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa là nhà nước Công Nông đầu tiên ở Đông Nam Á nên ngày 7-2-1950, Anh, Hoa Kỳ và các nước tự do công nhận chính phủ quốc gia Bảo Đại. Hồ Chí Minh lãnh đạo chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã chính thức đứng vào hàng ngũ Cộng Sản nên cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc đã trở thành chiến tranh ý thức hệ giữa Cộng Sản và tư bản, đưa dân tộc Việt Nam vào thế khốn cùng. Để lợi dụng lòng yêu nước của toàn dân, ngày 11-11-1945, đảng Cộng Sản Đông Dương giải tán rồi thành lập đảng Lao Động (16-3-1951) trá hình của đảng Cộng Sản để lãnh đạo phong trào Việt Minh.
Ngày 2-6-1948, thành lập chính phủ Trung Ương Lâm thời do Nguyễn văn Xuân làm Thủ Tướng, ban hành Hiến chương Lâm thời của nước Việt Nam, chọn quốc kỳ cờ vàng ba sọc đỏ và bài “Thanh niên Hành khúc” sau khi đã đổi lời của Lưu Hữu Phưóc làm quốc ca. Ngày 5-6-1948 công bố bản Tuyên ngôn Vìệt Pháp gọi là Tuyên ngôn vịnh Hạ Long minh định Pháp quốc thừa nhận Việt Nam là một quốc gia Độc lập và thống nhất trong Liên Hiệp Pháp với tư cách một quốc gia liên kết.
Từ tháng 8-1945 đến 1-1946, Hồ Chí Minh đã gửi 8 bức thư cho TT Harry S Truman và bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kêu gọi Hoa Kỳ xin được công nhận và giúp ngăn quân đội Pháp trở lại Đông Dương. Thế nhưng, toán OSS cơ quan tình báo chiến lược của Hoa Kỳ ở Đông Dương do Thiếu tá Thomas More và Đại úy Patty sống cùng với Hồ Chí Minh trong hang Pắc Pó đã báo cáo Hồ Chí Minh tên thật là Nguyễn Ái Quốc, nhận chỉ thị của Đệ tam quốc tế CS nên vẫn sinh hoạt đảng, hát quốc tế ca, học tập chủ nghĩa Mác Lê. Chính vì vậy, Hoa Kỳ đã không công nhận chính phủ Hồ Chí Minh. Nếu là bất cứ người Việt Nam nào thì vận mệnh đất nước Việt Nam đã thay đổi ngay từ lúc đó, nếu không độc lập ngay thì cũng hưởng qui chế chế độ Ủy trị của Liên Hiệp Quốc. Đặc biệt là sau thế chiến lần thứ hai, với sự ra đời của Liên Hiệp Quốc và nhất là chủ trương giải thực của Tổng Thống Hoa Kỳ Roosevelt đã mở đầu cho phong trào dân tộc tự quyết của các quốc gia Đông Nam Á. Indonesia tuyên bố độc lập ngày 17 tháng 8 năm 1945, Hoa Kỳ trao trả độc lập cho Philippines năm 1946, Burma giành lại độc lập từ tay người Anh năm 1948 và Pháp chính thức rút khỏi Đông Dương sau hiệp định Genève 20-7-1954. Người Anh đã trao lại độc lập cho Malaya năm 1957 và sau đó là Singapore, Sabah và Sarawak năm 1963 trong khuôn khổ Liên bang Malaysia
Từ thực tế lịch sử trên, nếu Hồ Chí Minh không đem chủ nghĩa Cộng Sản vào Việt Nam thì đất nước chúng ta đã độc lập mà không phải hy sinh oan uổng hàng triệu người Việt Nam vô tội cho tham vọng xâm lược bành trướng của Cộng sản. Chính Cộng Sản Việt Nam đã phản bội kháng chiến để thỏa hiệp với thực dân Pháp, ký kết hiệp định Genève ngày 20-7-1954 chia đôi đất nước trong lúc cao trào kháng chiến của toàn dân đang trên đà thắng lợi.
Chính phủ quốc gia Việt Nam không đặt bút ký kết hiệp định Genève để phản đối sự cấu kết giữa Cộng sản và thực dân Pháp chia đôi đất nước. Nguồn sử liệu của Đảng Cộng Sản Việt Nam sau này cho biết Trung ương đảng đã nhận chỉ thị của đảng Cộng Sản Trung Quốc phải ký kết chia đôi đất nước. Ngay khi vừa ký hiệp định, Cộng Sản Việt Nam đã chỉ thị cho 85 ngàn đảng viên chưa bị lộ rút vào hoạt động bí mật, chôn giấu hơn 1 vạn súng và nhiều điện đài. Đến năm 1955, bộ máy chỉ đạo của đảng từ xứ ủy, tỉnh ủy đến huyện ủy đã được sắp xếp xong và chuyển hướng hoạt động bí mật chờ thời cơ.
Ngày 8-9-1954, Liên minh Phòng thủ Đông Nam Á (Southeast Asia Treaty Organization gọi tắt là SEATO) được thành lập bao gồm 8 nước là Australia, Pháp, Anh, New Zealand, Pakistan, Philippine, Thái Lan và Hoa Kỳ để ngăn chặn sự xâm lược của chủ nghĩa Cộng Sản xuống Đông Nam Á. Ngày 20-11-1954, Thủ tướng Pháp Mendès France viếng thăm Hoa Kỳ xác nhận: “Chấm dứt sự kiểm soát của Pháp về kinh tế, thương mại và tài chánh tại Việt Nam: Chuyển giao quân đội Quốc gia cho Việt Nam, chuyển giao trách nhiệm huấn luyện quân đội quốc gia cho Hoa Kỳ và rút hết quân đội Viễn chinh Pháp ra khỏi Việt Nam”. Ngày 9-8-1955, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm tuyên bố chính phủ của ông không ký hiệp định nên không bị ràng buộc bởi hiệp định Genève và việc bầu cử không thể thực hiện được “Chừng nào mà chế độ Cộng Sản chưa cho phép người dân Việt nam được hưởng những quyền tự do dân chủ và những quyền căn bản của con người.”.
Ngay sau khi vừa đặt bút ký hiệp định Genève, Ban chấp hành trung ương đảng Lao Động trá hình của đảng Cộng Sản Việt Nam đã họp để chuẩn bị sách lược đấu tranh thống nhất đất nước. Các cơ sở đảng để lại sau hiệp định có nhiệm vụ phát động nhân dân đấu tranh chính trị đòi hiệp thương giữa 2 miền Nam Bắc, thực hiện tổng tuyển cử, phong trào hòa bình Sài Gòn Chợ Lớn đòi các quyền tự do dân chủ… Để đối phó với các hoạt động nằm vùng này, giữa năm 1955, chính phủ Ngô Đình Diệm cho phát động chiến dịch “Tố Cộng” trên toàn quốc. Trước những thiệt hại nặng nề này, Cộng Sản Việt Nam quyết định tiến hành khủng bố và ám sát những viên chức địa phương, những giáo viên có lập trường quốc gia. Theo báo cáo của tòa Đại sứ HK thì cuối năm 1960 đã có 700 viên chức Việt Nam Cộng Hòa bị sát hại. Tháng giêng năm 1959, đảng Lao Động (CSVN) ra nghị quyết kết hợp đấu tranh chính trị với lực lượng vũ trang, chuyển người và vũ khí vào miền Nam. Tháng 3 năm 1959, chính phủ Ngô Đình Diệm tuyên bố đặt Việt Nam Cộng Hòa trong tình trạng chiến tranh.
Sau khi Trung Cộng đánh chiếm Tây Tạng năm 1959, Mao Trạch Đông tuyên bố: “Chúng ta phải giành cho được Đông Nam châu Á, bao gồm cả Miên, Nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malaysia và Singapore.Việt Nam là bàn đạp tiến xuống phía Nam, chúng ta phải chiếm cho bằng được …” nên tháng 4 năm 1959, Ủy ban Trung ương đảng họp lần thứ 15 quyết định dùng vũ lực xâm chiếm miền Nam. Ngày 20-12-1960, Mặt Trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam do LS Nguyễn Hữu Thọ làm chủ tịch được thành lập với chiêu bài “Đánh đổ chế độ thuộc địa trá hình của đế quốc Mỹ và chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, xây dựng một miền Nam độc lập, dân chủ, hòa bình và trung lập, tiến tới thống nhất tổ quốc”. Đầu năm 1961, quân đội giải phóng Miền Nam Việt nam hoạt động mạnh với 3 thành phần gồm đội quân chủ lực là binh sĩ miền Bắc và cán bộ tập kết trở về, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ hoạt động hiệu qủa ở miền Nam. Chính phủ Hoa Kỳ đưa ra sách lược chống du kích do sir Robert Thompson người Anh cố vấn cho chính phủ Ngô Đình Diệm, đồng thời gia tăng quân số, vũ khí với sự giúp đỡ của cố vấn Hoa Kỳ. Giữa năm 1961, kinh tế gia Eugene Staley được phái sang cố vấn chính phủ Việt Nam Cộng Hòa thành lập Ấp Chiến lược để tách rời dân chúng ra khỏi sự kiểm soát khống chế của quân Cộng sản. Ngày 11-10-1961, Thống tướng Maxwell Taylor được TT Kennedy cử sang nghiên cứu tình hình nghiêm trọng của VN về phúc trình lên TT là để ngăn chặn quân xâm nhập từ miền Bắc qua biên giới Lào cần ít nhất là 3 sư đoàn quân chiến đấu Mỹ. Bản phúc trình của bộ trưởng quốc phòng Mac namara và bộ trưởng Ngoại giao Dean Rush đều nhấn mạnh trách nhiệm của Hoa Kỳ là phải bảo vệ Việt Nam khỏi rơi vào tay Cộng sản. Bản phúc trình viết “… Chúng ta phải chuẩn bị để đưa lực lượng chiến đấu Hoa Kỳ vào Việt Nam nếu điều đó cần thiết để thành công. Tùy theo hoàn cảnh, có thể quân đội Hoa Kỳ cũng phải đánh vào nguồn xâm lược ở Bắc Việt”.
Trước tình hình này, TT Ngô Đình Diệm ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc ngày 15-10-1961. Ngày 3-2-1962, thành lập ủy ban trung ương đặc trách ấp chiến lược do cố vấn Ngô Đình Nhu chỉ huy. Theo báo cáo kết qủa 1 năm thực hiện đã lập xong 5.917 ấp chiến lược qui tụ 8 triệu dân. Bộ chỉ huy yểm trợ Quân sự Hoa Kỳ (MACV) được thành lập, số cố vấn quân sự tăng từ 700 lên 12.000 người vào giữa năm 1962.
Ngày 23-7-1962, Hiệp định Trung lập Lào được ký kết, phe tả đã đưa Pathet Lào vào chính phủ liên hiệp để không cho Hoa Kỳ can thiệp vào tình hình Lào. Đồng thời, quân Cộng sản vẫn sử dụng đường mòn Hồ Chí Minh ở phiá Đông do phe Pathet Lào kiểm soát để chuyển vận ồ ạt vũ khí đạn dược vào chiến trường miền Nam. Từ năm 1962, đường mòn được mở rộng để cho những đoàn xe tải dài từ 50 đến 75 dặm (miles) di chuyển vào ban đêm dưới sự bảo vệ của trên 70 ngàn quân chính qui Cộng sản. Mỗi tháng có thể chuyển được 8 ngàn quân và 10 ngàn tấn vũ khí đạn dược cung ứng cho nhu cầu chiến trường ngày càng ác liệt.
Trong khi quân Cộng sản quấy rối khắp nơi thì tình hình chính trị miền Nam có nhiều rối loạn kể từ cuối năm 1960 với cuộc đảo chánh của tư lệnh lực lượng nhảy dù. Cuộc đảo chánh do các đảng phái quốc gia tổ chức tuy thất bại nhưng chứng tỏ Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã không được sự ủng hộ của toàn dân. Ngay từ khi về nhận chức Thủ Tướng, ông Ngô Đình Diệm đã được sự ủng hộ nồng nhiệt của quân đội quốc gia và 1 triệu đồng bào di cư. Chính sự ủng hộ này khiến TT Ngô Đình Diệm và nhất là cố vấn Ngô Đình Nhu có những tính toán chủ quan sai lầm dẫn đến sự sụp đổ của nền đệ nhất Cộng Hòa. Việc dẹp Bình Xuyên là cần thiết nhưng dẹp luôn các giáo phái khác và các đảng phái quốc gia nhất là áp dụng triệt để dụ số 10 ngăn cấm hoạt động của một số hội đoàn, các tôn giáo đã gây nên sự chia rẽ trong hàng ngũ quốc gia. Ngày 7-7-1963, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đã tự vẫn trong tù để lại di chúc “Lịch sử” đắng cay cho những người quốc gia: “Đời tôi để lịch sử xử, tôi không chịu để ai xử tôi cả. Sự bắt bớ và xử tội tất cả các phần tử đối lập quốc gia là một tội nặng sẽ làm cho nước mất về tay cộng sản. Tôi chống đối sự đó và tự hủy mình cũng như Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để cảnh cáo những người chà đạp mọi thứ tự do”.
Đầu tháng giêng năm 1963, Cộng quân tấn công ấp Bắc gây tiếng vang bất lợi cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa tại quốc hội Hoa Kỳ. Theo phúc trình của phái bộ quân sự Mỹ Macv thì Cộng quân kiểm soát được gần một nửa dân số và lãnh thổ về ban đêm. Ngày 15-12-1964, bộ trưởng quốc phòng Mac Namara phải sang Việt Nam thị sát tình hình. Một kế hoạch có tên là Oplan 34A áp dụng biện pháp mạnh để thuyết phục Hà Nội vì lợi ích của chính họ mà từ bỏ ý định xâm lược miền Nam. Kế hoạch chưa thi hành thì vụ Maddox xảy ra. Hạm trưởng chiến hạm Maddox loan báo chiến hạm bị các tiểu đĩnh của Cộng Sản dự định tấn công ngoài hải phận quốc tế từ ngày 2 đến 4 tháng 8-1964. Ngày 5-8-1964, sau cuộc họp với lãnh tụ lưỡng đảng quốc hội, TT Hoa Kỳ Johnson ra lệnh oanh tạc Bắc Việt. Nghị quyết “Vịnh Bắc Việt” được quốc hội thông qua ngày 7-8 với đa số phiếu tuyệt đối ở hạ viện và 88/2 ở thượng viện cho phép quân đội HK được tham chiến mở đầu cho thời kỳ chiến tranh khốc liệt nhất tại Việt Nam từ 1965 đến 1973.
Trước khi có những biện pháp quyết liệt, ngày 13-8 TT Johnson đã nhờ trung gian Seaborn trong phái đoàn Canada gặp Phạm văn Đồng một lần nữa để nhắc lại đề nghị của Mỹ hồi tháng 6 về việc “nhận viện trợ hay bị tàn phá?” thì Phạm văn Đồng nhẹ nhàng nhắc Seaborn rằng lần sau trở lại với những đề nghị mới của Mỹ nên dựa trên căn bản hiệp định Genève. Ngày 6-2-1965, Thủ Tướng Liên Sô Kossygin đến Hà Nội và lớn tiếng cảnh báo Hoa Kỳ chớ động đến Bắc Việt Nam. Không quân Liên Sô chuyên chở Hỏa tiễn Sam cùng các loại vũ khí tối tân, cố vấn và bộ đội chiến đấu phòng không đến Việt Nam dưới danh nghĩa chuyên viên. Ngày 7-2-1965, quân Cộng sản tấn công phi trường Pleiku, máy bay Mỹ từ đệ thất hạm đội tấn công cơ sở quân sự ở Đồng Hới. Chiến dịch “Sấm Rền” với hàng trăm phi cơ tấn công các kho đạn, các cầu đường ở miền Bắc.
Sau khi đưa ra các đề nghị không được Cộng Sản Việt Nam chấp nhận, ngày 8-3-1965 hai tiểu đoàn Thủy quân lục chiến đổ bộ Đà Nẵng để giữ an ninh cho phi trường. Cộng Sản Việt Nam tuy tuyên bố mạnh nhưng cũng hiểu rõ quyết tâm của Hoa Kỳ nên Phạm văn Đồng mới bắn tiếng đề nghi Hoa Kỳ thương thuyết trên căn bản hiệp định Genève. Khi Hoa Kỳ leo thang oanh tạc miền Bắc thì quốc tế Cộng Sản phải vận động tuyên truyền cho phong trào phản chiến trên toàn thế giới chống chiến tranh. Ngày 16-10-1965, những cuộc biểu tình chống chính sách Mỹ tại VN được tổ chức đồng loạt tại London, Copenhagen, Stockholm, Brussels, Rome và 40 thành phố ở Hoa Kỳ.
Tính đến cuối năm 1965 thì số quân Mỹ tham chiến là 175 ngàn. Chi phí chiến tranh cũng tăng lên đến 2,9% của ngân sách quốc gia. Ngày 29-9-1967, Tổng Thống Johnson đọc diễn văn ở San Antonio hứa ngưng oanh tạc nếu Cộng Sản Việt Nam không lợi dụng việc ngưng oanh tạc để đưa thêm người và vũ khí vào miền Nam. Hà Nội bác bỏ đề nghị có điều kiện này để chờ tình hình bầu cử TT Hoa Kỳ năm 1968 sẽ thuận lợi hơn. Tình hình chiến sự năm 1967 cho thấy quân Cộng Sản đã không đương đầu được với lực lượng cơ động “Tìm và diệt” của quân đồng minh. Tuy đạt được vài thắng lợi nhưng sau đó bị tiêu diệt nên lực lượng bị tiêu hao dần. Chính vì vậy, Cộng Sản Việt Nam quyết định đốt giai đoạn phát động “Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa” để giành thắng lợi quyết định trước khi ngồi vào bàn hội nghị. Lợi dụng dịp tết Mậu Thân, Hà Nội kêu gọi hưu chiến 48 giờ. Chính phủ VNCH tuân thủ lệnh hưu chiến cho quân đội công chức về quê ăn tết. Ngày 30-1-1968, Hà Nội ra lệnh tổng tiến công Mậu Thân trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa. Ngày 11-2-1968, Việt Nam Cộng Hòa ra lệnh Tổng Động viên. Ngày 24-2-1968, quân lực Việt Nam Cộng Hòa tái chiếm thành phố Huế. Theo thống kê thì 4.954 binh sĩ VNCH tử trận, 3.895 binh sĩ Hoa Kỳ và các nước đồng minh và 14.300 thường dân bị chết oan. Về phiá Cộng Sản đã thú nhận thất bại nặng nề vì “đánh giá cao lực lượng mình, đánh giá thấp lực lượng địch và do tư tưởng nóng vội muốn giành thắng lợi lớn, kết thúc chiến tranh nhanh nên nhiều vùng nông thôn giải phóng của ta trước đây bị địch chiếm. Mục tiêu của cuộc tổng tiến công và tổng nổi dậy không đạt được đầy đủ. Lực lượng của ta bị tổn thất nhiều với 111.306 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và chính trị ở miền Nam đã hy sinh và bị thương…”. Sau cuộc tổng tiến công tết Mậu Thân, về phương diện quân sự thì hầu như toàn bộ lực lượng quân giải phóng bị tiêu diệt. Về phương diện chính trị cũng hoàn toàn thất bại vì nhân dân miền Nam không những không ủng hộ mà còn chán ghét ghê tởm hành động dã man của cộng quân. Nếu đồng minh Hoa Kỳ và VNCH biết khai thác thời cơ, huy động các sư đoàn chủ lực thiện chiến như lực lượng nhảy dù, Thủy quân Lục chiến, Biệt Động quân tung ra những trận đánh thẳng vào miền Bắc thì tình hình có thể đã thay đổi.
Sự kiện tòa đại sứ Mỹ bị tấn công và hơn 3 ngàn quân nhân Mỹ tử thương đối với nhân dân và quốc hội Mỹ là một tổn thất hết sức nặng nề về mặt tâm lý. Người dân bất bình với chính quyền Johnson vì danh dự bị tổn thương, đời sống khó khăn hơn vì phải đóng thuế thêm 10% cho ngân sách quốc phòng. Ngay trong đảng dân chủ, TT Johnson bị nhóm chủ hòa phê phán chỉ trích. Ngày 31-10-1968, TT Johnson tuyên bố ngưng các cuộc tấn công trên lãnh thổ Bắc Việt trừ khu vực dưới vĩ tuyến 20 và đề nghị mở hòa đàm với Bắc Việt. Đồng thời TT Johnson tuyên bố sẽ không ứng cử và cũng không chấp nhận đảng dân chủ đề cử để hậu thuẫn cho Phó TT Humphrey tranh cử Tổng Thống. Ứng cử viên Mac Govern của đảng dân chủ với lập trường chủ hòa, sẵn sàng lập chính phủ liên hiệp với Mặt Trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam nên chính phủ Việt Nam Cộng Hòa không chịu tham gia hòa đàm. Trong khi ứng cử viên Nixon của đảng Cộng Hòa với lập trường cứng rắn tuyên bố úp mở rằng đã có kế hoạch bí mật để chấm dứt chiến tranh Việt Nam đã thắng cử với đa số phiếu cử tri đoàn (302/191) và 43,3%/ 42,7% số phiếu cử tri. Sau khi TT Nixon nhậm chức ngày 20-1-1969, thì phiên họp chính thức đầu tiên giữa “Hai phe, bốn bên” bắt đầu ngày 25-1-1969 với sự tham dự của phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa. Trong bài diễn văn ngày 14-5-1969, TT Nixon xác định quân đội Hoa Kỳ và quân đội Cộng Sản Bắc Việt đồng thời rút khỏi miền Nam Việt Nam và Hà Nội phải ngưng mọi cuộc tiếp viện về người và vũ khí cho Mặt Trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam. Cộng Sản Việt Nam chủ trương vừa đánh vừa đàm để khai thác thời cơ bầu cử TT Hoa Kỳ sẽ tạo lợi thế cho họ. Về phía Hoa Kỳ, Nixon tiếp tục chủ trương Việt Nam hóa chiến tranh. Ngày 8-6-1969, TT Hoa Kỳ Nixon họp với TT Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn văn Thiệu tại Midway loan báo sẽ rút 25 ngàn quân nhân Mỹ khỏi VN trước tháng 8. Để mở đầu cho kế hoạch Việt Nam hoá chiến tranh, bộ trưởng quốc phòng HK yêu cầu quốc hội chuẩn chi 156 triệu mỹ kim để tăng cường khả năng chiến đấu của quân đội Việt nam Cộng Hòa. Hoa Kỳ chuyển giao phi cơ, chiến hạm, máy bay trực thăng, xe quân sự đủ loại, hơn 1 triệu khẩu súng M 16 cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa cũng tăng quân số từ 850 ngàn lên khoảng 1 triệu binh sĩ. Ngày 15-11-1969, hơn 250 ngàn người biểu tình tuần hành tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn cùng với các cuộc biểu tình khác ở Pháp, Tây Đức và Anh. Đây là cuộc biểu tình phản chiến lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.