Hình bìa tập thơ
Nhà thơ Đỗ Nguyên Mai vừa ấn hành tập thơ cho ngày 30 tháng 4 năm 2019: Battlefield Blooming.
Tập thơ ấn hành cho ngày tưởng niệm 44 năm Miền Nam sụp đổ dày 60 trang, viết bằng Anh ngữ, vì bản thân nhà thơ Đỗ Nguyên Mai thuộc thế hệ trẻ tại Hoa Kỳ, trước giờ chỉ làm thơ tiếng Anh.
Thi tập do nhà xuất bản Sahtu Press (https://sahtu.press/) ấn hành.
Tập thơ gồm 40 bài thơ, trong đó có bài dài hai trang -- như bài “The Warrior’s Wife” trang 8-9 -- và có bài ngắn chỉ 4 câu.
Tuy là rất kiệm chữ, nhưng nhiều bài thơ ngắn mang sức mạnh rất lớn, đặc biệt đối với người Việt tỵ nạn (và có thể là xúc động cho tất cả những người tỵ nạn toàn cầu).
Thí dụ như bài thơ bốn dòng, trang 13 như sau:
THE REFUGEES
Bones washed
barren onto shores,
we smell of salt;
we open wounds.
Nơi đây, người giới thiệu sách xin dịch như sau:
NHỮNG NGƯỜI TỴ NẠN
Xương dạt
trơ trụi vào bờ,
chúng tôi ngửi thấy muối,
chúng tôi mở các vết thương.
.
Đó là một hình ảnh bi thương, đặc biệt đối với một nữ sinh viên như Đỗ Nguyên Mai -- bên cạnh vai trò nhà thơ, cô hiện đang là nột nhà nghiên cứu chính trị Mỹ gốc Á châu từ Santa Clarita, California.
Cô đã hoàn tất bậc Cử nhân tại Washington College, và đang theo đuổi học vị Tiến sĩ ở University of California, Riverside.
Cũng nên ghi rằng đây là thi tập thứ nhì của cô.
Thị tập đầu tiên là Ghosts Still Walking (NXB Platypus Press, 2016) và bây giờ là Battlefield Blooming.
Cô sinh viên gốc Việt này bước vào đại học và nhìn thấy hình ảnh mình hiện ra trên sách giáo khoa như thế nào?
Bài thơ 6 dòng nơi trang 18 cho thấy mắt nhìn của cô gắn liền với lịch sử Việt Nam bi thương, như sau:
TEXTBOOKS
My fingers cut
on hesitation,
reach to turn the page.
They say
the soldiers’ blood
is still drying.
Người điểm sách xin dịch như sau:
SÁCH GIÁO KHOA
Các ngón tay tôi bị cứa
khi do dự,
đưa tới lật sang trang.
Người ta nói
máu các chiến sĩ
vẫn còn đang khô dần.
Nhà thơ Đỗ Nguyên Mai suy nghĩ về cuộc chiến Việt Nam, về cội nguồn Âu Cơ khi làm bài thơ xin Mẹ Âu Cơ cứu... Bài thơ này dài, nơi đây trích dịch hai đoạn giữa như sau:
Một lần, tên con là Mai, nhưng rồi
nó là Mei & Marie & Mia và
Hán Triều & Đông Dương & Cuộc Chiến Việt Nam và
bây giờ tàu của chúng con chìm, nặng trĩu các xác chết vô danh,
rơi vào giữa tâm bão lửa không thể thoát ra -
chúng con nghĩ đây là địa ngục nhưng chính là bụng mẹ;
chúng con biết mẹ là ánh sáng nhưng chúng con tin rằng mẹ là điêu tàn.
Đã bao nhiêu kiếp con đã làm trái lòng mẹ, thưa Mẹ?
Cô Đỗ Nguyên Mai từ khi còn sinh viên đã sáng lập ra tạp chí thơ Rambutan Literary (https://www.rambutanliterary.com/) , và hiện cô cũng là Chủ bút tạp chí The Santa Clarita Valley Proclaimer.
Cần ghi nhận rằng cô có riêng trang nhà ở:
http://donguyenmai.com/ Một bài thơ nơi trang 40 cho thấy những suy nghĩ của cô về gia tộc tổ tiên:
ON THE QUESTION OF ANCESTRY
They ask family tree,
I see ash,
I see a pale hand
flicking matches
to the roots,
a library
in perpetual flame.
Nơi đây, xin dịch là:
CÂU HỎI VỀ GIA PHẢ
Họ hỏi cây gia phả
Tôi thấy tro,
Tôi thấy một bàn tay mờ nhạt
bật các que diêm
tới các gốc rễ,
một thư viện
trong ngọn lửa bất tận.
Nhà thơ Đỗ Nguyên Mai phát hành thi tập Battlefield Blooming đúng vào ngày 30 tháng 4/2019. Tuy nhiên, cần nói rằng, có một lỗi nhỏ nơi trang 5 trong thi tập Battlefield Blooming: nhà thơ Đỗ Nguyên Mai ghi rằng chị Nhất Chi Mai (người để lại 10 di thư kêu gọi hòa bình trước khi tự thiêu năm 1967) là ni cô -- thực ra chị Nhất Chi Mai không phải ni cô, chỉ là nữ cư sĩ đời thường.
Đúng vào ba năm trước, vào đúng ngày 30-4-2016, cô Đỗ Nguyên Mai có buổi đọc thơ tại The Open Book ở thị trấn Valencia (thuộc quận Los Angeles, California) -- Tập thơ đó nhan đề “Ghosts Still Walking” (Những Bóng Ma Vẫn Đang Bước Đi).
Độc giả có thể đọc thêm về nhà thơ Đỗ Nguyên Mai qua các trang:
https://www.rambutanliterary.com/http://donguyenmai.com/Người điểm sách xin bày tỏ lời ca ngợi: Rất mực trân trọng các sáng tác của nhà thơ Đỗ Nguyên Mai.
Phan Tấn Hải/Việt Báo