Mấy năm trước, tôi cứ tủm tỉm cười khi chuyện tưởng là nói chơi ai dè là thật! Chuyện con cái ở Mỹ khi trưởng thành thì chúng thích sống riêng, không thích sống chung nhà với cha mẹ nữa để được tự do hơn, không ai càm ràm về chúng nữa. Vậy tôi cười tôi cho đỡ buồn sau khi bà xã tiễn con, hiền nội mua tặng cho tôi căn nhà, vì chồng về già cũng nên ra khỏi cửa như con khôn lớn!
Cha mẹ ơi! Hồi đầu tôi tưởng chuyện bà xã nói chơi cho vui. Nhưng hồi đi xem và ký giấy tờ mua thêm căn nhà nữa thì tôi đâm lo, vì nào giờ có biết lo gì đâu! Bây giờ ra riêng với căn nhà của riêng mình thì phải lo từ A tới Z. Đồng thời nghĩ đến việc được ở riêng một mình một căn nhà cũng râm ran vui trong lòng vì không bị ai càm ràm mình nữa… nên cứ tủm tỉm cười khi nghĩ đến con lớn ra riêng, chồng già cũng thế! Cái xứ mình tới nhập cư này lắm trò dở khóc dở cười…
Nhưng cười không trọn nụ vì từ đó tôi buồn vì hết dám ăn xài như xưa bởi phải trả tiền nhà, điện nước hàng tháng; tiền thuế nhà cuối năm là chật vật dữ lắm… Hỏi mượn má xấp nhỏ thì cứ như đường nhựa không đi mà đi vào đường rừng, đường đèo núi làm gì cho tiến thoái lưỡng nan!
Cuối cùng là chùm đèn ở bàn ăn cứ tối mò mò như đèn dầu năm nẳm. Nhớ chùm đèn bàn ăn ở nhà cũ, tôi cứ thấy thích, ưng bụng về thầm mỹ cho toàn căn nhà là mua, không cần biết giá bán bao nhiêu vì người trả bill không phải tôi. Nhưng nhờ vậy mà nhà cũ có bộ bàn ăn và chùm đèn như ý! Bây giờ tự lo cho cái nhà riêng để biết công sức của người trả bill đã mấy chục năm rồi! Thương quá trời luôn, vì hôm tôi quyết định đi mua bộ bàn ăn nên nhờ một người bạn trẻ search trên online xem có chỗ nào bán rẻ hơn không? Anh bạn trẻ cũng càm ràm mình y chang bà xã, “anh hoang phí quá! Để từ từ em kiếm rồi em mua cho…” Nhưng nó hay thật, cuối cùng nó mua cho tôi bộ bàn ăn bằng gỗ sồi, mới toanh, tám ghế ngồi của ông bà Mỹ nọ bán hết gia tài để cùng đi viện dưỡng lão. Họ mua bốn ngàn năm trăm, chưa xài, bán bốn trăm rưỡi, bị trả giá ba trăm. Đồng ý luôn. Đời cò kè khi còn thời gian. Khi mặt trời lặn, đời là phù du. Tôi tin thế!
Hai anh em mua xong thì trời đã xế chiều, chở về. Lòng riêng để đó vì nói ra với đám bạn trẻ như nước đổ đầu vịt, nước đổ lá khoai… chỉ còn việc rửa bàn liền chiều đó, đãi nó và đám bạn trẻ ở địa phương một chầu. Ai cũng khen bộ bàn thật đẹp và rẻ quá, nhưng chùm đèn bàn ăn như đèn dầu quê ta năm xưa…
Thế là tôi bớt xài, tiện tặn. Nhưng khi biết giá bán của một chùm đèn bàn ăn mà mình ưng ý thì hoàn toàn không rẻ chút nào! Hôm than thở với bà xã thì… gặp lại người thương xưa cũ, “Vậy bây giờ anh biết thương em chưa? Bao nhiêu năm rồi, cứ anh thích cái gì là mua cái nấy, không cần biết bao nhiêu…”
Nói ra thêm chuyện lòng càng xót xa. Tôi cứ lặng lẽ rời những tiệm bán đèn với tâm niệm: Thà không có còn hơn có cái không ưng ý! Cuối cùng cái ưng ý, ưng ý nhất… thuộc về trời ban chứ không ai đủ bản lĩnh để chọn lựa!
Hôm đó, bà chị vợ bị bệnh ta bà nên cảm mưa. Vợ bảo chở đi thăm. Ừ thì… già rồi cũng phải biết “dạ” chứ cứ ngang bướng hoài như con nít sống lâu năm sao! Đến nhà chị vợ, hai chị em thủ thỉ trong phòng, mình tôi ngoài phòng khách cô đơn vì ông anh cột chèo đã rửa cẳng leo lên bàn thờ. Tôi nhìn sang bên kia đường nhà chị vợ tôi, một bà Mỹ già ngồi ngủ gục vì gian hàng garage sale của bà quá ế! Nhưng tôi thấy được một thùng các tông lớn màu trắng, có in hình chùm đèn bàn ăn. Khi tôi sang xem thì nhầm bụng, chùm đèn này bán từ hai tới ba trăm là mua được!
Ai dè bà Mỹ già chờ người nghe chuyện chứ không chờ người mua, nên giá cả không thành vấn đề. Bà nói với tôi, “Chồng tao. Nó già lắm rồi! Nhưng nó không bao giờ tin là nó trèo thang còn không nổi thì làm sao gắn được chùm đèn này lên bàn ăn. Rồi chùm đèn không tương xứng với bàn ăn nhỏ xíu, phòng ăn nhỏ xíu, nhà nhỏ xíu, cũ kỹ, xấu xí… Nó cứ nhất định mua chùm đèn này đã mấy năm, đến nay thì nó ở trong viện dưỡng lão rồi… nên tao bán garage sale trước khi tao…bán nhà ”
“Vậy bà muốn bán bao nhiêu?”
“Năm đồng!”
“Tôi xin gởi bà năm đồng tiền đèn. Và xin gởi thêm bà chút tiền để mua quà cho ông trong viện dưõng lão cho ông vui…”
Hôm bà xã ghé tệ xá xem chỗ ở của thằng lớn, (bà xã tôi có ba con trai là thằng chồng, thằng con trai lớn với thằng út). Bà xã khen “giàn đèn bàn ăn đẹp quá!” Tôi vui cả năm trời. Vui chữ “giàn” thay cho chữ “chùm”. Mỗi người có quan niệm riêng, tôi cho là giàn đèn thì phải bạc triệu mới đáng là giàn, còn lại là chùm hết! Cả quê hương chỉ là chùm khế ngọt thì chùm tuy nhỏ hơn giàn, nhưng chùm là chùm, người ta có nhiều chùm tuy nhỏ nhưng giá trị hơn giàn nhiều… chùm khế ngọt là quê hương trong lòng người viễn xứ, còn giàn lãnh đạo quê xưa, quê xa của những người viễn xứ là thứ bỏ đi.
Đùa với chữ nghĩa thì bao la, nhưng tôi biết được điều quan trọng là bản thân có thể lặng lẽ ra về tay không khi món hàng ưng ý trong cửa tiệm có giá quá mắc. Nghĩ lại mà thương biết chừng nào chùm khế ngọt là cô bạn học cũ, má xấp nhỏ.
Rồi ha! Bây giờ trong tệ xá của thằng lớn, hễ muốn đọc sách thì bưng cuốn sách ra bàn ăn mới đủ sáng để đọc sách. Một hôm giớ sớm thu về, hốt lá bỏ bà, không người banh bao rác cho trút lá, không ai pha nước chanh đường cho giải khát… Tui hết hồn khi nghĩ tới căn nhà cũ thì cây to lớn hơn nữa, lá nhiều hơn nữa, má xấp nhỏ làm sao kham nổi. Tui lái về căn nhà đã từng ấp lẫm đồ garage sale từ thời mới sang Mỹ, cái gì cũng mua cho có để xài thôi, có được căn nhà để ở đã là Ơn trên ban bố. Rồi cũng một tay tui hiện đại hoá, thay đổi thành căn nhà hiện đại với toàn thứ mắc tiền… nhưng chỉ cây sồi ngoài ngõ là tui không thay đồi được. Nó già cỗi đi nên lá không nhiều, nhưng u uẩn rễ nổi lên mặt cỏ vì thiếu người chăm sóc, thiếu tưới… nhớ những đường gân xanh nổi lên hai bàn tay má xấp nhỏ do thiếu người chăm sóc, thiếu sự quan hoài…
Cây sồi già nhìn tôi cười cười, ơn cứu mạng nó năm hạn hán không dám kể nên tôi nhận sự khinh bỉ ra về.
Tôi về tệ xá vì má xấp nhỏ đã mướn Mễ cắt cỏ, hốt lá, dọn vườn, chẳng còn việc gì để làm. Nhưng những trang sách mở ra dưới ánh đèn bàn ăn lộng lẫy nơi tệ xá. Sách thánh hiền không thể vương mùi phàm phu nơi bàn ăn. Nhưng chùm đèn phòng sách cũng u u như đèn hột vịt ở quê nhà thì làm sao đọc. Tôi cũng đã mấy lần ghé những tiệm bán đèn để tuyển chùm đèn cho phòng sách, nhưng hầu như chùm đèn nào tôi ưng ý thì túi tiền tôi chê nên cứ ra về tay không. Đọc sách là tốt, nhưng đòi hỏi căn phòng, ánh sáng thích hợp là hơi quá đáng. Biết vậy nhưng ban ngày còn đi cày thì thời giờ đâu mà đọc, khi có thể thì phải lên đèn mà đèn chê mắt hay mắt chê đèn thì chữ nghĩa cũng lem nhem như nhau. Tôi cần chùm đèn phòng sách với hai yêu cầu, một là đủ sáng để đọc, hai là đủ trang trọng với chữ nghĩa. Kẹt. Đủ sáng thì đèn LED bây giờ rẻ chứ không mắc lắm, nhưng đủ trang trọng với chữ nghĩa thì hơi phiền túi tiền. Nên tôi lang thang như mây… tới sáng nay trời bỗng dưng trở lạnh khi đã sang xuân. Thời tiết khùng điên của Texas thì miễn bàn. Sáng cuối tuần đi ăn sáng uống cà phê với bạn bè trong mấy lớp áo lạnh, lái ngang garage sale mà xót cho người phụ nữ da trắng còn rất trẻ mà lại đẹp nữa. Cô ngồi co ro với gió lạnh buốt từng cơn ở Texas…
Tôi từ giã bạn bè hơi sớm vì mong còn kịp garage sale trước khi trời trở lạnh thêm nữa. Chúa lòng lành luôn để mắt tới những tấm lòng còn biết nghĩ tới nhau. Nên cô chủ garage sale đang dọn dẹp một bữa garage sale thất bại vì thời tiết trái khuấy ở Texas phá hoại.
Tôi cũng không ngờ ghé lại với chút lòng chia sẻ thì Ơn trên chứng nhận tức thời. Thấy cô đang dọn dẹp vì lạnh quá nên tôi hỏi, “Cô có cần giúp gì không?” Cô ấy rất Mỹ, “làm ơn mua dùm tôi một món.” Tôi tin Ơn trên cho tôi thấy chùm đèn vừa đủ trang trọng với chữ nghĩa trong phòng sách nhà tôi, hơi dư ánh sáng khi tôi cần đọc sách, nhưng bớt bóng đèn sẽ ổn thoả… Đặc biệt là ánh đèn trong phòng sách, phải có một kỷ niệm thì người ta mới năng vô căn phòng kẻ thù của thời đại…
Cảm ơn cô đã bán cho tôi chùm đèn mà tiệm bán không dưới ba trăm. Cái note cô dán lên chùm đèn mới toanh là sáu mươi đồng… nhưng tôi không hiểu sao cô bán cho tôi năm đồng. Chắc cái mặt tôi khó nói lên người có hơn năm đồng trong bóp.
Chuyện ngoài đường vẫn muôn đời không có trong nhà. Cảm ơn bà xã đã dạy anh biết tiện tặn, tiêu xài phải biết giá cả. Tạ Ơn trên đã cho con phần phước từ lòng thành nên có được nhiều thứ vô giá mà con đã quá vô tâm.
Phan