logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
phai  
#1 Đã gửi : 01/05/2019 lúc 09:35:53(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Gần 23 năm qua rồi kể từ ngày anh mất, vậy mà tôi luôn nhớ về anh. Cái chết âm thầm của anh, một cái chết lãng xẹt giữa tuổi đời 45 (anh sinh năm 1951) không vợ con, không ốm đau, cũng không lý do cụ thể, trong điều kiện đất nước đầy tang tóc, gia đình không một đồng xu dính túi sau bao nhiêu đợt trưng thu, cải tạo, tiêu diệt mầm mống tư sản mại bản và 7, 8 lần vượt biên không thành của các thành viên trong nhà…dường như không gợi sự nhung nhớ tiếc nuối cho ai ngoài gia đình và vài người bạn thân, trong đó có tôi là người em họ xã hội chủ nghĩa duy nhất của anh lúc đó.
Không rõ vì không biết đến tình cảm đặc biệt riêng tư giữa hai anh em tôi, hay vì qúa đau buồn, thất vọng mà hai bác và tám thành viên trong nhà không hề báo tin cho tôi biết …
Khi hoàn cảnh sống mỗi ngày thêm bế tắc, chị họ tôi phải lặn lội theo Tàu thống nhất Bắc Nam buôn bán để kiếm mấy đồng bạc còm cõi nuôi thân và tháng tháng thay ba mẹ đi thăm nom các em trong tù vì tội vượt biên trái phép, nghe tôi hỏi, chị mới thở hắt ra một hơi bảo:
– Nó chết rồi .
-Chết rồi ạ? Tôi hỏi lại như một con rô bốt
Vừa vui mừng hớn hở bước từ chiếc xe xích lô vào nhà trong tiếng reo của mẹ tôi, mắt chị đã rơm rớm khi nghe tôi hỏi về anh, và chị kết luận:
– Tại nó buồn qúa em ơi…
Tiếng chị như một lời than mà gần 25 năm qua tôi còn nhớ mãi :
– Chị có tội vì đã không khuyên bảo ba mẹ theo lời anh cả, đưa cả nhà qua Mỹ vào ngày 28 -4 -1975, lại không thể làm điểm tựa, trụ đỡ tinh thần cho nó suốt 9 năm trong trại cải tạo cũng như quãng đời sau đó, khi nó đã ra khỏi trại , đi làm lơ xe…
Dù không muốn khơi thêm vết thương trong lòng chị, nhưng tôi vẫn có một linh cảm lành lạnh nơi cuống họng, tôi rụt rè hỏi gặng:
– Anh ấy bị tai nạn ạ?
– Đâu có, chị quay đi, giấu cái nhìn buồn bã vào sau khe cửa chật hẹp:
– Nó hòa cả hai vỉ thuốc ngủ vào rượu …sáng hôm sau, thằng út vào gọi anh dạy đi làm mới biết anh đã chết rồi, không một lời trăng trối, oán thán, chỉ hai vỉ thuốc ngủ không còn một viên nói rõ nguyên nhân cái chết của nó…
Thời gian phủ bụi lên mọi thứ, riêng tôi không sao quên được những kỷ niệm ít ỏi và sâu sắc đã có giữa tôi và anh, đó cũng là lý do tôi quyết định viết lại những dòng tưởng niệm này.
Đầu năm 1976 mẹ tôi tìm vào thăm chị ruột sau gần 22 năm xa cách, mừng mừng tủi tủi trước bao nhiêu chấn động của thời cuộc, của đất trời , khi đó anh cùng 5 người anh em của anh đều phải đi học tập cải tạo. Năm 1982, tôi tốt nghiệp đại học sư phạm ra trường và bị phân công vào Đồng Tháp Mười, nấn ná mãi vì mẹ ngăn cản, kiên quyết không cho đi, nên cuối năm 1984 tôi xin phép mẹ theo vài người bạn đến tận nơi mênh mông sông nước đó để xem xét cụ thể tương lai của mình? Lúc này anh vừa kịp ra tù, gương mặt khắc khổ, gày đen như quỷ đói…Bữa ăn đầy ắp thức ăn, dồi dào thịt cá tại gia đình công chức như gia đình bác tôi trước 1975 không còn, trên mâm chỉ vẻn vẹn một đĩa rau muống luộc chấm nước mắm chanh, một khúc cá biển cắt đôi giành riêng cho hai anh em tôi, còn cả nhà ăn chay.
Vậy mà anh kiên quyết nhừơng phần mình cho tôi, khiến chị họ tôi phải quát:
– Ăn đi! Ở tù bao nhiêu năm, bắt má “tự ăn thịt mình” mãi rồi, giờ ra tù, đừng phụ công má lần hồi từng đồng xu, cắc bạc mua giá chợ trời về bồi dưỡng cho em…Chị cũng vậy, mỗi lần ra tù vì tội vượt biên không thành cũng được má bồi dưỡng, nhưng chỉ một tuần thôi à…
Câu nói của chị khiến tôi nghẹn đắng, nửa khúc cá chị xẻ vào bát tôi cứ như bánh xà phòng chẹn ngang cổ khiến tôi nuốt không trôi.
Đêm hôm đó, anh em tôi thức trắng đêm. Anh tò mò vì cô em họ trẻ trung, xinh đẹp, ngoan ngoãn sống tại đất Bắc như tôi, cũng vì bao nhiêu tâm trạng chất chứa trong đầu trong cả quãng đời tù khiến anh khó ngủ…và tôi vì lạ nhà, lạ cảnh cũng tò mò, háo hức thức bên anh, nghe anh kể chuyện đời, chuyện tù …Xen lẫn những cuộc trò chuyện hoặc hỏi thăm về cuộc sống, con người nơi đất Bắc mà từ nhỏ anh chưa một lần đặt chân tới là những câu chuyện thế sự, thời cuộc; Tôi ngạc nhiên khi nghe anh nhắc đến chế độ mới với những từ xóc óc, ai oán, rợn người. Nào : “Ngày quốc hận”; Nào “ Ngày mất nước”; Nào “Ba mươi thứ tang” v.v…
Nói là gieo, nghe là gặt…hẳn anh không ngờ trong cái đêm đông se lạnh ấy, anh đã làm thay đổi đời tôi, thay đổi thơ tôi như thế nào? Tất nhiên với tư cách của một giáo viên tương lai, một thành viên trong đoàn viết văn của trường Nguyễn Du khóa 4, tôi không thể đồng cảm với suy nghĩ cực đoan của anh, nhưng nó như những vết gai cào trong ký ức và nằm lại mãi trong tâm khảm của tôi, như những lớp rêu xanh bám chặt vào tảng đá, không thể nào cọ rửa nổi.
Trở lại Hà Nội, tôi nghe lời bác, lời mẹ, không nhận quyết định vào Đồng Tháp Mười nữa mà ở lại bám trụ Hồ Gươm như hầu hết những đứa bạn Hà Nội khác để thi vào trường viết văn Nguyễn Du mà tôi đinh ninh mình không thể trượt(!)…
Vài tháng sau đó, khi sức khỏe đã tạm hồi phục, anh chủ động ra miền Bắc thăm gia đình tôi. Cả nhà thuê một chiếc lambro về quê thắp hương cho ông bà nội ngoại… Suốt một tuần ở lại vùng quê nghèo, đất trũng, đồng chiêm, sống ngâm da, chết ngâm xương mà cụ kỵ chúng tôi rời bỏ từ lúc mười tám, đôi mươi, hai anh em tôi – hễ có điều kiện lại tách đoàn để cùng nhau tâm sự mọi điều. Mới đầu còn dè dặt, càng về sau càng tâm đầu hợp ý hơn. Đó cũng là lý do tôi viết những câu thơ để đời và suýt nữa thì bị đuổi khỏi ngành giáo dục vì tư tưởng phản động của mình:
Non sông ơi vì đâu nên nỗi
Đói khổ, lầm than, hụt hẫng, điêu tàn?
Phải ngoảnh mặt giữa cuộc đời dối trá
Hay mở mắt ra và nhỏ lệ cùng dân?
Rồi:
Nhầm lẫn rồi hỡi bác kính yêu
Chủ Nghiã Xã Hội đang trên đường tắt lụi
Giữa đất nước của Lê nin vĩ đại
Cách mạng Nga làm lịch sử thụt lùi…
Vài lần vào Đà Lạt công tác, được đi bằng xe của giám đốc công ty vận tải Hà Tây, người thiết lập đường dây giữa khu kinh tế mới tại Đà Tẻ, Lâm Đồng, Đà Lạt và quê mẹ Hà Tây, lần nào tôi cũng trượt dài 60 km để vào gặp chị, hai bác và anh em tôi lại quấn lấy nhau, cùng dốc bầu tâm sự về thời thế, con người và điều kiện hoàn cảnh sống cho nhau nghe… Gần 45 tuổi, anh vẫn kiên quyết không chịu lấy vợ, vì tương lai không có: “Ốc còn không mang nổi mình ốc, sao có thể làm cọc cho rêu bám?”
Lần cuối cùng anh ra gặp tôi với một lý do vô cùng đơn giản:
– Buồn qúa , anh thu gom tất cả tiền nong và vay mấy anh bạn cùng làm lơ xe để ra gặp em nói chuyện chơi. Anh ở nhà trọ, đừng cho dì Lan (mẹ tôi) biết .
Lúc này tôi đã là phóng viên báo đảng , vừa gặp lại tôi sau giờ làm việc, anh đùa:
– Tưởng em còn làm giáo viên nhăn răng hoặc nhà văn nghiệp dư, nên anh ra…chứ biết em thành phóng viên báo đảng như thế này, anh chẳng lặn lội đường xa làm gì ?
Tôi nửa đùa, nửa thật, rút trong túi xách ra tấm thẻ phóng viên động viên anh:
– Anh ơi, em là phóng viên báo đảng, nhưng là đảng già, đảng bé tí, không phải đảng to đùng là báo Nhân Dân hay Quân Đội, Công An đâu.
Liếc qua tấm thẻ ghi tên, tuổi tôi, anh chỉ bảo:
– Ảnh em đẹp qúa! Thế này đi “hù dọa thiên hạ”, khối thằng …phải chết đấy…
Câu nói của anh khiến tôi phì cười :
– Em chả biết hù dọa ai bao giờ? Cảm giác của em bây giờ chỉ là cựu chán binh thôi, không phải Cựu Chiến Binh như cái tên của báo đâu. Em muốn đổi đời, thích thành Cựu…chén binh cơ, không phải cảnh sáng sáng nuốt vội gói mì tôm, đạp 5 ky-lô-met đến tòa soạn rồi 12 giờ 30 phút mới được ăn trưa tại bếp ăn tập thể…Nhiều hôm đói vàng mắt ra mà không đủ tiền để gia cố các vết lõm trong dạ dày, chỉ dám củng cố ở đoạn cong xích ma*, hai phần ba dạ dày thôi.
Anh cười buồn bã, mắt như có lệ:
– Nghe em nói hệt như cái thời còn “mất dạy” và “vô lương” ấy nhỉ!
Tôi phì cười vì khẩu ngữ của ngành mình– chính xác là của những giáo viên bị thất nghiệp, không được dạy học nên không có lương đã kịp lây nhiễm sang anh, khiến tình cảm giữa hai anh em gần nhau hơn, không còn khoảng cách giữa kẻ thua, người thắng, kẻ Bắc, người Nam nữa.
Nửa tháng trời trong khu trọ tồi tàn đó chúng tôi đều thức đến 1, 2 giờ đêm để nói chuyện, đàm đạo, tranh luận…Kết quả cả hai anh em tôi cùng đi đến một kết luận “động trời” :
– Cái gọi là chủ nghĩa xã hội không thể tồn tại được em à.
– Vâng! Tôi đáp: – Vì nó đích thực là một thứ chủ nghĩa vừa phản dân chủ lại phản dân tộc anh ạ.
Không ngờ nhận được sự đồng cảm của tôi trước vấn đề hệ trọng một cách chính xác, dễ dàng như vậy, anh tròn mắt nghe tôi giải thích :
– Anh biết không, theo Từ điển bách khoa Việt Nam: “Chuyên chính là trực tiếp dùng bạo lực để áp đặt ý chí của giai cấp thống trị đối với giai cấp bị trị”. Vậy mà chủ nghĩa xã hội chủ trương “chuyên chính vô sản” (dùng bạo lực để áp đặt cho xã hội ) thì đó là một chế độ phản dân chủ rồi còn gì?
– Ờ, ở trong tù bọn anh mỗi lần phải học về chủ nghĩa xã hội cũng bí mật bàn thảo với nhau : – Chủ nghĩa xã hội không có “dân tộc” mà chỉ có “giai cấp” thôi !
-Đúng đấy, tôi cắt ngang lời anh:- Vì vậy bất cứ ai không tán thành sự thống trị của giai cấp vô sản đều là kẻ thù của chủ nghĩa xã hội không tưởng này, đều trở thành đối tượng đàn áp của “chuyên chính vô sản” do đảng lãnh đạo áp đặt , dẫn dắt
Anh cười đắng đót:
– Có thể đó là lý do sau ngày 30/4/1975, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đưa bọn anh – những nhân viên cán chính của chính quyền Việt Nam Cộng hòa vào các trại tập trung cải tạo – thực chất là các nhà tù trá hình – với lý do duy nhất là bọn anh đã phục vụ trong chính thể Việt Nam cộng hòa, một chính thể chống lại Việt Nam cộng sản.
– Vâng! Tôi thở dài ai oán: -Thay vì xóa bỏ hận thù dân tộc, đảng Cộng sản Việt Nam càng đào sâu thêm bằng cách bỏ tù các “kẻ thù giai cấp” của mình. Thay vì dùng tình thương đưa đám hận thù, nhà nước này làm ngược lại, dùng hận thù để tống tiễn mọi thứ tình thương của con người trong gia đình, cộng đồng xã hội . Thậm chí bỏ tù luôn cả người yêu cầu họ thực hiện hòa hợp, hòa giải dân tộc…
Tự nhiên anh nhìn sâu vào mắt tôi, hỏi:
– Em nghĩ gì về ông Sáu Dân, à thủ tướng Võ Văn Kiệt? Chính ổng mấy năm vừa rồi đưa ra kiến nghị trả tự do cho tất cả tù nhân, cựu quân nhân và viên chức chính quyền Việt Nam Cộng hòa đấy.
– Em biết! Tôi trả lời: -Xung quanh cái ghế của ông Sáu Dân cũng nhiều lời đồn đoán lắm. Người bảo ông bị các đồng chí bịt miệng vì càng ngày càng tỏ ra nguy hiểm. Không chỉ dừng lại việc phát biểu: “ Ngày 30-4 có một triệu người vui và cũng có một triệu người buồn”, ông còn hối hận vì đã bị lãnh đạo bộ chính trị thúc ép ký vào nghị quyết 31 CP**, nên phun ra tất cả…rồi liên tục yêu cầu hòa giải dân tộc, lấy “Việt Nam” làm quốc hiệu, không phân biệt cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Việt Nam Cộng Hòa nữa để hàn gắn vết thương hai miền… Người lại nói ông ấy chỉ giỏi mị dân, xử dân, chơi xấu với dân, chứ Sáu Dân nỗi gì?
Lặng đi một lát, uống ngụm chè đặc chát, anh bày tỏ:
– Suốt 9 năm trong tù cộng sản( Do anh trốn trại bị bắt đi bắt lại), nhóm bạn anh – cả sĩ quan lẫn kỹ sư, luật sư, chuyên gia kinh tế trực thuộc Bộ quốc phòng đều nhìn nhận – Chủ nghĩa xã hội phản bội lại dân tộc, xóa bỏ “con người dân tộc” bằng cách duy trì người Việt Nam trong tình trạng thù hận lẫn nhau, thay Tổ Quốc của người Việt thành “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”.
– Đúng! Đúng! Tôi bắt mạch suy nghĩ của anh, nhận định: – Điều này ghi rõ ràng trong Hiến pháp, em bắt buộc phải đọc, nên em biết :- “Tổ quốc” trong tiếng Việt có nghĩa là “quốc gia do Tổ tiên tạo lập”. Còn “Tổ Quốc xã hội chủ nghĩa” là “quốc gia do đảng cộng sản Việt Nam cướp đoạt. Điều này phủ nhận Vua Hùng, phủ nhận quốc gia của người Việt đã tồn tại từ 4000 năm trước .
Anh nhỏ nhẹ:
– Theo anh “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” mà Đảng cộng sản Việt Nam tuyên truyền là hoàn toàn trái với lịch sử dân tộc em à.
– Vâng! Tôi tiếp tục dòng chảy của mình: – Dấu mốc gần nhất là cuộc cách mạng tháng 8 -1945, hoàn toàn không dính dáng đến chủ nghĩa xã hội. Bản Tuyên ngôn Độc lập do ông Hồ đọc vào ngày 2-9-1945 đã chứng tỏ điều này.
Anh cười, mắt lơ đãng theo làn khói thuốc, hỏi lại bằng chất giọng nửa thờ ơ, nửa quan tâm :
– Em có biết bản tuyên ngôn đó sao chép chín mươi phần trăm nội dung từ tuyên ngôn độc lập của Mỹ không?
Tôi ớ ra, trong thâm tâm ngầm phản đối mà không ngờ sau này khi đọc lại mới thấy anh nhận định hoàn toàn chính xác. Chỉ có điều ông Hồ chỉ ăn cắp bản tuyên ngôn đó trên giấy tờ mà không thực thi một chút quyền lợi nào cho 31 triệu người dân Việt Nam lúc đó.
Ngồi im chịu trận một lúc rồi, lại đến lượt tôi lên tiếng:
– Việc Đảng cộng sản Việt Nam( Khi ấy lấy tên là Đảng cộng sản Đông Dương) tự giải thể vào ngày 11/11/1945( sau khi nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra đời vẻn vẹn 2 tháng 9 ngày ), càng chứng tỏ nhân dân Việt Nam khi ấy chỉ muốn giành độc lập để thực hiện quyền dân tộc tự quyết thôi , đâu phải để xây dựng chủ nghĩa xã hội ?
– Đúng đấy! Anh đáp- như chiêm nghiệm lại những đúc kết 9 năm trong nhà tù nhỏ trá hình tại trại học tập cải tạo: – Anh và tụi bạn gãy súng của anh đều biết sự tồn tại của Đảng cộng sản Việt Nam chỉ tổ gây hại cho việc bảo vệ và củng cố nền Độc lập của dân tộc từ khi còn trứng nước, vì phủ định sạch trơn nền Độc lập mà người dân đã giành được dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng, Lý Bí, Ngô Quyền, Lê Lợi trước phong kiến Trung Hoa, cũng như xóa bỏ toàn bộ lịch sử đấu tranh của dân tộc này.
Nuốt một hơi nghẹn, tôi tiếp tục, giọng xúc động không tránh được:
– Không chỉ dừng lại ở sự phủ nhận, xuyên tạc Tổ Quốc và Độc lập dân tộc của người Việt đâu anh ơi! Chủ nghĩa xã hội còn xâm hại chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam nữa… Anh có biết từ ngày 14-9- năm 1958, ông Phạm Văn Đồng đã gửi thư cho ông Chu Ân Lai một công hàm đặc biệt để công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa không? Chẳng qua vì “đại cục xã hội chủ nghĩa”đấy.
– Thể nào, anh giải thích: – Bây giờ thì anh hiểu tại sao Chính phủ Việt Nam không hề phản ứng trước việc Trung Quốc đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa do Việt Nam Cộng hòa quản lý vào năm 1974, rồi mấy năm trước( 1988), Trung Quốc lại ngang nhiên tấn công quần đảo Trường Sa, giết chết 64 sĩ quan, chiến sĩ Việt Nam đồn trú trên đó để chiếm đảo Gạc Ma. Không lẽ cũng vì “đại cục xã hội chủ nghĩa” như em nói sao?
– Vâng, tôi đáp bằng chất giọng tinh quái của mình: – Cái gọi là “đại cục” ấy nó dính chặt vào yết hầu, cổ họng của đảng và nhà nước rồi, nên lãnh đạo Việt Nam đành chịu cảnh “há miệng mắc quai” suốt đời thôi anh ơi.
Anh trầm ngâm nghe tôi chốt lại vấn đề :
-Thay vì nhổ toẹt “đại cục” ra khỏi miệng để lên án mạnh mẽ hành vi xâm lược của Trung Cộng thì lãnh đạo nhà ta nín nhục, nuốt nghẹn vào trong…
Đêm đã khuya, đã đến lúc cần phải ra về, anh em tôi dừng lại một quán phở khuya để củng cố dạ dày:
Rất hồn nhiên, anh bảo:
Anh ghét tất cả những gì thuộc tư duy xã hội chủ nghĩa , sản sinh từ đất Bắc, chỉ riêng phở Hà Nội anh thấy rất ngon, không có vị ngọt của đường và bánh phở cũng không cứng quèo như ở trong Sài Gòn.
Không ngờ đó là lần gặp cuối cùng của hai anh em tôi, tôi trở lại nhịp sống của một phóng viên báo Cựu…Chán Binh, chán ghét tất cả để rồi thành phản động lúc nào không hay. Còn anh, trong thời buổi nhộn nhạo của cuộc đấu tranh sinh tử, một mất, một còn, những người “thua cuộc” bọn anh bị xem xét dưới góc độ chính trị: Hoặc phải trở thành người Việt Nam với tâm thức nô lệ: “Được làm vua, thua làm giặc ”…bị những kẻ cầm quyền ngu dốt đối xử vô cùng tồi tệ . Hoặc trở thành “phản động”, “thế lực thù địch”, vòng qua cổng Khám Chí Hòa 20, 30 năm hoặc tù chung thân cho tới chết như Bác Nguyễn Hữu Cầu, anh Phạm Trần Anh, bác Nguyễn Chí Thiện v.v Tiếc rằng trong huyết quản của một sĩ quan Việt Nam cộng hòa, tử tế, có nhân cách, được ăn học bài bản và đã quen sống với chế độ tự do và quyền làm người như anh, cả hai điều đó, lúc này lại không thể dung nạp nổi. Sống với tâm thức nô lệ thì anh không chịu , mà tham gia vào một số tổ chức kháng chiến sau khi ra tù, anh sợ lại làm mẹ buồn khi quanh ngôi nhà duy nhất còn lại của gia đình sẽ phủ kín các điều 79, 88, 258, 245 v.v trong điều luật của nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…
Nghĩ nhiều, làm nhiều, gầy rộc mà không ngủ được, gần 10 năm trời anh đã phải dùng đến thuốc ngủ để du rỗ mình, rồi mắc bệnh trầm cảm lúc nào không hay. Cuối cùng, chính căn bệnh trầm cảm đã đưa đường, chỉ lối cho anh dìm sâu vào quên lãng trong bát rượu đặc và hai vỉ thuốc ngủ, chấm dứt mọi sự ràng buộc, dan díu với đời.
Năm 2005, khi tôi vào thăm mộ anh lần cuối, cũng là lúc bộ mặt phản dân phản nước của đảng cộng sản càng ngày càng lộ rõ khi Nhà nước Việt Nam tiến hành bắt giam hàng chục công dân chỉ vì họ lên tiếng khẳng định “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam” với lý do dựng ngược: “ Làm gián điệp cho Mỹ”, hoặc “Xâm phạm an ninh quốc gia”…
Trước ngôi mộ đơn sơ, giá lạnh của anh, tôi thì thầm nói thêm với anh về bản chất hèn hạ và cố chấp của đảng cộng sản vì giữa năm 2005 này, họ vẫn không chịu công nhận liệt sĩ cho các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh trong cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược tại quần đảo Hoàng Sa và sẽ không bao giờ công nhận, vì “đại cục xã hội chủ nghĩa” vẫn mắc ngang cổ họng lãnh đạo .
Điều nghiêm trọng là hành vi buôn dân, bán nước, phản bội dân tộc của chế độ này vẫn chưa chịu dừng lại. Trước âm mưu dùng vũ lực thôn tính nốt quần đảo Trường Sa và độc chiếm biển Đông , bao nhiêu người mong đợi nhà nước Việt Nam liên minh quân sự với Mỹ để bảo vệ Trường Sa, cũng như tiến hành thu hồi quần đảo Hoàng Sa, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên biển v.v. mà …mong vẫn hoàn mong…
Dưới cách nhìn thông tỏ của giới trẻ từ thiên niên kỷ thứ 3 (2000) , Mỹ chính là siêu cường quốc về mặt quân sự trên thế giới, cũng là nước duy nhất có chiến lược ngăn chặn giặc Trung Quốc bành trướng bằng vũ lực ở Châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á. Tiếc thay – với bản chất ngu đần và ích kỷ, đặt quyền lợi cá nhân lên quyền lợi dân tộc, lãnh đạo Việt Nam đã âm thầm bác bỏ mọi liên minh quân sự với Mỹ, chỉ vì cái giá phải trả qúa đắt :“Mất chủ nghĩa xã hội, đồng nghĩa với việc mất hết quyền lợi, tiền bạc, địa vị mà chúng vơ vét khi dồn dân đến bước đường cùng, sau bao nhiêu năm “thống nhất”.
Trong làn khói nhang lung linh, nghi ngút, tôi như gặp lại gương mặt cương nghị quen thuộc của anh, cái miệng anh như đang mấp máy nói với tôi những điều anh xác quyết: “Cái gọi là chủ nghĩa xã hội không thể tồn tại được, em à”
Cả nhà đều vừa thương cảm, vừa xúc động, vừa ngạc nhiên, không hiểu sao sau từng ấy năm tôi còn có thể khóc anh một cách ngon lành đến thế? Lý do duy nhất khiến những giọt nước tràn khỏi bờ mi vì tôi luôn nhớ đến một câu nói của anh: “Biết căm thù là một đức tính lớn”. Tại sao anh đã có trong người đức tính lớn ấy, còn tìm đến cái chết để trốn tránh tất cả ? Bỏ mặc ba mẹ già và anh, chị em trong cõi đời nhục nhằn, ô trọc này? Tại sao anh biết rõ về chủ nghĩa xã hội – một chủ nghĩa chống lại con người, mà anh vẫn âm thầm dung dưỡng, sống chung với nó sau bao nhiêu năm tháng đọa đày để rồi có một kết cục “lãng nhách”như thế này?
Đêm hôm ấy, trở về nhà bác, tôi đã viết bốn câu thơ vào cuốn sổ của mình:
Em luôn nghĩ về anh như suốt đời sóng vỗ
Lên mãi một bờ âu yếm, mê say
Và trong em tiếng lòng luôn thức dạy
Anh thân yêu, em đứng thẳng làm người!
Ở nơi nào xa lắm, tôi tin anh đang gắng ngậm cười và dõi theo từng bước đường tranh đấu của tôi, tiếp thêm ý chí và niềm tin trong tôi cho đến ngày giải thể chế độ cộng sản, vĩnh viễn xóa bỏ cái gọi là Xã Hội Chủ Nghĩa để dân tộc tránh được thảm họa “xuống hố cả nút” như cái thời tôi và anh đã sống …
Thành phố hồ chứa mưa 2005

Sacramento 29-4-2019
Trần Khải Thanh Thủy
————————————
*Dung tích dạ dày 1200 centimet khối, Đoạn cong xích ma chiếm 2/3 dạ dày ( khoảng 800 centimet khối)
Nghị định 31 CP: Mỗi quận huyện được phép xây mới một nhà tù.

Ai đang xem chủ đề này?
Guest (2)
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.320 giây.