Chắc nhiều cụ nghe cái tựa này cũng nhớ ra là tôi đã viết một bài về cái đề tài này. Lâu lắm rồi, nhưng mà tôi cũng chẳng còn nhớ là đã tán chuyện gì. Chỉ vì tôi thích cái câu chuyện này, nó gợi lại cho tôi cả một thời thơ ấu huy hoàng. Ngày xưa, mẹ tôi có một cách hết sức giản dị và hấp dẫn để truyền đạt những tư tưởng, những đạo lý làm người cho chúng tôi bằng cách kể chuyện. Truyện luân lý về nhân nghĩa lể trí tín thì cụ kể bắng những chuyện cổ tích - cả cố tích ta lẫn cổ tích thế giới - những truyện trong luân lý giáo khoa thư, nhị thập tứ hiếu. khi chúng tôi hiểu biết thêm một chút nữa thì cụ kể những truyện trong cổ học tinh hoa. Còn như muốn làm cho chúng tôi nhớ những truyền thống trong cuộc sống bình thường của người dân thường thì cụ hay kể chuyện tiếu lâm. Sau đó cụ lại còn thêm phần lời bàn Mao Tôn Cương của cụ vào nữa. Truyện gì có lý, hợp tình, nên theo, truyện nào, nghe để mà nghe, để mà biết, chứ không nên theo vì không thích hợp với thời đại, với đời sống con người. Nhờ thế mà tôi là một đứa trẻ có óc suy luận phán xét từ ngày còn nhỏ. Tôi được homeschooling về mặt đạo đức như vậy đó, cho nên nhiều lúc cái luân lý của tôi hình như cũng chẳng theo một chính phái nào cho nên căn bản đạo đức của tôi nó có vẻ nửa chính nửa tà. Nói lén ở đây, mẹ tôi cũng thuộc loại cấp tiến trong thời đại của cụ và nhất là cụ là một người rất hiếm có - ở vào thời đại ấy - mà lại có một bộ óc khôi hài rất đặc biệt. Tôi rất giống mẹ tôi về điểm này, nhưng vì tôi sinh ở thời đại - tạm cho là - mới. Cho nên óc khôi hài của tôi lạ tiến thêm một bước.
Cái chuyện sư hay là ta thuộc loại tiếu lâm hiền. Có hai anh bạn kia chơi rất thân với nhau. Hai anh cùng có một tật hay quên như nhau. Nhiều khi quên đến nỗi chẳng còn biết mình là ai nữa. Một hôm một anh bạn rắn mắt, tính chơi xỏ anh bạn kia một vố cho vui. Anh ta mời bạn sang ăn nhậu rồi đổ rượu cho bạn uống say khướt. Anh bạn say quá nằm lăn ra cạnh mâm ngủ một giấc. Trong khi anh kia ngủ, anh chủ nhà bèn lấy dao cạo trọc lốc đầu anh ấy đi. Cạo nhẵn như đầu sư. Một lúc sau, anh kia tỉnh rượu ngồi đậy thì chẳng còn nhớ mình đang ở đâu nữa, vì quanh anh chẳng thấy bóng ai, chén bát mâm rượu cũng chẳng còn. Anh ngẩn ngơ giơ tay lên xoa đầu thì chẳng thấy một cọng tóc nào. Anh ta hốt hoảng chẳng còn biết mình là ai nữa. Anh ta chạy đến trước một tấm gương soi mặt vào. Anh ta hét lên một tiếng “Ai thế này?” Rồi anh ta bắt đầu suy nghĩ. Nếu là ta thì tại sao lại đầu trọc? nếu là sư thì tại sao lại giống ta thế này? Vậy thì ta hay là sư, sư hay là ta đây???
Anh chạy vội về nhà, nghĩ thầm trong bụng, có thể ta không biết ta là ai nhưng con chó trung thành của ta chắc nó phải biết. Ai ngờ con chó của anh, khi thấy một ông đầu trọc chạy vào nhà, nó giận dữ sủa ầm lên. Anh chủ nhà không còn nghi ngờ gì nữa, chắc chắn nhà này không phải của mình, và mình không phải là mình nữa mà mình là sư. Anh bèn chắp tay niệm phật, thành tâm, kính cẩn đi vô chùa. Tới chùa, con chó nhà chùa cắn anh từ cổng, làm chấn động đến ông sư bác đang quét lá ngoài sân. Sư Bác lại gần chắp tay lễ phép hỏi: không biết thí chủ muốn tìm ai. Anh hét lên một tiếng thật to rồi thất thểu đi ra. Từ đó anh sống trong nghi ngờ, suốt cả cuộc đời, chẳng biết mình là ai nữa. Sư hay là ta, ta hay là sư?
Hồi nhỏ tôi nghe chuyện này thì lấy làm buồn cười lắm và cứ tự đặt câu hỏi, liệu sự việc này xảy ra cho bản thân tôi thì tôi có còn biết tôi là ai không? Càng lớn thì tôi lại càng thấy, đây chỉ là một truyện vui cười, nhưng cũng không có lý lắm, chẳng thể tin được mọt chuyện như vậy lại có thể xảy ra. Cho dù trong một lúc xúc động, anh ta có thể không nhận biết anh ta là ai, nhưng còn những người khác, chẳng lẽ cũng không ai nhận ra. Anh chị em, bố mẹ hay là vợ anh ta, phải nhận ra và hỏi anh rằng tại sao tự nhiên lại cạo trọc đầu đi như vậy? Và rồi mọi chuyện sẽ được giải thích rõ ràng. Thế nhưng, càng già, tôi lại thấy câu chuyện này chẳng thể là một chuyện tiếu lâm mà là một chuyện chứa rất nhiều triết lý sâu xa.
Cụ cứ thử nhìn quanh cuộc đời mà xem, nhiều khi mình cũng chẳng còn biết mình là ai nữa. Rất có thể cụ không bị cái tính ưa bắt chước, cho nên cụ không mắc phải cái cảnh ta hay là sư, sư hay là ta, chứ còn rất nhiều người khác, hay nuôi khỉ ở trong người - trong số đó có tôi. Hồi nhỏ, tôi luôn luôn bị mắng là thuyền đua thì lái cũng đua, con cóc cũng nhẩy, con cua cũng bò. Cái bệnh này có ghi trong sách vở đàng hoàng. Tôi đã từng đọc được ở trong sách rằng thì là, trong mỗi con người chúng ta, ai cũng đều có một con khỉ nhỏ, nó luôn luôn bắt chước người đối diện. Từ giọng nói tới điệu bộ. Nếu người đối diện với cụ là người nam, nói chuyện với người đó một lúc, cụ cũng nói lây giọng nam lúc nào không hay. Nếu người đó hay làm điệu làm bộ, nháy mắt, vuốt tóc, bĩu môi, cụ không cẩn thận cụ cũng sẽ làm theo như thế mà không hề hay biết. Tuy nhiên nếu con khỉ trong cụ, nó chỉ giở những trò khỉ nhỏ nhặt như thế thì cũng không có gì quan trọng, nhưng, khi nó làm được một trò nó sẽ làm tiếp những trò khác, nó làm cho đời sống của cụ bị xáo trộn rất nhiều mà đôi khi cụ không hay biết. Phải có nó, trên đời mới có những mốt, những thời trang. Cụ thấy bà này mặc cái áo này đẹp, cụ cũng may luôn một cái nghĩ rằng bà kia mặc đẹp thì mình mặc cũng phải đẹp. Nhưng cụ quên mất một điều tối thiểu nhưng cũng tối quan trọng là bà ấy trẻ mà cụ thì già rồi, bà ấy thân hình nhỏ nhắn, còn cụ thì hơi dư mỡ, thừa cân, cho nên cái vụ theo đuôi người khác đôi khi nó làm cho cụ không còn biết mình là ai nữa.
Hôm ở Cali về, cái này lại là một sàng khôn đem từ xứ cụ về đấy. Phải công nhân bên cụ, tiền cũng nhiều mà tài thì siêu luôn, cho nên tôi đi về thấy thật quả là đáng luôn cái chân què. Đổi một cái chân mà lấy nhiều thứ khôn quá thì không gọi là lời thì gọi là gì. Trong cái cuốn sách mà tôi đọc nát ra rồi ý mà, tưởng rằng không còn gì để học, ai dè, vẫn còn vài tờ chưa đọc. Nếu không soát lại có phải là uổng của trời không? Không biết trong cái bài gì, trong đó có một câu dịch của một ông thầy Mỹ. Ông ấy nói rằng: Có những người, lúc mới sinh ra thì là bản chính, thế mà khi chết lại trở thành một bản sao.
Nói thật với cụ chứ, mới đọc câu này tôi ngẩn tò te, chả hiểu ông ấy tính nói cái gì. Tôi bèn phải vận dụng chút trí óc còn dư lại, để tìm hiểu. Tôi bỗng nghĩ đến cái chuyện ấm ớ hội tề ta hay là sư, rồi bèn đi một đường liên tưởng và phụ đề tùm lum thì mới hiểu được một tí. Bèn lấy làm hay quá đi mất. Trẻ con cũng biết rằng mỗi người là một cá thể hết sức là riêng biệt. Ông Trời sinh ra chả ai giống ai, ngay cả đến cái hoa, cái lá cùng một giống, cùng một loại mà cũng chẳng cái nào giống cái nào, huống chi con người. Sự khác biệt làm cho thiên nhiên thiên hình vạn trạng, tốt đẹp và phong phu biết bao nhiêu. Con người không ai giống ai, làm cho loài người thêm hấp dẫn. Vạn vật đáng yêu, đáng say mê vì mỗi người mỗi vẻ, mỗi thứ một màu. Bây giờ ra đường trông ai cũng giống ai thì còn thú vị gì nữa.
Vì thế luân lý của bài này là cho dù ta có tóc hay ta trọc đầu thì ta vẫn là ta. Là bản chánh luôn có giá trị hơn bản nháp. Theo như tôi hiểu thì, lúc sinh ra thì mình là bản chính của chính mình, nhưng sống lâu trong xã hội, tiếp xúc với nhiều người thì bị ảnh hưởng - vì vô ý hay vì cố tình - cho nên mình bỗng, từ từ, dần dần, biến thành bản nháp của rất nhiều người khác. Cho nên không còn là nguyên bản của chính mình nữa. Cho tới một lúc không còn biết mình là ai.
Là ta hay là sư?
Bà Ba Phải