Việt Nam bỏ tù hai phụ nữ về tội “tuyên truyền” trên Facebook Tư liệu: Hình ảnh được nói là chụp công nhân ở Công ty Pouyuen - Tân Tạo ở TP. HCM đình công để phản đối dự luật đặc khu kinh tế, ngày 9 tháng 6, 2018. (Phong trào Lao động Việt Facebook)
Một tòa án Việt Nam đã bỏ tù hai nhà hoạt động về tội danh truyền bá thông tin tuyên truyền chống chính quyền do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, theo tin AFP trích truyền thông nhà nước loan tin hôm thứ Bảy 11/5.
Hai phụ nữ, bà Vũ Thị Dung, 54 tuổi, và bà Nguyễn Thị Ngọc Sương, 51 tuổi, đều hành nghề buôn bán nhỏ ở chợ, bị kết án hôm thứ Sáu 10/5 vì đã tải video và bài viết lên Facebook chống các đặc khu kinh tế đề nghị cho nước ngoài thuê đất dài hạn, và đạo luật an ninh mạng mới áp dụng từ ngày 1/12019, quy định các công ty Internet phải cung cấp dữ liệu của người sử dụng và xóa nội dung nếu được chính phủ Việt Nam yêu cầu.
Trang mạng Đồng Tháp Online cho biết Tòa án nhân dân tỉnh Ðồng Nai xét xử và tuyên phạt Vũ Thị Dung, thuộc xã Phú Thanh, huyện Tân Phú, 6 năm tù; bà Nguyễn Thị Ngọc Sương, xã Phú Tân, huyện Ðịnh Quán, 5 năm tù về tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Pháp Tấn xã đưa tin nói rằng đây là những bản án mới nhất dưới quyền của một cấp lãnh đạo có lập trường cứng rắn, bất khoan dung đối với những người bất đồng chính kiến, đã lên nắm quyền từ năm 2016, mà theo số liệu của AFP, đã bỏ tù gần 60 người hồi năm ngoái.
Ba nhà hoạt động ở Hà Nội phản đối dự luật về đặc khu kinh tế, tháng 6/2018
Theo Đồng Tháp Online, “tiếng nói của đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Tháp”, thì trong năm 2018, hai phụ nữ này đã sử dụng nhiều tài khoản Facebook thường xuyên truy cập các trang mạng xã hội để xem, nghe các nội dung video, bài viết có nội dung chống phá Nhà nước, kích động kêu gọi người dân xuống đường biểu tình vào ngày 13/10/2018.
Trang mạng này còn cáo buộc bà Vũ thị Dung “viết tờ rơi, truyền đơn, rồi bàn bạc với bà Sương mang các tài liệu này đi rải ở nhiều địa điểm khác nhau ở Ðịnh Quán”.
Các dự án đặc khu kinh tế là một đề tài nhạy cảm, đã khởi động các cuộc biểu tình trên khắp nước hồi năm ngoái. Dù Dự thảo dự luật đặc khu không hề nhắc tới Trung Quốc, nhưng những người biểu tình tin rằng các đặc khu đề nghị cho nước ngoài thuê đất tại nhiều địa điểm có tính cách chiến lược trong thời gian dài lâu, chủ yếu nhắm thu hút các công ty Trung Quốc, đặt ra một mối nguy tiềm tàng đối với chủ quyền quốc gia.
Theo VOA