Đây là quyển Kinh Thánh bị công an Việt Nam giam giữ suốt 7 tháng trời. Đây là bằng chứng của sự thật, là giá trị của sự tự do, và là kết quả cho quyền lợi của tôi khi đang bị giam cầm do mẹ tôi đã đem lại. Ngày của Mẹ - câu chuyện này xin được tặng mẹ tôi – người mẹ tuyệt vời nhất thế giới.
Ngày 5/12/2016, gần 2 tháng sau khi bị bắt giữ tôi có nhắn mẹ gửi Kinh Thánh và sách lễ thường niên vào trại giam.
Phó thủ trưởng Cơ quan ANĐT, ông Trương Vinh Quang là người nhận sách và hứa sẽ chuyển cho tôi, và rồi như thường lệ, họ giữ im lặng. Mẹ liên tục được biết liệu quyển Kinh Thánh đã được chuyển cho tôi chưa, và công an không hề có câu trả lời.
Một ngày trước phiên xử sơ thẩm, Cơ quan ANĐT thông báo cho mẹ đến trụ sở để họ đưa đi gặp tôi. Ông Quang và ông Công (một công an đến từ BCA) đã dặn dò mẹ tôi rất kỹ về việc chỉ trao đổi thông tin liên quan đến sức khoẻ và gia đình. Câu trả lời mà mẹ nhận được từ Trương Vinh Quang về số phận của quyển Kinh Thánh là: “Tôi không có trách nhiệm phải trả lời câu hỏi này của bà!”.
Họ đã trả lại quyển sách cho mẹ sau 7 tháng giam cầm, với hàng chục lần né tránh, và đưa ra nhiều câu trả lời lòng vòng.
Được biết thời gian này, đại sứ quán Đức cũng gửi cho tôi một quyển Kinh Thánh khác, nhưng nó chưa bao giờ đến được tay tôi.
Đức tin, lẽ phải và sự thật được xem là 3 món vũ khí mà Cộng sản không bao giờ có được. Chính vì vậy, việc đưa Kinh Thánh vào trại giam cho một người không phải là linh mục là chuyện khá khó khăn. Sau khi bị chuyển ra trại 5 Thanh Hoá tôi mới biết các tù nhân khác có thể đưa Kinh Phật vào buồng giam (sau khi đã có tiền lót tay). Tuy nhiên, công an sẽ thu lại, kể cả các bản kinh chép tay trong mỗi lần xét buồng. Nhận tiền, cho đưa đồ vào, xong tịch thu, rồi lại nhận tiền để đưa vào lại – đây là quy trình làm kinh tế của các công an trại giam.
Tháng 3/2018, trong lần gặp gia đình đầu tiên tại Thanh Hoá, một lần nữa tôi lại nhắc lại về việc cần có Kinh Thánh để cầu nguyện trong trại giam. Lúc này công an Hoàng Thị Ánh Hồng (đội trưởng đội Trinh sát, chuyên phụ trách tù nhân chính trị nữ) trả lời ngay: “Không, không được đem sách kinh vào trại đâu”. Mẹ im lặng, sau đó về nhà mẹ gửi đơn cho Giám thị Trại giam số 5, và họ từ chối.
Ở lần gặp gia đình thứ 2, tháng 5/2018, trước mặt công an trại giam số 5, tôi thông báo cho mẹ biết tôi đã đọc kỹ Nội quy trại giam, không có điều khoản nào là cấm đem Kinh Thánh vào trại giam. Mọi sách báo có nguồn gốc xuất bản rõ ràng, sau khi qua kiểm duyệt, tù nhân phải được nhận. Đây là quyền tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng của tôi, và nếu tôi bị tước đoạt quyền căn bản của mình thì tôi mong mẹ và bạn bè sẽ tiếp tục tranh đấu cho tôi.
Dưới sự giúp đỡ của bác Vũ Quốc Dụng, các dân biểu Đức là ông Frank Swabe, bà Zoe Lofgren, và đại sứ quán Mỹ, mẹ tôi đã gửi được Kinh Thánh vào trại giam số 5.
Mọi chuyện chưa dừng lại ở đó. Công an trại 5 tiếp tục giữ sách, không đưa cho tôi với lý do “chờ kiểm duyệt”. Tôi im lặng, cho họ đúng 1 tháng. Sau đó tôi chủ động yêu cầu được gặp Ban giám thị trại 5, và trong buổi làm việc với họ, tôi tuyên bố tuyệt thực vì quyền tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng của tôi bị hạn chế.
Tháng 8/2018, tôi nhận được Kinh Thánh sau gần 2 năm bị giam giữ.
Có thể với nhiều người đây sẽ là một câu chuyện tù đơn giản như nhiều câu chuyện khác, nhưng với tôi, đây là tình thương, là nỗ lực tranh đấu cho tự do của tôi mà mẹ tôi – một người phụ nữ bình thường bị biến thành một người tranh đấu bất đắc dĩ đã dành chiến thắng với hệ thống công quyền đầy xảo trá.
Niềm tin, lẽ phải, và sự thật nhất định sẽ dành chiến thắng, tôi tin là như vậy! Và đây sẽ là câu chuyện trong hành trình tự do sẽ theo gia đình tôi suốt cuộc đời!
Con cám ơn Mẹ, đã sinh con ra và nuôi nấng con nên người!
Con cám ơn Mẹ đã để con tự quyết định con đường nhận thức của mình và luôn luôn thâm lặng ủng hộ con.
Con yêu Mẹ!
12.05.2019
Mẹ Nấm