Ở vùng đất Nam California, Bolsa là tên một con đường chạy cắt ngang từ Đông sang Tây, giữa lòng một khu phố đông đúc người Việt trên đất Mỹ, nên theo thói quen, người ta gọi luôn khu phố này là khu Bolsa, một khu phố nổi danh trong cộng đồng người Việt trên cả thế giới.
Ở phía Đông, trên con đường này có một khu chúng cư màu hồng, cao mười một tầng, khác với màu sắc và cái bề thế bên ngoài, đây lại là một khu nhà dành cho người lớn tuổi, lặng lẽ, sống những ngày cuối cùng, an nhiên và chờ đợi. Chờ đợi để đi về cuối con đường hướng kia.
Ở cuối con đường này về phía Tây, người ta gặp một con đường sắt, đã lâu chỉ có vài toa tàu chở hàng hóa qua lại, không biết từ nhà ga nào và chạy về đâu. Cách con đường sắt này vài trăm thước, không có một nhà ga nào để chúng ta đặt tên là “Ga Cuối Đường Tàu,” nhưng gần đó là một nơi, mà cuối cùng, hầu hết cư dân người Việt ở Bolsa đều phải đến, tiễn đưa bạn bè thân quyến ra đi hay chọn cho chính mình một nơi yên nghỉ. Người ta gọi căn nhà màu trắng xây theo kiểu thuộc địa khá xưa này là “Peek Family.”
Ở khu Bolsa này cũng có rất nhiều nhà hàng Trung Hoa chuyên tổ chức những buổi tiệc cưới cuối tuần cho những đôi tân nương và tân lang, mà hình như lâu lắm, dễ chừng gần mười lăm năm, tôi không có dịp đến đó, nâng ly rượu mừng cho con cháu. Cái thời ấy hình như đã qua rồi, chỗ mà ngày nay tôi vẫn thường lui tới, tiễn đưa bạn bè hay thân thuộc, thắp một nén nhang, nói mấy lời chia buồn với tang chủ, chậm chạp bắt tay những người bạn già đã lâu không gặp, hỏi bạn rằng “Có khỏe không?” là… Peek Family.
Nhiều thành phần trong một gia đình đã lần lượt đi qua nơi đây.
Hai mươi năm về trước, tôi và bạn bè đã đến đây đưa tiễn anh, còn nhớ vào một chiều nắng ấm, và bây giờ, hai mươi năm sau, tháng ngày như một chớp mắt, chúng tôi lại đến đây, một buổi sáng, để đưa tiễn chị về nơi an nghỉ.
Nhiều năm về trước, cũng tại nơi này, chúng tôi có dịp chia buồn khi hiền nội của một cấp chỉ huy qua đời, rồi sau đó vài năm, chúng tôi lại tiễn ông ra đi.
Đôi lúc, tôi có cảm tưởng đến đây để gặp gỡ những người còn sống nhiều phần hơn là thăm viếng những người đã khuất.
Có những người quen biết đã năm mười năm mà lâu nay không thấy mặt, có những bạn bè ở tiểu bang xa mới vội vã trở về, cơ hội gặp nhau quả là hiếm. Không gặp nhau ở đây thì còn cơ hội gặp nhau ở đâu nữa? Không hẹn hò, không thông báo, không có ban tổ chức mà lúc nào cũng có họp trường, họp lớp, họp khóa, họp đơn vị, họp quân binh chủng, không có nghi lễ, mà sao lúc nào cũng đông vui. Bởi vậy không nên bỏ cơ hội đi gặp một người chết và rất nhiều người sống vài tuần một lần, ở cái nơi gọi là Peek Family này! Hèn chi, đám ma nào, cũng thấy ít khi có nước mắt, mà tay bắt mặt mừng, cười cười nói nói. Hèn chi, nghe có tiếng: “Suỵt suỵt! Mấy ông nói nhỏ lại, người ta đang đọc điếu văn, đang làm lễ cầu siêu kìa!”Nhiều khi người ta quên mất, tưởng đến đây là để gặp bạn bè bù khú mấy câu.
Bao nhiêu con người lưu lạc Việt Nam đã qua đây. Mười năm trước là một tướng lãnh lưu vong, mười năm sau là một người lính thất trận, tất cả đều không được giấc mơ gối đầu lên mảnh đất quê hương.
Có người là tỷ phú cũng chôn nơi này, nhưng cũng có người lâm cảnh vô gia cư, được cộng đồng người Việt đùm bọc đưa đến đây!
Rất nhiều nhà văn, ký giả, ca sĩ, nhạc sĩ… ưu tú của cộng đồng đã yên nghỉ bên nhau trong gần như là một ngôi làng nhỏ và họ đã trở thành bạn bè, lối xóm của nhau. Một ngôi làng có những bóng cây cao và trong yên lặng, chúng còn nghe cả tiếng chim vô tình ríu rít đâu đây!
Tất cả đều bình đẳng trong phần mộ của mình.
Tôi không đếm hết những lần đến đây chậm rãi đi theo sau chiếc quan tài với tấm lòng bùi ngùi thương tiếc và nghĩ đến lẽ đời vô thường. Một người chị đến tuổi đại thọ nhưng phải chi chị sống cho thêm vài năm nữa, vì đời sống của chị mang hữu ích lại cho người đời. Một người bạn văn không còn quá trẻ nhưng mất đi để lại quá nhiều thương tiếc cho mọi người.
Ở đây, có lần anh em du ca đã quây quần hát bên quan tài người đã mất. Có lần bài hát của người sáng tác nằm trong mộ đã được người sống đứng vòng trong, vòng ngoài hát lên. Đã qua đây những Nguyễn Đức Quang, những Trầm Tử Thiêng, những Nhật Trường Trần Thiện Thanh, những Nhật Ngân, những Cao Xuân Huy… Đây cũng là nơi an nghỉ của Đỗ Ngọc Yến, Mai Thảo, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Bùi Bảo Trúc… Cả một quê hương, cả một xóm văn học thu nhỏ.
Chúng ta chưa có một bảo tàng viện, một tự điển văn học xứng đáng với tầm vóc của nó, nhưng chúng ta đem tinh hoa văn học của miền Nam, Việt Nam Cộng Hòa, đến đây, không phải để chôn vùi theo tác giả trong những phần mộ mà còn để xiển dương và duy trì nó muôn đời.
Trăm năm sau, lớp hậu thế còn ai biết những người nằm ở đây là ai? Rồi đây, Peek Family cũng trở thành những khu nghĩa trang lịch sử như Passy, Père Lachaise, Montparnasse hay Montmartre của Paris, đó là những nơi chôn cất những nhân vật lịch sử, những bậc Vua Chúa hay những bậc anh hùng. “Bất tri tam bách dư niên hậu,” liệu rồi có ai tò mò đến đây, vạch đám cỏ, lấy tay chùi lên tấm bia mộ để đọc tên một người đã khuất?
Không phải chỉ “ở cuối một con đường” mà ở cuối con đường nào cũng có một chỗ để chúng ta dừng chân, quay đầu nhìn lại đoạn đường đã qua, trước khi bước vào cõi miên viễn, chỉ còn khác nhau ở chỗ chậm, nhanh mà thôi!
Huy Phương
___________
* Trùng chủ đề