Người Việt tại Mỹ phẫn nộ vì tai tiếng từ đường dây kết hôn giảCô dâu Việt ngồi chờ tại một cơ quan môi giới ở Singapore (ảnh chụp ngày 15/10/2008)
50 người đang bị tạm giam trong số 96 người bị truy tố tại Houston, Texas, liên hệ đến đường dây kết hôn giả do người Việt cầm đầu đưa người từ Việt Nam sang Mỹ. Loan báo từ Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ hôm 13/5 sau một năm điều tra gây chấn động dư luận, đặc biệt là cộng đồng Việt Nam tại Mỹ, về mức độ phạm tội và quy mô hoạt động của đường dây này dù rằng chuyện kết hôn giả để có được tấm vé đi Mỹ không phải là chuyện lần đầu nghe thấy.
Người đứng đầu tổ chức tội phạm này là bà Asley Yến Nguyễn, tự là Duyên, 53 tuổi. Tổ chức của bà Yến có chân rết trên toàn bang Texas và Việt Nam.
Theo cáo trạng, mỗi người muốn sang Mỹ theo diện vợ chồng hay hôn thê, hôn phu phải trả cho bà Yến từ 50.000 đến 70.000 đô la.
Cùng bị bắt trong vụ này có một luật sư tên là Trang Lê Nguyễn hay còn gọi là Lê Thiên Trang, 45 tuổi, cư ngụ tại Pearland, Texas.
Đường dây của bà Yến tuyển mộ những người có quốc tịch Mỹ về Việt Nam làm hôn thú hay làm lễ đính hôn với những ai sẵn sàng chi tiền để được sang Mỹ làm ăn sinh sống.
Để qua mắt Sở Di trú trót lọt, tổ chức này còn ngụy tạo và cung cấp các giấy tờ cần thiết cho khách hàng như hồ sơ việc làm, thuế, điện, nước cho tới những hình ảnh như ảnh đám cưới, đám hỏi, thư từ trao đổi..v..v..
Cộng đồng người Việt sinh sống tại thành phố Houston, nói riêng, và tại bang Texas, nói chung, lo ngại vụ này sẽ có ảnh hưởng xấu đến cộng đồng Việt Nam tại Texas.
Ông Văn Đình, một cư dân Texas, chia sẻ:
“Đây cũng là một tai tiếng xấu cho cộng đồng Việt Nam, cũng ảnh hưởng đến thanh danh của người Việt tị nạn cộng sản vốn trong quá khứ đã có nhiều thành tích mang lại lợi ích cho… nói chung là xứ sở Hoa Kỳ và nói riêng là tiểu bang Texas. Hôm nay nghe chuyện này chúng tôi lấy làm tiếc đã xảy ra vấn đề hôn nhân, gia đình.”
Ông Văn Đình cho rằng người Việt Nam ai cũng mong thoát khỏi nước ‘Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam’ để đi tìm một xứ sở có tương lai hơn, trong khi cũng có nhiều người Việt ở hải ngoại muốn về nước tìm người phối ngẫu từ quê hương xứ sở của mình. Cho nên ông rất buồn khi chuyện này xảy ra.
“Chúng ta chỉ tán thành những người làm thật thôi, theo luật pháp, theo đúng những qui định của luật di trú Hoa Kỳ, chứ mình không tán đồng những vấn đề làm giả mạo, lợi dụng này kia. Những cái đó mình không muốn và đây cũng là ảnh hưởng rất lớn đối với những người có thực tâm muốn lấy vợ, lấy chồng. Tôi thấy nhiền bạn trẻ cũng háo hức lấy vợ, lấy chồng nhưng xảy ra vấn đề này thì rất tiếc cho họ khi họ có thực tâm muốn tìm về quê hương để tìm một người vợ xứng đáng cho mình để gây dựng tương lai thì rất tội cho họ.”
Một cư dân tại thành phố Houston tên Phan Đức Thắng bức xúc:
“Chỉ làm khổ mấy người sau thôi, mấy người sau khó lắm. Đưa lên đài toàn là người Việt Nam nhiều quá trời, thấy ngó không được.”
Ông Thắng nói thêm là vụ này có thể ảnh hưởng đến cả những người có thẻ xanh hay quốc tịch sang Mỹ theo diện này trước đây.
“Hiện tại Mỹ đang điều tra thì có thể những người đã có thẻ xanh hay quốc tịch cũng bị. Khi họ truy ra giả mạo họ vẫn kêu ra chứ đâu có thể để khơi khơi như vậy. Đương nhiên đây để cảnh tỉnh cho những người sau đừng tiếp diễn nữa.”
Một cư dân khác ở Houston không muốn nêu tên phản ứng trước tin này:
“Nói chung thì mỗi lần có chuyện không hay cho cộng đồng mình thì đó là một chuyện đáng xấu hổ nhất là những chuyện to lớn như thế này, cả trăm người dính vô. Đó là chuyện không hay cho cộng đồng. Dầu ít dầu nhiều nó cũng có tác động xấu đối với cơ quan công quyền của Mỹ. Nhưng mà tình trạng này tôi thấy từ nào đến giờ nó không có lớn nhưng cũng có lai rai, lai rai. Đây là chuyện không tốt đối với cộng đồng mình nói chung và nói riêng cho Texas.”
“Chuyện này là một vụ gian lận di trú bị truy tố hàng đầu của nước Mỹ về tầm vóc cũng như chuyên nghiệp,” luật sư Shandon Cường Phan, cựu Chủ tịch Cộng đồng Việt Nam Houston, nhận xét.
“Chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến những hồ sơ xin bảo lãnh của người Việt Nam trong tương lai và dĩ nhiên nó cũng ảnh hưởng nhiều đến uy tín đến cộng đồng gốc Việt trong trong con mắt của xã hội dòng chính, trong con mắt của chính phủ Hoa Kỳ, và đất nước Việt Nam có một tỷ lệ gian lận về di trú cao trong quá khứ. Thành ra vụ này chắc chắn sẽ khiến cho tiêu chuẩn xem xét hồ sơ sẽ trở nên nghiêm trọng hơn,” ông Shandon cảnh báo.
Vẫn theo luật sư Shandon, vụ này chỉ là phần nổi của một tảng băng vì số lượng hồ sơ gian lận quá lớn. Bởi lẽ từ xưa đến giờ, ông nói, các cơ quan thẩm quyền về di trú của Mỹ đều biết rằng các thẻ xanh đi theo dạng hôn nhân có một tỉ lệ gian lận rất cao: cứ 3 hồ sơ thì có khoảng 1 hồ sơ giả mạo. Tuy nhiên, vì không đủ nguồn lực chính phủ để điều tra cặn kẽ nên vẫn để lọt sổ những hồ sơ gian lận.
Đây là một vụ ‘báo động’ gây chú ý cho tất cả các cơ quan di trú của chính phủ Mỹ trong bối cảnh chính quyền Trump đang siết chặt chính sách di trú-di dân ngày càng gắt gao hơn để tránh những khe hở bị lạm dụng lâu nay.
Hà Vũ (VOA)