THƯA QUÝ BẠN, khoảng từ 40 – 45 tuổi trở lên ai cũng thấy rõ là con người có số mệnh. Nhưng cái “số mệnh” đó đến một cách ngẫu nhiên hay do bàn tay của đấng vô hình nào đó xếp đặt? Tôi xin lấy ví dụ, trong tai nạn máy bay ở Ethiopia vừa rồi làm chết 157 người, có một hành khách Hy Lạp đến trễ, máy bay đã bắt đầu cất cánh, ông không đi được, phải trở về nên thoát chết. Có người nói việc “thoát chết” của ông ta là do số ông ta sống, nhưng cũng có người nói tại ông ta đến trễ, không lên được máy bay nên sống vậy thôi và cái “số sống” của ông ta đến một cách ngẫu nhiên, do việc đến trễ của ông tạo nên chứ khong phải do bàn tay huyền bí nào đó xếp đặt. Nói chung, trong cuộc sống, khi một sự việc đặc biệt xảy ra, nếu một người may mắn sống sót thì người ta nói cái số người đó sống, còn nếu ngược lại, người ta nói cái số người đó chết chứ cũng chẳng ai hiểu “cái số” đó là do tự nhiên hay do bàn tay của đấng siêu hình xếp đặt. Sau đây xin mời quý bạn xem xét một vài câu chuyện có thật (Đoàn Dự chỉ kể toàn chuyện có thật) rồi tuỳ quý bạn nhận xét là chuyện đó do số mệnh hay do con người. Tuy nhiên, trong truyện Kiều, cụ Nguyễn Du có nói: “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”, như vậy cụ cũng công nhận là có số mệnh nhưng nhiều khi ý chí con người có thể làm thay đổi cái số mệnh đó. Bây giờ xin mới quý bạn xem xét…
“Cái số nghèo” của hai vợ chồng anh chàng ăn trộm Huỳnh Thanh Phong, 26 tuổi, khá bảnh trai, không biết chữ, không biết cha mẹ là ai, không có giấy tờ kể cả hộ khẩu và giấy CMND (mới được đổi lại và gọi là “thẻ Căn cước” giống như thời cũ.- ĐD); địa chỉ cư trú không rõ ràng vì ở nhiều nơi. Nghề nghiệp không cố định vì đi làm thuê, gặp việc gì làm việc nấy nhưng khéo tay và chăm chỉ nên làm rất tốt.
Không biết mình là ai Ngày 24-7-2016, bà Lê Thị M. (thường trú tại quận Bình Tân, Sài Gòn) gọi điện thoại kêu Huỳnh Thanh Phong đến sửa mái tôn bị hư. Trong khi làm việc, Phong thấy cửa phòng trên tầng 1 có lẽ gia chủ quên nên không khóa. Phong bèn leo vào bên trong, vô phòng ngủ, tìm cách mở tủ lấy trộm 1 vòng đeo tay cẩn hột xoàn, 1 sợi dây chuyền vàng có mặt đá quý, 3 chiếc nhẫn vàng cũng cẩn hột xoàn và 4 triệu rưỡi đồng tiền mặt.
Toàn bộ số tài sản đó có giá trị tới hơn 200 triệu đồng vì đều đính kim cương. Tuy nhiên, một người nghèo từ nhỏ như Phong không thể biết được giá trị thật của số tài sản này.
Nghĩ đó là cũng là loại hàng bình thường vậy thôi nên Phong bỏ trong cái cốp dưới yên chiếc xe máy 3 ngày. Đến ngày thứ tư, Phong đem chiếc vòng đeo tay, sợi dây chuyền và 1 trong 3 chiếc nhẫn đến tiệm vàng bán được 19 triệu đồng (trong khi giá trị thật phải hơn 150 triệu đồng). Còn lại 2 chiếc nhẫn, Phong đưa cho vợ cùng với số tiền bán các tài sản nói trên rồi bảo vợ về Huế thăm cha mẹ ruột của vợ.
Vợ Phong vừa về đến quê nhà thì nhận được điện thoại của công an quận Bình Tân gọi từ Sài Gòn. Chị tá hỏa tam tinh khi biết 2 chiếc nhẫn vàng cẩn hột xoàn và số tiền hơn 19 triệu đồng không phải do Phong nhặt được như lời Phong nói mà là do chồng trộm cắp. Ngay hôm sau, chị H. vợ Phong lập tức vào Sài Gòn, đem số tiền và 2 chiếc nhẫn vàng cẩn hột xoàn nộp cho công an quận Bình Tân.
Từ lời khai của Huỳnh Thanh Phong về địa chỉ tiệm vàng đã mua số tài sản Phong đã bán, công an quận Bình Tân thu lại được toàn bộ số tài sản nói trên để trả lại cho bà Lê Thị M. nhưng Huỳnh Thanh Phong vẫn bị giam giữ và bị truy tố ra toà về tội trộm cắp tài sản.
Cuối năm 2016, TAND quận Bình Tân tuyên án Huỳnh Thanh Phong bị 5 năm tù về tội nói trên. Bạn bè trong tù xúi Phong làm đơn kháng cáo, xin được phúc thẩm. Đơn xin phúc thẩm Phong phải nhờ một bạn tù có chữ nghĩa viết giùm rồi Phong điểm chỉ vì không biết chữ. Trong đơn, Phong nhờ bạn viết rất cảm động: “Từ nhỏ, tôi không có bố mẹ, không có ai dạy dỗ nên mới thiếu hiểu biết mà vi phạm pháp luật như vậy”.
Phiên phúc thẩm được mở lần thứ nhất vào cuối tháng 4-2017. Lai lịch không rõ ràng của bị cáo khiến nhiều người ái ngại. Tòa hỏi, bị cáo sinh ra ở đâu, tại sao không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào, không có cha mẹ thì ai đặt tên cho bị cáo?
“Họ của bị cáo là do mẹ nuôi đặt. Bị cáo chỉ nhớ mẹ nuôi họ Huỳnh, mọi người thường gọi là bà Út”. – Cũng có lúc, trước những câu hỏi của tòa, Phong khóc và luýnh quýnh trả lời: “Ngay chính bị cáo cũng không biết mình là ai”.
Phiên xét xử phúc thẩm lần 1 này bị tạm hoãn vì người bị hại là bà Lê Thị M. đang nằm bệnh viện, xin phép vắng mặt. Phiên tòa lần 2 được mở vào 2 tháng sau, tức đầu tháng 6 – 2017 khi bà Lê Thị M. đã khỏi bệnh.
Trong phiên xử, bị cáo cứ quay xuống bên dưới như muốn tìm kiếm ai. Chủ toạ ngạc nhiên hỏi, bị cáo thưa rằng bị cáo có hai người bạn cùng phòng giam được ra trước tham dự và ngồi phía bên dưới, trước đây bị cáo đã nhờ hai người này viết thư về Huế báo tin cho vợ biết, không hiểu tình hình ra sao mà không thấy vợ hiện diện trong phiên toà. Chủ toạ thương tình về sự “cô độc” một thân một mình của bị cáo nên cho phép hai người bạn được lên ngồi bên cạnh cùng ghế với bị cáo.
Đánh thức tính thiện
Trong thời gian chờ toà nghị án, một nhà báo đến bên Phong. Mất khá nhiều thì giờ Phong mới chịu kể về cuộc đời mình: “Em lớn lên ở cô nhi viện. Lúc em khoảng 7-8 tuổi gì đó, mấy đứa bạn tinh nghịch rủ em trèo tường trốn ra ngoài chơi cho biết bên ngoài. Chợ búa người ta đông quá, em lạc mất các bạn. Đi mãi không biết đường trở về. Gần trưa, đói quá, đành nhịn đói ngồi bên lề đường. Lúc đó có một bà già đi bán vé số thấy em ngồi lâu, đói lả, thương tình bảo em về nhà bà, cho ăn cơm, nhận em làm con nuôi và hàng ngày đi bán vé số với bà. Dần dần lớn lên, em có nói má nuôi làm giấy tờ cho em nhưng má cũng không biết chữ nên cứ lần lữa không làm. Em giận, bỏ Đồng Tháp lên Sài Gòn kiếm sống”.
Ở Sài Gòn, lúc đầu Phong cũng đi bán vé số, sau đó làm chân bốc xếp và sai vặt ở chợ, cuối cùng đi làm thợ hồ. Có ông già thấy Phong nhanh nhẹn, chịu khó, bèn dạy cho Phong nghề thợ hàn, làm cửa sắt rồi làm trong tiệm của ông.
Ít lâu sau, Phong gặp N.T.H., vợ Phong bây giờ khi cô từ Huế vào Sài Gòn làm thợ may. Gia đình H. cũng nghèo, không có tiền làm đám cưới nên khi hai người ra ngoài đó, cha mẹ H. chỉ làm hai ba mâm cơm đãi một số bà con họ hàng thân thiết ở Huế, và Phong không có giấy tờ nên không thể làm giấy kết hôn. Cưới xong, hai vợ chồng lại quay trở vào Sài Gòn lo việc mưu sinh.
Thế rồi H. sanh con gái đầu lòng. Con bé quấy khóc liên miên. Trong thời gian chồng bị giam giữ sau đó bị toà sơ thẩm tuyên án 5 năm tù, H. không đi làm được mà con lại hay quấy khóc nên cô bế con về Huế để ba mẹ trông nom giùm, còn cô thì đi nấu ăn cho người ta, sống cũng tạm được. Bà mẹ H. nói hắn bị tù lâu như rứa, lại không có giấy hôn thú chi hết, thôi bỏ hắn đi đặng lấy chồng khác cho sướng thân. H. nói không bao giờ, không bao giờ con bỏ ảnh. Cho dẫu ảnh bị tù bao nhiêu năm con cũng đợi ảnh trở về. Mạ thấy đó, ảnh lấy đồ của người ta, bán đi rồi đưa hết tiền cho con chứ mô có xài đồng nào. Ảnh mang tội là vì con, con không bỏ ảnh.
Trong phiên toà phúc thẩm, bà Lê Thị M. đã khỏi bệnh, đi dự được theo tư cách nhân chứng. Thấy hoàn cảnh Phong tội nghiệp nên bà và các con hết lời xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo vì tài sản bà đã nhận lại đầy đủ, không bị thiệt hại gì cả, hơn nữa vợ Phong là người thành thật, vừa nghe công an gọi điện thoại báo tin là đem vào ngay, không hề tham lam. Chiếu theo lời đề nghị của phía bị hại, toà cũng thông cảm nên tuyên án bị cáo Huỳnh Thanh Phong chỉ bị 2 năm tù thay vì 5 năm như toà sơ thẩm đã tuyên. Hiện nay Phong đã ra tù vì thời hạn 2 năm được tính từ ngày 24 tháng 7 năm 2016 khi Phong bị giam giữ. Phong trở về sống với vợ con bằng nghề thợ hàn trong căn nhà thuê ở quận Bình Tân còn vợ Phong thì làm nghề thợ may như cũ.
Tìm lại gia đình Ngày người mẹ nuôi mất ở Đồng Tháp, Phong có đưa vợ con từ Sài Gòn về Đồng Tháp thắp hương cho mẹ. Nhân đó, anh đưa vợ đến cô nhi viện nơi anh đã trốn ra ngoài hồi nhỏ, với chút hy vọng may ra có thể tìm lại được gia đình. Tuy nhiên, những thông tin Phong nhận được chỉ là “Không rõ cha mẹ vì bị bỏ ở cổng cô nhi viện lúc mới lọt lòng và chưa cắt rốn”.
Hạnh phúc của cặp vợ chồng hơn kém nhau 53 tuổiSuốt 12 năm sau khi kết hôn chưa bao giờ cãi vã
Chuyện tình của ông Nguyễn Hữu Trọng (sinh năm 1928, tức năm nay 91 tuổi) và người vợ trẻ Đinh Thị Thoan (sinh năm 1981, năm nay 38 tuổi) ở Yên Sơn (huyện Ba Vì, ngoại thành Hà Nội) được đánh giá là câu chuyện kỳ lạ, “có một không hai” trong nước. Lúc họ làm đám cưới, ông Trọng đã bước sang tuổi 80 còn chị Thoan mới 26 tuổi.
Dù nhận được không ít lời châm chọc, bàn tán vì chuyện vợ chồng “đũa lệch”, tuy nhiên cho đến nay, sau 12 năm kết hôn, ông Trọng và vợ vẫn sống rất hạnh phúc. Trái ngọt của cuộc hôn nhân “không giống ai hết” này là hai bé Kim Phúc (11 tuổi, con gái) và Hữu Đức (8 tuổi, con trai) xinh xắn, khoẻ mạnh, hết sức thông minh. Người ta bảo lớn tuổi quá mà sinh con thì con kém trí óc. Điều này không sai, nhưng trong trường hợp vợ chồng ông Trọng, có lẽ nó được bổ khuyết bằng tuổi trẻ của người mẹ chăng? Chị Thoan Lúc sinh hai bé mới 27 tuổi và 30 tuổi.
Ông Trọng, chị Thoan và hai con
Vợ chồng ông Trọng hiện đang sống trong một ngôi nhà khang trang, bề thế, nằm trong một trang trại rộng 3 héc-ta ở Yên Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội. Hàng ngày ông Trọng khám chữa bệnh Đông y và điều hành trang trại có nhiều công nhân, cung cấp thực phẩm sạch ra thị trường. Ở tuổi 91, người đàn ông này trông vẫn trẻ trung với nước da trắng hồng, dáng đi khoan thai, giọng nói mạnh mẽ.
Những ngày đầu năm Kỷ Hợi vừa rồi, ngôi nhà của vợ chồng ông Trọng tấp nập khách ra vào, một phần là những người đến khám hoặc chữa bệnh, một phần là bạn bè đến chơi nhân dịp đầu năm.
Trong khi ông Trọng bận tiếp bạn ở nhà trên thì chị Thoan – người vợ trẻ của ông – lo nấu nướng dưới bếp. Dù cách biệt nhau tới 53 tuổi nhưng vợ chồng ông Trọng vẫn đối xử với nhau rất tình cảm, giống như những người trẻ tuổi. Ông Trọng thường dành cho vợ những cử chỉ ân cần, gắn bó. Đôi khi, được bạn bè yêu cầu, ông lại dẫn vợ lên nhà trên giới thiệu với khách. Cặp đôi “đũa lệch” này không xưng hô với nhau bằng “anh, em” mà gọi nhau một cách thân thiết là “Ba” và “Mẹ bọn trẻ”.
Hơn 12 năm kể từ ngày kết hôn đến nay, ông Trọng hãnh diện cho biết vợ chồng ông chưa bao giờ cãi nhau hoặc hờn giận nhau. “Thỉnh thoảng chúng tôi đóng góp ý kiến với nhau thì có chứ không bao giờ cãi vã. Tôi luôn luôn nói với vợ, hễ có điều gì không bằng lòng, em nghe anh giải thích 3 lần rồi hãy nói lại. Còn anh, anh nghe em giải thích 5 lần, nếu thấy không hợp lý thì bấy giờ mới nói lại. Chính vì biết nhẫn nại, nhường nhịn nhau như thế nên vợ chồng tôi không khi nào to tiếng với nhau”.
Hàng ngày ông Trọng thường dậy từ 5 giờ sáng để chuẩn bị công việc. Người vợ trẻ của ông phụ trách chuyện chợ búa, cơm nước, đưa đón các con đi học. Ông nói: “Mỗi sáng tôi dành 30 phút để tập thể dục, sau đó mới tính toán, xếp đặt công việc cho người làm trong nhà. Ăn sáng xong, tôi bắt đầu khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Còn buổi tối, bao giờ tôi cũng dành 1 tiếng để dạy con học. Trước khi đi ngủ, hai vợ chồng thường dành thời gian để tâm sự, chuyện trò với nhau, gắn kết tình cảm.”.
Ông Trọng dạy con gái tập đàn piano
“Nấu ăn và rửa bát chén thay vợ”Suốt 12 năm từ khi kết hôn đến nay, ông Trọng vẫn duy trì thói quen vào bếp giúp vợ nấu ăn hoặc rửa bát chén mỗi khi vợ bận. Ông thuộc từng sở thích ăn uống, khẩu vị mặn nhạt của vợ. Với ông, giúp đỡ vợ các việc trong nhà vừa là bổn phận vừa thể hiện sự quan tâm đến vợ. “Tôi nấu ăn rất khéo nên gia đình ít khi đi ăn nhà hàng. Chỉ cần vợ và con tôi nói muốn ăn món này món kia là tôi dặn vợ đi chợ mua các thứ rồi tôi vào bếp nấu nướng, ngon lắm”.
Ông Trọng hay làm bếp và rửa bát chén thay vợ
Ngồi bên chồng, chị Thoan khá kiệm lời, thỉnh thoảng lại nở nụ cười kín đáo. Chị bảo, dù chênh nhau cả mấy chục tuổi nhưng chồng chị rất tâm lý, sống có trách nhiệm và đặc biệt vẫn… lãng mạn như tự thuở nào. “Bất cứ ngày lễ, sinh nhật hay kỷ niệm ngày cưới, chồng tôi đều nhớ. Lần thì anh ấy làm thơ tặng vợ, lần thì anh tự đi chợ mua các thứ, về tự tay nấu các món ăn đặc biệt cho cả nhà cùng ăn, các con tôi thích lắm”.
Biết vợ thích hoa hồng và hoa phong lan, ông Trọng dành một khoảng sân lớn để trồng hàng chục chậu hoa hồng và hàng trăm giò phong lan, nhiều thứ rất đẹp.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với chị Thoan là lần chị sinh bé thứ 2 tại bệnh viện Sơn Tây. Lần đó, chị sinh khó, vào bệnh viện 2 ngày mà vẫn chưa chuyển dạ. Thương vợ chịu đau, ông Trọng phóng xe máy ra chợ mua một… lẵng hoa tươi về tặng! Chị Thoan cười: “Người ta đã nói đau như đau đẻ mà lại tặng hoa mới tức cười. Lần đầu tiên tôi thấy chồng ngốc quá nhưng vẫn im lặng. Cũng may, anh ấy vừa về một lúc thì tôi chuyển dạ và sinh con trai. Anh ấy đặt tên con là Hữu Đức…”.
Cả hai lần sinh và ở cữ, chị Thoan đều được chồng chăm sóc chu đáo từng miếng ăn giấc ngủ. Chị kể: “Anh ấy cẩn thận lắm, quan tâm đến vợ từng chút, có vị thuốc nào tốt cũng kê đơn, mua cho vợ dùng. Các cháu bú sữa mẹ, chính vì vậy mà cả hai cháu đều mạnh khoẻ, thông minh, lanh lợi”.
Chia sẻ về bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình, chị Thoan cười: “Tôi chẳng có bí quyết nào cả, chỉ là nhường nhịn, thông cảm với nhau mà thôi. Vợ chồng ai cũng có lúc cơm không lành, canh không ngọt, nhưng khi chồng giận thì vợ làm lành, vợ giận thì chồng làm lành chứ có gì khó”.
Hàng ngày, ngoài việc phụ giúp chồng trông nom người ăn người làm, chị Thoan còn luôn luôn để ý đến sức khỏe của chồng. Chị nói: “Cách đây hơn 12 năm, ai cũng cười tôi là học viên, kém thầy tới 53 tuổi mà lại chủ động nói với thầy: “Thầy ơi, em yêu thầy lắm”. Bây giờ tôi lại chủ động nói với chồng: “Mình ơi, em muốn mình luôn luôn mạnh khoẻ để trông nom, bảo bọc cho ba mẹ con em”. Mà, muốn anh ấy khoẻ mạnh, sống lâu với ba mẹ con, tốt nhất là đừng làm anh ấy phải suy nghĩ hay tức giận điều gì”.
Hạnh phúc của “đôi đũa lệch”
Trước khi kết hôn với chị Thoan, ông Trọng đã từng trải qua 3 cuộc hôn nhân đổ vỡ. Ở tuổi 80, ông đã định “đóng cửa trái tim”, sống một mình cho tới hết đời. Tuy nhiên, đến năm 2007, câu nói của cô học viên theo đuổi nghề thuốc Đông y của ông khiến ông cảm động: “Thầy ơi, em yêu thầy lắm, em muốn thầy cưới em”. “Em mới 26 tuổi, còn thầy gần 80 tuổi mà cưới cái gì”. “Kệ, không sao đâu thầy, em yêu ai thì lấy người đó, tuổi tác không thành vấn đề”. Thế rồi với sự mạnh dạn của cô học viên, ông cũng thấy yêu và đi đến quyết định kết hôn một cách chóng vánh.
Thời điểm đó, đám cưới của ông đông y sĩ danh tiếng Nguyễn Hữu Trọng gần 80 tuổi với cô học trò kém mình 53 tuổi đã làm dư luận xôn xao một thời gian. Nhiều người bảo ông “trâu già ham cỏ non” và cũng có người nói kệ, để xem cặp đôi đũa lệch chồng già vợ trẻ đó sông với nhau được bao lâu hay lại bỏ nhau sớm.
Gần 12 năm đã trôi qua, cuộc sống có thể nói là hết sức êm đềm, hạnh phúc của vợ chồng vị đông y sĩ Nguyễn Hữu Trọng đã chứng minh rằng tình yêu là có thật và tình yêu không đặt nặng vấn đề tuổi tác.
Kết luận của Đoàn Dự: Thưa quý bạn, qua hai câu chuyện trên đây, một chuyện thì nhân vật khổ từ lúc mới lọt lòng mẹ, một chuyện thì nhân vật sung sướng, giàu sang, đến lúc lớn tuổi vẫn còn may mắn có được hạnh phúc gia đình với hai đứa con đáng yêu và một người vợ luôn luôn thông cảm với mình. Sự may mắn và sự thiếu may mắn ấy tất nhiên được mọi người gọi là “số mệnh”. Nhưng số mệnh đến một cách tự nhiên hay do tạo hoá xếp đặt, điều đó không ai biết rõ.
Đoàn Dự[