Theo tác giả Trung Quốc Trần Chí Lương trong cuốn sách với tựa đề Đối thoại với tiên triết văn hóa phương Đông thế kỷ XXI (Bản tiếng Việt, Nxb Văn học Hà Nội 2010), ở “Chương III. Đạo với xã hội hiện đại”, thì tư tưởng Đạo gia ảnh hưởng rất độc đáo đối với xã hội Trung Quốc và xã hội hiện, học thuyết Đạo gia vạch ra con đường suy nghĩ nhu thắng cương, đối với hành vi chí dương chí cương của loài người từ cận đại đến hiện đại sẽ có bổ sung và điều chỉnh sao cho tốt hơn, rằng xã hội loài người ở thế kỷ XXI và trước mắt toàn thế giới rất coi trọng tư tưởng Đạo gia, theo đó các loại văn hóa của thế giới vừa xung đột vừa dung hợp, để đi đến dung hợp và trong thế kỷ XXI các loại văn hóa vừa được phát triển vừa được bổ sung cho nhau, bước vào một cảnh giới cao hơn. Tôi chưa rõ tư tưởng Đạo gia có đang và sẽ được thế giới, nhân loại rất coi trọng hay không như nhận xét và cả “mong muốn” của tác giả Trần Chí Lương, nhưng có thể thấy nó, nhất là tư tưởng cơ bản vô vi của nó, đang được thể hiện rất rõ trong chính sách và cả chiến lược “phát triển” của Trung Quốc hiện thời. Vậy, cần hiểu điều này như thế nào?
1. Vô vi và quân tử truyền thống hay theo “tiên triết văn hóa phương Đông”
Trong Đạo đức kinh, cuốn sách được xem là kinh điển của Đạo gia, đạo giáo, triết lý vô vi được xem là nội dung cơ bản, chủ đạo của nó. Tác giả Trần Chí Lương trong chương sách nói trên cũng đã cho thấy khá rõ điều này, khi ông nói đến những nội dung như “tôn âm, chủ về tĩnh, nhu thắng cương”, “vô vi nhi trị” tức là sự kết hợp giữa “không” và “có” theo nguyên tắc “có” sinh ra từ “không”, sự kết hợp giữa xung đột và dung hợp, hướng đến dung hợp v.v.. Nhưng theo tôi có thể hiểu một cách khái quát nội dung và thực chất của triết lý vô vi trong liên quan với toàn bộ nội dung tư tưởng của Đạo gia như được trình bày dưới đây.
Trước hết cần thấy chữ “quân tử” được Nho gia sử dụng phổ biến, còn Đạo gia hầu như không sử dụng chữ này, nhưng khi được sử dụng thì nó có nghĩa như chữ “thánh nhân”, để trước hết chỉ kẻ nắm được Đạo, có Đạo và do đó có thể trở thành nhà vua - kẻ cai trị xã hội theo Đạo. Tuy vậy, chữ “quân tử” được sử dụng trong bài viết này là vì nó phổ biến trong văn hóa Trung Quốc nói chung. Theo đó, quân tử là mẫu người được Đạo gia và Nho gia rất coi trọng. Đó là những kẻ có đức cao được hình thành nhờ noi theo đạo trời, tiêu biểu, đại diện cho chế độ cai trị để nhận mệnh trời (theo Nho giáo) và hành đạo, nhằm hướng đến tạo dựng cuộc sống no ấm, “hạnh phúc” của người dân, nhất là đến sự yên ổn, thái bình của xã tắc, quốc gia, thiên hạ. Tuy nhiên, nếu như quân tử Nho gia hướng đến “bình thiên hạ” bằng nguyên tắc đức trị chủ yếu là theo đức nhân, đạo nhân và theo trung dung, thì quân tử Đạo gia xem vô vi là cách cai trị tích cực và hay nhất để đạt được những mục tiêu là sự yên bình của quốc gia, xã tắc. Cả cách cai trị của quân tử Đạo gia và Nho gia đều hướng đến những mục tiêu rất tốt đẹp, thậm chí có tính lý tưởng và nó được thể hiện cả trong nội và đối ngoại.
Chữ “vô vi” của Lão Tử có nhiều nghĩa. Nó có thể được hiểu với nghĩa đen là không làm thật, như “không nói mà dạy dỗ”, “để cho sự vật tự nhiên sinh trưởng mà không can thiệp vào”, “không tranh mà thắng” v.v.. Tuy vậy, đây không phải là nghĩa chính của chữ “vô vi”. Đối với Lão Tử thì tư tưởng vô vi có cơ sở là Đạo. Lão Tử giảng giải: “Đạo mà có thể diễn tả được thì không phải là đạo vĩnh cửu bất biến; tên mà có thể đặt ra để gọi nó [đạo] thì không phải là tên vĩnh cửu bất biến”. “Không” là gọi bản thủy của trời đất; “Có” là gọi mẹ sinh ra muôn vật”. “Cho nên tự thường đặt vào chỗ “không” là để xét cái thể vi diệu của nó [đạo]; tự thường đặt vào chỗ “có” là để xét cái [dụng] vô biên của nó. Có thể hiểu Đạo theo quan niệm của Lão Tử với các đặc tính cơ bản là hư vô-tự nhiên-hư tĩnh, trong đó nổi bật là hư vô. Vì vậy, có thể gọi tên Đạo này là đạo Vô.
Chính đạo Vô quy định trước hết đức khiêm, nhất là khiêm nhu, từ đó quy định vô vi với nghĩa cơ bản là chỉ cách làm, cách cai trị cơ bản đặc trưng của thánh nhân với các khía cạnh nội dung là “làm (cai trị) một cách gián tiếp, không phải trực tiếp”, là “làm một cách tài khéo, thông minh, làm mà như không làm” hoặc “không làm mà không gì không làm” và “làm như một nghệ thuật”. Nhưng theo nghĩa hẹp hơn, vô vi có thể có nghĩa chỉ “thủ đoạn” mà ở đây tính chất mau lẹ, quyền biến, biến báo rất được coi trọng. Tuy nhiên, từ tất cả các nghĩa, các khía cạnh nội dung ấy, thực chất vô vi là nhu mềm, nó biểu hiện cái đức cơ bản của thánh nhân là khiêm nhu. Lão Tử khẳng định: “Luật vận hành của đạo là trở lại lúc đầu [trở lại gốc], diệu dụng của đạo là khiêm nhu. Vạn vật trong thiên hạ từ “có” mà sinh ra; “có” lại từ “không” mà sinh ra” (Xem Nguyễn Hiến Lê, Lão Tử. Đạo đức kinh).
Có thể lấy rất nhiều đoạn trong Đạo đức kinh làm thí dụ minh họa như “người thiện ở bậc cao thì như nước, nước khéo làm lợi cho vạn vật mà không tranh với vật nào, lại ở chỗ thấp”, “khéo đi thì không để lại vết chân”, “khéo buộc thì không cần dùng dây”, thực hiện công việc theo trình tự từ nhỏ đến lớn, từ dưới lên trên, từ trước đến sau, biết kết hợp giữa những khác biệt, đối lập để tạo nên sức mạnh của tính thống nhất; tuân theo luật phản phục, đạt đến cái cao nhất rồi quay về đạo; “đặt thân ra sau, dưới nhưng lại ở trước”, “công thành thì lui về”, “sinh mà không chiếm cho mình”, “không tự biểu hiện cho nên mới sáng tỏ, không tự cho là phải cho nên mới chói lọi” v.v... vì thế “người nào coi trọng sự hy sinh thân mình cho thiên hạ thì có thể giao thiên hạ cho người đó được”. Tuy vậy, cái đặc sắc, đặc trưng nhất của vô vi chính là: “Trong thiên hạ, cái cực mềm chế ngự được cái cực cứng [như nước sói mòn được đá]; cái “không có” lại len vô được cái không có kẽ hở [như không khí len vô được những chất như gỗ, đá]”.
2. Quân tử và vô vi đời nay
Xưa kia, cả quân tử Đạo gia và Nho gia đều khao khát, mong muốn có những bậc thánh nhân, quân tử hiểu đạo, có đức cao để bằng những cách, phương thức cai trị nhất định làm cho xã tắc, quốc gia, thiên hạ thái bình, nghĩa là đạt được thịnh trị, đại thịnh trị. Như thế tức là họ muốn giữ nguyên chế độ quân chủ chuyên chế và trên thực tế, họ đã không thực hiện được nguyện vọng ấy trong điều kiện của chế độ xã hội này. Những quân tử-cộng sản trong chế độ cộng sản toàn trị ở Trung Quốc (có lẽ cả ở Việt Nam nữa) dường như vẫn giữ nguyên khát vọng và cố gắng thực hiện cho kỳ được những mong muốn-mơ ước của người xưa?
Trước hết nói về đạo của quân tử-cộng sản đời nay. Về “hình thức”, người ta lấy học thuyết Marx-Lenin, phép biện chứng duy vật làm nền tảng và loại bỏ hoàn toàn những tư tưởng cổ xưa khi quy kết chúng là những tàn dư độc hại của chế độ cũ - phong kiến. Tôi nói về “hình thức” là vì hầu như họ không đọc, không hiểu học thuyết Marx-Lenin nói chung, nhất là không thấy được những hạn chế căn bản từ cơ sở triết học của nó. Các quân tử-cộng sản Tàu Cộng dùng chủ nghĩa Marx-Lenin để che đậy mưu đồ thống trị thế giới, trước hết họ muốn đứng đầu “phong trào cộng sản và công nhân quốc tế”, không chịu đứng dưới Nga Xô, nhưng âm ỉ, sâu xa, mạnh mẽ hơn cả vẫn là ngọn lửa chủ nghĩa dân tộc bành trướng-đại Hán với khát vọng “bình thiên hạ” luôn đốt cháy tâm can họ. Chế độ cộng sản toàn trị được thiết lập trên thực tế chỉ là biến tướng mới của chế độ quân chủ đặc trưng cho truyền thống xã hội-văn hóa của họ. Mới đây, đảng cộng sản Tàu Cộng đưa vào “Hiến pháp” việc duy trì “chế độ chủ tịch suốt đời” của Tập Cận Bình!
Như thế, học thuyết Marx-Lenin, phép biện chứng duy vật (có nội dung khá “tương đồng” với tư tưởng Lão Tử về Đạo, về vô vi) với những hiểu biết không đầy đủ, lệch lạc đã được nhào trộn với một trong những đặc trưng văn hóa Trung Quốc điển như đã nói và hình thành một thứ văn hóa mới: văn hóa Tàu Cộng, thành đạo Tàu Cộng. Các quân tử-cộng sản Tàu Cộng muốn thực hiện những, mong muốn “tốt đẹp” trong điều kiện chế độ quân chủ chuyên chế kiểu mới!
Sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới đứng đầu là Liên Xô tan rã, đạo Tàu Cộng bước sang giai đoạn “phát triển” với những nội dung và hình thức mới. Kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, đó là lựa chọn mới của quân tử Tàu Cộng. Thực chất của nó là gì? Chủ nghĩa xã hội hoàn toàn chỉ còn là cái vỏ che đậy cho ý chí bành trướng đại Hán. Giờ đây ý chí bành trướng đại Hán được thực hiện bằng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, nhưng thực ra là dưới cái vỏ truyền thống vững chắc của nó là chế độ quân chủ chuyên chế kiểu mới. Trong điều kiện ấy kinh tế thị trường Tàu Cộng không phải là kinh tế thị trường tự do, mà là kinh tế phục vụ mưu đồ bành trướng của nó. Giờ đây các tư tưởng cổ xưa vốn bị khinh bỉ, phủ nhận hoàn toàn lại được khôi phục và được tôn cao lên tít tận mây xanh. Viện Khổng Tử được lập ở nhiều nơi trên thế giới, cả ở Mỹ, đương nhiên, cả ở Việt Nam (tại Đại học Hà Nội).
Giờ đây “triết lý vô vi” của Lão Tử thực sự lên ngôi, được áp dụng” vào kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, vào mọi chính sách, đường lối đối nội và đối ngoại. Có thể nói, người đầu tiên tiêu biểu cho đường lối quản trị-cai trị “theo” vô vi là “thánh nhân” Đặng Tiểu Bình với tư tưởng “mèo trắng hay đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột”. Đây là sự “mềm dẻo”, “năng động”, là “phép biện chứng mới”, hay là “vô vi kiểu mới”? Không! Đây chỉ là một “thủ đoạn”, nếu đặt vào nội dung vô vi, vào phép biện chứng, thì nó là yếu tố quan trọng, rất sinh động, nhưng ở đây khi gắn với mục tiêu và hình thức nhà nước là chế độ cộng sản toàn trị của đạo Tàu Cộng, nó là sự tuyệt đối hóa thủ đoạn và mang tính chiến lược. Ngoài ra, Đặng Tiểu Bình cũng nêu phương châm “dò đá qua sông” cho quân tử-cộng sản Tàu Cộng. Về sau “triết lý vô vi” của Đặng Tiều Bình tiếp tục được phát triển với các phương châm mới như “sáng kiến một vành đai, một con đường”, “con đường tơ lụa trên biển”, “trỗi dậy trong hòa bình”. Với Việt Nam, đó là các phương châm “16 chữ vàng”, “4 tốt” v.v...
Chẳng phải nói nhiều, người ta cũng biết rõ với những phương châm, “triết lý vô vi” nói trên quân tử Tàu Cộng và hệ thống của họ có thể làm bất cứ điều gì, bất chấp mọi giá trị, đạo lý, miễn để đạt mục đích. Bây giờ thì người ta đã phanh phui ra tất cả như cuộc thảm sát những người biểu tình bằng xe tăng tại Thiên An môn, việc giết mổ cướp nội tạng người, tệ ăn cắp, hơn thế ăn cắp phát minh trong mọi lĩnh vực, nhất là công nghệ, đã trở thành một phương châm chiến lược, việc giăng bẫy nợ-kinh tế, thao túng các chế độ cầm quyền và phá hoại kinh tế, văn hóa của các nước châu Phi, Xiry Lan ca, cả Campuchia và Lào, tham vọng chiếm trọn biển Đông với một thứ triết lý cùn là “lợi ích cốt lõi”, “lãnh thổ của Trung Quốc từ thời cổ đại”. Đặc biệt, Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng đầu tiên trên con đường bành trướng của Tàu Cộng, của chiến lược “một vành đai, một con đường”. Trên thực tế, Việt Nam đã và đang bị xâm chiếm bằng cuộc chiến tranh “xâm lược mềm” đầy thâm hiểm, tinh vi của Tàu Cộng.
Dĩ nhiên, cần phải nói đến “đức” của quân tử Tàu Cộng, cái khiến nó có thể thực hiện đạo Tàu Cộng, “triết lý vô vi” của nó. Phải nói rằng việc giúp cho hàng tỷ người dân Trung Quốc thoát khỏi nghèo đói, là việc làm vĩ đại, là điều không thể phủ nhận. Vả chăng đó cũng là mơ ước của quân tử, thánh nhân xưa của nước Tàu. Nhưng sẽ ra sao, nếu như con người chỉ tồn tại với cái thân xác và những nhu cầu thân xác trực tiếp của nó, cái mà chế độ quân tử Tàu Cộng đã làm được? Không, con người chỉ tồn tại đúng với nghĩa CON NGƯỜI (chữ “con người” viết hoa) khi nó có cả những mặt, những giá trị tinh thần, tư tưởng, nhất là Tự do. Con người theo nghĩa ấy không thể có, không thể xuất hiện trong điều kiện của chế độ quân chủ hình thành trên cơ sở chế độ sở hữu chung mà thực chất là sở hữu tối cao của nhà vua.
Chế độ cộng sản toàn trị ở Trung Quốc và cả ở Việt Nam thực chất là những chế độ quân chủ kiểu mới. Những kẻ đứng đầu chế độ chính là những tên vua mới, nhưng sự “hổ thẹn cộng sản” và sự thay đổi của thời cuộc đã làm cho họ không dám nhận mình là vua, mà núp dưới những tên gọi khác thậm chí còn “cha mẹ dân” hơn, là “Chủ tịch”, là “Cha già”, “Cha”, là “Người”, là “Bác” v.v.. Sự ban phát ân huệ, tước lộc của họ cho người dân, cho kẻ dưới quyền bị hiểu lầm hoặc bị ép phải gọi là đức nhân của họ. Họ có đức khiêm? Tuyệt đối không. Sự dối trá, gian manh, cơ hội, xảo trá của họ bị hiểu lầm hoặc bị ép hiểu là khôn ngoan, quyền biến, đức độ. Thực ra, quân tử-cộng sản rất thâm độc và tàn bạo, nhất là khi có quyền, nó rất kiêu căng, tự phụ, chỉ giả vờ khiêm tốn và giả vờ rất giỏi. Nó không chỉ coi nhân dân, đất nước mà cả thiên hạ là của nó, tự coi mình là trên hết, có quyền áp đặt mọi “giá trị”, “chuẩn mực” của mình cho kẻ khác. Đây là một tính nết-căn bênh đặc trưng không thể sửa-chữa trị được trong chế độ quân chủ và chế độ quân chủ toàn trị cộng sản.
3. Thay cho lới kết
Đạo gia, Nho gia có mong muốn, khao khát rất tốt đẹp, lý tưởng là có được những quân tử, thánh nhân làm vua với tư cách minh quân, đặc biệt có đức sáng để rạng soi đời sống nhân quần, đem lại nền thái bình cho xã tắc, quốc gia và cả thiên hạ và họ đã gắng sức, dồn tâm, dồn trí để làm điều đó. Đó là điều ta không thể nghi ngờ. Nhưng trong điều kiện chế độ quân chủ, mong ước của họ chỉ là mong ước, lý tưởng của họ trở thành hoang tưởng. Tư tưởng, triết lý của họ có nhiều điều hay, có ý nghĩa lớn, nhưng điều đó không nằm ở bản thân chúng, vì Lão Tử, Khổng Tử và những môn đệ của ông chỉ có thể tư duy, tư tưởng và ý thức về hiện thực, cuộc sống như bản thân những gì thời đại họ có và cho phép. Chỉ với điều kiện chế độ quân chủ chuyên chế kiểu phương Đông – Trung Quốc bị xóa bỏ và thay thế bằng chế độ Tự do – Dân chủ, thì những giá trị của Đạo gia, Nho gia mới có thể được khẳng định, nghĩa là khi đó chúng được đặt vào yêu cầu, hoàn cảnh, điều kiện lịch sử mới. Lúc đó người ta không còn bị ngộ nhận hoặc ngụy tạo rằng “tôi” (“chúng ta”) đang tư duy, tư tưởng, hơn thế đang “vô vi” cả về tư tưởng và hành động, nhưng lại bảo rằng đó là Lão Tử đang nói, nghĩ, là làm theo Lão Tử!
Cũng cần nói thêm rằng tư tưởng Lão Tử cho rằng “nhu thắng cương” về cơ bản là sai lầm, nhất là khi tuyệt đối hóa nó. Thực ra, nhu chỉ thắng cương như là những thủ đoạn, còn về cơ bản nhu có thể bù cương, bổ sung cho cương, làm tăng thêm sức mạnh của cương dũng. Lịch sử văn minh phương Tây đã chứng minh rằng chính cương dũng mới thể hiện sự ngay thẳng, quang minh, chính đại, nó hoàn toàn trái với thói lươn lẹo, trí trá, ranh mãnh và chính nó đã làm nên nền văn minh phương Tây rực rỡ như ngày nay, mà một phần hiện thân của nó là nền kinh tế thị trường đã cứu hàng tỷ người dân Trung Quốc khỏi nạn đói như đã thấy.
Thế nhưng thực tế ở Trung Quốc và cả ở Việt Nam hiện nay chế độ quân chủ chuyên chế chưa mất đi, trái lại đang ở trên bậc thang có thể nói là cao nhất của nó là chế độ quân chủ cộng sản toàn trị. Cho nên, “đạo bành trướng” Tàu Cộng đang được thực hiện. Chế độ cộng sản giả hiệu ở Việt Nam một cách tự phát hoặc tự giác, ngấm ngầm hoặc công khai trở thành mắt xích khăng khít của “đạo” này. Trong điều kiện như thế, triết lý vô vi của tiền nhân chỉ là sự ngụy tạo, vì nó không phải được sử dụng, phát huy vì những mục tiêu tốt đẹp của con người, nhân loại, dù chỉ là mơ ước, hoang tưởng như người xưa, không phải là sự triển khai, làm sáng đức sáng của những con người có đức nhân và đức khiêm lớn lao được đào luyện một cách bền bỉ, can trường, mà thực chất là để duy trì chế độ cộng sản toàn trị với tham vọng thống trị nhân loại của lớp quân tử-cộng sản, một thứ ngụy quân tử kiểu mới. Đáng nói là cuộc chiến thương mại do Tổng thống Mỹ D. Trump phát động và cuộc nổi dậy xuống đường sục sôi, quyết liệt của hàng chục ngàn người dân Việt Nam, nhất là ở miền Nam, hồi tháng 6 năm 2018 đã làm bộc lộ rõ hơn không chỉ “triết lý vô vi” mà hơn thế, toàn bộ đạo bành trướng tham lam, bất minh, tàn bạo của Tàu Cộng.
Đến đây định đề ngày viết bài thì chợt nhớ hôm nay ngày 19 tháng 5, được xem là ngày sinh của Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh. Vậy, xin dâng bài viết này lên “Bác” nhân ngày sinh của “Người”, cũng là nhân dịp “Bác” được các nhà sư của chế độ đưa vào chùa để cố làm cho “Người” “sánh ngang” với Phật nhằm duy trì-cứu vớt chế độ cộng sản toàn trị đang ở thời mạt vận của nó.
Ngày 19 tháng 5 năm 2019
Phạm Văn