Người tuần hành trên đường phố Los Angeles ngày 20/07/2013, giương ảnh của Trayvon Martin để phản đối phán quyết tha bổng George Zimmerman.
REUTERS/David McNewBrazil, chuyến công du đầu tiên ra nước ngoài của Đức Giáo hoàng Phanxicô nhân Đại hội Giới trẻ Thế giới. Israel và Palestine đồng ý nối lại đàm phán, nhưng không có hy vọng đạt được kết quả. Trung Quốc bãi bỏ biện pháp kiểm soát lãi suất cho vay ngân hàng. Vòng đua xe đạp Tour de France lần thứ 100, kết thúc mỹ mãn. Đấy là những đề tài chính được báo chí Paris quan tâm trong ngày. Nhưng trước hết xin điểm qua bài báo trên tờ Libération thiên tả nói về hiện tượng « kỳ thị chủng tộc » vẫn tồn tại ở Hoa Kỳ nhân vụ án Trayvon Martin- George Zimmerman.
Ngày 20/07/2013 hàng ngàn người đã tuần hành ở nhiều thành phố lớn trên đất Mỹ để phản đối việc nhân viên bảo vệ người da trắng, George Zimmerman, được tha bổng trong vụ xử về tội sát hại một thanh niên da đen, Trayvon Martin. Báo Libération chơi chữ với hai màu « đen, trắng » khi nói tới « một cuộc tuần hành ôn hòa để bày tỏ phẫn nộ ».
Tuy nhiên nhìn rộng ra hơn thì người biểu tình không chỉ phản đối việc Zimmerman được trắng án mà đây còn là dịp để cộng đồng người Mỹ da đen tố cáo những bất công xã hội mà họ phải đối mặt hàng ngày. Hơn ¼ trên tổng số 44 triệu người Mỹ da đen sống dưới ngưỡng nghèo khó. Cộng đồng người da đen, chỉ chiếm chưa đầy15 % dân số Hoa Kỳ, nhưng lại có tới 1 triệu người da đen trên tổng số 2,3 triệu tù nhân đang thọ án trong các trại giam.
Theo một công trình nghiên cứu gần đây của hiệp hội NAAP chuyên bảo vệ quyền lợi của người da màu tại Mỹ, với đà này, « 1/3 trong số những đứa trẻ da đen sinh ra trên đất Mỹ ngày hôm nay có thể sẽ phải vào tù ». Một người tuần hành tại New York cuối tuần trước nói với phóng viên Libération : tình trạng của những người da đen trên đất Mỹ thật thê thảm, họ bị coi là những « công dân hạng hai » và không biết tới khi nào thì hoàn cảnh ngang trái đó được thay đổi.
Libération nhắc lại, chính sự bất bình đẳng trong cách đối xử đó là trọng tâm của công cuộc đấu tranh không ngừng từ những năm 1980 tới nay của Linh mục Al Sharpton. Linh mục Sharpton là người đi đầu trong công cuộc đấu tranh đòi công lý cho thiếu niên da đen 17 tuổi, Trayvon Marin đã bị thiệt mạng hồi tháng 2/2012.
Cũng chính vị Linh mục này là người khởi xướng phong trào đòi công lý cho một thanh niên người da đen khác, Amadou Diallo : năm 1999 tuy không có mang theo vũ khí trên người, nhưng Diallo vẫn phải nhận lấy khoảng 40 viên đạn của cảnh sát New York. Tư pháp Hoa Kỳ khi đó cũng cũng đã xử trắng án cho những người đã cướp đi mạng sống của Diallo.
Tác giả bài báo ghi nhận một chi tiết : số người hưởng ứng cuộc tuần hành ôn hòa cuối tuần trước không được đông đảo như mọi người chờ đợi. Đây có thể là do « hiệu ứng Obama » sau khi tổng thống Hoa Kỳ, nhìn nhận những đối xử « khác biệt » tùy vào màu da vào sắc tộc, trước pháp luật. Chủ nhân đầu tiên người da đen của Nhà Trắng không loại trừ khả năng, cách nay 35 năm ông có thể là một Trayvon Martin.
Source: RFI