Trang bìa tuần báo Le Courrier International, số 1185, ngày 18/07/2013, nói về tầng lớp trung lưuNhờ nền kinh tế tăng trưởng, tầng lớp trung lưu của các quốc gia đang phát triển ngày một nhân rộng.
Tuy nhiên, lợi ích và quyền lợi của họ thường xuyên xung đột với chính sách của Nhà nước. Âm
hưởng của phong trào « Mùa xuân Ả Rập » sẽ còn là nguồn cảm hứng cho tầng lớp mới nổi này tại
các quốc gia trên. Le Courrier International tổng hợp bài viết từ báo chí quốc tế phản ánh sự trỗi dậy
của tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil và Châu Phi, với trang bìa chạy tựa « Ngày
mà tầng lớp trung lưu trỗi dậy ».
Báo Le Courrier International nhận xét tầng lớp trung lưu mới nổi gồm những người có trình độ, với
nhu cầu tiêu dùng và tự do rất lớn. Xuất phát từ « Mùa xuân Ả Rập », tiếp theo là các phong trào phản
đối tại Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil, tầng lớp trung lưu đang làm lung lay các cơ quan quyền lực và nhà lãnh
đạo tại các nước đang phát triển.
Le Courrier International trích đăng bài phân tích trên tờ The Wall Street Journal của nhà triết học và
kinh tế học người Mỹ, Francis Fukuyama. Theo ông, những cuộc cách mạng dân chủ mới này có thể
sẽ làm đảo lộn trật tự thế giới. Phân tích mối liên hệ giữa các cuộc cách mạng đang diễn ra ở Thổ Nhĩ
Kỳ, Brazil và làn sóng phản đối tại Trung Quốc, ông cho rằng chính sự trỗi dậy trên quy mô quốc tế
của tầng lớp trung lưu mới là sợi dây chủ đạo nối các sự kiện trên. Tác giả bài báo nhận định, tầng lớp
trí thức trẻ này có trình độ cao và thu nhập hơn mức bình quân. Họ cũng là những người thành thạo
công nghệ mới và mạng xã hội như Facebook hay Twitter để truyền tải thông tin và tổ chức biểu tình.
Tuy sống trong một quốc gia thường bầu cử dân chủ, nhưng họ không có cảm giác liên quan với cơ
quan chính trị cầm quyền.
Tác giả nhận xét những người mới gia nhập tầng lớp trung lưu thường là những người đi đầu trong
các phong trào phản đối. Song, một mình họ khó có thể thay đổi lâu dài toàn bộ hệ thống chính trị. Lý
do thứ nhất là tầng lớp này chỉ chiếm một số lượng nhỏ. Lý do thứ hai là họ còn nhiều bất đồng và
chia rẽ ngay trong nội bộ.
Tờ báo đề cập tới điểm yếu của các cuộc cách mạng Ả Rập là thanh niên tham gia biểu tình đã không
biết tận dụng hoàn cảnh để lập nên các đảng phái có khả năng tranh cử sau đó. Ngoài ra, sinh viên
vẫn chưa biết cách huy động giai cấp nông dân và công nhân. Còn trường hợp tại Brazil thì lại khác.
Thách thức đối với người biểu tình là đấu tranh đòi chính phủ không bổ nhiệm lâu dài các chính trị gia
đương quyền tham nhũng. Tương tự như ở Thái Lan hay Trung Quốc, tầng lớp trung lưu Brazil vẫn
ủng hộ các nhà lãnh đạo chuyên quyền khi mà tương lai kinh tế của họ gắn liền với Nhà nước.
Trong thập kỉ tới, Trung Quốc mơ ước từ một xã hội có thu nhập trung bình trở thành xã hội thu nhập
cao. Thế nhưng, với khoảng 7 triệu cử nhân mới, guồng máy công nghiệp khó đảm bảo được nhu cầu
việc làm. Tác giả dự báo, chính tầng lớp trung lưu Trung Quốc sẽ là những người xuống đường trong
thời gian tới.
« Đừng quên người Nga »Một nhà báo Mátxcơva trách ông Francis Fukuyama không đề cập tới tầng lớp trung lưu tại Nga trong
bài báo trên. Dưới tựa đề : « Đừng quên người Nga » đăng trên trang báo điện tử Gazeta.ru, ông cho
biết tầng lớp trung lưu ở đây chiếm khoảng 18-20% các hộ gia đình. Chính phủ Nga nghiên cứu rất
cẩn thận những dữ liệu mới và đưa ra những biện pháp cần thiết để tránh mọi nguy cơ xáo trộn chính
trị và loại bỏ tầng lớp trung lưu.
Nhà nước tận dụng triệt để những biện pháp cổ từ thời Xô Viết, như đánh thuế thu nhập đối với những
người có mức lương cao hơn so với mức trung bình, diệt ngay trong trứng nước việc thành lập doanh
nghiệp (trừ khi do công chức kiểm soát), loại bỏ tầng lớp trung lưu trong bộ máy chính trị, bưng bít
thông tin bằng cách lưu số máy chữ hay máy photocopie nhằm kiểm soát việc sao chụp văn bản…
Tác giả bài báo kết luận tầng lớp trung lưu ở Nga chưa sẵn sằng thức tỉnh. Nhưng họ ngủ không hề
sâu.
Ấn Độ : Thiểu số gây ảnh hưởng nhưng mong manhTờ The New York Times đăng một bài phân tích tầng lớp trung lưu tại Ấn Độ, với tựa đề : « Thiểu số
gây ảnh hưởng nhưng mong manh ». Tờ báo nhận xét rằng, dù số lượng còn khá khiêm tốn trong xã
hội, người tiêu dùng mới này biết cách nâng trọng lượng tiếng nói của mình. Vận mệnh của họ và nền
kinh tế gắn bó chặt chẽ với nhau. Vì thu nhập cao hơn của người trung lưu sẽ tăng sức mua và thúc
đẩy tiêu thụ nội địa.
Đa số người trung lưu làm công chức Nhà nước. Chính vì thế, tính bấp bênh của tầng lớp này được
thể hiện ở hai điểm : Thứ nhất, họ bị phụ thuộc vào chính phủ và người giàu để được phân chia công
việc. Thứ hai, họ phải trông chờ vào Nhà nước và dân nghèo để được mua rẻ tài sản hay dịch vụ. Số
người làm chủ doanh nghiệp không tương xứng với kích cỡ của đất nước. Nguyên nhân do người Ấn
Độ thích lao động hơn là tạo việc làm. Họ không có thói quen gây dựng doanh nghiệp riêng. Đây có lẽ
là tàn dư ảnh hưởng của văn hóa phong kiến và thuộc địa.
Trung Quốc : Để sống hạnh phúc, hãy im lặng mà sốngTờ Tài Tân (Caixin Wang - Bắc Kinh) nhận diện tầng lớp trung lưu mới tại Trung Quốc từ 30 năm cải
cách kinh tế trở lại đây. Trước những năm 1990, tầng lớp trung lưu chủ yếu gồm các chủ cơ sở sản
xuất nông thôn hay con cái của cán bộ. Hiện nay, có thể thấy cán bộ cao cấp, quản lý doanh nghiệp,
viên chức, thành phần trí thức và thậm chí cả một số người ở những tầng lớp thấp hơn.
Một nhà viết blog nổi tiếng Trung Quốc thẳng thắn nhận xét rằng tầng lớp này đi « tiên phong trên mặt
trận tiêu dùng, nhưng lại đi sau trên mặt trận chính trị ». Quả thực, đại bộ phận tầng lớp này xuất thân
từ quan chức và có quan hệ mật thiết với những người có địa vị để tồn tại và tiến thân. Vì vậy, họ
không thể ấp ủ những khuynh hướng chính trị cực đoan.
Tóm lại, về mặt kinh tế, Trung Quốc đạt nhiều thành quả đáng ghi nhận nhờ xu hướng tự do hóa thị
trường. Về mặt chính trị, kết quả hoàn toàn ngược lại. Trung Quốc vẫn không nới lỏng giới hạn tự do
và kiểm soát. Dù tầng lớp trung lưu vẫn bày tỏ quan điểm hay chỉ trích trên các mạng xã hội và blog,
họ gần như không bao giờ tham gia vào các hội đoàn, tổ chức của Đảng hay các lĩnh vực nhạy cảm
khác. Mọi vấn đề chính trị nóng bỏng thường do các phương tiện truyền thông, những người bất đồng
chính kiến, thậm chí là tầng lớp bình dân hâm nóng, chứ không phải là tầng lớp trung lưu.
Brazil : Một cuộc xung đột đang được chuẩn bịNhìn sang tầng lớp trung lưu tại Brazil, tờ Piauí (São Paulo) nhận định xã hội nước này đã thay đổi từ
thời tổng thống Lula da Silva với sự xuất hiện nhiều tầng lớp mới. Điều đáng lưu ý là các bên đều có
lợi dưới thời kì thịnh vượng này.
Các cuộc biểu tình nổ ra vừa qua trên toàn lãnh thổ phán ánh một giai đoạn xung đột mới liên quan tới
vấn đề phân chia lợi nhuận. Tham gia xuống đường biểu tình có một số người xuất thân từ tầng lớp
trung lưu trước đây. Giấc mơ ổn định và đặc quyền của những người này bị một lớp người tiêu dùng
mới đè nát. Thêm vào đó, là tầng lớp « trung lưu mới » gồm các tân cử nhân thất nghiệp, sống bấp
bênh.
Tác giả bài báo nhận định khó đoán được phong trào này sẽ đi tới đâu. Cũng không biết được các
tầng lớp dưới, chiếm đa số cử tri của hai tổng thống gần đây, sẽ phản ứng như thế nào. Đại diện của
họ có tham gia các cuộc biểu tình, nhưng rất ít. Vì họ ngán kiểu tập trung đối đầu hay gây mất trật tự
công cộng.
Châu Phi : Huyền thoại hơn là thực tếTheo Ngân hàng Phát triển Châu Phi, một phần ba người Châu Phi (khoảng 350 triệu người) thuộc
tầng lớp trung lưu. Dĩ nhiên, nhiều cơ quan ngôn luận quốc tế nghi ngờ con số này. Còn trang thông
tin điện tử Africa is Country cho rằng con số này : « Huyền thoại hơn là thực tế ». Vì theo quan sát,
những người trung lưu mới này có phương tiện đi lại hay thông tin hiện đại nhưng lại không có khả
năng để chi trả bảo hiểm hay chi phí sửa chữa.
Nhận xét về tầng lớp mới xuất hiện này, trang Africa is Country cho biết : « Tầng lớp trung lưu ở Châu
Phi thường không có nguồn gốc xã hội và cũng chẳng có quyền lực chính trị ». Trên thực tế, hai
nhóm người chính tạo nên tầng lớp này gồm : Nhóm thứ nhất là những người thoát nghèo nhờ vượt
qua được bộ máy hành chính công lạc hướng ; nhóm thứ hai là những người di cư sang các nước
phát triển làm việc, sau đó quay về quê nghỉ hưu.
Source: RFI