Người dân Bắc Hàn đang phải vật lộn lo đáp ứng nhu cầu cuộc sống bởi có một "vòng tròn độc hại gồm sự tước đoạt, tham nhũng và đàn áp", một bản phúc trình mới ra nói.
Phúc trình của tổ chức nhân quyền thuộc Liên Hiệp Quốc cũng cáo buộc chính quyền ông Kim Jong-un là quản lý kinh tế yếu kém, khiến người dân phải khốn khổ, khó khăn trong việc lo cho các nhu cầu tối thiểu.
Cuộc sinh tồn hàng ngày càng trở nên khó khăn hơn do tình trạng quan chức vòi vĩnh, đòi hối lộ, bản phúc trình nói thêm.
Bắc Hàn bác bỏ nội dung trên, nói rằng bản phúc trình "có động cơ chính trị nhằm phuc vụ các mục tiêu nham hiểm".
Bản phúc trình có tên The Price is Right (Đúng Giá) được soạn thảo dựa trên các nội dung phỏng vấn 214 người đào tẩu trong thời gian từ 2017 đến 2018.
Nội dung bản phúc trình ghi nhận rằng sự sụp đổ của hệ thống phân phối của nhà nước hồi thập niên 1990 đã buộc khoảng ba phần tư dân số phải quay sang các thị trường không chính thức do khẩu phần được cấp hàng ngày không đủ để trang trải cuộc sống tối thiểu.
"Nếu như bạn tuân theo các chỉ thị của nhà nước, bạn sẽ chết đói," một người đào tẩu nói.
Nhưng các thị trường chỉ tồn tại trong vùng mập mờ về pháp lý, khiến cho mọi người luôn dễ dàng bị các viên chức hoạnh họe, đòi hối lộ.
Những người muốn kiếm tiền theo cách này phải "đối diện với tình trạng bị bắt giữ, giam cầm", bản phúc trình của Liên Hiệp Quốc ghi nhận. Phụ nữ muốn kiếm tiền càng đặc biệt dễ bị tổn thương, bản phúc trình nói thêm.
Ông Kim Jong-un lên lãnh đạo Bắc Hàn kể từ 2011
Bản phúc trình của Liên Hiệp Quốc cũng chỉ trích việc quản lý kinh tế ở nước này dưới thời ông Kim, người lên nắm quyền sau khi cha ông qua đời hồi 2011.
Bắc Hàn đổ lỗi tình trạng kinh tế yếu kém là do bị các lệnh trừng phạt quốc tế liên quan tới chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, bản phúc trình ghi nhận, thay vì chú ý tới việc đảm bảo lương thực thực phẩm cho người dân, thì các ngân khoản lại được ưu tiên chi cho quân đội.
Chương trình Lương thực Thế giới ước tính có 10,1 triệu nggười hiện đang trong tình trạng thiếu hụt lương thực nghiêm trọng, trong lúc Bắc Hàn mất mùa nghiêm trọng nhất kể từ một thập niên qua do hạn hán. Tình hình thiên tai năm nay khiến nước này thiếu hụt hàng triệu tấn lương thực.
"Tôi lo rằng việc liên tục tập trung vào vấn đề hạt nhân tiếp tục khiến sự chú ý bị đánh lạc hướng khỏi tình trạng nhân quyền khủng khiếp mà nhiều triệu người Bắc Hàn đang phải đối diện," Michelle Bachelet, Trưởng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền, nói.
"Quyền có thực phẩm, chăm sóc y tế, nơi ở, nơi làm việc, quyền tự do đi lại và quyền tự do là các quyền phổ quát, không thể chuyển nhượng được, nhưng tại Bắc Hàn việc được hưởng các quyền này chủ yếu dựa vào khả năng hối lộ viên chức nhà nước của các cá nhân."
Bắc Hàn phản ứng giận dữ trước các cáo buộc nêu trong bản phúc trình.
"Những báo cáo như thế hoàn toàn là chuyện thêu dệt... bởi chúng dựa vào cái được gọi là những lời tường trình của 'bọn đào tẩu', những kẻ đã cung cấp các thông tin thêu dệt để kiếm sống, hoặc bị ép buộc, bị xúi giục phải làm vậy," cơ quan đại diện của Bắc Hàn tại Geneva nói với hãng tin Reuters.
Theo BBC