I-Từ Độc Lập!
Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Đình, Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên Ngôn Độc Lập”,
mở đầu bằng câu văn lấy từ bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ:
“Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Đấng Tạo Hoá ban cho họ những quyền bất biến
trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”
Hồ Chí Minh kết luận: “Nước Việt Nam có quyền tự do và độc lập, và thật sự đã trở thành một nước tự
do, độc lập”.
30 năm sau, trong lễ mừng chiến thắng tổ chức vào ngày 15 tháng 5 năm 1975 tại Hà Nội, bí thư Thứ
Nhất Đảng Cộng Sản Lê Duẫn tuyên bố:
“Chào mừng tổ quốc vinh quang của chúng ta từ nay vĩnh viễn thoát khỏi ách nô dịch của nước ngoài,
vĩnh viễn thoát khỏi họa chia cắt. Chào mừng non sông gấm vóc Việt Nam liền một dãy từ Lạng Sơn
đến mũi Cà Mau, từ nay hoàn toàn độc lập, tự do và vĩnh viễn độc lập tự do”
II- Đến Nô Lệ!
38 năm sau, chủ tịch nước Trương Tấn Sang viếng thăm Trung Cộng từ ngày 19 đến ngày 21 tháng
6 năm 2013. Trong thời gian đó, Trương Tấn Sang đã hội đàm với Chủ Tịch Tập Cận Bình, Thủ
Tướng Lý Khắc Cường, Chủ Tịch Quốc Hội Trương Đức Giang, và một loạt các chức sắc khác trong
hệ thống Đảng, Nhà Nuớc và Quân Đội Trung Cộng. Trong một thời gian ngắn ngủi 2 ngày, hai bên đã
ký kết và thành lập bao nhiêu là Ủy Ban Chỉ Đạo hợp tác chiến lược toàn diện, ủy ban song phương,
thỏa thuận hợp tác, bản ghi nhớ, trong các lãnh vực ngoại giao, quốc phòng, kinh tế, thương mại,
nông nghiệp, luật pháp, an ninh, quản lý biên giới cửa khẩu, hợp tác trong lãnh vực đánh cá trên biển
trong Vịnh Bắc Bộ, hợp tác trong lãnh vực văn hoá… Tất cả những thỏa hiệp ký kết hay các ủy ban
thành lập không hề được công bố hay thảo luận tại Quốc Hộị.
Bản tuyên bố chung Việt-Trung năm 2013 tương tự như những bản tuyên bố chung những năm trước
đó. Đáng chú trọng hơn cả là chuyến đi Trung Cộng với bầu đoàn các lãnh tụ Cộng Sản Việt Nam
trong đó có Phạm Văn Đồng, đến Thành Đô, Tứ Xuyên vào đầu tháng 9, 1990. Tại Thành Đô,
Nguyễn Văn Linh và Đảng Cộng Sản Việt Nam đã đưa Việt Nam trở lại quỹ đạo lệ thuộc vào Đảng
Cộng Sản Trung Quốc, sau khi khối Cộng Sản Nga Sô và Đông Âu sụp đổ năm 1989. Những năm
sau đó, Đảng Cộng Sản Việt Nam lần lượt dâng cho Trung Quốc lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam một
cách bí mật qua hai hiệp ước về biên giới trên đất và trên biển vào hai năm 1999 và 2000.
83 năm sau khi thành lập Đảng Cộng Sản Đông Dương, 68 năm sau khi Hồ Chí Minh tuyên bố độc
lập, 38 năm sau khi thống nhất đất nước dưới chiêu bài giải phóng dân tộc, Đảng Cộng Sản Việt Nam
đã đưa đất nước và dân tộc Việt Nam trở lại dưới vòng nô lệ của Trung Cộng.
III- Vòng Nô Lệ ngày càng siết chặt
Cứ tiếp theo mỗi một cuộc thăm viếng giữa các lãnh tụ của hai đảng Cộng Sản Việt Nam và Trung
Quốc lại có một bản tuyên bố chung “nhất trí” rằng tình hữu nghị Việt-Trung là tài sản chung quý báu
của nhân dân hai nước. Tựu trung các bản tuyên bố chung đều “khẳng định” và làm “sâu sắc thêm”
mối “hợp tác toàn diện”, tăng cường thêm nữa lòng “tin cậy chiến lược” giữa hai nước. Ý niệm “lòng
tin chiến lược” này khi được Nguyễn Tấn Dũng nhắc đến trong hội nghị mới đây tại Shangri-La vào
tháng 5, 2013 và đã được các tờ báo cộng sản trong nước khen ngợi là Nguyễn Tấn Dũng có tầm
nhìn chiến lược. Tại hải ngoại, cũng có người tâng bốc so sánh Nguyễn Tấn Dũng như là một
Gorbachev của Việt Nam. Thực ra “lòng tin chiến lược”, mỉa mai thay, lại chính là điều Trung Cộng,
qua Tập Cận Bình, đã lập đi lập lại nhiều lần trên các diễn đàn Quốc tế hay các cuộc tiếp xúc với Hoa
Kỳ. Những nhắc nhở về “lòng tin chiến lược” kia ngụ ý kêu gọi các cường quốc Tây Phương hãy tôn
trọng một số thoả thuận với Trung Cộng nhằm “định vị” số phận các nước nhỏ như Việt Nam.
Đọc kỹ các bản tuyên bố chung Việt-Trung, người ta nhận thấy các bản tuyên bố này đã kết thành một
vòng thòng lọng ngày càng làm Đảng Cộng Sản Việt Nam lệ thuộc thêm vào Đảng Cộng Sản Trung
Quốc và qua đảng này tương lai dân tộc Việt Nam sẽ không còn dưỡng khí.
Trong hồi ký “Thời Đại Của Tôi”, giáo sư Vũ Quốc Thúc đã viết như sau về bản tuyên bố chung
Việt-Trung năm 2005:
“Đọc những giòng vừa kể, chúng tôi vô cùng lo ngại và phẫn nộ. Với những lời cam kết như vậy, liệu
rằng chúng ta còn giữ được nền độc lập của dân tộc không? Chúng ta có thể mặc cho một nhóm tay
sai của Trung Cộng bán nước như vậy không?… Hiểm họa Bắc thuộc không còn là một nguy cơ trừu
tượng, xa xôi nữa: nó đã hiện diện cụ thể trên quê hương chúng ta rồi! Trung cộng không cần chiếm
đóng nước ta bằng quân đội mà cũng chẳng cần đặt căn cứ ở cảng Cam Ranh nữa làm chi!
Trung Cộng chỉ cần yểm trợ một số các tay sai trung thành, nắm chắc bộ máy Đảng Cộng Sản Việt
Nam. Với bản Hiến Pháp, các định chế và tổ chức sẵn có, nhóm tay sai này đương nhiên biến thành
một thứ “đô hộ phủ” hết lòng phục vụ “thiên triều”.
Nên làm gì để đối phó với nguy cơ này? Chúng ta không còn một đường lối nào khác là cấp tốc thay
thế chế độ Cộng Đảng toàn trị hiện thời bằng một chế độ thật sự dân chủ…. trong đó mọi quyền
quyết định được trả lại cho toàn thể công dân. Điều này có nghĩa là phải bãi bỏ bản Hiến Pháp hiện
hành.
(Hồi ký “Thời Đại Của Tôi”, Vũ Quốc Thúc, quyển 1, trang 372-376).
Những phân tách và nhận xét như trên của Giáo Sư Vũ Quốc Thúc về bản tuyên bố chung Việt-Trung
năm 2005 vẫn còn giá trị cho đến ngày hôm nay. Thực vậy, sau cuộc viếng thăm của Hồ Cẩm Đào tại
Hà Nội và bản tuyên bố chung năm 2005 là những cuộc viếng thăm giữa lãnh đạo hai đảng và các
bản tuyên bố chung các năm 2006, 2008, 2011 và mới đây nhất 2013. Các bản tuyên bố này đều rập
khuôn theo một mẫu bố cục, hành văn, lập đi lập lại những danh từ “nhất trí”, “làm sâu sắc thêm”,
“chiến lược toàn diện”, “lòng tin chiến lược”, “phát triển ổn định”, “đi vào chiều sâu”. Các bản tuyên
bố ngày càng dài thêm như một sợi dây xích trói chặt, đầu, mình, chân, tay, thân thể đất nước và dân
tộc Việt Nam, không những trên thế hệ này mà trên cả những thế hệ con cháu chưa sinh ra. Bản
tuyên bố chung năm 2006 có 2047 chữ, bản năm 2008 có 2,290 chữ, bản năm 2011 có 3,227 chữ,
bản năm 2013 có 3,697 chữ.
Tất cả những gì Trung Cộng và Cộng Sản Việt Nam gọi trong các bản “tuyên bố chung”, là “lòng tin
chiến lược”, là “16 chữ vàng”, là “4 chữ tốt” đều qui vào hai điểm trọng tâm. Một là về mặt khai thác
tài nguyên: hợp tác có nghĩa là Việt-Tàu hợp tác khai thác tài nguyên của Việt Nam trên đất Việt Nam,
trên và dưới biển Việt Nam. Hai là về mặt an ninh, quốc phòng, ngoại giao, văn hoá, tư tuởng: hợp tác
có nghĩa là Việt Nam phải học tập và sống theo văn hoá Tàu. Việt Nam phải phục tòng Trung Cộng,
không được che dấu Trung Cộng bất kỳ điều gì trên các hồ sơ an ninh, quốc phòng, ngoại giao.
IV- Không thể chờ đợi hơn nữa! Phải chặt đứt giây xích Trung Cộng với Việt Cộng, giây xích Đảng
Cộng Sản Việt Nam với dân tộc Việt Nam.
Hoa Kỳ mới đây, ngày 4 tháng Bảy, 2013, đã long trọng kỷ niệm 237 năm Tuyên Ngôn Độc Lập. Hồ
Chí Minh từng mượn nguyên văn câu văn bất hủ nói về quyền bất biến của con người được sống,
được tự do, được mưu cầu hạnh phúc. Nhưng Hồ Chí Minh đã bỏ không nói đến phần kế tiếp trong
Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ.
Phần kế tiếp nói như sau:
“To secure these rights, governments are instituted among Men, deriving their just powers from the
consent of the governed, that whenever any form of government becomes destructive of these ends,
it is the right of the People to alter or to abolish it… When a long train of abuses and usurpations…
evinces a design to reduce them under absolute despotism, it is their Right, it is their Duty, to throw
off such government….!”
(Để bảo đảm cho những quyền trên, các chính quyền đã được thiết lập, với quyền hạn phát xuất do
sự đồng thuận của người dân. Và khi nào chính quyền này lại hủy diệt những quyền của người dân
thì chính người dân có quyền thay đổi hay hủy bỏ chính quyền… khi một chuỗi dài của lạm quyền và
tiếm quyền bộc lộ rõ ràng ý đồ triệt hạ ý chí của người dân và đẩy họ vào một chế độ chuyên chế, thì
người dân có quyền, và không những thế, có bổn phận, lật đổ chính quyền này…!)
Ý niệm lệ thuộc ngoại bang bằng cách chi phối và kiểm soát chặt chẽ người dân được Alesis De
Tocqueville phân tách trong cuốn Democracy in America xuất bản năm 1835.
“After having thus successively taken each member of the community in its powerful grasp, and
fashioned him at will, the supreme power then extends its arm over the whole community…..The will
of man is not shattered, but softened, bent, and guided; men are seldom forced by it to act, but they
are constantly restrained from acting: such power does not destroy, but it prevents existence; it does
not tyrannize, but it compresses, enervates, extinguishes, and stupefies a people, till each nation is
reduced to be nothing better than a flock of timid and industrious animals, of which the government is
the shepherd.”
(Sau khi đã giữ chặt được các phần tử cộng đồng trong nắm tay quyền lực, và vo tròn họ theo ý
muốn, thế lực tối cao sẽ vươn dài bàn tay kiểm soát lên tất cả cộng đồng …Ý chí con người không bị
hủy diệt hoàn toàn, nhưng sẽ bị mềm yếu, uốn nắn, và bị điều khiển; con người không phải bị ép buộc
hành động nhưng bị ngăn cản để không thể hành động; thế lực này không gây nên hoảng hốt nhưng
dồn ép, tiêu hủy và dập tắt nghị lực, khiến con người trở thành ngơ ngác, cho đến khi mỗi dân tộc đều
biến thành không gì hơn là một bầy thú nhút nhát, ngoan ngoãn siêng năng, mà người chủ chăn không
ai khác hơn là bộ máy chính quyền.)
Hiểu được như trên chúng ta mới hoàn toàn ý thức được mối nguy hiểm của các bản tuyên bố chung
bao gồm những cam kết khi bí mật, khi công khai, giữa Cộng Sản Việt Nam và Trung Cộng. Đây là
những sợi dây xích của Trung Cộng tung ra, tương tự như “lưỡi bò” trong vùng Biển Đông, nhằm trói
chặt, qua bàn tay của Đảng Cộng Sản Việt Nam, đời sống của dân tộc Việt Nam.
V- Đất Nam là của người phương Nam
Trên bờ sông Như Nguyệt cách đây đúng 937 năm, đối đầu với quan nhà Tống, Lý Thường Kiệt đã
dõng dạc tuyên bố: “Nam Quốc sơn hà Nam đế cư, tiệt nhiên định phận tại thiên thư.” (Núi sông
nước Nam, vua Nam ở. Điều đó đã được định nơi sách trời). Quân nhà Tống sau đó đã đại bại phải
rút quân về nước. Lý Thường Kiệt lấy lại những châu quận bị quân Tống chiếm đóng và nhà Tống
sau đó phải trả lại châu Quảng Nguyên cho Đại Việt. (quốc hiệu của Việt Nam thời bấy giờ).
(“Nhìn Lại Sử Việt”, Tự Chủ I, Lê Mạnh Hùng, tr. 106-108, Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ,
2009).
Câu nói của Lý Thường Kiệt mới thực sự là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam và còn
vang dội cho đến ngày nay. Chúng ta phải lấy câu này để thay thế cho châm ngôn 16 chữ vàng, 4
chữ tốt, mà Trung Cộng và Cộng Sản Việt Nam đã cam kết với nhau và áp đặt lên dân tộc Việt Nam.
Tình trạng hiện nay của Việt Nam là tình trạng “một cổ hai tròng”. Tròng đầu là Đảng Cộng Sản Việt
Nam. Tròng hai là Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Phải chặt đứt cả hai tròng, trước tiên là tròng một.
Thế hệ Việt Nam hôm nay, trong cũng như ngoài nước, phải làm được hai việc này mới giải thoát dân
tộc thoát khỏi đại hoạ Bắc xâm.
Chúng ta đã từng nghe câu: ‘Tru bạo quốc chi quân, nhược tru độc phu” (trừ một bạo chúa cũng
giống như trừ một tên vô loài). Tư tưởng Á Châu này đã gặp cùng một tư tưởng Tây Phương qua
John Locke, Thomas Paine, Thomas Jefferson, Alexis De Tocqueville hàng trăm năm trước đây.
Chúng ta không cần phải kiến nghị yêu cầu Cộng Sản hủy bỏ Điều 4 Hiến Pháp nữa. Chúng ta thừa
biết hiến pháp 1992 và điều 4 Hiến Pháp đó do Cộng Sản Việt Nam tự ý viết ra, và vì thế chúng ta
xem nó mặc nhiên vô hiệu. Chúng ta không công nhận Đảng Cộng Sản Việt Nam là lực lượng tiền
phong của dân tộc. Một đảng bán nước cầu vinh không thể là một đảng tiền phong của dân tộc.
Đảng Cộng Sản Việt Nam phải ra đi để trả lại cho dân tộc quyền sống, quyền tự do, và quyền mưu
cầu hạnh phúc.
Chúng ta không công nhận các cam kết giữa Đảng Cộng Sản Việt Nam và Đảng Cộng Sản Trung
Quốc. Các cam kết trong tất cả các thoả hiệp, bản ghi nhớ, thoả thuận, song phương, là cam kết
riêng giữa hai đảng cộng sản, không có một giá trị pháp lý nào đối với dân tộc Việt Nam, hôm nay và
mãi mãi ngàn sau.
Phần trên của bài viết có trích dẫn một đoạn lấy từ quyển Democracy in America. Nay xin trích dẫn
thêm một đoạn nữa, cũng từ sách đã dẫn, đoạn này tuy được viết ra cách đây 178 năm, vẫn còn là
những nhận xét có thể áp dụng cho một số người Việt Nam ngày nay tại Hoa Kỳ. Quan sát về người
dân Mỹ tại lục địa, Alexis De Tocqueville viết như sau:
“The first thing that strikes the observation is an innumerable of men, all equal and alike, incessantly
endeavoring to procure the petty and paltry pleasures with which they glut their lives. Each of them,
living apart, is as a stranger to the fate of all the rest, his children and his private friends constitute to
him the whole of mankind; as for the rest of his fellow-citizens, he is close to them, but he sees them
not; he touches them, but he feels them not; he exists but in himself and for himself alone; and if his
kindred still remains to him, he may be said at any rate to have lost his country.”
(Điểm đầu tiên đập mắt vào sự quan sát là con số đông không đếm xuể những người, tất cả đều bình
đẳng và giống y hệt nhau, không ngừng mải mê theo đuổi những thú vui nhỏ nhoi, vô nghĩa, đến mức
độ phủ phê. Mỗi một người, sống riêng rẽ, hoàn toàn xa lạ với những người khác. Đối với số người
này thì chỉ con cái họ, và bạn bè riêng của họ, là tất cả nhân loại; với những đồng bào của họ, thì tuy
họ có gần nhưng không thấy; có tiếp xúc nhưng vô cảm; họ sống đó nhưng chỉ sống cho họ; và cho
dù họ vẫn còn những thân quyến xung quanh, ta có thể xem như họ đã đánh mất quê hương).
(Democracy of America, Alexis De Tocqueville, Part II, Book Four)
Giặc đã tới. Nước nhà đang lâm nguy. Tương lai của cả một dân tộc đang bị đem bán cho giặc để
đổi lấy lợi riêng cho đảng Cộng Sản và cho cá nhân đảng viên, gia đình, bè phái. Nếu người Việt thế
hệ này chỉ biết lo gây dựng và bảo vệ tài sản riêng thì ai sẽ gây dựng và bảo vệ gia tài chung mà ông
cha tổ tiên đã để lại? Xin hãy xét lại lối sống với đồng bào, sống nhờ đồng bào nhưng lại vô cảm (He
touches them, but he feels them not- Alexis De Tocqueville). Quá khứ, hiện tại và tương lai đều quấn
quyện vào nhau trên dòng lịch sử. Hiện tại vừa là sản phẩm máu và nước mắt, lẫn với công trình dựng
nước lẫy lừng của Tổ Tiên, vừa là mầm sống yêu thương, hãnh diện cho thế hệ mai hậu. Như vậy mỗi
chúng ta, sống trong hiện tại, hiển nhiên có hai nghĩa vụ: nghĩa vụ tạ ơn Tổ Tiên đã chết cho quyền
sống của dòng giống Lạc Hồng, nghĩa vụ đối với con cháu ra đời từ những giọt máu nồng ấm của
chính chúng ta.
Hoạ Bắc xâm trên quê hương Việt Nam hiện nay là thanh âm, từng ngày một, vang vang trong tâm
thức mỗi chúng ta, thôi thúc chúng ta phải lên tiếng đòi công lý: Bởi lẽ khi kẻ cướp cưỡng chiếm ngôi
nhà của ta, nếu ta không phản kháng quyết liệt, thái độ thụ động của ta sẽ bị công lý và công luận thế
giới ghi nhận hoặc ta không phải là chủ ngôi nhà, hoặc là ta đã từ bỏ quyền sở hữu chủ trên căn nhà
của ta. Trong cả hai hoàn cảnh pháp lý đó, chúng ta sẽ là người vĩnh viễn mất căn nhà! Nhà Việt Nam,
nhà của Tổ Tiên Việt Nam, nhà của mỗi đồng bào Việt Nam. Nhân cách làm Người, lương tâm làm
Dân hối thúc tất cả người Việt Nam trong cũng như ngoài nước hãy quyết liệt phản kháng giặc Bắc
xâm Trung Cộng, phản kháng Cộng Sản Việt Nam bán nước. Hình thức phản kháng rõ ràng nhất,
vang dội nhất chính là sự thể toàn dân Việt Nam một lòng nắm tay nhau tấn công Trung Cộng và
Công Sản Việt Nam trên các trận địa chính trị, kinh tế, ngoại giao, truyền thông… và trên bất kỳ trận
địa nào mà người Việt Nam có khả năng. Đó là công lý của loài người. Đó là tim óc của người yêu
nước được diễn tả bằng hành động cụ thể.
California, ngày 21 tháng 7, 2013
© Phan Quang Tuệ, Đỗ Thái Nhiên